Xứ sở quay về của tôi

Thứ Tư, 19/09/2018, 11:57
Dù có lúc ký ức về trăng đã bị vùi lấp bởi vội vã, bởi áo cơm, bởi lo lắng đua chen. Nhưng chỉ cần một cú đập nhẹ, như lời nhắc nhớ của đứa trẻ chiều nay, ký ức đó chợt sống dậy mạnh mẽ và mang cho tôi những chiêm nghiệm sâu sắc mới.

Chiều ấy, trong lúc 3 mẹ con lang thang bên hồ, ngắm nhìn mặt nước xa xa, con gái lớn bỗng bảo tôi: "Mẹ, một hôm nào đó trăng sáng, mẹ cho con về quê, để ngắm trăng được không mẹ?".

Tôi giật mình, bảo: "Được con ạ, dĩ nhiên là được chứ. Trăng ở quê vào ngày rằm rất đẹp". Con lại hỏi: "Ngày xưa mẹ có thường hay ngắm trăng trên biển không". 

Câu hỏi của con vô tình nhưng có tác dụng như một sự nhắc nhớ. Con không biết rằng nó đã đánh thức trong tôi cả một vùng ký ức. Đã bao lâu rồi tôi không còn biết đến một đêm trăng, cảm nhận sự tĩnh lặng của bầu trời và sự êm dịu của vầng sáng đó.

Tôi nhớ những ngày tuổi thơ, khi đèn dầu còn là thứ chiếu sáng duy nhất trong ngôi nhà cha mẹ tôi. Ngoài thứ ánh sáng ấy, tôi còn sống trong một thứ ánh sáng huyền nhiệm khác, là Trăng. Trừ những ngày mưa gió, còn lại tôi luôn gặp trăng mỗi đêm trước hiên nhà. 

Ảnh: L.G.

Trăng đầu tháng thường nhú lên rất sớm, từ lúc chị tôi vừa thắp đèn dầu. Một vệt sáng mỏng mảnh như tơ trên bầu trời, và mờ dần khi chúng tôi tắt đèn đi ngủ.

Qua những ngày đầu tháng trăng lớn dần như đứa trẻ qua thời gian biết lẫy, biết bò rồi biết đi. Cho đến ngày rằm, trăng như đóa sen tinh khôi bung nở giữa trời.

Tôi thường cảm thấy lòng phấn khích vào những ngày trăng tròn. Trong 6 đứa con của mẹ, tôi là đứa trẻ thất thường hơn cả. Tôi hay bị cảm xúc kéo mình đi, buồn vui cười khóc vô nguyên cớ. Bố bao giờ cũng là người thông cảm cho những thất thường ấy của tôi hơn mọi thành viên khác trong gia đình.

Những đêm trăng tròn tôi thường khó ngủ. Khi các chị em gái cùng giường đã ngủ say, tôi lén mở cửa đi ra ngoài. Tôi đi từ hiên nhà ra bờ ao, ngồi ở bậc đá bờ ao trong yên lặng. 

Những hàng tre rủ tóc soi bóng xuống mặt nước trong như gương và trời không chút gió. Ánh trăng vằng vặc trên trời cao cũng đang soi xuống mặt gương phẳng như tờ ấy. Tôi không thích nhìn trăng trên trời bằng nhìn trăng dưới mặt nước. Tôi thấy trăng trên trời quá xa, mà trăng đáy nước lại gần quá, gần như tôi có thể đưa tay vớt được trăng lên vậy. 

Rồi bất giác tôi thấy lòng chan chứa một nỗi buồn dịu nhẹ. Tôi nghĩ mai này tôi lớn lên rồi tôi đi xa, tôi không còn thấy lại khung cảnh này. Tôi nghĩ rồi cha mẹ tôi sẽ không còn, rồi ngôi nhà nhỏ biến mất, cái ao nhỏ biến mất, tôi sẽ còn lại gì. 

Rồi nước mắt tôi rơi tự khi nào, cho đến khi một bàn tay nắm nhẹ vào vai tôi khiến tôi khẽ giật mình. Bố tôi đã thức dậy dõi nhìn tôi từ khi nào, dắt tôi vào nhà đi ngủ.

Cho dù tôi đã trở vào nằm lại trên chiếc giường gỗ, tôi vẫn thao thức với một cảm xúc bồn chồn khó tả. Ngoài cửa sổ, trăng vẫn chảy tràn trong êm dịu và tĩnh lặng. Tôi nằm nhìn trăng, trong tiếng thở đều đều của chị em gái cùng giường, rồi tôi ngủ mất lúc nào không hay.

Qua mùa trăng tròn là đến mùa trăng khuyết. Trăng cuối tháng hạ huyền thường gieo một niềm tiếc nhớ. Những ngày đó, tôi thường quên trăng vào buổi tối. Nhưng giữa đêm chợt tỉnh giấc, nhìn ra cửa sổ tôi có thể thấy một mảnh trăng đính giữa đỉnh trời. Tôi tự hỏi, mai này tôi lớn, trăng rồi có khác?

Giờ thì tôi đã biết, trăng không bao giờ khác. Trăng từ thời Đức Phật ngồi tọa thiền dưới bóng cây bồ đề cũng giống trăng của hôm nay. Như vũ trụ vẫn đi theo nhịp điệu riêng của nó. 

Như không gian thời gian vẫn chảy trôi không nhanh không chậm, cũng chẳng vội vàng. Như hoa kia vẫn nở bốn mùa bất kể có người ngắm hoa nở hay không. Như lá kia vẫn rơi khi thu tàn. Như cuộc đời còn ta hay vắng ta thì vẫn luôn như thế những hạnh phúc hay u buồn.

Ngay cả khi chiếc ao nhỏ trước nhà cha mẹ tôi bị san lấp đi, không còn chiếc gương soi, thì trăng vẫn sáng. Trăng còn đó trong lòng tôi, những khoảnh khắc như mơ thuở nhỏ mà càng về sau này tôi càng thấy nó bao chứa một giá trị cần thiết đến mức nào. 

Dù có lúc ký ức về trăng đã bị vùi lấp bởi vội vã, bởi áo cơm, bởi lo lắng đua chen. Nhưng chỉ cần một cú đập nhẹ, như lời nhắc nhớ của đứa trẻ chiều nay, ký ức đó chợt sống dậy mạnh mẽ và mang cho tôi những chiêm nghiệm sâu sắc mới.

Tôi nhận ra, dù sau này đã nhiều lần nhìn trăng nơi phố thị, ngắm trăng trên biển trong những chuyến du lịch ngắn ngày, nhưng cảm giác nhiệm màu thì vĩnh viễn chỉ có ở những thời khắc trẻ thơ, khi cuộc đời chưa viết lên thân tâm mình những đổ vỡ, chán chường. Những cảm giác đó, ngẫm ra, kỳ thực phải đâu là như vậy. 

Cùng với sự lớn lên, mỗi chúng ta đã tự đánh mất đi mọi nhiệm màu. Chúng ta tình nguyện rước lấy mọi khổ đau, tạo ra mọi khổ đau, vì chúng ta đã mong cầu quá nhiều. 

Như kẻ đi lạc, mỗi lúc một xa hơn, ta không còn khả năng an trú trong hiện tại. Ta không còn có thể hạnh phúc như một đứa trẻ - hạnh phúc mà không cần thêm bất cứ điều kiện gì khác. Ta giống như con trai kia, tự cào xước viên ngọc quý trong lòng mình.

Tôi chợt thấy chứa chan niềm biết ơn với cuộc đời này, sau một câu hỏi của trẻ nhỏ. Chúng đã đánh thức tôi. Đã nhắc cho tôi một sự quay về, nếu có phút giây nào đó tôi tuyệt vọng vì cảm giác tha phương, vô định. 

Có một sự đi mà tôi không bao giờ định đoạt điểm đến, bởi tôi ngộ ra rằng cuộc sống là lưng chừng vậy đó, ta sẽ không thể đến nơi nào. Trên vô lượng không gian và thời gian, chúng ta dù cố gắng đến đâu cũng chỉ là một hạt bụi, một chiếc lá. Chúng ta hướng về phương nào, phương đó cũng ngàn trùng. 

Như tên một cuốn sách tôi đã đọc: "Không có sông nào để vượt qua". Chúng ta sắm vai một người lữ hành và chúng ta tìm kiếm. Chúng ta luôn nghĩ, hạnh phúc ở bờ bên kia. Và chúng ta đợi thuyền. Nhưng kỳ thực không có bờ bên kia, và nếu có, thì bờ bên kia chưa chắc đã đồng nghĩa với hạnh phúc. Cảm giác đó chắc hẳn những ai đã ngồi thuyền đều có thể trải nghiệm. Chúng ta đã bỏ lỡ bờ bên này. 

Bỏ lỡ những ngày tươi đẹp, bỏ lỡ những thanh xuân, bỏ lỡ những niềm vui có thật vì sự trông đợi của mình. Chúng ta không thể đến nơi nào, nghe vô vọng làm sao, nhưng sâu xa tuyệt đối đúng làm sao. Bởi vì, có cần chi một đích đến, khi sống tức là hiện hữu trong hiện tại này. Ta đã có thể luôn hạnh phúc trong hiện tại này, chỉ cần ta có mặt, mà đừng vắng mặt.

Phải, tất thảy chúng ta đã đi. Nhưng thực chất hành trình mà ta tưởng là đi đó, lại là hành trình để quay về. Nếu đích đến là một băn khoăn, thì quay về là một xác tín. Ta luôn có thể quay về. Luôn có một vùng đất thiên đường cho ta trú ngụ. Xứ sở đó nào phải xa xôi gì. Nó có sẵn trong ta, chỉ cần ta có mặt để nhận lấy. Có phải ta đã đi vắng quá lâu trong cuộc đời mình.

Ôi xứ sở quay về của tôi.

Như trăng kia nhiều năm vẫn sáng, soi rọi con đường trần gian tôi đi. 

Đã có, đã mất, và...

Tôi đọc đi đọc lại bài viết này của nhà thơ Bình Nguyên Trang, và tự hỏi: trong cái dòng cuộc sống xô bồ, với đầy rẫy những ham muốn thực dụng ngày hôm nay, rốt cuộc hạnh phúc nằm ở đâu?

Hạnh phúc nằm ở những chân trời quyền uy và giàu có nào đó ngoài ta, mà mỗi ngày mỗi giờ chúng ta không đang  ngừng suy nghĩ, không ngừng dằn vặt, không ngừng đau đớn vì những chân trời ấy? 

Hay hạnh phúc xét cho cùng nằm ở một vũ trụ thăm thẳm và rộng lớn ở trong ta, cái vũ trụ mà Thượng đế ban tặng cho riêng loài người chúng ta, cái vũ trụ đã từng lấp lánh trong tuổi thơ ta, cái vũ trụ đã từng bay bổng trong một tiền kiếp nào đó của ta,  nhưng chìm vào dòng đời bề bộn với những lo toan cơm áo hôm nay, chúng ta đã lãng quên nó mất rồi? Và chúng ta sẽ không thể hạnh phúc nếu không thể tìm lại nó?

“Xứ sở quay về của tôi...” - bài viết của Bình Nguyên Trang giúp tôi và có thể là cả những người đọc khác cùng thấm thía một điều rằng, hạnh phúc rốt cuộc thuộc về những ai luôn có được một cõi để quay về!

P.Đ.

Bình Nguyên Trang
.
.