Để có thể… "cách mạng vỉa hè"

Thứ Hai, 10/04/2017, 17:00
Càng ngày, dân trí của người Hà Nội càng cao, ý thức sống có văn hóa của người Hà Nội đang thay đổi. Và nền tảng của cuộc "cách mạng vỉa hè" này là sự đúng đắn và có lợi cho người dân.

Bà Trịnh Thị Cúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Kính thưa nhà báo, Hà Nội đang thực hiện một cuộc "cách mạng vỉa hè" thực sự. Nhiều người trong đó có tôi gọi như vậy bởi việc giải tỏa vỉa hè bị lấn chiếm đã tiến hành ngót hai chục năm nay nhưng chẳng có kết quả và lần này thì mới thực sự được giải tỏa. Nhưng trong cuộc "cách mạng vỉa hè" đặt ra nhiều câu hỏi mà tôi thay mặt nhiều người xin hỏi nhà báo:

Một: Vì sao bao nhiêu năm nay chúng ta không giải tỏa được vỉa hè? Điều gì cản trở việc làm đúng và cần thiết ấy?

Hai: Việc phá bỏ những phần xây dựng lấn chiếm vỉa hè mà chủ yếu là bậc tam cấp (lối đi) đã gây khó khăn cho sinh hoạt của một số gia đình vì nền nhà của họ quá cao có cần thiết phải thực hiện đồng loạt không?

Ba: Nhiều người kiếm sống chủ yếu bằng các gánh hàng bán trên vỉa hè, nay không được ngồi bán hàng như thế nữa, họ sẽ gặp vô vàn khó khăn, chính quyền có quan tâm đến điều này không và sẽ giải quyết ra sao?

Bốn: Không ít người nghĩ rằng việc giải tỏa vỉa hè bước đầu rất nghiêm minh nhưng sẽ không giữ được sự nghiêm minh lâu dài, nhà báo có quan điểm như thế nào?

Nhà báo Minh Đức: Kính thưa bà Trịnh Thị Cúc, cùng với thư của bà, chúng tôi nhận được quá nhiều thư của bạn đọc đặt nhiều câu hỏi về vấn đề này. Nhiều người rất tin tưởng vào chiến dịch giải tỏa vỉa hè mà bà gọi là cuộc "cách mạng vỉa hè", nhưng cũng có những người không tin vào việc giải tỏa này có thể giữ được lâu dài mãi mãi. 

Bốn câu hỏi của bà đưa ra có lẽ chỉ lãnh đạo TP Hà Nội mới trả lời một cách đúng nhất vì chính quyền thành phố là nơi đưa ra chủ trương này và chỉ đạo việc thực hiện chủ trương đó. Nhưng tôi cũng mạn phép trao đổi với bà về những vấn đề bà nêu ở trên.

Bà hỏi: Vì sao bao nhiêu năm nay chúng ta không giải tỏa được vỉa hè? Điều gì cản trở việc làm đúng và cần thiết ấy?

Việc giải tỏa vỉa hè lần này đã chứa đựng trong đó câu trả lời. Vì lần này, chính quyền thành phố có một chủ trương cụ thể và có chế tài cụ thể. Việc người dân lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật, vì thế chính quyền thành phố đã dùng luật pháp để buộc những người lấn chiếm vỉa hè phải thực thi luật pháp.

Các cơ quan chức năng từ phường đến quận không có bất cứ lý do gì để biện minh cho việc không giải tỏa vỉa hè ở khu vực phường mình, quận mình được. Những người lấn chiếm không có lý do gì để chống đối chủ trương này. Vì thế mà việc giải tỏa vỉa hè Hà Nội lần đầu tiên thực sự có hiệu quả.

Chúng ta đều nhớ ông Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nói về việc những người thi hành luật pháp đứng sau (bảo kê) cho những quán bia vỉa hè Hà Nội. Chính sự bảo kê này đã làm cho những người lấn chiếm vỉa hè coi thường luật pháp.

Bởi thế mà suốt bao nhiêu năm nay, một hình ảnh quen thuộc và thất vọng ngày ngày hiện ra đó là cảnh xe công vụ cùng với các cán bộ, nhân viên của phường, quận đi hò hét dẹp việc lấn chiếm vỉa hè. Nhưng xe đi qua thì người dân lại quay lại lấn chiếm. Nếu không có sự "bảo kê" ở nghĩa nào đó thì người dân không dám làm như thế. Vì luật pháp bị vô hiệu hóa cho nên nạn lấn chiếm vỉa hè lâu nay trở thành vấn đề nan giải.

Bà hỏi: Việc phá bỏ những phần xây dựng lấn chiếm vỉa hè mà chủ yếu là bậc tam cấp (lối đi) đã gây khó khăn cho sinh hoạt của một số gia đình vì nền nhà của họ quá cao có cần thiết phải thực hiện đồng loạt không?

Trước hết hành vi lấn chiếm vỉa hè của bất cứ người nào đều vi phạm luật pháp. Việc lấn chiếm vỉa hè ở thành phố và việc lấn chiếm hàng rào, bờ ao... ở thôn quê cho thấy tính "tham vặt" của người Việt. Lòng tham ai cũng có nhưng nó được kìm giữ bởi lòng tự trọng của người đó và sự áp chế của luật pháp. 

Chính vì chúng ta không thực thi luật pháp một cách nghiêm minh nên người dân cứ lấn chiếm được vỉa hè tí nào là lấn chiếm tí đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của bà về những khó khăn của các gia đình có nền nhà quá cao nay phải phá bậc tam cấp sẽ khó khăn trong việc sinh hoạt. Nhưng tôi lại phải nói rằng đó chỉ là khó khăn tạm thời. 

Để tiến tới một đời sống văn minh, chúng ta phải vượt qua lòng "tham vặt" và tư duy manh mún kiểu này. Mới chỉ có ít ngày thực thi việc giải tỏa vỉa hè mà Hà Nội đã thấy quang đãng và gọn ghẽ hơn. Nhưng việc phá đi các bậc tam cấp cần xử lý uyển chuyển hơn tùy theo không gian của từng khu vực địa chính như ở mặt phố chính, trong các ngõ phố hay các khu tập thể cách xa mặt phố để vừa có được một thành phố sạch sẽ, gọn gàng và hợp lý.

Bà hỏi: Nhiều người kiếm sống chủ yếu bằng các gánh hàng bán trên vỉa hè, nay không được ngồi bán hàng như thế nữa, họ sẽ gặp vô vàn khó khăn, chính quyền có quan tâm đến điều này không và sẽ giải quyết ra sao?

Câu hỏi của bà cũng chính là một vấn đề lớn trong cuộc "cách mạng vỉa hè" của Hà Nội. Thực tế cho thấy, có rất nhiều gia đình trông vào gánh hàng bán trên vỉa hè. Đó cũng là một đặc điểm của các đô thị Việt Nam lâu nay. Gánh hàng chúng ta bàn tới là những gánh hàng bán cố định ở một chỗ nào đó trên vỉa hè chứ không phải là các gánh hàng rong. 

Một thời chúng ta có chủ trương xóa bỏ hàng rong. Và tôi là một trong những người không đồng ý với chủ trương này. Quả thực, hàng rong là một nét đẹp làm nên vẻ đẹp của Hà Nội, đồng thời cũng là một hình thức cung ứng vô cùng tiện lợi và hợp lý cho đời sống đô thị Việt Nam. 

Hơn nữa, hàng rong là lưu động nên không ảnh hưởng đến lưu thông vỉa hè ở Hà Nội cũng như ở các  đô thị Việt Nam. Nhưng các gánh hàng ngồi bán ở vỉa hè lại là một vấn đề khác. Bởi một gánh hàng như thế lại kéo theo các khách hàng. Tôi nghĩ, có thể có những phố hay những không gian nào đó ở Hà Nội có thể chấp nhận sự hiện diện của các gánh hàng này được.

Việc xóa đi các gánh hàng bán trên vỉa hè không khó, nhưng có một vấn đề thuộc về lương tâm của chính quyền. Đó là làm thế nào để những người chỉ trông chờ vào gánh hàng để nuôi sống gia đình họ vẫn có được thu nhập ổn định cho dù ít ỏi như trước đó. Nếu không thì những vấn nạn khác có thể lại dần dần sinh ra khi mà họ và con cái họ không thể có đủ khả năng sinh sống và khả năng học hành. Nhưng chúng ta cũng không thể vì thế mà vẫn để các gánh hàng bày bán la liệt trên vỉa hè. 

Để thay đổi đời sống và phát triển đến một xã hội hiện đại và văn minh, chúng ta phải từ bỏ nhiều thói quen và phải thay đổi với một tư duy lớn. Tôi nghĩ chính quyền thành phố cũng đã bàn đến vấn đề này để tìm được phương án giải quyết tốt nhất cho những gia đình ở hoàn cảnh như vậy.

Bà hỏi: Không ít người nghĩ rằng việc giải tỏa vỉa hè bước đầu rất nghiêm minh nhưng sẽ không giữ được sự nghiêm minh lâu dài, nhà báo có quan điểm như thế nào?

Tôi tin rằng, việc giải tỏa vỉa hè và làm cho Hà Nội ngày càng hiện đại, văn minh sẽ được làm tốt. Việc bà và không ít người băn khoăn về hiệu quả của cuộc "cách mạng vỉa hè" này không duy trì được lâu dài bởi lâu nay có không ít việc chúng ta làm đều trở thành đầu voi đuôi chuột. Nhưng lần này tôi tin việc lấn chiếm vỉa hè như trước đây sẽ không còn cơ hội quay lại vì tính nghiêm minh của luật pháp lần đầu tiên trong nếp sống đô thị ở Hà Nội có hiệu quả và được đông đảo người dân ủng hộ. 

Cùng đó là sự kiên quyết của chính quyền Hà Nội ở các cấp và đặc biệt là ông Chủ tịch thành phố. Hơn nữa, chỉ một thời gian sau, người dân Hà Nội sẽ quen dần với một nếp sống mới, một ý thức sống văn minh và có luật pháp. 

Và càng ngày, dân trí của người Hà Nội càng cao, ý thức sống có văn hóa của người Hà Nội đang thay đổi. Và nền tảng của cuộc "cách mạng vỉa hè" này là sự đúng đắn và có lợi cho người dân.

Minh Đức
.
.