Chuyện con gà, con lợn
- Công bố kết quả kiểm tra việc "xin cấp Giấy chứng tử ở phường Văn Miếu"
- Tăng cường đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động trong CAND
Hệt như chuyện giấy chứng tử vừa xảy ra ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Thủ đô Hà Nội vậy; hay như chuyện quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh, TP HCM vậy.
Rất nhiều lần Ngô tôi đã viết, công tác cán bộ ở cấp cơ sở, địa phương là hết sức quan trọng. Vì những cá nhân này chính là người nắm giữ niềm tin của nhân dân, nhân dân thường nhìn vào họ để đưa ra nhận định về cán bộ. Nhất là trong bối cảnh họ là những người va chạm trực tiếp với nhân dân mỗi ngày.
1. Ở phường Hòa Thuận, Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) có hộ dân kinh doanh thất bại nên về xây cái chuồng heo ở phần đất phía sau nhà nuôi mười con lợn. Phần đất bạt ngàn, cũng không gây ảnh hưởng đến bà con xóm giềng, cũng không có phản ánh vệ sinh gì. Ủy ban Nhân dân phường Hòa Thuận xác định cái chuồng heo này xây dựng trái phép, bèn báo cáo lên UBND Thành phố. Cuối cùng ra quyết định cưỡng chế.
Trước khi có quyết định cưỡng chế này, chính quyền UBND phường đã ra quyết định xử phạt hành chính nhưng hộ dân này không đồng tình. Phía lãnh đạo UBND phường nói vậy. Tiến hành cưỡng chế với đầy đủ các bên tham gia, chính quyền đã đập nát cái chuồng heo và thu giữ mười con lợn.
Sau khi thu giữ lợn, chính quyền mời hộ dân đến để nhận lợn về, hộ dân không nhận với lý do chuồng heo bị đập rồi thì nuôi lợn vào đâu. Chính quyền thì bảo, cưỡng chế chuồng heo là đúng quy trình. Hộ dân thì nói, cái chuồng heo chứ có phải nhà ở đâu mà làm gì ghê vậy.
Cưỡng chế một cái chuồng heo, tạm giữ mười con lợn thì có đáng hay không? Trong bối cảnh mà Ngô tôi hồ nghi rằng bất cứ địa phương nào cũng tồn tại rất nhiều nhà xây dựng không phép, khách sạn xây dựng lố tầng…
Mấy tháng trước, có ông phó ban Nội chính Tỉnh xây nhà ở trên đất nông nghiệp, là xây biệt thự chứ không phải xây chuồng heo hay xây nhà thường đâu. Chính quyền địa phương phát hiện, xong báo giới cũng loan tin ầm ĩ. Ấy vậy mà việc xử lý lại gói gọn trong mấy chữ, "Đang xin ý kiến lãnh đạo Tỉnh vì đây là nhà của đồng chí…".
Hay như cái tòa nhà 8B Lê Trực ngay giữa thủ đô Hà Nội vẫn xây lố tới mấy tầng bất chấp hết lãnh đạo này phản đối rồi đến lãnh đạo kia bức xúc mà cho tới nay đã cả năm trôi qua mà vẫn không giải quyết dứt điểm.
Rõ ràng trong một chừng mực nào đó, có sự phân cấp về mặt pháp luật giữa cái chuồng heo của dân và cái biệt thự của cán bộ lãnh đạo. Trong lúc lẽ ra cán bộ làm sai thì cần nhất định phải mạnh tay xử lý để nêu gương pháp luật cho toàn bộ công dân và tinh thần thượng tôn pháp luật phải là tối thượng.
Câu chuyện chuồng heo của hộ dân ở phường Hòa Thuận có khó xử lý không? Hoàn toàn không. Vấn đề chỉ là thái độ với nhân dân của chính quyền địa phương mà thôi, ví như có thể tiến hành phân tích rồi vận động.
Xem xét hoàn cảnh của hộ dân ấy, nếu người ta thất bại trong kinh doanh thì có thể bắt viết cam kết không gây ô nhiễm môi trường khi chăn nuôi, hoàn thiện các giấy tờ nếu muốn tiếp tục chăn nuôi. Cần thiết thì bắt buộc phải tạm dừng chăn nuôi khi xuất chuồng đàn lợn kia nếu vẫn không xin phép.
Chứ đằng này cứ phải cương quyết rắn với nhân dân như vậy làm gì, có một thứ còn hiệu quả hơn cả luật định chính là sự tâm phục khẩu phục của nhân dân.
Minh họa: Lê Phương. |
Mấy tháng trước, ông chủ một gia đình ở huyện Củ Chi, TP HCM phải chấp hành án phạt sáu tháng tù giam mà căn nguyên cũng vì chuyện vặt vãnh ấy. Chuyện như sau: nhà vệ sinh của gia đình này nằm cạnh chuồng bò vốn dĩ đã xuống cấp rất nghiêm trọng, ông chủ nhà cả ngày quần quật lo cho đàn bò nên chưa có thời gian sửa chữa.
Nhân một ngày rảnh rang, ông chủ gia đình nhờ thêm mấy người thợ hồ đến tiến hành sửa lại nhà vệ sinh. Trong lúc mấy thợ hồ đang làm thì ông chủ gia đình bỏ đi lấy cỏ cho bò ăn, khi đang cho bò ăn thì tổ thanh tra xây dựng xã Tân Thạnh Đông gồm cán bộ thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính xây dựng, cán bộ trật tự đô thị… xuất hiện chất vấn. Nản quá, mấy ông thợ hồ bỏ về hết.
Chiều cùng ngày, nhìn cái nhà vệ sinh dang dở, thêm nữa nếu không hoàn thiện thì không biết giải quyết cái nhu cầu bản năng đó ở đâu nên một mình ông chủ gia đình tiếp tục thực hiện phần việc mà nhóm thợ bỏ lại. Đen là ông chủ gia đình bắt tay vào làm thì cái tổ thanh tra lúc ban sáng lại xuất hiện, và chuyện cũ tái diễn.
Trong lúc lời qua tiếng lại, cáu quá ông chủ gia đình ném cây gậy đo đạc để căn chỉnh khi xây dựng vào tổ thanh tra, trúng ngay một thành viên của tổ. Ngay lập tức, ông chủ gia đình phải ra tòa vì hành vi "Chống người thi hành công vụ".
Tòa sơ thẩm huyện Củ Chi tuyên phạt ông chủ gia đình 18 tháng tù giam. Với tình tiết tăng nặng là do nhân dân huyện Củ Chi hay xây nhà trái phép, nên túm được ông chủ gia đình có hành vi chống người thi hành công vụ này phải xử nghiêm làm gương. Ông chủ gia đình làm đơn kháng cáo, đại ý "Lúc đó tức quá với còn mẹ già và con dại, mong cho được hoãn ở tù để nuôi bò một thời gian rồi sẽ đi tù".
Trong phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân TP HCM xét nhiều lý do, giảm cho ông chủ gia đình một năm tù. Cán bộ thanh tra xây dựng cũng có đơn bãi nại cho ông chủ gia đình, đại khái "Chọi trúng cái cây thôi, cũng không có gì nghiêm trọng". Thu xếp việc gia đình xong, ông chủ gia đình tìm đến cơ quan điều tra để chung án.
Câu chuyện ấy vừa đau lòng lại vừa xót xa biết bao nhiêu, bất chấp theo Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP HCM) thì, "Điều 89 Luật Xây dựng 2014 thì công trình cải tạo nhà vệ sinh như vầy không cần phải xin phép xây dựng. Do đó, tội danh chống người thi hành công vụ không hình thành trong trường hợp ông chủ gia đình này".
2. Đoàn cán bộ thuộc UBND phường 15, quận Tân Bình, TP HCM đến kiểm tra một hộ dân nuôi gà Đông Tảo và chim bồ câu. Hôm đó, chủ hộ không có nhà chỉ có người họ hàng của chủ hộ. Vậy là có tranh luận và cuối cùng đoàn kiểm tra đã cắt khóa cổng, nhào vào chuồng gà bắt sạch đám gà Đông Tảo. Người họ hàng của chủ nhà quay lại toàn bộ diễn tiến vụ việc và chuyển tải lên mạng xã hội. Báo giới vào cuộc phản ánh.
Ban đầu, Chủ tịch UBND phường khẳng định đoàn làm đúng. Sau đó, Chủ tịch UBND phường thừa nhận đoàn kiểm tra có "hơi sai sai". Trước đúng sau sai hệt như trời cứ hết mưa lại nắng.
Chiếu theo luật định thì đoàn cán bộ của phường sai phạm hết sức nghiêm trọng vì tự ý cắt cửa nhà dân, khi người họ hàng của chủ hộ thông báo là không có chìa khóa nhà, đoàn có muốn làm việc thì đợi chủ nhà về. Sốt ruột nên đoàn kiểm tra cắt luôn ổ khóa cổng.
Ngô tôi thì nghĩ có lẽ do nhà của chủ hộ nuôi gà Đông Tảo gây mất vệ sinh bị hàng xóm phản ánh nhiều nên đoàn cán bộ của phường có phần nhiệt tình thái quá. Thế nhưng, mình làm luật mà mình lại không hiểu luật thì chẳng khác nào giao súng cho một ông không phân biệt được đâu là đồng đội đâu là đối phương, cứ thấy bóng ai thấp thoáng là bóp cò loạn lên thì không chóng không muộn sẽ quéo hết.
Phần đất nuôi gà Đông Tảo của hộ dân này hướng ngay cửa sổ thông gió của hộ dân khác, thiệt ra nếu muốn hộ dân nuôi gà hoàn toàn có quyền xây một hàng gạch bít luôn cửa sổ của hộ dân kia, nếu Ngô tôi nhớ không nhầm thì chủ sở hữu đất có quyền làm vậy.
Mùi phân gà cứ theo gió theo mưa bốc vào cửa sổ của hộ dân cạnh hộ dân có nuôi gà nên họ phản ứng. Chuyện hàng xóm không biết đã thương lượng chưa nhưng đoàn cán bộ của UBND phường 15 khiến mọi chuyện trở nên không thể kiểm soát.
Như Ngô tôi đã trình bày trong bài "Thời đại siêu nhân", đây là thời điểm mà cán bộ không chỉ bị giám sát bằng các cơ quan ngôn luận chính thống, mà còn đó là sự giám sát của thế giới internet, của mạng xã hội. Thế nên, chọn cách ứng xử hợp lý hài hòa, vừa đúng luật vừa đúng lòng người là điều cần thiết, là điều tiên quyết phải hướng đến.
Thời đại nào rồi mà còn cắt ổ khóa nhà dân vào bắt mấy con gà vì để chống dịch cúm hay đảm bảo an toàn phòng dịch gì đó, e rằng là rất khiên cưỡng và phản cảm. Chọn một thái độ phù hợp vừa cứng rắn vừa mềm mỏng lại dựa trên luật định là điều đơn giản hơn rất nhiều cái thái độ chia chiến tuyến rõ ràng, cán bộ một bên và nhân dân một bên.
3. Ở Quận 3, TP HCM có cách xử lý hành chính rất hay. Những hộ dân kinh doanh thức ăn nước uống không đảm bảo vệ sinh hay chưa học qua khóa đào tạo bắt buộc về đảm bảo an toàn thực phẩm, cán bộ sẽ nhắc nhở. Nhắc nhở mấy lần không được sẽ ra quyết định phạt hành chính, phạt mấy trăm ngàn thôi. Nhưng kèm theo khoản phạt là nêu tên khi họp tổ dân phố.
Bà con vừa bị phạt mất tiền đã xót, vừa bị phê bình trước tổ dân phố thì thiệt không hề dễ chịu. Vậy mà chẳng ai bảo ai, đều tặc lưỡi "Phạt một lần tởn tới già luôn, phải tự trang bị cho mình theo đúng luật thôi".
Cũng là thi hành luật, cũng là giữ gìn tính nghiêm minh của luật để duy trì trật tự xã hội, nhưng chỗ này thì dân đồng tình chỗ kia thì dân phản ứng, suy cho cùng cũng bắt nguồn từ thái độ của cán bộ mà thôi.