Hóa vàng cho bố

Thứ Tư, 28/03/2018, 07:49
Lần nào ra mộ bố, mẹ tôi cũng bày lên đó một vài chai rượu ngon, bà cẩn thận mở nút từng chai, đặt ngay ngắn cùng hoa, trái cây theo mùa.

Khi còn ở với các con, bố tôi uống rượu rất nhiều, có những lúc không uống là toát mồ hôi hột, chân tay run lẩy bẩy. Ngày bố đi, mấy mẹ con ngồi với nhau, chị bảo thôi đưa bố về Vĩnh Hẵng chôn vĩnh viễn, không hỏa táng đâu, thương lắm.

Tôi không biết làm lễ, đứng xa xa ngắm mẹ loay hoay, chăm chút bày biện từng thứ cẩn thận theo thứ tự gọn gàng trên nấm mộ cỏ cây xanh rì.

- Mẹ buồn cười thật đấy, lúc bố còn sống thì giấu tiệt rượu trong nhà. Bây giờ ông mất rồi thì chiều nhau thế cơ mà.

Mẹ cười. Hồi đó, mẹ giữ sức khỏe cho ông, kiểm soát ngặt nghèo việc dùng rượu, sáng 1 cữ, trưa 1 và tối 2 cữ. Mùa hè có thêm cháo đậu xanh, chè sắn bổ dưỡng để chật tủ lạnh. Nhưng bố tôi uống theo kiểu bao cấp ấy luôn không đủ “đô”, ông tìm rượu như siêu nhân, dạo vòng quanh nhà, ngửi ngửi là biết giấu cồn khu vực nào. Có lần chị giấu rượu trong tủ bếp lẫn với chai lọ nước mắm, tối về chai rượu vẫn hết sạch.

Đợi hết tuần hương, mẹ lau chùi sạch sẽ bia mộ, đưa tôi vàng mã ra hóa. Tôi thích công việc này, ngồi nhớ bố thôi, túc tắc bóc từng tờ tiền âm phủ thả vào ngọn lửa để tất cả phải cháy gọn, Quần áo, mũ giày, caravat cũng vậy… Lo sợ rằng nếu tờ tiền kia không cháy hết bố dưới đó sẽ phải tiêu tiền rách, mà người ta có bằng lòng nhận tiền rách không lại khổ ông.

Có những việc tâm linh nhiều người tỉnh táo khảng khái cho là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng quả thật, đôi khi lại an ủi được những người còn sống.

Gia đình tôi, bạn bè nữa, phần lớn thế hệ cha mẹ đều sinh ra và lớn lên từ nông thôn Bắc Bộ, giữ chặt và trân trọng nhiều điều bị coi là mê tín, hủ tục và họ vẫn giữ chặt điều đó cho tấm lòng thanh thản. Mẹ bạn tôi còn chuẩn bị sẵn cho các con ảnh thờ, là bức ảnh bà thích vì đủ tươm tất, trẻ đẹp. 

Bà bảo không chuẩn bị sau mấy đứa chúng cho ảnh bác già xấu bên cạnh bác trai, không có được đâu các con. Hôm ấy bác cũng gửi xuống “dưới kia” điện thoại di động và cái iPad cho ông đọc báo.

Tôi rất nhớ lời dẫn Chuyện Tử Tế của bác Trần Văn Thủy, “Người ta trở về đất trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những con đường khác nhau, mang theo xuống mồ điều thiện và ác khác nhau. Ai cũng mong muốn trông thấy đồng loại của mình có mồ yên mả đẹp, nhưng mong muốn hơn và an ủi được con người hơn vẫn là sự tử tế, là tình thương yêu, là công đức người quá cố để lại cho đời, đừng để rồi mai mốt mang theo xuống mồ một nỗi buồn còn lớn hơn phần mộ của mình…”.

Việc mẹ tôi đưa tôi đi học những thứ bà mong muốn về lễ nghĩa, cách cúng bái ông bà, bố…có lẽ là một thông điệp dài. Tôi luôn cố ghi nhớ, cách của những người còn sống đây vẫn biết yêu thương nhau và cả dành cho người đã khuất, không bao giờ là thừa.

Nếu các bạn cho rằng việc hóa vàng hay những nghi lễ cũ đã hằn ghi qua nhiều thế hệ là Có vấn đề, xin hãy có góc nhìn thoáng, mỗi người có góc văn hóa, tập tục để được an lòng ghi trong ký ức, tình cảm - nợ đời gánh trên lưng cũng khác nhau - dù lúc còn sống cũng vẫn hết lòng tử tế - nhưng hình như với không ít người, điều đó chưa bao giờ đủ.

Hoàng Minh Trí
.
.