Chuyện dài như hơi thở

Chủ Nhật, 19/11/2017, 09:00
Lẩn thẩn mà chiều. Tháng này phương Nam chậm tối, lúc nào cũng tang tảng sáng. 

Ngô tôi đọc tin bão lũ miền Trung buồn đến tơi tả, lại quay sang chốn nghị trường còn nhiều chuyện đăng đăng đê đê.

Từ chuyện lương hưu đến chuyện thu hồi tài sản tham nhũng, từ chuyện tách bộ nhập bộ cho đến chuyện phá rừng trước mắt chính quyền (hay chính quyền chủ động phá rừng?)…

Bao nhiêu năm rồi quẩn quẩn quanh quanh mà thời gian có đợi chúng ta đâu, mà sự phát triển của thế giới có dừng lại nghỉ xả hơi chờ chúng ta đâu.

1. Đại biểu Quốc hội nói rằng 92% tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, phần thu lại từ tiền bất nghĩa này chỉ là 8%.

Thật khó để thu lại tiền tham nhũng, cá nhân đã muốn trục lợi từ tiền ngân sách, từ những lại quả mua sắm đầu tư, từ công trình xây dựng, từ vị trí chỗ ngồi có triệu triệu cách tẩu tán tài sản. Mua nhà ở nước ngoài, mua bất động sản cho vợ con, người thân đứng tên, rồi còn những phi vụ rửa tiền nhằm hợp thức hóa nguồn tiền do tham nhũng mà có…

Thu lại tiền tham nhũng là quan trọng, nhưng theo thiển ý của Ngô tôi, quan trọng nhất vẫn là cái cách mà chúng ta trừng phạt tham nhũng.

Rõ ràng, cái roi chống tham nhũng, thanh bảo kiếm tiễu trừ tham nhũng vẫn chưa đủ sức răn đe, vẫn chưa đủ mạnh để tạo thành khiên chắn khiến cá nhân có vị trí có thể tham nhũng cảm thấy hoảng sợ.

Biết nói làm sao khi một vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của một tỉnh vẫn nghiễm nhiên ngồi trong nghị trường bất chấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố những vi phạm hết sức nghiêm trọng của vị trưởng đoàn này trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, từ chi sai ngân sách cho đến đứng sau lưng của công ty do chồng làm chủ để dung dưỡng những sai quấy... 

Minh họa: Lê Phương.

Ấy vậy mà kiểm tra cứ kiểm tra, công bố cứ công bố, còn ngồi nghị trường với tư cách trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thì cứ ngồi ghế trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Như ông giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Yên Bái, sai phạm thấy rõ rồi, được thanh tra chỉ rõ rồi, vậy mà cũng chỉ thôi chức giám đốc sở để về ngồi giữ ghế Phó Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân Tỉnh.

Đau lòng hơn, một vị cục trưởng Cục Chống tham nhũng còn hồn nhiên kết luận, "Xử lý như vậy là nghiêm minh". Ngô tôi không biết vị cục trưởng này đang kết luận theo lối đắng cay hay kết luận chân thật, bởi nếu kết luận chân thật thì quá sức nguy hiểm về tư duy, nhận thức.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhận định: "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình".

Lấy hai điển hình của bà Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội và ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Yên Bái, đó chính là tham nhũng quyền lực, tham nhũng vị trí. Từ tham nhũng quyền lực, tham nhũng vị trí thì mới dung dưỡng cho người thân làm cái sai, thì mới lấy chữ ký, lấy vị thế của mình thành lá bùa hộ mệnh cho vợ, cho chồng, cho người thân tự tung tự tác làm điều sai quấy.

Nếu xác định tham nhũng là giặc nội xâm, thì với giặc phải kiên quyết, phải mạnh mẽ, phải thần tốc, phải tốc chiến tốc thắng. Ngay khi phát hiện ra, ngay khi đã thanh tra kiểm tra phải ngay lập tức có biện pháp xử lý thích đáng.

Có làm được điều này thì mới đủ sức răn đe, thì mới đủ sức để những cá nhân khác có ý định tham ô, tham nhũng rụt rè; chứ đằng này công bố xong vẫn hoàn quan thì còn gì để mà hy vọng. Khoan nhìn đến tiền thu về đã, tiền mất đi có thể làm lại, nhưng sự nghiêm minh bị buông lơi thì biết lấy gì để vực dậy đây.

Phải xác định tham ô là tham ô, quan to cũng như quan nhỏ, đều hành xử như nhau, nếu không muốn áp dụng quan càng to phải xử càng nặng. Còn hiện tại, đối với những sai phạm của lãnh đạo cao cấp có vẻ vẫn còn rụt rè trong xử lý, vẫn còn nhìn quanh, vẫn còn cả nể.

Biết là xử lý một cá nhân có sai phạm đang nắm vị trí cao rất khó, vì còn chồng chéo nhiều quy trình, quy định, chồng chéo nhiều mối quan hệ… Nhưng tha lỗi cho Ngô tôi nói thẳng, cách làm hiện tại còn chậm lắm, cách làm hiện tại vẫn chưa dứt khoát như lời nói.

2. Công tác tổ chức quan trọng nhất vẫn là công tác cán bộ, công tác cán bộ quan trọng nhất vẫn là công tác con người, con người lấy sự tu dưỡng làm trọng. Chuyện tách bộ nhập bộ không phải bây giờ mới có ý kiến, nhưng điều này có cần thiết hay không, có hiệu quả hay không lại là câu chuyện khác.

Chúng ta đã thấy rất nhiều đợt tinh giản biên chế nhưng rồi biên chế lại cứ phình lên, cứ mỗi lần rục rịch sáp nhập thì lại loạn cào cào chuyện đến nhà sếp, đến nhà các anh nhờ giúp đỡ. Bản chất của sự trì trệ là do con người hình thành nên, bản chất của sự cồng kềnh bộ máy cũng do con người xây dựng nên.

Ngô tôi nói điều này các anh các chị đừng buồn, thực tế đang diễn ra thì ở đâu không có tình trạng gửi gắm. Anh Năm gửi con anh Năm, chú Sáu gửi cháu chú Sáu, chị Bảy gửi em chị Bảy… 

Đọc báo nhìn con đường thăng tiến thần kỳ của người trong gia tộc lãnh đạo làm to thì hiểu ngay thôi, có khi còn phải bịa ra phòng ban cục vụ để đúng quy trình, để xem đó là bàn đạp để tiến lên, để phát triển. Nguyên tắc bổ nhiệm nào lại không tương đương.

Anh đang là lãnh đạo, giờ giải tán Cục của anh không lẽ bố trí anh làm cục phó, làm nhân viên. Cũng phải ấn anh vào vị trí nào đó để đảm bảo quyền lợi cho anh, chứ anh có vi phạm gì đâu mà đòi cắt giảm quyền lợi của anh, mà thứ này có được có thể là do sự đóng góp cống hiến của anh mà cũng có thể là do điều gì khác thì ai mà biết được.

Chính vì vậy, phải nhìn nhận chúng ta đang thất bại trong công tác đào tạo cán bộ, phải mạnh dạn nhìn nhận thì mới tìm ra giải pháp mà gỡ rối, mà khắc phục.

Lấy dẫn chứng ngay Chính phủ kiến tạo, sự chuyển động của Chính phủ là vô cùng mạnh mẽ trong tất cả các mặt của đời sống. Nhưng sự chuyển động của các Bộ ngành, các địa phương ra sao thì hẳn ai cũng đã hiểu rồi.

Như ông Chủ tịch UBND Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Người ta có giấy ủy quyền hợp pháp để được tham gia vào cuộc họp bàn giải quyết khiếu nại do ông Chủ tịch UBND chủ trì. Ổng hứng chí lên ổng sử dụng quyền lực hành chính đuổi luôn người ta ra ngoài, bất chấp người đại diện có giấy tờ ủy quyền hợp pháp thì chính là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tranh chấp rồi chứ còn gì nữa. 

Người ta bị đuổi ra khỏi phòng họp bất chấp đã có giải thích, người ta đâm đơn kiện ông Chủ tịch UBND TP vì vi hiến, vì vi phạm Điều 14 và 16 Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, quyền công dân và quyền bình đẳng trước pháp luật. Ngoài ra, ông còn vi phạm Điều 8 và Điều 10 Bộ Luật Dân sự khi ngăn cản công dân thực hiện quyền dân sự.

Kiện tụng thì phải giải trình, phải báo cáo tổ chức. Trả lời báo giới, ông Chủ tịch TP Mỹ Tho nói tỉnh queo: "Bây giờ Tỉnh ủy xác minh, kết luận tôi sai cái gì và xử lý thế nào thì tôi chấp hành".

Dĩ nhiên tổ chức xác minh kết luận có hình thức xử lý thì cán bộ phải chấp hành rồi, nhưng cái điều luật cơ bản ấy không nhẽ thân làm đến chủ tịch TP lại còn không nắm được.

3. Bà con mình đang tang thương trong bão lũ, cả một dải Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam… rên xiết trong hoang tàn không bút mực nào tả xiết. Vậy mà đùng cái,  ngay tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), nơi cơn bão để lại những hậu quả thảm khốc về người và của, áng thiệt hại khoảng 7 nghìn tỷ đồng lại thản nhiên để ban tổ chức của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 vòng Bán kết diễn ra.

Lãnh đạo UBND Tỉnh đã có công văn chỉ đạo tạm hoãn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu tạm hoãn, nhưng chỉ đạo là chuyện của Tỉnh, yêu cầu tạm hoãn là của Sở, còn việc tổ chức thì cứ tổ chức, truyền hình trực tiếp thì cứ truyền hình trực tiếp.

Xuất hiện dày đặc trên các trang báo ngày hôm sau là thí sinh diện bikini tươi đẹp bất chấp mưa bão thí sinh vẫn khoe đường cong…. Chuyện gì đang xảy ra khiến Ngô tôi không tài nào hiểu nổi thế nhỉ?

Một dân tộc vẫn tự hào về những truyền thống lá lành đùm lá rách, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Bây giờ phút chốc lại mặc kệ, ai khổ cứ khổ còn tụi tui đang vui thì cứ chơi. Mà hoãn vài hôm do thiên tai thì có mất gì, nói đã chuẩn bị nên không thể hoãn là hết sức ngụy biện. Trong điều khoản hợp đồng nào lại không có phần phụ lục tạm hoãn do thiên tai, do chính quyền yêu cầu.

Lại nữa, thi hoa hậu khi nào cũng hướng đến sự nhân văn, yêu thương đồng bào chan hòa, giờ có chuyện một phát lòi ra ngay lời chót lưỡi đầu môi.

Quan trọng hơn, lẽ nào lãnh đạo một tỉnh, một sở không làm gì được một cuộc thi hoa hậu bất chấp chỉ đạo vẫn ngang nhiên diễn ra, để rồi sau đó thì lại, "Tụi tui có nhắc mà họ không chịu nghe, tụi tui biết làm sao?".

Trời ơi, ông bà mình dạy: "Ăn có nơi, chơi có chốn". Cái chốn đang lầm than vậy mà còn tâm trí để vui chơi hay sao, hoãn vài ngày thu được bao nhiêu cái lợi từ cảm xúc tích cực đến tinh thần sẻ chia. Nhưng không là không, nói như cái anh say xỉn trong phim truyền hình dài tập nổi tiếng thì, "Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại".

Cũng không khác quan huyện ham chơi tổ tôm bỏ mặc đê sắp vỡ trong Sống chết mặc bay của cụ Phạm Duy Tốn xưa kia là mấy.

Chuyện đời thở dài rồi thôi.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.