Mấy chuyện phố thị

Thứ Tư, 01/11/2017, 07:12
Chớp mắt gần hai mươi năm mưu sinh nơi phố thị, từ hồi rời quê trọ học đại học đến nay. Có những chuyện biết mình lên tiếng cũng không thay đổi được gì, thậm chí đôi lúc Ngô tôi nghĩ cứ như ném đá ao bèo. Nhưng rồi mỗi người một nghiệp, thân chọn nghề báo thì cứ viết thôi, còn hạ hồi đóng góp gì được thì lại là chuyện khác.

Không phải xưa kia bậc nhân sĩ Trần Quý Cáp đứng giữa ruộng sâu trưa vắng, một mình nói một mình nghe hay sao. Mình không có cái khí khái của hiền nhân, có khí chất của quân tử, nên cứ cố học cách bền chí mà lên tiếng vậy.

1. Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP HCM.), người từng tả xung hữu đột trên truyền thông hằng ngày, người mà triệu triệu thị dân rồi đông đảo nhân dân cả nước quen mặt quen tên bây giờ không được tự ý dẫn đoàn trong công tác chấn chỉnh vỉa hè nữa. Ông Chủ tịch UBND Quận 1 sẽ đảm trách việc này, muốn gì phải thông qua ông Chủ tịch, còn không đợi các lãnh đạo phường có ý kiến đề xuất rồi quận sẽ hỗ trợ sau.

Ông Hải có một quá trình công tác thầm lặng, mãi mới vụt sáng từ cái chuyện mà vốn dĩ nhiều người tưởng chừng là chuyện lặt vặt, đó chính là vỉa hè. Vỉa hè của phố thị cũng là một dạng kinh tế, cũng là một miếng bánh. Những quán cà phê sang trọng, những nhà hàng sang trọng, những khu mua sắm sang trọng, thoắt cái không có vỉa hè để xe cho khách lập tức lâm vào tình trạng khó khăn ngay. 

Đó là chưa kể đến một lực lượng áp đảo những quán nhậu về đêm, những quán phở quán bún trưng dụng vỉa hè công cộng làm chỗ kinh doanh.

Nhìn tưởng chừng không thu được bao nhiêu, nhưng ở phố ngộ lắm, một tấc đất đúng nghĩa một tấc vàng.

Ngô tôi thi thoảng có ngồi dùng điểm tâm với mấy bạn hữu tại một quán ăn nhộn nhịp, giá trông xe ô tô vỉa hè là từ 20 cho đến 30 nghìn một chiếc. Tất nhiên là một dạng giữ xe tự phát, khách đậu xe có người hướng dẫn chủ yếu trông chừng đừng để bị vặt gương, trộm logo chứ bị lực lượng chức năng ghi hình phạt nguội ráng chịu. 

Mỗi sáng nhẩm tính có hơn trăm lượt ô tô của khách ghé ăn, mỗi tháng thu nhập tròm trèm trăm triệu từ giữ ô tô của khách mà thôi. Những hôm thành phố căng thẳng chuyện chấn chỉnh vỉa hè, nhân viên quán phản ứng dữ dội lắm, quán cũng vắng khách hơn.

Lấy một ví dụ nhỏ để thấy rằng, chuyện vỉa hè không hề đơn giản như nhiều người nhầm tưởng.

Sẽ thật khó hình dung về một tương lai trật tự khi một ông chủ tịch quận suốt ngày cứ phải dẫn đoàn đi xử phạt, đi bắt bớ vài cái xe dừng đậu sai điểm, tịch thu mấy cái bàn, cái ghế của người kinh doanh lấn chiếm. Tuy nhiên, bao nhiêu năm rồi kể từ khi ông phó chủ tịch chưa làm việc đó thì vỉa hè của phố cứ tràn lan tình trạng vô pháp phô thiên, ai có nhà mặt phố, nghiễm nhiên có luôn vỉa hè trước mặt.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô tôi vốn không thích cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải vì đó là cách làm không đồng bộ, phần nhiều mang tính tự phát, tất nhiên đây là quan điểm cá nhân. Vậy nhưng, trong bối cảnh mà dường như không còn một giải pháp nào khả thi hơn trong công tác chấn chỉnh vỉa hè thì cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải đã mang lại hiệu quả nhất định, hiệu quả từ ý thức cho đến tính răn đe. Nhưng nay thì ngay cả điều ấy cũng không còn nữa.

Đi bộ từ Cơ quan đại diện của Báo Công an Nhân dân tại số 6 Phạm Ngọc Thạch trải dài hết khu trung tâm ở quận 1, phải ghi nhận sự đóng góp của ông Đoàn Ngọc Hải. Vỉa hè thông thoáng, tầm nhìn quang đãng mà phố thị cũng sạch sẽ hơn rất nhiều. 

Có điều như Ngô tôi vừa trình bày, vỉa hè gắn chặt với quyền lợi của đại bộ phận người kinh doanh, nay ông Hải không xuống đường nữa thì đâu sẽ lại vào đấy. Rất khó để thị dân cân bằng được giữa ý thức cộng đồng và quyền lợi cá nhân trong tình huống sự quy hoạch gần như là không có, hoặc nếu có cũng chỉ trên bản vẽ, dự án hoặc trình bày tại các buổi hội thảo.

Rồi phố thị sẽ bế tắc câu chuyện vỉa hè như từng bế tắc trong câu chuyện ngập nước, kẹt xe, xây dựng lấn chiếm hem…? Lẽ ra, cần có một trường hợp đặc biệt để duy trì sự ổn định trong lúc chờ triển khai có hiệu quả những những giải pháp cơ bản hơn thì nay chẳng còn trường hợp đặc biệt nào cả.

2. Cái ông giám đốc Sở Du lịch vừa có một đệ trình vô tiền khoáng hậu đến Uỷ ban Nhân dân Thành phố HCM, theo đó thì căn cứ vào Điều 70 luật Du lịch năm 2017 (có hiệu lực ngày 1-1-2018) về việc thành lập quỹ hỗ trợ du lịch. 

Sở Du lịch TP gửi công văn đề xuất với UBND TP cho cơ chế thu mỗi khách qua đêm tại thành phố 1 USDdếm để tạo quỹ phát triển du lịch riêng cho TPHCM.. Quỹ này nhằm phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và công tác nguồn nhân lực du lịch TP. 

Theo đó, tiền sẽ được thu thông qua các cơ sở lưu trú. Hiện chưa có văn bản nào liên quan quy định mức thu phí nên Sở này đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao HDND TP HCM. Nghiên cứu, thẩm định và thông qua mức thu phí. Đồng thời, đề xuất cho phép thành phố mở văn phòng đại diện du lịch thí điểm tại một số thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… để tăng cường công tác quảng bá du lịch TP nói riêng và Việt Nam nói chung.

Đề xuất mới được loan tin, các báo phản ứng quyết liệt, nhiều chuyên gia du lịch cũng phản ứng. Vài hôm sau, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Du lịch TP liên quan đến đề xuất của Sở này về việc cho cơ chế thu tiền mỗi khách qua đêm tại thành phố. Theo đó, UBND TP HCM phê bình Giám đốc Sở Du lịch TP đã đề xuất những nội dung nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. 

UBND TP HCM yêu cầu Giám đốc Sở Du lịch TP thu hồi ngay công văn này và báo cáo giải trình việc căn cứ đề xuất, quan điểm của lãnh đạo sở về những nội dung đề xuất, kinh nghiệm rút ra từ việc tham mưu này.

Thật ra thì cái ý tưởng này nó phản du lịch một cách dã man, đúng hệt nghịch lý, tiếc con săn sắt mà để mất con cá rô vậy.

Làm du lịch cũng như người đi câu, người đi câu giỏi phải biết nhồi mồi thơm, phải biết lựa đúng con nước lớn nước ròng để thả thính, phải biết móc mồi câu như thế nào cho đẹp. Đại ý là vậy chứ thật tình không dám ví khách du lịch như con cá ngoài sông hồ, ngoài biển khơi.

Người làm du lịch phải biết tạo các điểm nhấn du lịch, tạo sự khác biệt cho địa phương mình nhằm thu hút du khách, phải biết tạo sự thân thiện, sự an toàn cho du khách rồi mới tính đến chuyện có thu được ngoại tệ từ du khách hay không? Ví dụ tổ chức tuần lễ kinh doanh không tính lãi chẳng hạn. 

Các khách sạn lớn giảm giá hàng loạt trong tuần nào đó của năm để thu hút du khách, Sở Du lịch sẽ kiến nghị Sở Tài chính tính toán sao đó để đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ khách sạn. Hay là tính các lễ hội đường phố, các khu vui chơi đặc biệt, các địa điểm văn hoá riêng biệt mà chưa có trung tâm du lịch nào co…'

Lẽ ra thân làm giám đốc Sở Du lịch phải bàn tính những chuyện này, thì ông giám đốc sở lại mang theo cái tư duy nhìn vào túi tiền của du khách trước khi nhìn vào chuyện đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về tinh thần của du khách. Chỉ nhìn thấy toàn tiền lẻ, mà sự nhìn thấy ấy lại bắt chước dập khuôn từ những nơi đáng được gọi là bậc thầy của du lịch.

Để có thể móc thêm 1 USD từ túi của du khách mà du khách vẫn vui vẻ, họ đã đổ ra hàng đống chất xám, đổ ra hàng đống thủ thuật cũng như sự chiều chuộng du khách rồi. Đằng này mình chưa có cái gì, bao nhiêu năm vẫn quen ăn sẵn lại đùng đùng học thói móc tiền của người ta thì làm sao mà có hiệu quả.

Cái ý tưởng ấy đến nghĩ thôi cũng phải dẹp bỏ huống hồ là nói ra rồi xem đó là việc nghiêm túc đến độ soạn công văn tham mưu thì hiểu rõ tầm nhìn của người đứng đầu Sở Du lịch TP HCM. đến đâu rồi.

Không phải Kim Thánh Thán đại lão nhân từng bình luận, nhìn cái cách ăn cá chép của Tống Giang, tham ăn đến độ miệng nôn trôn tháo thì sao làm việc lớn được.

Không phải Lưu Thiện hàng Nguỵ, đất Thục mất. Tư Mã Chiêu bày trò cho con hát, hát điệu hát cũ đất Thục, Lưu Thiện xem cảm động mà khóc. Tưởng nhớ mối hận vong quốc, hoá ra vì điệu hát lâm ly. Một chi tiết nhỏ cũng cho thấy vị đế vương này không còn một chút ý thức nào về xã tắc của tiên tổ nữa. Chiêu từ đó xem thường, gọi là trẻ con.

Nhắc điển tích để thấy rằng, người làm được việc lớn hay không chỉ một chi tiết là lộ rõ ra hết.

3. Sau bảy năm tiềm phục với nhiều lần đề xuất, công ty cổ phần Tiên Phong với sự hậu thuẫn của Sở Giao thông Vận tải TP HCM. lại tiếp tục kiến nghị đặt trạm thu phí xe ô tô vào thành phố, từ xe ô tô cá nhân đến xe ô tô biển xanh, xe buýt. Hàng loạt trạm thu phí sẽ được dựng lên bao vây thành phố nếu đề án được phê duyệt, mức thu dao động từ 30 nghìn cho đến 50 nghìn.

Họ bảo, làm vậy để giảm kẹt xe và thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng. Lại bảo, các nước tiên tiến làm rồi.

Tư duy ăn sẵn này Ngô tôi chịu hẳn. Các nước làm được là dựa trên cơ sở phương tiện công cộng đã đáp ứng nhu cầu của người dân, mức sống của người dân, sở hữu diện tích công cộng thành thị của mỗi thị dân…  Còn đằng này mình không thấy gì cả, chỉ thấy mỗi chuyện tận thu.

Cái kiến nghị vớ vẩn vậy mà cứ đề xuất hết lần này đến lần khác, lẽ đâu muốn phố thị trở thành một trạm BOT khổng lồ, một lô cốt rào chắn khổng lồ, một sự thu phí vô lý khổng lồ mới hài lòng hay sao?

Một thành phố lớn bậc nhất cả nước mà cứ loay hoay với vài cá nhân lãnh đạo cấp Sở có tầm nhìn thế này thì lấy đâu ra hy vọng cho ngày sau?

Nguyễn Nguyệt Hữu
.
.