Cá nhân và đám đông

Thứ Tư, 11/07/2018, 07:22
Làng tôi ngày xưa có ông Tú Quỳ, được gọi là "danh sĩ Quảng Nam", nhưng khoảng 100 năm nay không ai xếp tác phẩm của ông vào "thơ văn yêu nước". 

Lý do là ông phản đối các hành vi bạo lực ức hiếp dân lành của nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu và phong trào Nghĩa hội chống Pháp.

Trong bài "Vè đánh đạo", Tú Quỳ đã lên án mạnh mẽ việc Nghĩa Hội giết chóc, truy sát những người theo đạo Công giáo. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên, nếu không muốn nói là tác phẩm duy nhất tỏ thái độ thẳng thắn của một sĩ phu trước hành vi tàn bạo của một phong trào mệnh danh là phong trào yêu nước thế kỷ 19. Vì bài vè đó mà suýt nữa ông đã bị những người yêu nước sát hại. 

Phải đọc "Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia…" trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu mà chúng ta vẫn mang ra dạy cho học trò mới thấy hồi xưa diệt đạo cũng là "yêu nước". 

Ngày nay, giới nghiên cứu đã "minh oan" cho ông Tú Quỳ, Đà Nẵng cũng đã có con đường mang tên ông, nhưng nghĩ đến ông tôi vẫn sợ hãi thứ yêu nước được nâng lên thành ngọn cờ tập hợp đám đông của những người làm chính trị.

Ở phương Tây, Hitler tập hợp đám đông cũng bằng ngọn cờ yêu nước. Tuyên bố xóa bỏ hòa ước Versailles 1919 mà các nước thắng trận đã áp đặt bất công lên dân tộc Đức, tuyên bố biến nước Đức thành cường thịnh, tái vũ trang để trả thù nỗi nhục thua trận, Hitler đã khơi dậy cao độ tinh thần yêu nước của người Đức. 

Chính đám đông đã đưa Hitler lên cầm quyền và điều gì đã xảy ra thì cả thế giới đều biết.

Đó là điển hình của lòng yêu nước đặt không đúng chỗ, trở thành "vết xe đổ" trong lịch sử nhân loại. Bi kịch của nó không chỉ là bị những kẻ ác như Hitler sử dụng. 

Bi kịch của nó còn ở chỗ, đám đông đưa ra những tiêu chí, những chuẩn mực như thế nào là yêu nước và buộc mọi người phải tuân thủ, nhân danh những "điều tốt". 

Một xã hội mà ai cũng bị buộc phải làm những "điều tốt" theo chuẩn mực của đám đông, đó không phải là xã hội tự do mà là xã hội cưỡng bức. Ở nước ta, yêu nước là truyền thống lâu đời trở thành máu thịt của người dân, đó là lý do nước ta trường tồn. 

Trong nội bộ nhân dân, chẳng ai tự xưng mình yêu nước để tố cáo người khác là không yêu nước cả.

Những người theo chủ nghĩa tự do chân chính chủ trương tạo ra một xã hội, ở đó tự do cá nhân được tôn trọng. Đó là xã hội khoan dung đủ chỗ cho mọi sự khác biệt, miễn là tự do của người này không xâm phạm đến tự do của người khác. 

Chỉ có tự do cá nhân được tôn trọng thì mới có dân chủ đích thực, mới có văn minh đích thực, mới nuôi dưỡng được lòng yêu nước chân chính.

Ngày nay mạng xã hội là nơi chia sẻ thông tin, tri thức, kinh nghiệm, sở thích trong cộng đồng, nó vốn là môi trường giao lưu giữa các cá nhân tự do như bất cứ môi trường giao lưu nào trong đời thực. Nhưng môi trường này đang bị lợi dụng để "tập hợp quần chúng". 

Một đám đông đang được hình thành, trong đó phần lớn là những kẻ giấu mặt, vì môi trường ảo trên mạng xã hội có thể giấu mặt được. Họ kêu gọi yêu nước, kêu gọi dân chủ. Họ mặc định rằng, "cộng sản Việt Nam bán nước cho Trung Quốc" nên yêu nước nhất định phải chống chế độ. Họ mặc định rằng, "Nhà nước cộng sản là đàn áp dân chủ", nên đấu tranh cho dân chủ nhất định phải chống nhà nước. 

Nước ta đã xóa chế độ tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang kinh tế thị trường. 

Lẽ ra những người nhân danh tự do dân chủ phải ủng hộ những nỗ lực của Nhà nước tiến tới hoàn thiện cơ chế thị trường, kéo theo đó là những nỗ lực mở rộng tự do và dân chủ, chỉ phê phán tình trạng quan liêu cản trở sự vận hành của thị trường và bóp nghẹt tự do dân chủ, nhưng họ không thừa nhận bất cứ sự thật nào nếu như sự thật đó không chống lại chế độ, không chống lại nhà nước. 

Ai khác quan điểm của họ, lập tức bị họ quy kết là "bồi bút", "đĩ bút", "dư luận viên" và huy động đám đông "ném đá" tới tấp vào người đó. "Ném đá" trên mạng xã hội dĩ nhiên không làm chết ai, nhưng nếu như những người này xuất hiện ngoài đời thật và ném đá thật thì chắc chắn có nhiều người chết hoặc bị thương thật.

Biết "ném đá" trên mạng không làm chết ai, nên họ tìm cách bịa đặt, ngụy tạo những chuyện xấu xa về đời tư để bôi nhọ, khiến cho vợ chồng người thân nghi kỵ lẫn nhau, khiến cho cha mẹ con cái của những người này xấu hổ. Vì họ giấu mặt nên không ai kiện được họ, luật pháp không chế tài được họ. 

Nhiều người lương thiện tôn trọng sự thật cũng phải sợ họ, không dám động đến họ, thậm chí không dám nói trái ý họ, vì những người lương thiện này sợ mình sẽ trở thành nạn nhân bị họ bịa đặt bôi xấu. Không ít người đã phải từ bỏ mạng xã hội để sống cho an toàn.

Đó là sự rủi ro khi tham gia mạng xã hội. Nhưng tôi biết lợi ích mà mạng xã hội mang lại lớn hơn nhiều so với sự rủi ro đó. 
Hoàng Hải Vân
.
.