Chơi chữ kiểu quan nhân

Thứ Năm, 11/05/2017, 08:09
Khi mà không có được khí chất của cán bộ lãnh đạo, càng nói càng sai, càng nói lại càng sa vào mê lộ của ngôn từ. Tưởng rằng chơi chữ được với nhân dân, chứ đâu biết rằng túi khôn của một dân tộc đều nằm trong nhân dân cả.


Đêm qua cũng như mọi đêm đã qua, Ngô đi tuần báo mạng trước lúc trùm chăn nằm ngủ. Tuần báo mạng là cách nói của Ngô thôi, ấy là đọc tất tần tật các thể loại báo mạng, từ tờ nhiều người đọc cho đến tờ không nhiều người đọc, từ tờ không nhiều người đọc cho đến tờ ít người đọc.

Mấy trăm mấy mươi bài báo trôi qua không khiến Ngô sốc bằng bài tường thuật phiên tiếp xúc cử tri của ông lãnh đạo tỉnh Bình Định với tư cách là Đại biểu Quốc hội.

Nhẽ đơn giản, khả năng chơi chữ với nhân dân của ông này đã thuộc dạng thượng thừa, đại đại cao thủ.

1. Năm ngoái, khi thông tin về ông Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bình Định loan truyền trên khắp các mặt báo đã gây xôn xao dư luận. Tựu trung hai vấn đề, thứ nhất là về mảnh bằng tiến sĩ không được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận (bằng văn bản). Kế đến, là chuyện hàng loạt người nhà của ông này đang đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo cấp sở, phòng tại tỉnh Bình Định.

Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, ông Phó Bí thư Thường trực hồn nhiên xác tín tấm bằng tiến sĩ của mình là hàng thật giá đúng. 

Ông nói, "Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận tôi được cơ quan có thẩm quyền cử đi học, trường tôi học là trường công lập, bằng tôi học có giá trị pháp lý của nước bạn, được cơ quan có thẩm quyền của nước bạn kiểm định chất lượng và xác định. Như vậy, nói tôi sử dụng bằng "dỏm" là không phải. Nhưng do tôi có thiếu sót không tìm hiểu kỹ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cụ thể ở đây là Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, nên bằng của tôi dù là thật, có giá trị pháp lý ở nước bạn nhưng chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo nước ta công nhận".

Câu chuyện tấm bằng tiến sĩ của ông Phó Bí thư Thường trực rất dài dòng. Đại khái, ông cho biết ông nhận bằng tiến sĩ do Trường ĐH Bulacan State ở Philippines cấp, chuyên ngành Quản lý Giáo dục. Ông học theo hệ liên kết đào tạo từ xa. 

Theo ông thì Trường Bulacan State có liên kết đào tạo tiến sĩ với Trường Đại học Đại Nam. Tuy nhiên, Trường Đại học Đại Nam đã phủ nhận hoàn toàn "sự hiểu biết" của ông Phó Bí thư Thường trực.

Ông hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam khẳng định, trường này không liên kết với Trường ĐH Bulacan State hay bất cứ một trường đại học nào trên thế giới đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ quản lý giáo dục. Ông này còn cho biết thêm Trường ĐH Đại Nam chỉ tư vấn cho ông Phó Bí thư Thường trực chứ không liên kết đào tạo với ĐH Bulacan State. 

Minh họa: Lê Phương.

Thời điểm đó, Trường ĐH Đại Nam đã phân tích cho ông Phó Bí thư Thường trực rất rõ là nếu học chương trình tự học hướng dẫn từ xa, tập trung theo hai học kỳ, mỗi học kỳ có vài ngày thì Bộ GD&ĐT không công nhận.

Nhưng bất chấp đã được tư vấn, ông Phó Bí thư vẫn cứ đăng ký học tiến sĩ theo hình thức bán du học, quá trình học và hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu sinh được thực hiện tại Hà Nội, mỗi tháng bốn ngày, bảo vệ đề tài được thực hiện tại Philippines trong 10 ngày.

Đến khi vinh quy bái tổ nhận bằng tiến sĩ, ông vui mừng cầm bằng tiến sĩ về báo cáo tổ chức. Tổ chức cũng hân hoan nhanh chóng thừa nhận cho đến khi vụ việc vỡ lở. Vỡ lở ầm ĩ đến mức, ông Phó Bí thư Thường trực phải mang mấy trăm triệu ra trả lại cho tổ chức vì ông đã quá tuổi để được nhận hỗ trợ đi học của tỉnh.

Vấn đề ở đây không phải là chuyện mảnh bằng tiến sĩ ất ơ (không được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận nghĩa là ất ơ chứ gì nữa mà còn phải tranh luận hay thanh minh), mà vấn đề ở đây theo Ngô tôi nghĩ chính là căn bệnh hình thức đã nhiễm vào tư duy của ông Phó Bí thư đến mức vô phương cứu chữa.

Ngô tin rằng chính bản thân ông Phó Bí thư Thường trực hiểu rõ nhất về tính chính danh của mảnh bằng tiến sĩ mà ông Phó Bí thư Thường trực đang sở hữu, chứ không phải đợi đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố không thừa nhận thì ông mới ngả bổ ra ngạc nhiên.

Cái cách khẳng định mình không có xài bằng dỏm của ông Phó Bí thư Thường trực còn ngộ nghĩnh hơn.

Cái bằng của ông được nước nào thừa nhận là chuyện của ông, nhưng ông là cán bộ lãnh đạo của đất nước mình, thì bằng cấp của ông không được cơ quan quản lý giáo dục của nước mình thừa nhận thì đích xác đó là bằng dỏm chứ gì nữa? Còn nếu ông muốn khẳng định đó là bằng thật thì cứ qua nước thừa nhận cái bằng đó là thật mà làm quan chức.

Rõ ràng, cái sai đã không được ông Phó Bí thư Thường trực thành khẩn thừa nhận, vẫn là bao biện, vẫn là chầy cối.

Ngô tôi nghe bảo ở vài nước Châu Âu có cho người trưởng thành sử dụng một dạng ma túy nhẹ hợp pháp. Ông Phó Bí thư Thường trực sang những nước này buồn buồn hút vài hơi hợp pháp thì không sao, chứ về nước mình cứ ngồi công khai hút xong lập luận, "Tui thấy ở bển hút được thì tui tưởng ở đây hút cũng được chứ", thì sẽ hiểu thế nào là quốc có quốc pháp, gia có gia quy ngay.

2. Liên quan đến chuyện người thân làm lãnh đạo, cụ thể vợ của ông Phó Bí thư Thường trực thì làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chị của ông Phó Bí thư Thường trực thì làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, em của ông Phó Bí thư Thường trực làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, còn em rể của ông Phó Bí thư Thường trực thì làm Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ông Phó Bí thư Thường trực phân trần, "Qua kiểm tra quy trình đối với các chức vụ mà người thân của tôi đang giữ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận là không có cơ sở để cho rằng tôi lợi dụng chức vụ và quyền hạn để bổ nhiệm người thân giữ cương vị lãnh đạo một số ngành và thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, trong quá trình bổ nhiệm đó còn thiếu sót một số thủ tục. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân tôi kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Không lẽ giờ ngồi phân tích từng câu từng chữ thì kỳ cục quá, chứ Ngô tôi thiệt tình chịu hẳn ông Phó Bí thư Thường trực.

Ông Phó Bí thư nói, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận không có cơ sở để cho rằng ông lợi dụng chức vụ và quyền hạn để bổ nhiệm người thân. Đây là chuyện hoàn toàn đúng. Bởi trên thực tế không chỉ ông mà rất nhiều cán bộ lãnh đạo có người thân được đề bạt làm lãnh đạo cũng không ai đủ cơ sở để cho rằng những người đó lợi dụng chức vụ và quyền hạn cả.

Ngô tôi cũng không ấu trĩ đến mức phủ nhận toàn bộ năng lực của những cá nhân có người thân làm lãnh đạo rồi tiếp tục được đề bạt làm lãnh đạo, đơn giản là người ta có quyền đứng trên đôi vai người khổng lồ nếu người ta có điều kiện. Thế nhưng, có một thứ còn quan trọng hơn cả chứng cứ, đó chính là sự thật. Sự thật thì không chỉ có người biết mà còn có trời biết, có đất biết, có lịch sử xét soi.

Không phải từng có trường hợp cha bổ nhiệm con rồi thanh minh thanh nga rằng không để ý hay sao? Không phải cũng từng có trường hợp bí thư một tỉnh ngửa mặt than trời vì người nhà cứ liên tiếp được sở, ngành địa phương đề bạt vào vị trí lãnh đạo hay sao? Không phải hiện đang có rất nhiều trường hợp làm quan gia truyền hay sao? 

Tuy vậy trên cả những thứ ấy chính là lòng tự trọng của mỗi cá nhân, thấy việc đúng thì làm, thấy việc sai thì dừng, thấy việc ảnh hưởng đến thanh danh của mình thì lập tức ngăn chặn. Ít ai nghĩ đến điều này, nhưng rõ ràng thanh danh của cán bộ lãnh đạo không chỉ là của cán bộ lãnh đạo và người thân, mà đó còn là thanh danh của cả một hệ thống, của cả một tổ chức. Tiền nhân có câu, ….người khôn đỏ mặt là vì vậy.

Huống hồ chính ông Phó Bí thư Thường trực cũng thừa nhận, "Trong quá trình bổ nhiệm đó còn thiếu sót một số thủ tục. Ủy Ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân tôi kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Như vậy có thể thấy rằng, người thân của ông Phó Bí thư Thường trực thiếu sót một số thủ tục vẫn được bổ nhiệm, vậy nếu đó không phải là người thân của ông Phó Bí thư Thường trực thì có được bổ nhiệm hay không?

Bất cứ ai đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước đều hiểu rằng, quy trình bổ nhiệm hiện tại là rất chặt chẽ về mặt hồ sơ, tuân thủ đúng quy định. Thậm chí, con ông này cháu bà kia cũng phải đảm bảo đúng quy trình. Ấy vậy mà, thiếu sót một số thủ tục vẫn được thông qua như người thân của ông Phó Bí thư thì quả là xưa nay hiếm có.

3. Trên cả mảnh bằng tiến sĩ không được công nhận, người thân thiếu sót thủ tục vẫn được bổ nhiệm ấy chính là khí chất của người cán bộ lãnh đạo.

Cán bộ lãnh đạo phải có khí chất riêng, khí chất không kém gì khí chất của người quân tử. Đi đứng đàng hoàng, nói năng cẩn trọng, không lợi dụng vị trí tư lợi cho cá nhân, không sử dụng quyền lực được giao phục vụ cho cá nhân, không mưu cầu những thứ ngoài năng lực bằng mọi giá.

Khi mà không có được khí chất của cán bộ lãnh đạo, càng nói càng sai, càng nói lại càng sa vào mê lộ của ngôn từ. Tưởng rằng chơi chữ được với nhân dân, chứ đâu biết rằng túi khôn của một dân tộc đều nằm trong nhân dân cả.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.