Sự bình đẳng của những cái tên

Thứ Tư, 20/09/2017, 17:03
Khi mới sinh ra đời ai cũng được cha mẹ đặt cho một cái tên. Tên nôm na hay tên chữ… đều mang một ý nghĩa nhất định đối với đấng sinh thành, đối với con người nhỏ bé vừa mới chào đời.

Lớn lên, tên của mỗi người không chỉ là dấu hiệu đầu tiên để phân biệt mình với người khác, mà tên gọi còn được kèm theo nhiều danh xưng, chức tước, cấp bậc, học vị… 

Mỗi khi mọi người nhắc đến thì tên gọi sẽ là niềm kiêu hãnh hay nỗi ô nhục, nếu người mang tên "nổi tiếng" hay "tai tiếng". Và do đó, cũng như con người, tên gọi của mỗi người cũng phải được bình đẳng với nhau, trong mọi trường hợp.

Lâu nay nhiều báo in và nhất là báo mạng đưa tin đã "phát hiện" cô người mẫu này, cô hoa hậu hoa khôi kia, cô diễn viên nọ… trong đường dây bán dâm với giá nghìn "đô". 

Lập tức tên tuổi, danh hiệu, biệt hiệu, quê quán, nơi ở, nơi "làm việc", thậm chí cả hình ảnh của các cô đều "được" đưa lên mặt báo và mạng với những lời tường thuật sự việc không mấy khách quan và mang đậm sự kỳ thị, bất bình đẳng về giới, bởi thông tin về (những) người đàn ông mua dâm rất khiêm tốn: hầu như không tên tuổi, không nghề nghiệp, không hình ảnh, và cả cách xử lý (hình phạt) cũng không! 

Cùng lắm chỉ là một danh từ chung "đại gia" và cái tên viết tắt (chắc đưa ra để câu khách?!). Thậm chí chuyện nhà, người nhà của các cô gái bán dâm cũng bị đưa lên mặt báo, bất chấp nguyên tắc làm báo và đạo đức tối thiểu của nghề báo.

Nhưng, khi "nói lại" những người đàn ông mua dâm ấy không phải là (những) đại gia quan chức mà chỉ là "nông dân mới bán đất" hay "đại gia chân đất" thì lập tức, bắt đầu hé mở những cái tên viết tắt dài hơn vì có cả họ và chữ lót, kèm địa chỉ nơi ở khá cụ thể.

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật! Lẽ nào chỉ có gái bán dâm mới làm xã hội băng hoại về đạo đức? Lẽ nào chỉ có nông dân chân đất mua dâm mới là xấu xa? Cách thông tin trên báo chí như vậy đã thể hiện sự bất bình đẳng trong truyền thông, và sau đó là trong luật pháp, ngoài sự bất bình đẳng về giới rất rõ ràng.

Sự bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua, và từ những chuyện như thế!

Và buồn thay, phản ứng lại sự bất bình đẳng này hình như chỉ thấy trên các mạng xã hội, vốn không được xem là truyền thông "chính thống"! 

Nguyễn KC Hậu
.
.