Đối thoại với trẻ con

Thứ Bảy, 09/12/2017, 08:44
Đối thoại với trẻ luôn khó, nhất là trong những tình huống nhạy cảm dù tâm niệm sâu trong lòng mong muốn những điều tử tế đối với con...

Cách đây lâu lâu, giữa đêm trên news feed tôi có ai đó share ảnh một bé gái tóc tai bù xù đang nằm sấp dưới đất, nội dung ảnh trên chính tài khoản của cháu do bố cháu biên nội dung "tố" con gái mình ăn cắp tiền của bà nội, của bố, của em gái, của bác giúp việc…

Bé gái học lớp 6 nằm trên sàn kia vừa ăn trận đòn, ông bố nhắc bạn bè cháu chú ý điều này.

Ông bố trẻ cả giận mất khôn, tôi nghĩ vậy. Mấy anh em nhao vào khuyên can và ông bố đã xóa bức ảnh đó sau khoảng 10 phút. Hi vọng sự việc giữa đêm khuya đã không kịp tiếp cận nhóm bạn của cháu.

Trẻ con có tính tắt mắt luôn là bài toán giáo dục vô cùng khó với người lớn. Nếu xảy ra oan uổng cho trẻ thì thậm chí kết quả còn tồi tệ hơn. Hồi còn nhỏ, tôi từng chứng kiến một đứa trẻ nghịch ngợm bị bố lột trần trói vào ghế đánh giữa phố bằng roi bện dây điện bởi mẹ nó mất một khoản tiền. 

Nó không khóc suốt trận đòn ấy. Khi được thả ra nó bỏ nhà đi. Mẹ nó tìm thấy tiền do đãng trí giấu trong tủ quần áo mà quên mất. Nó đi thật, một mạch mấy năm, thoắt ẩn thoắt hiện về phố và trở thành một đứa trẻ trộm cắp chuyên nghiệp ngoài bến xe Kim Mã những năm bao cấp.

Hôm nay lại đọc được một đoạn tâm sự của phụ huynh trong diễn đàn "Chuyện là thế này", có đoạn:

"Gia đình bạn em có một cháu trai 8 tuổi học lớp 3 tại trường tiểu học nội thành Hà Nội. Hôm ấy, lớp cháu có bạn mất 50 nghìn. Cô giáo khám cặp cả lớp thì thấy túi cháu cũng có tờ 50 nghìn được mẹ cháu cho buổi sáng đi mua sách.

Cô giáo gọi cháu lên trước lớp hỏi nguồn gốc tờ tiền, nói sẽ gọi điện cho mẹ cháu xác minh nhưng sau đó cũng không gọi mà lại thu luôn tờ 50 nghìn, nói là sẽ mang ra công an soi dấu vân tay tìm thủ phạm.

Mẹ cháu đến đón cũng xác nhận có cho con tiền. Cô giáo trả lại tờ tiền nhưng việc cô gọi mình cháu lên hỏi khiến cả lớp đều nghĩ cháu là thủ phạm ăn cắp dù chẳng có bằng chứng hay kết luận gì.

Vụ việc xảy ra cũng đã 1 tuần. Cháu đi học về kể chuyện bị một số bạn tẩy chay, một số bạn gọi là "thằng ăn cắp", khiến cháu rất buồn và khủng hoảng. Hiện giờ, gia đình người bạn em đã nghĩ đến chuyện sẽ chuyển trường cho cháu nhưng vấn đề sâu xa hơn về cách xử lý những vụ mất cắp trong lớp học thực sự khiến em băn khoăn.

Mong các anh chị trong group cùng chia sẻ ý kiến".

Đám trẻ con kia có thể mờ nhạt dần và quên, nhưng đứa trẻ nạn nhân sẽ khó lành được tổn thương tâm lý, e ngại, dè chừng, sợ hãi…

Lớp con trai tôi cũng xảy ra mất mát lặt vặt, dụng cụ học tập, thi thoảng là tiền, không ai khẳng định được. Thậm chí có bạn chỉ là nghịch ngợm lấy bút bạn này giấu vào cặp một bạn mới chuyển tới, cô giáo cũng "khám xét" khiến phụ huynh vô cùng bực bội.

Tôi góp ý là nên lắp camera trên lớp, 1 mất 10 ngờ, nhất là với trẻ con như tình huống nêu trên. Nhóm phụ huynh người đồng tình người không, camera có thể không cần hoạt động, chỉ mang tính răn đe rằng này các cậu, người lớn biết hết đấy nhé, đừng có nghịch. Cuối cùng khi bình tĩnh đối thoại lại từng cháu, ngoài vụ việc giấu đồ trêu bạn, các vụ mất mát khác hoàn toàn do trẻ hiếu động, nhớ quên, vứt đồ đạc bừa bãi và thất lạc.

Tôi cũng có một lần tra khảo ông con đến lúc nó tấm tức khóc đỏ hoe mắt vì bạn anh ý đến chơi nhà và "mất" một món đồ chơi mà ông con cũng rất thích. Không hiểu sao khi đó tôi tin tuyệt đối là ông con giấu đồ chơi của bạn, hóa ra không phải, hai đứa nghịch rồi rơi trong gầm giường. Tôi ân hận mãi điều đó.

Đối thoại với trẻ luôn khó, nhất là trong những tình huống vậy dù tâm niệm sâu trong lòng mong muốn những điều tử tế đối với con. Viết hơi dài chuyện này, mong các bố mẹ rút ra được điều gì đó trong chia sẻ này.

Hoàng Minh Trí
.
.