Xin đừng xâm hại những đứa trẻ hai lần

Thứ Tư, 26/04/2017, 19:32
Có những nhà báo, những phóng viên "say sưa" với cách đưa tin, bài và ảnh trẻ em bị xâm hại tình dục đầy vô cảm. Họ vô tình đã giết chết tâm hồn những đứa trẻ bị xâm hại ấy thêm một lần nữa...

Anh Ngô Duy Quang (Đồng Tâm, HN) và một số độc giả:

Trong thời gian qua, báo chí và mạng xã hội đang rất mạnh mẽ lên tiếng về những vụ xâm hại và dâm ô trẻ em, và đòi hỏi luật pháp phải thực thi trách nhiệm. 

Việc này đã có hiệu quả đáng kể và rất đáng ghi nhận, tuy nhiên mặt khác cũng cho thấy một thực tế không ít trường hợp những thông tin về các em đã bị lợi dụng để giật gân câu khách (một cách vô tình hay cố ý của một số cơ quan báo chí). Đạo đức nghề nghiệp không cho phép nhà báo đăng rõ ảnh và địa chỉ của cháu bé nạn nhân. 

Tuy nhiên, trên mặt báo không hiếm các em bé nạn nhân bị xâm hại tình dục từng đã được một số tờ báo đăng khá tỉ mỉ, chi tiết, có báo còn đăng cả ảnh cháu bé, địa chỉ của gia đình, địa chỉ kẻ phạm tội. Gần đây nhất, câu chuyện hết sức đau lòng về cháu bé 13 tuổi bị cả bố đẻ và ông nội hãm hiếp, nhưng không ít báo đưa chi tiết, tuy đưa hình ảnh em bé đã có che mặt, nhưng đưa tên tuổi, địa chỉ chính xác tỉ mỉ, và hình ảnh kẻ xâm hại là bố đẻ công khai lên báo. 

Như vậy, độc giả và những người địa phương sẽ ngay lập tức nhận ra cô bé đáng thương và gia đình ấy, thử hỏi cô bé ấy sẽ sống ra sao trong cả cuộc đời dằng dặc phía trước? Truyền thông đã nhẫn tâm, vô cảm, khi cả em bé và gia đình đã đau một lần giờ phải chịu thêm trăm lần nỗi đau này trong suốt cuộc đời.

Không chỉ với nạn nhân các vụ xâm hại, ngay cả với các đối tượng nghi can trong các vụ án dân sự, hình sự nhiều khi cũng bị một số các báo đưa tin và đưa hình ảnh như họ đã bị kết án. Dù đúng những người này sau quá trình điều tra, xét xử họ có bị kết án đi nữa, thì việc các cơ quan truyền thông và mạng xã hội đối xử với họ như vậy là bất nhân và phạm luật. 

Chưa kể, họ mới là nghi can, rất có thể họ không phải là thủ phạm. Cả cuộc đời họ ra sao, nếu như chúng ta kết tội họ một cách dã man và tức tưởi như vậy? Chúng tôi thực sự lo ngại với cách làm của một số phóng viên và một số tờ báo hiện nay với tình trạng trên, chúng tôi xin được lắng nghe ý kiến của nhà báo?

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa anh Ngô Duy Quang và bạn đọc. Tôi thực sự cám ơn và suy nghĩ nhiều về những câu hỏi của bạn đọc như anh đã gửi đến tòa soạn. Nó cho thấy mối quan tâm của dư luận đối với những vấn đề của xã hội và đặc biệt câu hỏi của bạn đọc luôn đề cập có ý thức và chính xác những vấn đề xã hội đó.

Nhiều câu hỏi đã chứa trong đó câu trả lời có tình, có lý. Đối với vấn đề mà anh đưa ra trong thư gửi tòa soạn chợt làm tôi giật mình cho dù tôi cũng thường nghĩ đến. Đó là cách đưa tin của báo chí hiện nay về những vấn đề liên quan đến tội phạm.

Trên các báo và tạp chí của nhiều nước trên thế giới, người ta dùng hình vẽ ký họa để mô tả một phần các vụ án đang xử tại tòa chứ không hề dùng ảnh. Việc dùng vẽ ký họa các vụ án đang điều tra hay đang xử thay cho dùng ảnh đã được qui định trong luật pháp của các nước đó. Thế nhưng, báo chí của chúng ta đang "lấn sâu" vào một vấn đề mà anh đã đề cập như một lời cảnh báo. Điều gì đã làm cho báo chí chúng ta sa lầy vào vấn đề này. 

Điều trước hết tôi muốn nói đến đó chính là ý thức kém của nhà báo đối với sự an toàn của xã hội về mặt tinh thần. Họ làm tin, viết bài chỉ vì mục đích tin, bài đó được sử dụng. Sức ép của tin, bài làm cho họ đưa lên mặt báo tất cả những gì có thể với mục đích đạt được hiệu quả kinh doanh càng cao càng tốt. Mục đích lợi nhuận đã đẩy nhà báo và cả những ông/ bà tổng biên tập cuốn vào những tin, bài phi mục đích xã hội và nhân văn. 

Quá nhiều bài báo, đặc biệt những bài báo viết về các vụ án và các vụ xâm hại. Có những phóng viên, nhà báo càng moi được những chi tiết giật gân, những hình ảnh liên quan độc, lạ thì như là họ càng phấn khích. Đúng như anh nói, có những vụ án chưa được phá án mà chỉ trong quá trình điều tra nhưng các bị can lại bị đưa ảnh chân dung họ lên mặt báo là việc làm vừa sai luật vừa bất nhẫn. Bởi một vụ án xảy ra sẽ có từ một đến nhiều nghi phạm. Đó là lẽ đương nhiên của việc điều tra mà các cơ quan chức năng phải thực hiện. Và trong những nghi phạm đó cuối cùng sẽ có tội phạm. 

Không một cơ quan chức năng nào lại coi nghi phạm như là thủ phạm. Nhưng báo chí của chúng ta viết về các nghi phạm đó có lúc gần coi như là tội phạm. Nhiều nghi phạm được coi là vô tội khi cơ quan điều tra tìm ra thủ phạm. Nhưng hình ảnh họ thậm chí gia đình họ cùng với nơi họ làm việc và sinh sống đã được quá nhiều người biết đến. 

Sau khi vụ án đi đến kết luận thì các nghi phạm trở lại là một công dân bình thường nhưng cuộc sống của họ sau đó không bình thường được nữa. Có những người phải sống trong một đời sống tinh thần rất khó khăn mãi về sau. Hình ảnh họ trước gia đình, trước đồng nghiệp, bạn bè và xã hội cho dù thế nào cũng đã bị "biến dạng". 

Và lúc đó, nhà báo đã vô tình trở thành kẻ có tội đã gây nên chấn thương tâm lý cho những nghi phạm đó. Thậm chí, ở nhiều nước trên thế giới, ngay cả một số tội phạm ở mức độ không nguy hiểm hay phạm tội bởi những lý do khách quan thì báo chí và các phương tiện truyền thông không được phép công bố chân dung họ. 

Bởi trong chính sự nghiêm minh của luật pháp đối với những người phạm tội vẫn có tính nhân văn của luật pháp. Tính nhân văn được thể hiện dưới góc độ bảo vệ một cuộc sống bình thường cho phạm nhân sau khi họ hết thời gian thi hành án. 

Làm như vậy không phải là luật pháp "giấu tội" cho họ mà giúp họ những điều kiện trước hết mặt tinh thần để trở lại cuộc sống bình thường với gia đình và xã hội. Mục đích của luật pháp là vậy chứ không phải là xóa đi cả cuộc sống của họ mà không cho họ một cơ hội được hối cải và được sống bình thường.

Đối với những trẻ vị thành niên bị xâm hại thì việc công khai hình ảnh của các em cùng với tên tuổi bố mẹ các em, nơi ở của các em và trường học của chúng là một điều vô cùng nguy hiểm. 

Như thế, đứa trẻ bị xâm hại vô tình bị xâm hại đến hai lần. Lần thứ nhất bị xâm hại bởi kẻ xâm hại. Và lần thứ hai bị xâm hại bởi những việc làm vô ý thức của truyền thông. Lần thứ nhất các em bị xâm hại với thời gian một giờ hay nhiều giờ, nhưng lần thứ hai chúng bị xâm hại với thời gian có thể kéo dài nhiều năm trong cuộc đời. Bởi các em luôn luôn mang cảm giác bị cả xã hội tò mò, bàn tán về câu chuyện tồi tệ đã xảy ra với các em ở mọi nơi, mọi lúc. 

Thực tế cho thấy, quá nhiều trẻ em bị xâm hại đã lớn lên với một tinh thần méo mó, bệnh tật và hoảng loạn. Có em không còn khả năng hòa đồng với xã hội, có em đánh mất lòng tin vào chính mình và có em trở thành tội phạm.

Quả thực như anh đề cập, hiện nay có những nhà báo, những phóng viên "say sưa" với cách đưa tin, bài và ảnh đầy vô cảm. Họ vô tình đã giết chết tâm hồn những đứa trẻ bị xâm hại ấy, giết chết cả nỗi lòng ông bà, cha mẹ và những người thân của các em.

Câu hỏi vậy chúng ta sẽ làm gì để ngăn được tác hại của cách làm báo như thế này? Chúng ta phải làm được hai điều: nhận thức và ý thức của nhà báo đối với con người và tính nghiêm minh của luật pháp. 

Tôi quan sát các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ lâu nay, tôi nhận thấy để họ có được nhận thức đúng đắn và ý thức với xã hội một cách nhân văn phải mất một thời gian khá lâu. 

Vì thế mà luật pháp phải nghiêm minh. Luật báo chí phải được bổ sung hay kiện toàn với các điều khoản cụ thể đối với việc đưa các loại tin, bài có tác động xấu với xã hội. Luật pháp đi đôi với giáo dục. Luật pháp thì ngay ngày mai có thể áp dụng nhưng giáo dục thì lại cần có thời gian. 

Chúng ta phải làm cả hai việc này song song và kiên quyết, bền bỉ. Xin các nhà báo hãy nhìn lại những gì mà các bạn làm đối với những vụ việc mà một bạn đọc tâm huyết và lương tâm như anh Ngô Duy Quang và nhiều người nữa đã lên tiếng.

Nhà báo Minh Đức
.
.