Đứng tại ngã ba sông, nghĩ về cuộc đời của tác giả "Ngã ba Hạc Phú"

Thứ Tư, 23/05/2018, 14:30
Hơn nửa cuộc đời gắn bó với thành phố Ngã ba sông, tôi lại suy nghiệm về tác phẩm bất hủ về ngã ba Hạc. Một ngã ba sông nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, vì vẻ đẹp hay vì bài thơ chữ Nôm của Nguyễn Bá Lân đã đưa cả thơ vào thắng cảnh thành kiệt tác.

Đang trong tháng Ba nguyệt lịch vừa qua ngày giỗ Tổ, như nghe trong xóm của sông Lô, sông Đà, sông Thao dư vang những tháng năm cuộc đời Tiến sĩ, Thượng thư quê gốc Từ Sơn, Bắc Ninh...

Đất Kinh Bắc - một cái nôi văn hiến của đồng bằng sông Hồng và đất nước, đã sinh ra bao tài danh, hào kiệt, trong đó có Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785). Dòng họ ông dịch chuyển về trấn Sơn Tây. Đời làm quan của ông qua nhiều vùng đất, nơi nào cũng để lại danh thơm. Và ông cũng không ngờ, bài phú khi ông du ngoạn đất Trung du, khiến tên tuổi ông lên hàng danh sĩ.

Khi Nguyễn Bá Lân từ trần, được triều đình truy tặng hàm Thái tể, tước Quận công. Nguyễn Bá Lân là một trí thức uyên bác, làm việc cẩn trọng, mà còn thanh liêm, chính trực hết lòng vì dân vì nước. 

Là một danh thần, nhà giáo, Nguyễn Bá Lân còn là một tác gia tên tuổi của nền văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Bài phú Nôm Ngã ba Hạc phú với lời thơ chuẩn nghiêm luật, ý tứ độc đáo, nhịp cuốn hút, có chất hóm hỉnh khi điêu luyện thủ pháp láy, điệp từ, dùng điển cố Việt hóa và điển cố Hán học tài tình, mở cho người đọc vùng không gian khoáng đạt, dập dìu xúc cảm, sống động - là bài phú tiêu biểu cho thể Phú Việt Nam, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tác gia viết phú sau này.

Ngoài ra, Nguyễn Bá Lân còn có nhiều bài phú và thơ vịnh bằng chữ Hán như Giai cảnh hứng tình, Dịch đình hương xa, Trương Hàn tư thuần lư… Thơ và Phú của ông đưa tên tuổi ông thành một tác gia tiêu biểu của thể Phú. Nguyễn Bá Lân là một danh Nho, danh thần, một nhân cách lớn, xứng đáng là một tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

Quốc Tử Giám hôm nay còn lại những văn bia, khi vang vọng những dòng tên. Trong giữa hội tao đàn của các bậc đàn anh, Nguyễn Bá Lân đang khiêm tốn ngồi kia cùng nâng chén với Lê Quý Đôn bác học - thông gia.

Để có cuộc gặp gỡ này, thế kỷ 18 đã phải viết sử bằng máu và nước mắt cùng với bao khôn dại lỡ lầm của cả vua, chúa, quan, quân; hình như có cả tiếng kêu van trời đất của muôn dân và danh nhân nữa. Nguyễn Bá Lân đang hãnh diện ngẩng cao đầu ngâm ngợi phú Nôm, phú Hán hay lầm lũi ở con ngõ nào của 36 cái phố phường Kẻ Chợ. Nội lực bừng lên, chuyển hóa thân vào "Ngã ba Hạc phú", làm bà đỡ cho Nguyễn Bá Lân sống cùng trời đất đến ngày hôm nay?

Thượng nguồn Sông Lô.

Viên mãn một cuộc đời đã làm rạng danh cho cả dòng họ Nguyễn Bá, vốn dòng thi thư trải từ Kinh Bắc qua vùng Cổ Đô (trấn Sơn Tây, nay thuộc huyện Ba Vì) đến trung du Phú Thọ bây giờ. Tất cả những gì mà Nguyễn Bá Lân gieo, gặt trong lịch sử đã thực sự trở thành điểm tựa và niềm tin cho an minh, hãnh diện và hình như có cả nỗi kinh hoàng tỏa sáng.

Choáng ngợp, xúc cảm đã tràn ra những câu thơ biền ngẫu đắm say của một tao nhân mặc khách đa tình: "Xinh thay ngã ba Hạc/ Lạ thay ngã ba Hạc/ Dưới hợp một dòng/ Trên chia ba ngác/Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp/Dòng biếc lẫn dòng đào/Lênh lang dễ biết nông sâu/Nước đen pha nước bạc".

Trớ trêu thay, ông sinh ra không phải chỉ để làm quan; chuyên tâm chăm chú cho mỗi một việc: điều binh khiển tướng. Tài năng đã chắp cánh cho ông. Đến lúc làm quan trong triều rồi, ông mới chợt vỡ ra rằng: chẳng để làm gì, nếu không "lập công, lập đức và lập ngôn".

Ở ông, còn có sợi dây tình cảm nào đấy, mật thiết và nhiều cung bậc rung lên từ phía khốn cùng. Ông nghe được và ông đau khổ. Bởi vậy, làm quan 50 năm, ông đã phải cùng một lúc chịu lực đè từ trên xuống và sự thúc giục từ dưới lên?

Ông đã biết bỏ qua cái nhỏ để làm nghiệp lớn. Sự lựa chọn bằng tài năng ấy của ông, phần nào đã đắp bù cho những sự thiếu hụt hết sức cơ bản và trầm trọng về văn hóa của cái thời vua Lê - chúa Trịnh đã vào hồi "mạt vận" ? Cũng có thể đấy còn là chủ định của ông muốn được tận mắt chính kiến cái "ngõ sau" của chế độ phong kiến Việt Nam trong thế kỷ đầy nhiễu nhương, ung nhọt.

Đắp chăn ấy, ngoài nỗi ấm lạnh do cảm giác, ông biết trước, đã nhận thấy trong thơm tho giả tạo, mùi khê khét của thể chế bị đốt liên tục bằng ngọn lửa oán hờn của muôn kiếp dân đen, đang ngùn ngụt cháy ở khắp nơi. 

Có một thứ "virus" đầy ma lực sinh ra từ thể chế đã nhiễm vào ông chăng? Liệu có cách nào chữa chạy và trừ khử được không? Đó là nỗi dằn vặt không thể tâm sự cùng ai!

Nhờ trắc ẩn ấy, ông tránh được những cú "ra đòn" của lòng đố kỵ, nhỏ nhen và tăm tối? Ông được dân quý, vua trọng, kẻ đối nghịch cũng phải kiềng nể. Cốt lõi là đây chăng? Giữa hoàn cảnh éo le, giữa bốn bề xu nịnh, nếu không biết sống, ông giữ sao được bản ngã của một trí thức phong kiến thanh liêm, chính trực.

Sống trong cái thời đảo điên, tao loạn ấy, tài lắm, họa nhiều. May sao ông đã làm văn chương, ký thác và gửi gắm được về sau tâm trạng mình, thái độ sống của mình qua mong manh chữ nghĩa. Và ông đã tồn tại chính danh một nhà văn hóa, một trong bốn đại tài của nước Nam thuở đó.

Đỗ Tiến sĩ năm Tân Hợi 1731 khi 31 tuổi, Nguyễn Bá Lân được làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lễ, rồi Bộ Hộ, Bộ Công. Ông từng được cử lên Cao Bằng dẹp giặc phương Bắc và thành công.

Từ năm 1746 đến 1753, ông đã giành lại yên bình, chăm lo cho nhân dân, giảm thuế mở giao thương cửa khẩu cho Cao Bằng. Ông đã đi lại tới mòn chân nơi cửa phủ, thuộc đến từng ngọn cỏ lá cây ven bờ hồ Lục Thủy (Hoàn Kiếm), hiểu đến tường tận cốt cách người Thăng Long và Thăng Long ngàn năm vặn vật. Vậy mà có lúc, hình như do buồn phiền, lơ đễnh không muốn dây vào những điều nên tránh mà ông suýt nữa bị liên lụy, phiền toái.

Đã làm quan thì phải biết phụng sự lợi ích của triều đình. Nhưng ông ghê sợ cái lợi ích ấy. Đôi lần do bắt buộc của lịch sử, ông phải đứng ra bênh vực triều đình. Lương tâm ông đã không thể nào yên ổn. Và như để sửa chữa những sai lầm ấy, ông đã biết vận dụng những cơ may để khoan sức cho dân.

Vì ông khôn khéo, vì ông thực tài, nên nhiều việc triều đình dù biết mà vẫn không làm gì nổi ông ? Trong phủ Chúa, thời đó, sau lưng cũng có lắm kẻ gièm pha; song đứng trước ông họ vẫn phải thừa nhận: Còn Nguyễn Bá Lân còn chính trực của triều chính và độ mẫn tiệp của "trung quân ái quốc"? Đó cũng là lí do để ông không phải uốn ba tấc lưỡi trước khi nói câu gì.

Nhắc đến Nguyễn Bá Lân là làm thức dậy một thời đại biến động. Trong những sự đảo lộn liên tục các giá trị mà chế độ phong kiến định hình, thì Nguyễn Bá Lân là một trong những người bền vững hiếm và quý đến độ như vàng ròng của lịch sử. Sống trong cái thế kỷ thê lương ngập chuyện đau buồn ấy, Nguyễn Bá Lân trốn mình vào nghiệp chướng, coi văn chương như một sự giải thoát.

Và như vậy "Ngã ba Hạc phú" không đơn thuần là "tức cảnh sinh tình" mà ở đây phải hiểu như là giãi bày của tâm trạng được quy nạp gửi gắm qua tâm sự lớn của một tâm thế lớn. Không phải ngẫu nhiên Tiến sĩ, thượng sư Nguyễn Bá Lân lại viết "Xinh thay ngã ba Hạc, lạ thay ngã ba Hạc", để rồi ngay sau đó lại đẩy tới một đối chứng "dưới hợp một dòng" mà "trên chia ba ngác". Thiên nhiên khéo vẽ vời, hay "dưới" và "trên" có điều gì khuất tất? Làm quan và làm dân là như thế chăng?

Trong linh cảm chia tan "ngóc ngách khôn đo rộng hẹp", Nguyễn Bá Lân không chỉ thiên về tả đâu, mà dường như bằng cái nhìn của một đạo sĩ ông đã chỉ ra giữa "lênh lang dễ biết nông sâu" đúng cái chỗ "huyệt kim qui chênh hẻm đá gồng ghềnh"?

Để rồi đứng giữa "vũ trụ mơ màng, càn khôn xếch xác" ông lại phải dằn lòng nhớ về Hoài Bão - Tiên Du của phủ Từ Sơn, vùng Kinh Bắc ấy. Tổ tiên ông ở đấy. Ở đấy là hi vọng. Cũng có thể sẽ là thất vọng nếu như ông vướng bụi kinh thành để thanh danh nhiễm bẩn.

Không khí lịch sử của thời "móc gieo ngọn cỏ mọc dầy dầy, đá giãi hơi xương vàng xua xúa" , ta còn nghe được từ Quốc Tử Giám văn bia vọng lại, nhắn nhủ: "Dải đất Đoài Phương, cõi trời Nam Quốc; trên xô nguồn, nguồn chảy vẩn vơ; dưới ngấm nước, nước xuôi tuồn tuột" cùng những tiếng nấc của thời gian còn kẽo kẹt ở nơi "ba góc bờ tre vắng vắng" ở "một chòm bãi cỏ phơi phơi".

Đã vỡ ra trong ông điều gì khi Đà giang, Lô giang và Thao giang nhập vào làm một. Cổ Đô đã vỡ ra từ ông những mảnh sắc và bỏng trong sự va đập khôn lường của thể chế và cơ chế. Phải chăng, Thượng thư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân chính là câu trả lời của dòng họ Nguyễn Bá trước mọi triều chính, ở giữa nơi trời đất. Hình như trong thăm thẳm nỗi niềm Nguyễn Bá Lân còn là nơi triều đình luôn kính nể, hãnh diện và cũng đầy nghi ngại.

Năm 1770, theo Lịch triều hiến chương loại chí, của Phan Huy Chú "khi triều đình bàn đến công dẹp giặc, công đứng đầu, được thăng lên Thượng thư Bộ Lễ, rồi đổi sang Thượng thư Bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ lão hầu chúa. Xét công trạng của Nguyễn Bá Lân, Tiên Thánh Vương đã phong cho ông là Thành hoàng Ngũ xã (linh thần chi phù), qui định hàng năm tế lễ ông vào ngày 27 tháng Giêng và 3 năm tổ chức một lần đại lễ.

Ngày 18-2-2004, Bộ Văn hoá Thông tin đã có Quyết định số 04/2004 xếp hạng Bằng di tích quốc gia: "Mộ và đền thờ Nguyễn Bá Lân" ở thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

Nguyễn Bá Lân đã trải qua nhiều chức vụ: Đốc đồng trấn Sơn Nam, Lưu thủ Hưng Hoá, đốc trấn Cao Bằng, Bồi tụng, Thiêm đô ngự sử, Tế tửu Quốc Tử Giám, Thượng thư Bộ Công - Bộ Lễ - Bộ Hộ..., lúc mất được tặng hàm Thái tể, tước Quận công.

Nhân cách lớn của một tài năng lớn từng chói sáng trong lịch sử, Nguyễn Bá Lân từng một lần kêu oan cho Lê Quý Đôn bác học; một lần không bị bạc vàng mua chuộc lúc Đặng Thị Huệ muốn chối bỏ Trịnh Khải để lập Trịnh Cán lên ngôi chúa. Tấm lòng trong sáng ấy của Nguyễn Bá Lân cũng là sự minh triết trước lịch sử.

Tiếc rằng, tất cả những gì chúng ta được biết đến nay còn hơi ít. Ngay cuốn "Cổ Đô gia phả" của dòng họ Nguyễn Bá phải thừa nhận sự ghi chép quá sơ sài về một "thời kỳ cả mấy trăm thái bình thì ít, rối ren thì nhiều". Và khi xem vào gia phả, chúng ta lại như "lần mò trong đêm tối, cầu mong một đốm lửa nhỏ để soi đường, cho dù đó chỉ là một con đom đóm".

Nguyễn Bá Lân - con người đầy khát vọng chấp chính và khả năng chấp chính - ông Tổ của dòng họ Nguyễn Bá, miền Cổ Đô, Tiên Sơn (thuộc trấn Sơn Tây và vùng Kinh Bắc) như đang ngước mắt lên nhìn chúng ta mỉm cười. Rằng, rất có thể con cháu hôm nay chưa hiểu nhiều về ông. Duy chỉ Nguyễn Bá Lân thì còn mãi trong trời đất, trong ngưỡng vọng của cuộc đời, trong chói sáng của một nền văn hiến - không chỉ với một bài  bất tận với non sông. "Ngày tháng thoi đưa thấm thoát/ Khách câu trăng ngồi đợi nhiều phen/ Xưa nay chiều dẫy lăm tăm/ Ảnh chỉ gió luồn lồng mấy cách".

Ngày nay còn rất ít những khung dệt thủ công, hậu sinh ít ai thấy thoi đưa. Tốc độ thời gian đo bằng nhiều phương tiện hiện đại. Nước ra dòng sông ít đi, hẹp dòng, nhưng lịch sử vẫn chảy trôi từng giây. "Trên xô nguồn, nguồn chảy vẩn vơ/ Dưới ngấn nước, nước xuôi tuồn tuột". Nhờ Nguyễn Bá Lân, không thể "tuột đi" ngã ba rực sáng Việt Trì.

Nguyễn Bá Lân vẫn đang ở ngã ba sông, trong cuộc "phân thân" mà những văn nhân hậu thế vẫn gặp ông khi đi qua và mong đến nơi xuất thần Ngã ba Hạc phú.

Nguyễn Hưng Hải
.
.