Ngày mai sẽ có nắng

Thứ Ba, 13/03/2018, 14:25
Ngô tôi vẫn luôn tin rằng, còn sống là còn hy vọng và ngày mai là một ngày tươi đẹp. Trong hạnh phúc hay khổ đau, lúc hanh thông hay thất bại, khi vượng khí hay lỡ vận, Ngô vẫn tuyệt đối giữ nguyên niềm tin vào điều này, tuyệt chưa bao giờ có ý nghi ngờ hay xét lại.

Có thể năm xưa đọc sách bị ảnh hưởng của nhân vật nhiều quá, cũng có thể lúc nào trong mình cũng luôn hồn nhiên, cho dẫu ngày hôm nay có ra sao thì mai sau nghĩ về đó luôn là một miền ký ức ấm êm.

Thế nên hôm nay có buồn rũ người thì đoán chắc ngày mai sẽ được mỉm cười vậy.

1. Cô giáo tiểu học ấy vừa bị phụ huynh bắt quỳ gối để họ có thể thứ tha vì cô giáo trót phạt con của họ quỳ gối trước đó. Chuyện này hệt như oan oan tương báo trong sách vở tiểu thuyết vậy, ngươi nợ ta một đao, không kể một năm hay mười năm, một đời hay hai đời, nhưng nhất định ta phải trả lại cho ngươi một đao nguyên vẹn. 

Ngươi nợ ta một quãng ân tình, không kể là ngươi hay con ngươi, nhất định ta sẽ phải báo cho bằng hết sự khổ sở mà ta đang gánh chịu vì sự bạc bẽo của ngươi.

Cổ Long tiên sinh viết mấy mươi bộ sách, nảy sinh ra một nhân vật thật kỳ thú, ấy chính là Lý Tầm Hoan, biệt hiệu Tiểu lý phi đao, đao phóng ra chưa bao giờ trật, ngọn đao mỏng như lá lúa, tay cầm bằng gỗ tạp không có gì đặc sắc, cái đặc sắc chính là người sử dụng đao. 

Nhưng giang hồ không sợ hãi hay kính trọng Lý Tầm Hoan vì tài phóng đao, họ sợ hãi và kính trọng Lý Tầm Hoan vì Lý Tầm Hoan không phải là một con người. Lý Tầm Hoan không phải là một con người vì luôn luôn nghĩ đến người khác, cả đời Lý Tầm Hoan tin rằng ai làm bất cứ điều gì cho dù đúng hay sai đều có nguyên nhân, và nguyên nhân ấy đều đáng thương, đáng được thông cảm.

Chính vì lẽ đó, Lý Tầm Hoan vĩnh viễn chỉ là một nhân vật trong sách vở.

Con người sinh sống cốt yếu luôn nói yêu thương nhân văn nhưng trong tận thẳm sâu là bản năng, một bản năng kỳ lạ. Bản năng của sự báo thù, bản năng của sự hành hạ hoặc trả lại cho đủ đầy sự hành hạ mà mình trót nhận lãnh từ một cá nhân nào đó. Câu chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối để trả thù cho con mình cũng bắt nguồn từ bản năng này.

Đầu tiên phải thừa nhận rằng hình thức xử phạt học sinh như đánh vào tay, vào mông, bắt quỳ gối, véo tai hay bất cứ hình thức nào có đụng chạm đến thân thể hoặc xúc phạm, trấn áp tinh thần học sinh đều phản tác dụng, đều sai trái. Và đó là điều không nên hiện hữu trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, khi mà đa phần những đứa trẻ vốn là nguồn sống, vốn là của để dành của các bậc làm cha làm mẹ.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô tôi tin rằng nếu không may con em của chúng ta bị cô giáo phạt quỳ gối, chúng ta cũng sẽ có những phản ứng mất bình tĩnh. Tất nhiên, không thể nào luận giải theo lối, ngày xưa tôi đi học bị thầy cô xử phạt thế này thế kia còn không sao huống hồ chỉ là quỳ gối. Xưa khác nay khác, nhận thức cũng khác và tư duy cũng khác.

Nhưng có một điều mà không phải ai cũng nhận thấy đó chính là không thể giải quyết một vụ việc theo lối lấy cái sai để trừng trị một cái sai. Và nếu tin rằng rường cột của một quốc gia chính là giáo dục thì đừng bao giờ chỉ nhìn vào một sự vụ mà hãy nhìn cả một con đường khiến vụ việc ấy hiện hữu.

Chuyện cô giáo bị bắt quỳ là hệ quả của những chuỗi ngày mà hình ảnh người thầy giáo cô giáo, của cả một giai đoạn mà sự tôn nghiêm của người thầy người cô bị quên lãng, nếu không quên lãng thì là bị xem nhẹ.

Không ai trong chúng ta nên người mà không nhờ vào sự chăm sóc, giáo huấn của bố mẹ,;sự chăm sóc truyền thụ kiến thức của thầy cô. Vị trí ta có hôm nay, ngôn ngữ ta sử dụng hôm nay, nhận thức của ta hôm nay, thành công của ta hôm nay, trước tiên là sự cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân; nhưng sự cố gắng ấy dựa trên tiền đề mà chúng ta thụ hưởng từ gia đình, từ nhà trường, vĩnh viễn không thể nào cố quên đi hoặc nghĩ khác đi được.

Là quan chức cũng vậy, là thường dân cũng vậy, là tỉ phú cũng vậy, là khố rách áo ôm cũng vậy, là thương nhân cũng vậy mà làm kẻ ngửa tay xin thí thực cũng vậy.

2. Trong truyền thống người Việt được lưu truyền gìn giữ nhiều đời thì người thầy giáo cô giáo luôn có vị trí đặc biệt. Hẳn nhiên, tay mặt này thì đen mặt kia thì trắng, người cũng có người nọ người kia, nhưng những thầy cô không giữ trọn đạo thầy cô ít lắm, thầy cô đáng kính vẫn nhiều hơn.

Đọc sách thấy trò làm quan to đến cổng nhà thầy vẫn phải xuống kiệu khoanh tay bước vào, thầy không may thác đi thì môn đồ tuần tự thay phiên nhau chăm sóc mộ, dựng lều hương khói. 

Chuyện ấy xưa lắm rồi, chỉ là nhắc lại để thấy tinh thần tôn sư trọng đạo mà thôi. Ông đồ làng có anh sĩ tử hỏng khoa thi hay là vị quan cáo lão điền viên thì vẫn luôn được tôn trọng như nhau. Cha muốn con theo học chữ cũng cắp con gà vào nách, xách chai rượu trên tay đến nhà thầy, miệng nói với thầy thì cười, miệng bắt con chào thầy thì nghiêm, tuyệt không dám có một cử chỉ bất kính.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm nối năm, thế kỷ trôi theo thế kỷ, khoảng cách cao vời vợi của thầy với trò ngày càng trở nên gần gũi hơn. Dẫu vậy thì thẳm sâu trong tâm tưởng thì trò vẫn kính trọng thầy cô là không suy suyển, ít nhất với Ngô tôi là như vậy.

Nhưng rồi không hiểu từ đâu, không biết từ sự đổi thay nào, hình tượng những thầy giáo cô giáo bắt đầu trở nên buồn bã hơn rất nhiều.

Thầy giáo cô giáo dạy thêm bị một lực lượng hùng hậu xông vào nhà bắt quả tang quay phim chụp ảnh không khác gì cảnh khám rượu lậu trữ thuốc phiện ngày xưa. 

Thầy giáo cô giáo phải chung chi để được vào biên chế hoặc được suất dạy gần nhà. Ngô tôi còn nghe tâm sự các thầy cô được cử đi dạy ở miền ngược muốn về miền xuôi cũng phải quỵ lụy trăm bề, quỵ lụy từ ông hiệu trưởng cho đến ông giám đốc sở, cực khổ muôn phần.

Rồi cô giáo được điều đi làm nhiều vụ chính trị bằng cách tiếp khách nhân dịp hội hè đình đám nào đó; rồi cũng có cô giáo là hiệu trưởng ăn chặn, ăn bớt khẩu phần của trẻ; rồi cũng có ông hiệu trưởng cấu kết với quan chức thoái hóa mua dâm của nữ sinh; rồi cũng có bà hiệu trưởng nói dối đến cùng vụ taxi chở bà vào tận sân trường gây nên tai nạn khiến một học sinh tiểu học gãy chân, rồi cũng có vị hiệu trưởng chèn ép đến cùng một giáo viên khi giáo viên này lên tiếng vì những tiêu cực của nhà trường….

Ngô tôi nói điều này có gì sai các vị bỏ quá cho, chúng ta đang có một lớp người làm quản lý giáo dục hết sức lệch lạc và thiếu chuẩn mực của những cá nhân làm công tác sư phạm, công tác trồng người.

Không cần nhìn đâu xa, cứ nhìn ngay chuyến tàu vét danh hiệu Phó Giáo sư - Giáo sư bị báo giới phanh phui, bị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm mặt, 94 trường hợp có vấn đề sẽ thấy. 

Chúng ta có thêm rất rất nhiều phó giáo sư - giáo sư, hẳn nhiên trong số ấy cũng có vô cùng nhiều những bậc đáng kính, những bậc tâm huyết với giảng dạy, với nghiên cứu khoa học nhưng chắc chắn không thể nào có ít những vị chỉ cần danh hiệu để giương oai diễu võ, để lên mặt với đời, để cũng cờ mão, cũng cân đai như cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến từng vịnh.

Bởi nếu xét thấy ta chưa được, ta chưa đủ chuẩn thì cố bằng mọi cách để có danh hiệu làm gì. Hẳn, khi chưa chuẩn, khi chưa được mà vẫn muốn cố thì phải lươn lẹo, thì phải hầu hạ biếu xén, thì phải chạy chỗ này cống một phần, chạy sang chỗ kia cống một phần, rồi lén lút đi sao chép nghiên cứu, rồi âm thầm đi đạo văn của người biến thành cái của mình. 

Một cá nhân không giữ được lòng tự trọng mà đi thực hiện những hành vi đáng lên án đó thì làm phó giáo sư mà làm gì, làm giáo sư mà làm gì. Chẳng những không đóng góp gì được cho quốc gia mà càng khiến quốc gia có thêm một gánh nặng vì vấn nạn chạy danh hiệu, chạy tước vị.

Khi những nhà quản lý giáo dục vẫn loay hoay trong mớ bòng bong ấy thì rất khó để hy vọng vào những điều tốt đẹp mà những thầy giáo cô giáo, những người trực tiếp tham gia vào công việc trồng người, vào quá trình hình thành nhân cách học sinh sẽ được thụ hưởng.

Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, mà thân phận những thầy giáo cô giáo vốn đa phần hiền hậu ấy thì loạn ra sao. Nên họ chỉ có thể thụ động trở thành nạn nhân của sự loạn từ trên xuống vậy, bây giờ là loạn từ bên ngoài vào.

Dẫu đớn đau cũng phải thừa nhận, với giáo dục, giọt nước đã tràn ly; với giáo dục không phải là hồi chuông cảnh báo gióng lên nữa mà chiếc chuông đánh gõ liên hồi cũng đã muốn vỡ đi rồi.

3. Chính vì vậy, muốn có ngày mai là một ngày nắng, ngày mai là một ngày khác, ngày mai là một ngày tốt đẹp thì phải chấn chỉnh, phải thay đổi ngay từ hôm nay. Đơn giản, vĩnh viễn ở bất cứ thể chế hay quốc gia nào đi chăng nữa, ở thời đại hay thời điểm nào đi chăng nữa thì giáo dục luôn là rường cột của quốc gia, thành hay bại, văn minh hay lạc hậu cũng do giáo dục quyết định.

Và giả như ai đó đang làm lãnh đạo ngành giáo dục không đủ sức thực hiện điều này thì có lẽ phải mong chờ vào quyết tâm của Chính phủ kiến tạo.

Việc đã gấp lắm rồi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.