Thiên tử không có việc riêng!

Thứ Hai, 19/08/2019, 10:19
Làm chính trị tựu trung có hai con đường, hoặc là trở thành lãnh đạo (thủ lĩnh, chúa công, quân vương…) hoặc trở thành mưu sĩ. Ở đây chỉ nói mưu sĩ.

Mưu sĩ tựu trung có hai loại: Loại thứ nhất chuyên ca ngợi lãnh đạo, giống con chim trong lồng suốt ngày hót cho lãnh đạo vui tai. Khi nào lãnh đạo còn thích nghe hót thì loại này được vinh thân phì gia, khi nào lãnh đạo không thích nghe hót nữa thì bị vứt vào sọt rác. Loại thứ hai là những người thực tài có mưu lược. Ở đây chỉ nói loại thứ hai này.

Lỗ Tấn nói, phàm là mưu sĩ thì thỉnh thoảng phải tỏ ra không biết, nếu cái gì cũng không biết thì bị khinh, nếu cái gì cũng biết thì bị ghét. Chỉ nên tỏ ra biết những thứ lãnh đạo cần, như vậy tài năng mới được tin dùng, tánh mạng mới được bảo đảm. Tỏ ra biết những thứ chỉ lãnh đạo được biết, hoặc khoác lác về những thứ mà lãnh đạo không cần, đều rất khó giữ được thân.

Thời Tam Quốc, Dương Tu mang họa sát thân là do thị tài. Anh ta hiểu bụng Tào Tháo đến mức biết ngày hôm nay Tháo sẽ hỏi những gì, nên có lần đi chơi, anh ta ghi sẵn những câu trả lời trong tờ giấy xếp theo thứ tự giao cho thuộc hạ, hễ Tào Tháo hỏi thì lần lượt đưa tờ giấy ấy ra. Không may anh thuộc hạ làm rơi xấp giấy, nhặt lên xếp lại không đúng thứ tự, nên Tháo hỏi gà trả lời vịt.

Chẳng có nhà lãnh đạo nào thích một mưu sĩ coi trời bằng vung như vậy. Tam Quốc chí diễn nghĩa còn ghi một số giai thoại Dương Tu đoán được ý của Tào Tháo như thế nào, cuối cùng thì từ khẩu lệnh "kê cân" Tu đề nghị các tướng sĩ chuẩn bị thu dọn hành trang trước để khi có lệnh khỏi bị lụp chụp, vì Tu đoán Tháo sẽ cho lui binh, Tu bị giết vì vi phạm quân kỷ (ông La Quán Trung đã cho Tu chết trước một thời gian, vì theo sử liệu thì đến khi cùng với Tào Thực say rượu hành hung tướng sĩ Tu mới bị giết).

Tào Tháo vốn rất ghét những kẻ thị tài mà không làm nên trò trống gì. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính khiến cho Dương Tu phải bỏ mạng là đoán sai một ý định hết sức quan trọng của Tào Tháo. 

Tào Tháo rất yêu thương Tào Thực, nhưng yêu thương không có nghĩa là sẽ nhường ngôi cho Thực. Tháo biết Thực có tài văn chương thơ phú, nhưng trị nước thì Tháo đâu phải mù mà không biết Thực không có khả năng. 

Thế mà Dương Tu lại công khai ủng hộ Thực, đàn đúm rượu chè bày mưu tính kế cho Thực. Tháo phải giết Dương Tu để trừ mối họa về sau cho người con mà Tháo có ý định nhường ngôi là Tào Phi.

Những kẻ háo danh không làm được mưu sĩ, kẻ lắm lời không làm được mưu sĩ, người muốn thiên hạ coi mình là kẻ sĩ không làm được mưu sĩ. Mưu sĩ thực sự là những người ẩn giữa triều đình, họ là bậc đại ẩn. Cho nên lịch sử ít ghi tên họ, ở vào thời nay họ hầu như không xuất hiện trên truyền thông.

Xem bộ phim Vương triều Ung Chính tôi thích nhân vật Ô Tư Đạo. Ô tiên sinh là người bày mưu tính kế, giúp cho Ung Chính đối phó, xử lý vô số các tình huống khó khăn phức tạp nhất để cuối cùng trở thành hoàng đế. 

Sau khi lên ngôi, Ung Chính định bổ nhiệm ông làm một trọng thần, nhưng Ô Tư Đạo từ chối. Ông nói, thứ nhất tại hạ là người tàn tật (chân ông bị què), người tàn tật không được lên công đường; thứ hai, tại hạ chỉ là người bày những mưu vặt trong nhà cho hoàng tử, nay hoàng tử trở thành thiên tử, mà thiên tử thì nhất định không được dùng mưu vặt.

Ông cáo từ Ung Chính để về quê sinh sống. Trước khi đi, nghe một hoàng tử em của Ung Chính xin gặp riêng hoàng đế, Ô Tư Đạo nhắc Ung Chính: "Thiên tử không có việc riêng", đó là đại sự cuối cùng ông hiến cho hoàng đế trước khi giã từ chính trị để có thể sống trọn tuổi trời.

Hoàng Hải Vân
.
.