Trăng vẫn sáng

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:00
Vượt qua đập tràn, là con đê dài của đồng bằng miền Bắc, đang ánh lên một sắc cỏ xanh bàng bạc dưới ánh trăng khuya. 


Mới đây có người hỏi nó, cuộc sống thường vui hay buồn. Với một tâm thế sống lặng lẽ, thì không có gì vui, nhưng cũng chẳng có gì buồn. Đặc biệt, nó hay gặp những con người, dù chỉ thoáng chốc, dù chỉ lướt qua như ánh đèn xe ngược chiều trong đêm, lại khiến nó nhớ.

Ngày hôm đó, có một chuyến dã ngoại lên vùng đồi. Vì bận việc, nó xin phép ở lại thành phố, rồi đêm sẽ tự đi lên.

Mười giờ đêm, nó bắt đầu lái xe rời thành phố. Đã lâu lắm nó mới lại một mình ra đi trong đêm, hướng về vùng đồi thân thương, nơi có một hồ nước luôn mờ sương, nhưng vẫn in rõ bóng ngọn núi cao ngất trong những đêm trăng, nơi đã để lại trong nó nhiều hình ảnh những con người mà giờ đã quá xa xôi, cùng những rung động đầu đời.

Vượt qua đập tràn, là con đê dài của đồng bằng miền Bắc, đang ánh lên một sắc cỏ xanh bàng bạc dưới ánh trăng khuya. Khi tách khỏi dải đê, con đường chạy dọc theo một mương rộng, nước lấp lánh.

Đang đi, nó chợt nhìn thấy một người ngồi canh vó tôm. Người ấy đội nón lá, mặc áo mưa mỏng, im lìm dưới ánh trăng như một mô đất nhỏ. Nó dừng xe nghỉ ngơi.

Khi bước khỏi xe, nó nghe thấy tiếng hát...

Em tôi đi. Đường Ca - ti - na đêm. Khăn san bay, lả lơi trên vai ai...

Nhiều người biết bài hát này, nhưng câu này thì ít người biết, bởi hình như câu hát bị chính tác giả sửa, hoặc bị thay bởi kiểm duyệt thế nào đó. Nhưng với nó, đây là câu hát hay nhất trong bài, vừa xót xa, vừa nhớ nhung. Một con đường Ca - ti - na cụ thể, dường như mang lại một sự xác nhận có thực cho một người con gái trâm anh, cao quý xứ Bắc, vì hoàn cảnh mà hiện diện giữa chốn đời ô trọc. Có thể chính tác giả cũng không chịu nổi nỗi đau đớn này, mà ông đã sửa cho khác đi chăng...

Nhưng ngạc nhiên hơn, là nó được nghe người đàn ông canh vó tôm ở một nơi vô danh như chốn này, hát lên dưới đêm trăng...

Người đàn ông thấy nó đi tới, bỗng dưng im lặng. Ông nhìn nó mỉm cười. Nó ngồi xuống bên cạnh, mời ông một điếu thuốc làm quen. Và không muốn phá hỏng ánh trăng đang tràn ra muôn nơi, nó chỉ nói có một câu, ông hát hay quá. Nói xong chính nó cũng thấy thừa, như khi nó chợt làm rơi một hòn sỏi xuống mặt hồ nước năm nào, làm trăng vỡ ra muôn ngàn mảnh.

Im lặng một lát, người đàn ông quay sang nhìn nó vẻ tin cậy. Giọng ông trầm trầm. Tôi rất mến những người đi lang thang trong đêm, sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với bất cứ ai. Vào thời của tôi, những người ấy thường là văn sĩ hay họa sĩ. Cũng có thể thời nay có khác đi...

Tôi là dòng dõi Nho gia, chắt của Quan Thái tử Thiếu bảo Đại học sĩ họ Nguyễn ở làng kế bên, cách đây chừng hai cây số. Thời trẻ, tôi là một người hát và chơi đàn kiểu tài tử có tiếng ở vùng này. Gia đình không ưa cái tính nghệ sĩ của tôi chút nào. Mẹ tôi thương, nhưng phận làm dâu, bà cũng không dám bênh.

Cái nghiệp hát cao quý lắm, dù bề ngoài ai cũng thấy cái nghiệp ấy bấp bênh, lãng mạn, rồi vợ nọ con kia, đôi khi làm bại hoại thanh danh, nề nếp...

Người đàn ông chợt im lặng. Ông đứng dậy nhấc mấy chiếc vó. Vài con cá nhỏ giãy giãy lộ mình trắng bạc dưới ánh trăng.

Tôi đi hát, biết bao người con gái trong vùng này tương tư. Nhưng tôi đã gặp và được một người thương lại. Người ấy chân thành, nhưng tôi là một tài tử nên gia đình người ấy cũng không bằng lòng. Ngược lại, vì quen nhau, mến nhau qua tiếng đàn lời hát, nên người ấy bị mang tiếng cả với gia đình tôi. Bên nhà tôi cũng cấm.

Nhưng người ấy thương tôi lắm. Người ấy bảo, rồi mai này, có thể anh sẽ thương nhiều người con gái khác, hay gia đình anh sẽ nhờ mai mối tìm cho anh một cô gái nhà gia thế tương xứng, em không dám cản trở gì cuộc đời anh. Nhưng em muốn chúng mình có một kỷ niệm cho mối tình này, một đứa con.

Tôi ngượng ngùng, vì tuy là một tài tử cầm ca, nhưng tôi vẫn nhớ nề nếp nhà mình. Nhưng rồi người ấy tha thiết, và một đêm trăng như thế này...

Người ấy bỏ nhà lên thành phố đi làm gì đó để nuôi đứa con trong bụng của chúng tôi. Rồi sinh nở, người ấy không muốn để đứa bé xa tôi, nên dứt lòng gửi con lại cho một người họ hàng ở làng này. Người ấy dặn rằng, khi đứa trẻ lớn khôn, mới nhắn cho bố nó biết. Rồi người ấy bỏ làng, vượt giới tuyến vào Nam.

Từ đó cho tới nay tôi không có tin tức gì. Tôi nghèo, cảnh nhà sa sút nên cũng không có tiền vào trong đó dò tìm. Tôi không lấy vợ. Tôi cũng tìm được đứa con rồi. Cháu nó cũng nghèo. Đêm đêm tôi đi cất vó, kiếm thêm chút ít cho cháu nuôi con đi học...

Trăng vẫn sáng, như vào cái đêm mặn nồng ấy của hai người. Trăng vẫn sáng, như vào đêm nay, người đàn ông côi cút đang ngồi đây, đơn lẻ. Nó chào người đàn ông, rồi lặng lẽ lái xe đi. Con đường trước mặt giờ đây như hun hút, đi sâu vào ánh trăng, không có tận cùng.

***

Thầy giáo dạy nhạc lý cho nó ngày thơ ấu là một người gầy gò, chân tay dài ngoằng, vẻ vụng về. Ông thường tới lớp trên chiếc xe đạp mi ni của Liên Xô ngày trước. Nhìn ông đi trên đường, nó thấy ngộ nghĩnh.

Trong giờ học, nó chẳng để tâm nghe mấy thứ về hòa thanh. Những quãng ba trưởng, ba thứ, những hợp âm bảy... cứ như toán đố. Nó chỉ lắng nghe tiếng đàn của ai đó phòng bên vọng sang, rồi nhớ tới những câu chuyện cổ của Hans Christian Andersen... Mà thầy giáo trông cũng giống nhà văn này. Trầm lặng, xấu trai, chỉ có đôi mắt là rực sáng.

Một bữa nghỉ giữa giờ, nó bảo thầy. Em nghe thầy giảng về hòa thanh, nhưng đầu óc em toàn nhớ tới truyện cổ Andersen. Những câu chuyện ấy như những vở múa rối. Rồi em thấy các nốt nhạc trong các hợp âm, các bài tập hòa thanh... chợt biến thành những nhân vật cổ tích tí hon, chúng khiêu vũ, trò chuyện. Các nốt trắng biến thành các bá tước bụng phệ, còn các móc đơn, móc kép... thành các vũ nữ yểu điệu với những chiếc váy đăng ten màu đen... Thầy như người đạo diễn của buổi dạ hội.

Thầy cười hiền, em có năng khiếu nghệ thuật đấy, nhưng chắc không phải âm nhạc. Dù sau này em đi theo con đường nghệ thuật nào, thầy cũng muốn kể em nghe câu chuyện này.

''Một cô gái có giọng hát trong trẻo như thiên thần tới một thành phố để lập nghiệp. Cô chọn nơi này vì trên đài phát thanh liên tục giới thiệu các danh ca đã thành công tại đây. Cô thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thoáng mát, và quan trọng là giá rẻ, vì cô không dư dả. Căn nhà có ba cửa sổ, trong đó hai cửa nhìn ra vườn cây và dòng kênh thơ mộng, đầy tiếng ù ù của gió, tiếng lộp độp của mưa. Nhưng một cửa còn lại thì đóng chặt.

Đêm đầu tiên trong căn nhà thuê trọ, cô nằm mơ thấy vị Thiện thần hiện lên bảo:

- Con chớ có mở cái cửa thứ ba. Nếu mở, con sẽ phải ra đi khỏi căn nhà này theo cái cửa đó.

Cô gái vâng lời. Từ đó, cùng với tiếng mưa, tiếng gió, tiếng chim hót... giọng hát của cô ngày càng hay, tràn đầy cảm xúc, và được nhiều người mến mộ.

Nhưng một ngày, cô nhìn lại cái cửa thứ ba, và tò mò mở ra. Hóa ra cái cửa thứ ba này đâu có tệ. Nó mở ra một hành lang dài, dát vàng, đèn nến rực rỡ. Nơi đó có những con người sang trọng, nhiệt liệt chào đón cô.

Và cô mang giọng hát như tiếng mưa, tiếng gió ngoài vườn, ngoài sông vào cho những con người ngồi trong phòng lạnh, ngắm mọi sự qua cửa kính. Họ thích lắm, cho cô đủ thứ, trong đó có cả máy bay, xe hơi, và cả một tòa lâu đài dát vàng.

Kỳ lạ là căn phòng ngủ của cô trong tòa lâu đài mới có tới chín cái cửa sổ. Tám cái mở ra đủ mọi hướng, nhìn ngắm nhiều công trình kiến trúc đẹp trong thành phố. Đêm về lung linh ánh đèn. Nhưng còn một cái cửa cũng đóng chặt. Và vị Thiện thần cũng hiện lên nói điều tương tự.

Cô tiếp tục thành công trong nghệ thuật. Nhưng cũng tới một ngày, cô lại tò mò mở cái cửa thứ chín ra. Một luồng gió cuốn cô qua cái cửa sổ này, đưa tới một tòa lâu đài còn to và sang trọng hơn nữa. Nhưng tòa nhà này không có cửa sổ, không một bóng người. Chỉ có một tấm biển với hàng chữ bằng vàng: Ở đây không được hát.''

Nó còn nhớ bữa đó nó trố mắt nhìn thầy. Câu chuyện của thầy sao giống truyện cổ Andersen đến thế.

Câu chuyện ấy cũng như những câu chuyện của Andersen, những câu chuyện tuy ngắn, nhưng lại là một pho sách dày, mà mỗi tháng năm trong cuộc đời nó lại hiểu thêm một ít ý nghĩa ẩn sâu bên trong.

Cuộc đời nó, giống y như cô ca sĩ kia, đã mở những cánh cửa cuối cùng. Và giờ đây, nó nhớ người thầy gầy gò của nó, người đã cảnh báo cho nó, trong niềm ân hận mênh mông.

***

Nhà thờ ấy nằm lưng chừng một quả đồi thấp, quạnh vắng. Như mọi ngôi nhà của những người nông dân miền đồi này, những bức tường nhà thờ cũng được xây bằng đá ong, có chỗ lộ ra do những mảng vữa màu xi măng đã bị bong tróc bởi mưa nắng.

Nhà thờ đơn sơ. Cung Thánh giản dị như bàn thờ nhỏ của các gia đình nông dân trong vùng. Còn ghế băng phía dưới được đóng bằng những phiến gỗ đơn giản như những chiếc ghế trong các lớp học vùng nông thôn. Nền chỉ là đất nện, gợn sóng.

Cha xứ phải cai quản nhiều nhà thờ trong xứ, nên Ngài thường vắng mặt. Có những chiều nó mải miết ngắm Ngài với chiếc áo chùng đen, chờ đò qua sông, rồi đi mất hút về phía mặt trời đang khuất sau dãy núi.

Giúp việc cho cha là một thầy. Thầy đã tốt nghiệp chủng viện, và đang chờ quyết định thụ phong. Thầy chỉ hơn nó chừng mười tuổi, và hai người thân với nhau. Thầy với nó thường nằm trên vạt cỏ, mặc cái nóng của vùng trung du oi bức, nói chuyện cùng nhau về văn học, hay những cuốn truyện Thánh.

Một bữa nó hỏi thầy, trong Thánh Kinh, Chúa nói đi theo Ta các con phải từ bỏ. Đôi lúc con cảm thấy từ bỏ thật nặng nề...

Thầy im lặng, đôi mắt như nhuộm một màu nắng của vùng trung du chói rực. Một lúc, thầy khẽ khàng nói, thầy kể con nghe câu chuyện này.

''Trước đây có một người đàn ông đạo đức. Ngày còn trẻ, người đàn ông ấy đem lòng thầm yêu thương một người con gái cùng làng. Nhưng rồi, cô gái nhận lãnh ơn gọi và ơn chọn, cô vào dòng tu.

Từ ngày cô gái vào Tu viện, tâm hồn người đàn ông ấy ngập tràn một nỗi buồn sâu sắc. Nhưng trong trái tim ông lại xuất hiện một niềm vui lớn. Ông hiểu, cô gái đã có một tình yêu lớn hơn tất cả những người con gái khác.

Từ nay, ông không còn nhìn thấy cô trong cuộc đời, nhưng trên bước đường lưu lạc, ông sẽ gặp cô nơi những con sóng bạc đầu xô vào ghềnh đá bên bờ biển vắng, nơi những chiều hoàng hôn rơi trong cô quạnh, nơi những cặp mắt thanh tân đớn đau vì bị phản bội, nơi những cành cây chìa ra thân ái, nơi những mái nhà tồi tàn trên đất đai mà ông biết mình sẽ từ bỏ để về nhà Cha một ngày nào đó...

Trong giây phút lâm chung, Chúa đến đón ông về, và đưa ông đi qua miền đất thời thơ ấu. Ông khẽ thưa với Chúa rằng:

- Thân xác con sắp lụi tàn, hơi thở con sắp đến bến cuối, nhưng xin Cha trên trời đừng để trái tim con tàn lụi. Vì trong trái tim đó có người con gái đã dâng hiến một cuộc đời cho tình yêu của Cha.

Chúa mỉm cười:

- Ta đã đón cô gái về bên Ta nhiều năm rồi. Ta thấy chính con luôn sống trong trái tim cô ấy. Vì thế Ta đã lấy trái tim cô gái làm một con mắt của Ta. Và hôm nay, con có cho Ta trái tim của con không? Để Ta có một đôi mắt hoàn chỉnh? Và trong đôi mắt mới của Ta, các con luôn được sống trong trái tim của nhau...''.

Buổi chiều ấy ngân vang mãi cùng câu chuyện của thầy, cùng nắng gió miên man lướt qua và tràn ngập khắp vùng đồi cô quạnh. Nó thiu thiu chìm vào giấc ngủ.

Khi nắng bắt đầu nhạt, sương loang ra mát dịu, nó tỉnh giấc. Thầy vẫn nằm bên cạnh, đôi mắt ngước lên cao. Thầy mỉm cười:

- Con ngủ thật ngoan lành. Con ạ, trên cao xanh kia là đôi mắt của Ngài, một đôi mắt làm bằng hai trái tim những người luôn yêu nhau. Con hãy để đôi mắt ấy quan phòng cho cuộc đời con được an lành...

Hàn Thủy Giang
.
.