Bút sa khổ Thứ trưởng

Thứ Ba, 13/06/2017, 10:18
...như sấm động giữa trời quang, mưa bão giữa mùa hè, một văn bản của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến cả người đang đội nắng, cả người đang tắm mưa đều hướng ánh nhìn về một phương.

Cuối tuần rồi Hà Nội vẫn cứ rất nóng còn Sài Gòn vẫn cứ mưa dầm, đại khái đâu nắng cứ nắng còn đâu mưa cứ mưa, hoàn toàn không có liên quan hay xâm phạm gì nhau. Người chịu nắng thì kêu nóng, người chịu mưa thì than ngập, mỗi người một nỗi niềm thật vô cùng tươi mới sắc màu sinh động của cuộc đời.

Trong bối cảnh ấy, tự dưng như sấm động giữa trời quang, mưa bão giữa mùa hè, một văn bản của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khiến cả người đang đội nắng, cả người đang tắm mưa đều hướng ánh nhìn về một phương.

Ấy là một văn bản vô tiền khoáng hậu, lừng lừng lẫy lẫy đi vào đời sống vốn dĩ không thể nhộn nhịp hơn trong bối cảnh hiện tại.

1. Câu chuyện bán đảo Sơn Trà tưởng đã khép lại sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam theo đó thì lùi thời hạn bổ sung xem xét quy hoạch bán đảo Sơn Trà thêm ba tháng để có thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động của việc khai thác du lịch tại nơi này. 

Bất ngờ, ông thứ trưởng lại phát đi công văn yêu cầu kỷ luật một ông họ Huỳnh khác, ông họ Huỳnh này là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng. Từ đây, Ngô tôi sẽ gọi ông là Huỳnh chủ tịch.

Huỳnh chủ tịch một mình một ngựa, đơn thương độc mã hệt như Triệu Tử Long xưa cứu ấu chúa trong tiểu thuyết Tàu Tam Quốc Chí, hệt như Kiều Phong một mình đơn đấu quần hùng ân đoạn nghĩa tuyệt trong Thiên Long Bát Bộ.

Huỳnh chủ tịch phản ứng với địa phương khi địa phương đòi sử dụng bản quy hoạch bán đảo Sơn Trà đã được phê duyệt, Huỳnh chủ tịch viết tâm thư khẩn cầu Thủ tướng can thiệp, Huỳnh chủ tịch tha thiết mời đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch cùng tham quan Sơn Trà. Huỳnh chủ tịch khiến tôi nhớ đến điển tích Ngu Công dời núi được chép trong "Liệt tử".

Điển tích này cũng không dài lắm, Ngô trích lại hầu quý bạn đọc. "Chuyện kể rằng, có một ông lão, tên là Ngu Công, đã gần 90 tuổi rồi. Trước cửa nhà ông có hai ngọn núi lớn, một ngọn tên là Thái Hàng Sơn, một ngọn là Vương Ốc Sơn, mọi người ra vào rất không tiện. 

Một hôm, Ngu Công triệu tập tất cả người trong nhà lại nói: "Hai ngọn núi này đã ngăn cản trước cửa nhà ta, ta ra cửa phải đi nhiều đường vòng oan uổng. Chi bằng chúng ta cả nhà ra sức, di chuyển hai ngọn núi này, mọi người thấy thế nào?".

Các con, cháu Ngu Công nghe nói đều nói, "Ông nói đúng, từ ngày mai chúng ta bắt tay vào làm". Thế nhưng, vợ Ngu Công cảm thấy dọn hai ngọn núi này khó quá, nêu ra ý kiến phản đối nói: "Chúng ta đã sống nhiều năm tại đây, làm sao lại không thể tiếp tục sống như thế này? Huống chi, hai ngọn núi lớn như vậy, cho dù có thể di dời từng tí một, nhưng nơi nào có thể đổ nhiều đất đá xuống như vậy?".

Minh họa: Lê Phương.

Lời nói của vợ Ngu Công lập tức khiến mọi người bàn luận, đây quả thực là một vấn đề. Sau cùng họ quyết định, chuyển đất đá trên núi đổ xuống biển.

Ngày thứ hai, Ngu Công dẫn cả nhà bắt đầu dọn núi. Láng giềng của ông là một bà goá, bà có một đứa con trai, mới mười bảy, mười tám tuổi, nghe nói dời núi cũng vui vẻ đến giúp. Nhưng công cụ di dời núi của nhà Ngu Công chỉ là cuốc và gùi địu trên lưng, hơn nữa giữa núi và biển cả cách nhau xa xôi, một người một ngày không đi được hai chuyến. Một tháng làm việc, ngọn núi xem ra chẳng khác gì ban đầu.

Có một ông lão tên là Trí Tẩu, ăn ở đối xử rất tinh ranh. Ông thấy cả nhà Ngu Công dọn núi thì cảm thấy nực cười. Một hôm, ông nói với Ngu Công rằng: "Ông đã nhiều tuổi như vậy, đi lại đã không dễ dàng, làm sao có thể dọn được hai ngọn núi này?". 

Ngu Công trả lời rằng: "Tên ông là Trí Tẩu, nhưng tôi thấy ông còn không giỏi bằng con nít. Tôi tuy đã sắp chết, nhưng tôi còn có con trai, con trai tôi chết, còn có cháu, con cháu đời đời truyền cho nhau, vô cùng vô tận. Đất đá trên núi dọn đi chút nào thì ít đi chút ấy, không thể mọc thêm được. Chúng tôi ngày nào, tháng nào, năm nào cũng dọn, làm sao không thể dọn nổi ngọn núi?". Trí Tẩu tự cho là thông minh nghe nói cũng không nói thêm được lời nào.

Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế. Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian, dọn hai ngọn núi này, Thế nhưng chuyện Ngu Công dời núi luôn lưu truyền đến nay. Nó nói với mọi người, bất kể gặp phải việc khó khăn ra sao, miễn là có quyết tâm có nghị lực làm thì có thể thành công".

Tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà, tôi chắc không cần phải giới thiệu nữa vì bất cứ ai quan tâm đều đã hiểu rất rõ. Chỉ là hành động của Huỳnh chủ tịch khiến tôi rất ấn tượng, tin rằng sống trên đời có thể thành bại, có thể làm quan hay làm dân, nhưng nhất định không làm điều hổ thẹn với chính mình. Việc làm được nhất định phải cố làm để mai sau về với cát bụi không còn hối tiếc, đấm ngực thở than.

2. Ông thứ trưởng là một người được đánh giá rất kỹ tính, thận trọng. Suốt nhiều năm thân tại quan trường chưa hề có tì vết, vậy mà phút chốc đại họa lâm đầu tứ bề thọ địch khi ký văn bản yêu cầu xử lý Huỳnh chủ tịch do phát ngôn của Huỳnh chủ tịch trong một buổi hội thảo về Sơn Trà.

Thật ra thì trong một buổi hội thảo để tìm ra giải pháp, người ta có quyền nói toàn bộ suy nghĩ của mình về vấn đề mà buổi hội thảo khoanh vùng. Tôi nhớ là những tập đoàn lớn trên thế giới, mỗi lần trình bày một phương án kinh doanh hay mô hình sản phẩm mới, họ đều yêu cầu các thành viên tham gia phải đưa ra ý kiến phản biện, xem đó là tiêu chí để đánh giá thẩm định năng lực và trách nhiệm của thành viên tập đoàn. Bất cứ sự phản biện nào cũng được ghi nhận và tìm câu trả lời thuyết phục, hoàn toàn không có chịu cười cợt hay phỉ báng.

Thế cho nên, khi văn bản do ông thứ trưởng ký được truyền thông loan tin dư luận hết sức phẫn nộ. Thậm chí, giới luật sư còn phân tích văn bản của ông thứ trưởng có những điểm lạm quyền, phạm luật.

Trong một động thái hết sức cầu thị, ông thứ trưởng đã xin ý kiến chỉ đạo để ra văn bản thu hồi lại văn bản cũ. Đồng thời, gửi lời xin lỗi đến Huỳnh chủ tịch. Tuy nhiên, ông thứ trưởng có tiết lộ vì sao ký văn bản này.

Theo ông thứ trưởng thì, "Tôi được Bộ phân công phát biểu kỷ niệm 71 năm quốc khánh Ý tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Khoảng 6h, tôi nhận được điện thoại của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói có văn bản trình tôi ký gấp. 

Tôi hỏi thì được trả lời là về xung quanh bán đảo Sơn Trà. Tôi nói đang dự lễ kỷ niệm và còn phát biểu nữa, nên hơn 6h thì các bạn đến Bảo tàng Dân tộc học VN tôi sẽ xem xét. Sau đó bên Tổng cục Du lịch cử anh em tới, đưa tôi xem văn bản. Nhưng khi xem, tôi không đồng ý ký vì có những nội dung còn phức tạp và tôi chưa rõ mục đích của văn bản đó là gì, tại sao lại phải ký ban hành văn bản đó.

Tôi đề nghị Tổng cục Du lịch làm lại cho rõ ràng. Tổng cục Du lịch nói đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nên anh em mới biên tập lại cái này trình tôi ký. 

Tôi nói lại rằng nếu đã có ý kiến của Phó Thủ tướng thì tôi sẽ xem xét ký nhưng tôi đã yêu cầu chỉnh sửa lại cho mềm mại hơn. Tôi còn cẩn thận hỏi kỹ lại Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch là có đúng Phó Thủ tướng chỉ đạo như thế này không? 

Ông tổng cục trưởng nói đúng như vậy. Vậy nên tôi đã ký văn bản đó. Nhưng đến ngày hôm sau, tôi cảm thấy không an tâm. Tiếp đến, mạng xã hội phản ứng rất nhiều và ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng gọi cho tôi hỏi sao tôi lại ký văn bản đó. Tôi nghĩ có sự chỉ đạo thì tôi ký chứ biết sao bây giờ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có gọi điện và nhắn tin cho tôi với nội dung đại ý là văn bản Bộ ra rất không chuẩn ở chỗ đòi Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng giải trình. Cán bộ tham mưu quen kiểu hành chính, cứ nghĩ như cán bộ của mình. Nên thu hồi văn bản đó ngay. 

Tôi xin ý kiến Bộ trưởng, trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói dứt khoát phải thu hồi. Bộ trưởng đồng ý thu hồi. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng đồng ý thu hồi. Tôi ký văn bản thu hồi văn bản trước đó.

Rõ ràng, có điều gì đó không ổn trong bộ phận tham mưu dưới quyền của ông thứ trưởng. Điều gì không rõ ràng thì phải chờ xác định của các cơ quan chức năng, tôi không dám võ đoán. Nhưng chắc chắn rằng, người ta phải có động cơ không trong sáng thì mới phải lập lờ thông báo về chỉ đạo của Phó Thủ tướng được. Tôi hoàn toàn không tin việc cán bộ công chức lại có thể hiểu sai chỉ đạo của một người chuẩn mực từ tác phong cho đến lời nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

3. Tôi ủng hộ sự phát triển theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là không đánh đổi môi trường. Quan trọng hơn, sự phát triển ấy thật sự là vì cái chung chứ không phải phục vụ cho một nhóm người, một nhóm lợi ích nào đó.

Viết đến đây lại nhớ câu của Dương Chấn khi từ chối món quà của Vương Mật khi Vương Mật bảo cứ nhận quà đi không có ai biết đâu, Dương Chấn trả lời "Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết".

Trời đất biết cả, hồn thiêng sông núi biết cả, mà chắc hẳn rằng nhân dân cũng biết cả.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.