Lại là người ấy

Thứ Ba, 12/12/2017, 10:48
Tự dưng đang yên đang lành, những anh chị ấy lại xuất hiện. Tất nhiên, Ngô tôi phải thừa nhận là có những cá nhân chỉ cần đừng nói gì cả đã là giúp ích cho đám đông lắm rồi.

Nhưng không, tuyệt đối không chịu hiểu điều vĩ đại mà họ có thể làm. Thế nên, bất chấp gió mưa, bất chấp bão táp, bất chấp ngày nắng hạn hay đêm dầm dề, họ vẫn cứ nói, họ vẫn cứ phát biểu.

Tiếng nói át tiếng Kinh.

1. Anh ấy lại vừa xuất hiện, lần này vẫn đĩnh đạc phong thái như mọi lần, vẫn khung cảnh quen thuộc là trong một cuộc họp, anh ấy hồn nhiên thừa nhận rằng thì là mà có nhiều tuyến đường tại TP HCM mau xuống cấp, rằng thì là mà có nhiều tuyến đường do xây dựng trên nền đất yếu nên mau sụt lún, rằng thì là mà có nhiều tuyến đường do tráng nhựa thế này thế kia, rằng thì là mà kiểm tra thì không phát hiện có dấu hiệu rút ruột hay gì cả, rằng thì là mà có tuyến đường mau hỏng là do không có xe lưu thông.

Cái gì vậy trời? Lần đầu tiên Ngô tôi nghe phát kiến lạ lùng từ người đứng đầu một Sở lập luận hệt như thuở thập niên 70 - 80 khi công nghệ làm đường chưa phát triển như hiện nay, hiện hình ngay giữa thành phố vẫn đang phấn đấu là thành phố thông minh, thành phố được chấp thuận nhiều cơ chế đặc thù để thành đầu tàu của cả nước.

Là đường mau hỏng là do không có xe lưu thông? Giỡn hoài. Chuyện khó vậy cũng nghĩ ra được, lý do siêu nhân vậy mà cũng nghĩ ra được, tư duy tuyệt vời tuyệt đối tuyệt vô hy vọng như vậy mà cũng có thể biến thành phát ngôn được.

Mấy lâu trước, anh ấy nhất định không thừa nhận TP HCM không có kẹt xe, ảnh nói rằng thì là mà làm sao lại có kẹt xe, thành phố rằng thì là mà là sao có thể kẹt xe được, rằng thì là mà còn nhúc nhích thì làm sao mà kẹt xe, rằng thì là mà xe cộ đứng yên bất động thì mới gọi là kẹt xe, rằng thì là mà còn nhúc nhích tức là còn di chuyển xe được thì làm sao mà dám gọi là kẹt xe.

Ảnh hơi bị hay luôn, Ngô tôi suýt chút nữa vái ảnh một vái thật dài rồi ngẩng mặt nhìn trời hét lên, "Tại hạ bội phục, tại hạ thập phần ngưỡng mộ, tại hạ có mắt như mù, có tai như điếc, có miệng như câm, mấy trăm năm trước không nhìn thấy một bậc thần tiên giáng thế, mấy nghìn năm sau không trông rõ một bậc người trời hạ phàm là bậc đại đại anh hùng này đây".

Ngô có tuổi rồi, đêm dẫu có dùng cơm khách hay dùng cơm nhà, đêm dẫu có ăn hay dẫu có nhịn thì đúng năm giờ ba mươi sáng vẫn phải thức dậy. Làm chuyện cá nhân xong là lo cho hai ông con rồi đưa hai ông con đến trường. Ngày lại ngày tháng lại tháng, năm lại năm, ngoại trừ lễ tết hay cuối tuần thì còn lại đều phải rằng thì là mà đương đầu với cái "nhúc nhích" của anh ấy.

Chuyện đương đầu khó khăn hệt như một đòn trí não, từng cm đường chầm chậm mà tiến lên, hai ông con trong xe lúc nào cũng thở dài, "Lại kẹt xe rồi ba ơi". Ngô phải an ủi con, "Con ơi, không có kẹt xe đâu con. Chỉ là rằng thì là mà nhúc nhích mà thôi".

Minh họa: Lê Phương.

Mấy triệu thị dân sinh sống hay tạm trú hay mưu sinh hay bám víu ở tại thành phố này ai cũng được thưởng thức cái "nhúc nhích" của anh ấy mỗi sáng mỗi chiều, duy chỉ có mỗi anh ấy là vẫn hân hoan rằng thì là mà nhúc nhích thôi. 

Hai chữ "nhúc nhích" của anh ấy thật là khai sáng cho bao nhiêu con người trong thành phố, hai chữ "nhúc nhích" thật sự đã vẽ ra một tương lai huy hoàng về một thành phố thông minh hoàn toàn không có kẹt xe ùn tắc, hai chữ "nhúc nhích" đã là minh chứng rõ nhất cho thành tựu vĩ đại của người đề bạt anh ấy là vị trí lãnh đạo cao nhất tại một Sở, hai chữ "nhúc nhích" đã ẩn chứa toàn bộ nội hàm năng lực siêu quần, hành vi siêu sao của anh ấy…. Ngô tôi rất đau đớn vì không đủ ngôn từ để tán thưởng lẫn ca tụng động từ "nhúc nhích" ấy cho xứng đáng với vị thế của nó.

Đành tạ lỗi với anh ấy nghìn lần.

Thừa thắng xông lên, anh ấy tiếp tục cho ra đời một cụm từ trác tuyệt khác, "Đường hỏng do không có phương tiện lưu thông".

Xưa nay Ngô tôi nghe lỏm đọc trộm nhìn lén chỉ thấy đường hỏng là do phương tiện lưu thông quá dầy đặc, lại thêm phương tiện quá khổ quá tải, lại thêm đường kém chất lượng nên mau xuống cấp hoặc do thiên tai bão lũ kéo dài. Chứ Ngô tôi chưa nghe câu đường hỏng do không có phương tiện lưu thông bao giờ.

Nói kiểu này cũng hệt như đùa với nhau, chết sớm là do không chịu tiếp tục thở, tui nghèo là bởi tui không chịu giàu, tui làm lính là vì tui không có ưa làm sếp.

Một lần đưa ra quan điểm không ai có thể hiểu được (Kiểu như nhà khoa học đáng kính đòi sửa tiếng Việt nhằm tiết kiệm thời gian vậy) còn có thể tin rằng là do cấp dưới báo cáo, là do vội nên chưa nắm tình hình, là do hôm đó mỏi mệt nên tư duy có vấn đề. Nhưng đến lần thứ hai đưa ra quan điểm không ai có thể hiểu được thì chắc chắn chỉ có thể là do, mà thôi, do gì tùy quý bạn đọc đánh giá chứ không cần Ngô tôi phải gợi làm gì.

Anh ấy là Giám đốc Sở Giao thông TP HCM, Bùi Xuân Cường.

Chính tư duy của anh ấy như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi cái Sở của ảnh phê duyệt quy hoạch nâng đường chống ngập khiến nhà dân trời nắng thì thành hầm, trời mưa thì thành ao, một dạo được báo giới phản ánh gay gắt.

2. Một người đồng cấp với anh Bùi Xuân Cường là một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội. Ông vừa tạo sóng dư luận dữ dội khi hồn nhiên phát biểu, "Người dân ủng hộ tăng giá trông giữ xe".

Ông nói điều này khi Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ 1 - 1- 2018. 

Theo đó, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Khu vực này sẽ tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2 mỗi tháng sử dụng lòng đường trông giữ ô tô và từ 45.000 lên 135.000 đồng đối với trông giữ xe máy.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định việc tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân vì trên thực tế người dân đang phải trả cho các đơn vị, cá nhân trông giữ xe cao gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố. Việc trông giữ xe ngoài trời lợi nhuận cao so với chi phí bỏ ra nên thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia. Nhiều điểm trông giữ phương tiện thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tự ý nâng giá gây bức xúc dư luận.

Thiệt ra, câu chuyện bãi giữ xe luôn ẩn chứa trong nó nhiều bí mật, chứ đâu phải không không tự nhiên quây vỉa hè làm bãi giữ xe là được, cũng không phải muốn giăng dây phát phiếu thu tiền là cứ làm sẽ không có vấn đề gì. Ngay chuyện bãi giữ xe cũng khiến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hơn một lần nhắc đến với thái độ cương quyết. 

Thậm chí, ông còn phát ngôn rất mạnh mẽ, "Có tình trạng lãnh đạo địa phương đứng sau các bãi giữ xe. Nếu không chấn chỉnh, tôi sẽ chỉ đích danh bãi xe nào của ông bí thư, chủ tịch quận".

Một nghị quyết được thông qua thì phải được triển khai vào đời sống, nhưng chắc chắn một điều, thật khó để tin rằng việc tăng thuế phí sẽ được nhân dân ủng hộ. Đây là tư duy hết sức thông thường của bất cứ công dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này.

Với khoản tăng phí không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhân dân và mang lại nhiều ích lợi cho thành phố, ích lợi cho cái chung thì phải tuyên truyền nếu người dân có phản ứng, phải giải thích cặn kẽ cho nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề chứ không thể nào chủ quan đưa ra nhận định, "Người dân ủng hộ tăng giá trông giữ xe". Người dân nào mà ủng hộ một quyết định ảnh hưởng đến túi tiền của họ theo chiều hướng họ phải trả nhiều tiền hơn mức bình thường? Người dân nào tăng động dữ?

Ngô tôi chỉ muốn nói rằng, thân mình là lãnh đạo cao nhất của một Sở, phát ngôn gì cũng cần cân nhắc, cũng cần suy nghĩ kỹ. Không nhìn đâu xa, cứ nhìn vào tấm gương tôn trọng cảm xúc của nhân dân mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn hướng đến. 

Từ ngày nhậm chức Thủ tướng đến nay, tôi chưa thấy Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có hành động hay phát ngôn nào ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của nhân dân.

Ngay điểm nóng BOT Cai Lậy, Thủ tướng cũng chỉ đạo rõ với đại ý, "Nếu BOT Cai Lậy làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng thực tiễn chưa phù hợp khiến người dân phản ứng thì phải xem xét điều chỉnh".

Suy cho cùng thì lời nói không mất tiền mua, hơn nữa lời nói cũng là thứ dễ nhất để có thể dành tặng nhau. Hệt như bọn trẻ hay đùa, "Vấn đề không phải là tiền, vấn đề chính là thái độ".

Chứ hôm nào đó có bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội hồn nhiên bình luận về vụ việc nghiêm trọng tại tỉnh của bà với hàng loạt cán bộ (có cả lãnh đạo Sở) bị Cơ quan Điều tra khởi tố vì liên quan đến dự án giải phóng đền bù thủy điện, "Anh em lo cho dân mà không đúng pháp luật nên bị điều tra thôi, chứ không có tư lợi gì".

Giỡn hoài, có ai lo cho dân mà bị xử lý đâu. Có ai không tư lợi mà bị khởi tố đâu. Mà làm đúng pháp luật tức là lo cho dân rồi, chứ ai lo cho dân bằng cách làm sai pháp luật bao giờ.

Thiệt, cán bộ lãnh đạo có cất miệng cũng phải biết thương lấy tai của nhân dân!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.