Những câu chuyện ngắn dài

Thứ Hai, 18/06/2018, 07:58
Mấy hôm nay Ngô tôi đi đến đâu hay đọc chỗ nào cũng thấy người ta lạm bàn về Dự thảo Luật Đặc khu với những lo lắng, phản đối hoặc thận trọng.


Trên tất cả những điều này chính là nỗi quan hoài về an ninh quốc gia, tức là cương thổ thiêng liêng mà tiền nhân để lại. Ngô cho rằng thật vui mừng khi chứng kiến nhân dân vẫn biểu lộ cảm xúc ấy trước những vấn đề lớn của dân tộc.

Đó là một thứ tài nguyên quý giá mà không phải quốc gia nào cũng có thể sở hữu được.

1. Trên mạng xã hội đang có một trường sóng gió, bắt đầu từ tranh luận chuyển sang nhục mạ, chửi bới nhau của những người ủng hộ hoặc phản đối việc Quốc hội bàn thảo để thông qua Dự thảo Luật Đặc khu. 

Những ngôn từ nặng nề được buông ra để thóa mạ, chửi bới ngày càng xuất hiện dày đặc. Một nhóm nhỏ khác tranh luận dựa trên nền tảng của tri thức, Ngô rất thích đọc những người này.

Có một điều phải thừa nhận là tiếng nói phản biện hay lo âu trên mạng xã hội đang được Chính phủ lẫn các Đại biểu Quốc hội lắng nghe một cách nhẫn nại, đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, chia sẻ trong những ngày qua, câu chuyện cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt đã gây ra “làn sóng khủng khiếp”, nhiều ý kiến tâm tư, nhiều tin nhắn, cuộc gọi và thư từ liên quan được gửi đến Thủ tướng.

Điều lo ngại lớn nhất của đông đảo nhân dân chính là cụm từ cho thuê đất lên đến 99 năm, bất chấp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây không phải là mấu chốt của Dự thảo Luật Đặc khu và những trường hợp đặc biệt được thuê đất đến 99 năm sẽ do Thủ tướng quyết định sau khi đã tham mưu rất kỹ càng từ các cơ quan chức năng, ban ngành.

Minh họa: Lê Phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có nói, “Dự thảo không có một từ, một chữ nào liên quan tới Trung Quốc. Chẳng qua một số người cố tình hiểu theo hướng đó, đẩy vấn đề lên để chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc. 

Trong môi trường hội nhập quốc tế, các quốc gia đều bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Chúng ta có chủ quyền, có độc lập, không ai có thể vào đây làm gì trong chủ quyền đó. Chúng ta có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ. Phải chú ý lắng nghe nhưng đừng có quá sợ”.

Trên thực tế theo quan sát của Ngô thì rất ít người cố tình hiểu sai điều mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa trao đổi, đại đa số còn lại đều hiểu đúng nhưng cái mà họ bày tỏ là sự giám sát của các cơ quan chức năng trước làn sóng tằm ăn rỗi của những người đến từ phía Bắc. 

Nhất là khi thực tế thì nhiều quốc gia khác đã bị họ ăn rỗi như thế nào, chỉ cần chịu khó đọc báo chính thống là sẽ thấy, từ nơi này hoặc nơi kia.

Ngay tại nước mình thôi, mới năm trước còn ầm ào chuyện 90% tổng thầu các công trình lớn đều lọt vào tay người phương Bắc. Mặc dù hoàn toàn không có quy định nào trong việc người phương Bắc được độc quyền trúng thầu. 

Đâu đó ở Đà Nẵng hay Nha Trang hoặc Bình Thuận đều đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải từ người phương Bắc, chính Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phải nhắc nhớ Bộ này có giải trình về tour 0 đồng, rồi du khách mặc áo có đường lưỡi bò khi đến đất nước ta.

Có một làn sóng dưới đại dương về dòng tiền của người phương Bắc đổ vào nước ta thông qua các công ty ở nhiều quốc gia khác, Ngô tôi tin rằng giới lãnh đạo đều nắm rất kỹ chuyện này.

Tháng trước Ngô có chuyến công tác dài ngày đi Trường Sa, càng đi nhiều càng thấy nhiều, càng thấy nhiều càng có thể đưa ra nhận định những lo lắng về một nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của đại đa số nhân dân là có cơ sở. 

Nói như Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa thì, “Các hành vi xâm phạm chủ quyền có thể rất đa dạng, từ ý đồ chính trị của các quốc gia ngoại bang cho đến kế hoạch thôn tính của các tập đoàn tài phiệt, công ty đa quốc gia vì các lợi ích kinh tế. Ngoài ra còn có các hoạt động, hành vi không chủ đích nhưng vô tình xâm hại chủ quyền của nước sở tại. 

Vì vậy, trong mọi chủ trương mở cửa và hội nhập, nhất là trong các đạo luật mà chúng ta ban hành, luôn phải dự phòng các nguy cơ bị xâm hại chủ quyền, kể cả trước mắt, hiện tại và cả trong tầm nhìn dài hạn, tương lai”.

Tất nhiên, phải tỉnh táo để hiểu rằng những nguy cơ ấy nhân dân thấy thì lãnh đạo không thể không thấy và không thể không có giải pháp.

2. Việc xây dựng hình thành ba đặc khu là một chủ trương lớn với mục đích cuối cùng chắc chắn là nhằm đưa đất nước phát triển. Ngô tôi tuyệt đối không tin vào câu chuyện nhóm lợi ích ở chủ trương này, nếu là ý chí của một cá nhân thì còn có thể nghi ngờ nhưng đây là ý chí của một tập thể, mà rất khó để thuyết phục Ngô ý chí của một tập thể chính là một nhóm lợi ích.

Quốc gia đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, đây là điều mà không thể không thừa nhận cũng như không thể phủ nhận. Trong bối cảnh khó khăn ấy, cần có những quyết sách mạnh mẽ để đưa quốc gia vượt muôn trùng vây. Và có vẻ như, xây dựng ba đặc khu nằm trong chiến lược ấy.

Với những ưu đãi về chính sách cũng như cơ chế thông thoáng, những đặc khu nếu được hình thành sẽ là môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư từ các tập đoàn, các công ty đa quốc gia với những ngành nghề đa dạng, tiên tiến. Từ đây, những đặc khu như các đầu kéo để kéo theo sự phát triển của nhiều địa phương khác.

Dẫu vậy có ý kiến lo ngại rằng sẽ tạo ra sự bất đối xứng giữa ưu đãi tại các đặc khu và những vùng kinh tế đang hoạt động. Ngô tôi thấy ý kiến này cũng hợp lý, nhưng có thể thấy rằng chắc chắn phải có sự cân bằng để không tạo ra câu chuyện sản phẩm từ nơi nhận được ưu đãi sẽ xâm lấn thị trường của sản phẩm của nơi không được ưu đãi. 

Đây là vấn đề mà Ngô nghĩ có thể an tâm, nhất là với những cái đầu siêu nhân đã quen với cơ chế thị trường và quen thuộc yếu tố thương trường là chiến trường.

Song song với những ưu đãi về chính sách tại các đặc khu, hai ngành nghề kinh doanh nhạy cảm là phố đèn đỏ và casino sẽ xuất hiện tại đặc khu. Đây thật sự là điều tốn rất nhiều thời gian cũng như năng lượng để giám sát, giải quyết các hệ lụy phát sinh. 

Vì ai cũng biết đó là những thứ dễ khiến con người buông lơi năng lực kìm chế, buông thả bản năng một cách thoải mái nhất.

Ngô từng chứng kiến những người nghiện cờ bạc vật vã như thế nào khi hết tiền, họ nhớ những lá bài, nhớ tiếng leng keng của hột xí ngầu, nhớ cái không khí trong sòng bài, nhớ lúc thắng hoặc lúc thua… 

Điều đặc biệt là những người nghiện cờ bạc chỉ thấy hoặc chỉ vẽ ra viễn tưởng mình thắng bạc, chưa có ai nghiện cờ bạc lại nghĩ đến cảnh nếu mình thua cháy túi thì sẽ như thế nào.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bảo lưu quan điểm không ủng hộ đặt casino tại các Đặc khu, Ngô tài hèn sức mọn thì nghĩ vẫn có thể đặt được nếu như làm tốt công tác quản lý. Nhất là khi Singapore đang hết sức thành công về mô hình cờ bạc hợp pháp này. 

Nhưng (lại nhưng), phải xây dựng được con người đủ khả năng cũng như chuyên môn lẫn tâm tầm đầy đủ để hy vọng sự giám sát ấy là hiệu quả, minh bạch.

Tự lâu nay, Ngô vẫn ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm. Bởi cho dù có nói đến đâu đi chăng nữa, có mang luân thường đạo lý ra lạm bàn đến đâu đi chăng nữa thì chắc chắn nhu cầu mại dâm là một nhu cầu có thật. Vấn đề chỉ là khi nhu cầu này được hợp pháp hóa thì việc coi sóc sẽ ra sao.

Ngô tin rằng người ta làm được thì mình làm được, tuy nhiên để muốn làm được như người ta thì mình phải có những con người như người ta đang có. Đại ý, muốn Đặc khu thành công thì phải có những con người phù hợp với tình hình mới tại đặc khu, từ tư duy cho đến tính cách, trình độ.

Con người ấy hiện tại chúng ta có hay không, Ngô tôi thành thật mà trả lời Ngô không biết là có hay không nữa. Cũng có thể là có, mà cũng có thể là không. Mà giả như là có chắc cũng là hiếm hoi lắm.

3. Tất cả chúng ta đều biết đặc khu đang làm theo hướng thể nghiệm, nói cách khác thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thế nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm tận ba đặc khu thì Ngô e rằng nhiều quá.

Lấy ví dụ một người đi câu cá, đến một cái hồ hoặc một khúc sông lạ mà chưa biết có cá hay không, chỉ có người chưa có kinh nghiệm mới soạn hết đồ câu ra để câu một lần. 

Người có kinh nghiệm bao giờ cũng quan sát rất kỹ từ con nước cho đến móng cá, rồi rải thính, rồi buông thử một cần. Khi có tín hiệu cá ăn mồi hoặc câu được cá trong thời gian ngắn, người đi câu mới buông thêm nhiều cần câu khác.

Các tỷ phú trên thế giới trong những bài giảng ngắn gọn của mình về hạn chế rủi ro trong kinh doanh bao giờ cũng bắt đầu và kết thúc bằng câu, “Không ai bỏ tất cả trứng vào cùng một cái giỏ”.

Thế nên, quan điểm cá nhân Ngô vẫn xin được góp ý với Trung ương bằng tất cả sự chân thành rằng chỉ nên thử nghiệm một đặc khu, có thể đó là Phú Quốc là Vân Đồn hay là Bắc Vân Phong. Trong tình hình thực tế về cơ sở hạ tầng thì có lẽ việc chọn lựa này sẽ dễ hơn với hai cái tên Phú Quốc hoặc Bắc Vân Phong.

Thử nghiệm một hoặc hai chu kỳ từ năm đến mười năm, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm từ thực tế, cái gì được thì phát huy, cái gì chưa được thì điều chỉnh, sau khi đánh giá cân nhắc kỹ càng thấy đặc khu đúng là con đường chính xác thì tiếp tục cho nhân rộng ra mô hình này.

Ngô nghĩ rằng nếu làm được vậy thì quý quá, thì tốt quá, vừa hiệu quả lại vừa khoa học. Lấy một ví dụ nhỏ thôi, như mô hình 141 ở Thủ đô Hà Nội này, mô hình này đã chứng minh tính hiệu quả trong việc giữ gìn trật tự xã hội, ngăn ngừa các loại tội phạm.

Bây giờ yêu cầu những địa phương chưa đảm bảo được trật tự xã hội áp dụng mô hình này thì có ai lại không ủng hộ.

Trước một vấn đề lớn của quốc gia, dẫu đúng hay sai cũng xin được góp ý bằng những lời từ tấm lòng mình.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.