Nụ cười tượng đài

Thứ Hai, 03/06/2019, 17:30
Trong miên man thông tin khắp nơi, có mẩu tin lọt thỏm giữa muôn nghìn trùng vây ấy, UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có thư kêu gọi các cấp, ngành ủng hộ kinh phí xây dựng tượng đài tại Ngã năm thị trấn Đắk Mil. Tượng đài có tên tượng đài chiến thắng Đức Lập, có tổng kinh phí 11 tỷ đồng.

Trước đây,  UBND tỉnh Đắk Nông cũng ban hành kế hoạch vận động kinh phí để việc xây tượng đài N'Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912 - 1936 (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 146 tỉ đồng. Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm, đến nay công trình này cũng mới chỉ xây dựng được phần đế rồi dừng thi công, tháo dỡ và nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, bị kỷ luật khiển trách.

Cũng không có gì lớn lao cả đâu, chỉ là vài suy nghĩ vụn vặt của Ngô vậy.

1. Ngô tôi lại qua Đắk Nông nhiều lần, có lúc nắng có hôm mưa, đều cảm giác buồn buồn không khí thị trấn cao nguyên. Đắk Nông là tỉnh nghèo, những xung đột đất đai vẫn còn điểm nóng, vụ việc người nông dân Đặng Văn Hiến nổ súng vào nhóm nhân công của công ty Long Sơn là một điển hình.

Những người hàng xóm của Ngô ngày bé ở quê, tìm lên Đắk Nông như một miền đất kinh tế mới vẫn chưa thật sự ổn định dẫu đã biền biệt mười mấy năm dài. Nhưng thôi, đó không phải là trọng tâm mà Ngô mạn phép lạm bàn.

Câu chuyện địa phương muốn xây tượng đài vài mươi tỷ, trăm tỷ rồi nghìn tỷ không còn là trào lưu như những năm trước nữa. Phần nhiều là vì phản ứng của dư luận, thêm vào đó là hàng loạt công trình tượng đài đã lộ rõ gây thất thoát cũng như lãng phí nghiêm trọng.

Nói gây thất thoát lãng phí tức là đã gia giảm đi rất nhiều tính chất của vụ việc. Ai mà không biết vì sao người ta ham xây tượng đài, ai mà không biết vì sao người ta ham xây trụ sở to vật vã, bất chấp đặt tượng đài hoành tráng với thu nhập của người dân địa phương là vô cùng chênh lệch. Nhưng biết là một chuyện, còn ngăn chặn hay không lại là chuyện khác.

Năm nào đó, có người còn lên truyền thông đại ý, địa phương này xây tượng đài to mà địa phương kia chưa có tượng đài cũng nhiều tâm tư. Đây hoàn toàn không phải là một phát ngôn có tính chất trào phúng, mà là một chuyện có thật. Đúng nghĩa, trên rừng đương nhiên có củ mài, người này đào được thì người kia cũng hăm hở cuốc mai. Cái chính nhiều lúc không phải là tượng đài mà chính là củ mài vậy.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Mấy năm trước, Ngô tôi có đọc được một ý rất hay của kiến trúc sư Lý Trực Dũng. Hiểu đơn giản nhất thì, "Khi nói về tượng đài, cần phải hiểu khái niệm tượng đài là gì? Trên thế giới thường dùng khái niệm thông dụng là monument (đài kỷ niệm). Nhưng các đài kỷ niệm trên thế giới rất khác với Việt Nam, bởi nó không cần phải có một cái tượng và một cái đài to như lâu nay người Việt Nam vẫn quan niệm.

Hơn nữa, đứng về mặt chuyên môn thì cần phải nói rõ Việt Nam không có lịch sử hay truyền thống xây dựng tượng đài. Nước ta không hề có các tượng lớn ngoài trời, kể cả tượng tôn giáo như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Afghanistan... Trước năm 1930, ở Việt Nam không ai nói đến tượng đài.

Chỉ sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, nước ta mới bắt đầu học và bắt đầu xây tượng đài, theo cách của Liên Xô, Trung Quốc. Cần biết hệ thống tượng đài ở Liên Xô, Trung Quốc vốn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền. Trong khi bản chất của tượng đài không phải là tuyên truyền, đây là một vấn đề học thuật phải được nghiên cứu, bàn luận nghiêm túc...".

Cũng không hẳn xây tượng đài là điều không tốt đẹp, tưởng nhớ tiền nhân vì sơn hà phụng hiến, tưởng nhớ các chiến binh vì đất nước hy sinh, là một truyền thống hết sức tốt đẹp của dân tộc mình. Lại càng không phải vì tỉnh còn nghèo, vì quốc gia còn khó mà không có nổi vài mươi tỷ xây tượng đài, thế nhưng chúng ta đang lạm phát tượng đài, phung phí rất nhiều sức người sức của cho tượng đài.

Phung phí nhiều đến mức tượng đài đang là một biểu tượng có giá trị phút chốc trở thành một luồng năng lượng không tích cực hiện hữu trong tư duy của đám đông. Hẳn nhiên không phải đám đông khi nào cũng đúng, mặc cho chắc chắn sự nảy sinh năng lượng tiêu cực của đám đông đa phần đều ít sai.

Nếu mỗi gia đình có thể xem là một phần thu nhỏ của quốc gia thì tạm thời có thể xem việc xây dựng tượng đài hoành tráng ở địa phương còn nghèo cũng giống như gia đình đang túng thiếu mà ông bố đùng đùng vay tiền mua cái xe gắn máy xịn chút để cho bằng với thiên hạ đã, còn lại mọi thứ khác không quan trọng.

Mà chuyện tượng đài cũng lắm nhiêu khê, ngay như tượng đài của lãnh tụ Hồ Chí Minh ngay tại trung tâm TP Hồ Chí Minh. Tượng Bác đang ngồi đẹp thế, uy nghiêm thế, trang trọng thế... đùng cái, mấy ông lãnh đạo cảm thấy không đẹp nữa, không uy nghiêm nữa, không trang trọng nữa để dời tượng Bác về vị trí khác, thay vào đó là bức tượng tạc Bác với hình dáng đứng thẳng đang bước đi, phía trước tượng Bác với tư thế bước đi vài trăm mét là con sông.

Lần nào Ngô đi ngang trung tâm thành phố đến đoạn đặt tượng mới của Bác là thêm lần Ngô cãi nhau, cãi nhau với ai, cãi nhau với chính mình thôi. Chứ mình bé mọn thế này thì biết cãi nhau với ai, mà cũng có ai thèm cãi nhau với mình đâu. 

Hệt như cái lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần vậy, bao nhiêu năm có chuyện gì đâu, tự dưng đùng đùng phải nhất định cẩu dời về Đền thờ Đức Thánh Trần mới chịu. Mặc cho thị dân kêu la, dời cứ dời.

Nhiều lúc Ngô không hiểu được các vị ấy nữa, rảnh quá thì ngồi tính chuyện làm sao để thành phố đừng chảy máu đất công vào tay tư nhân với giá rẻ bèo, tính chuyện các công ty của thành phố thành ủy đừng sai phạm, tính chuyện giám sát cán bộ để đừng làm việc trái pháp luật, tính chuyện làm sao để bớt kẹt xe ngập nước, tính chuyện trồng thêm cây xanh rồi thu hút thêm vốn đầu tư... chứ tính gì toàn mấy chuyện phần nhiều là không liên quan đến quốc kế dân sinh chi vậy không biết nữa.

Bao nhiêu năm xin Trung ương cho cơ chế đặc thù, từ ngày Trung ương cho cơ chế đặc thù lại chưa thấy có cái "đặc thù" nào đặc biệt, toàn là chuyện đẩu chuyện đâu không.

2. Trở lại chuyện vận động xây dựng tượng đài ở huyện Đắk Mil, bỏ quá cho Ngô thưa điều này, Trung ương đang làm bao nhiêu việc, từ chuyện loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất tham nhũng, các bộ ngành chuyển động sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh giản, kinh tế tư nhân đang được bàn rốt ráo để có thêm nhiều điều kiện thuận lợi nhằm phát triển mạnh mẽ hơn... thì một địa phương vẫn giữ tư duy tượng đài.

Điều này vừa éo le vừa không phù hợp, lại có cảm giác chỉ mình Trung ương lo cho cái chung, còn địa phương đang bận rộn chuyện gì đó, địa phương hoàn toàn đứng ngoài nỗi lo của Trung ương vậy.

Muốn một quốc gia vững mạnh, thì địa phương phải biết lo cái lo chung với Trung ương, thấy Trung ương chuyển động tích cực thì địa phương cũng phải sốt sắng suy nghĩ giải pháp hợp lý rồi triển khai khoa học để nâng cao đời sống nhân dân.

Chứ lẽ đâu địa phương chỉ biết đợi Trung ương phân bổ ngân sách về là xong hay sao. Còn lại Trung ương làm gì thây kệ Trung ương, địa phương cứ hát bài "nắng hạn cần gạo, mưa lũ cần thóc" hoài vậy mà coi được hay sao.

Như có cái tỉnh nửa miền Trung nửa miền Bắc, một hai năm nay xảy ra bao nhiêu chuyện, từ chuyện lạm thu của dân nghèo cho đến cái máy gặt thóc cũng có bảo kê, rồi chuyện có một cô văn hóa rất thấp mà ghế trên ngồi tót sỗ sàng suýt thành bà giám đốc sở, bị phát hiện ra ông phó chủ tịch tỉnh có thời gian làm giám đốc sở này mất chức vì cái tội "nâng đỡ không trong sáng" do nhiều lần rất không trong sáng đề bạt cô văn hóa rất thấp...

Vậy mà nhấp nha nhấp nhổm, lãnh đạo tỉnh đòi ấn cái ông không trong sáng kia về làm Chánh Văn phòng ở cái sở mà ông ấy từng đề bạt không trong sáng cô văn hóa rất thấp kia.

Chuyện vậy mà làm được. May mà dư luận phản ứng quá nên cái ông đề bạt không trong sáng mới bất thành cái chức chánh văn phòng sở.

Cán bộ như ông ấy thì giúp cho cái chung được gì, nếu thực tâm  muốn giúp cho cái chung đã không bị kỷ luật về nâng đỡ không trong sáng. Còn nâng đỡ không trong sáng để bị kỷ luật còn đòi làm cán bộ tiếp thì quá bôi mặt diễn hề à(?!). Vậy mà các vị lãnh đạo tỉnh cũng cố nhập vai tuồng chèo cho được, không ra thể thống gì.

Lạ nhất với bao nhiêu chuyện vậy, với bão chưa qua đã tính xong số tiền thiệt hại để xin Trung ương, còn lương thực thì xin suốt vậy mà vẫn hãnh diện làm cái lễ xưng danh thật trọng đại, thật vĩ mô.

Rồi lấy gì báo cáo với tiền nhân, rồi lấy gì vinh danh với tiền nhân. Câu hỏi này vô cùng vi diệu, chắc mấy vị mới trả lời được còn Ngô tôi tắt tiếng mất hình hẳn.

3. Lịch sử mấy nghìn năm nước mình, có vị vua anh minh nào để lại tượng to đâu, có vị minh quân nào để lại danh xưng bằng việc sưu cao thuế nặng đâu... Toàn để lại cảnh thái bình thịnh trị, lòng dân hoan ca, của cải chất đầy trong nhà, mùa màng tươi tốt, không trộm cắp cướp bóc mà thôi.

Ấy cũng là đỉnh cao của tượng đài vậy, ấy cũng là nụ cười của tượng đài vậy, là tượng đài mỉm cười mà nhân dân cũng mỉm cười mà khói hương kính cáo tiền nhân cũng ấm nồng vậy.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.