Đất sạch - cây đời

Thứ Hai, 23/04/2018, 07:22
Trước sinh nhật 38 vào thứ Tư, 4 tháng 4, tôi nhận được món quà đặc biệt: đi dã ngoại cùng các con. 

Ra với thiên nhiên, được thở trong lành, thư thái tâm hồn và nghĩ được nhiều về sinh sôi, sự sống. Hầu hết mọi sinh vật trên Trái Đất đều cần đất, nhưng đất đang ít, yếu từng ngày. Tự dưng, lòng trào lên nỗi thương Đất Mẹ.

Trước sinh nhật 38 vào thứ Tư, 4 tháng 4, tôi nhận được món quà đặc biệt: đi dã ngoại cùng các con. Ra với thiên nhiên, được thở trong lành, thư thái tâm hồn và nghĩ được nhiều về sinh sôi, sự sống. Hầu hết mọi sinh vật trên Trái Đất đều cần đất, nhưng đất đang ít, yếu từng ngày. Tự dưng, lòng trào lên nỗi thương Đất Mẹ.

Thích các hoạt động ngoại khóa, du khảo văn hóa, ưa khám phá, trải nghiệm những gì bổ ích, tôi lại ít có dịp được đi khi là học trò các cấp. Thế nên, tôi rất ý thức cho các con được thay đổi không gian, gần thế giới tự nhiên.

Trường Mầm non tư thục Anh Quốc trong khu Tập thể Văn công Cầu Giấy thâm niên chưa lâu, nhưng thu hút được đông các bé. Hiệu trưởng của trường là cô giáo Phạm Oanh - tốt nghiệp Sư phạm mầm non, đam mê sự nghiệp dạy trẻ, chịu đầu tư cơ sở vật chất mới, phương pháp giáo dục tiên tiến. 

Tập thể các bé Trường Mầm non Anh Quốc đang hái su su.

Áp Tết, trường tổ chức gói bánh chưng, các con được mặc áo dài truyền thống (do cô giáo đề nghị bố mẹ mua). Và giờ, cuối Xuân, các con được đến trang trại, trực tiếp thu hoạch rau củ quả.

Hồi nhỏ như các con đến tuổi thiếu niên, hơn 30 năm trước, trường tôi không có các sự kiện thú vị này. Ở độ tuổi "học mà chơi, chơi mà học", các con thích thú từ lúc xếp hàng ra điểm đỗ ô tô, suốt hành trình không bé nào bị say xe. 

Qua cuộc dã ngoại đầu đời của hai con tôi (con gái hơn 3 tuổi và con trai 1 tuổi) với mẹ, mới thấy thế hệ 8X của tôi đã thua thiệt quá nhiều - do khách quan và do chính mình quá mê mải với những bận rộn (kể cả lãng phí vào không ít điều không đáng). 

Mà hầu hết sai lầm của người lớn thường khó khắc phục khi thời gian không trở lại, bù tặng riêng ai. Đây cũng là lần đầu hai con tôi đặt chân đến đất quê nội - Thường Tín, cũng là nơi sinh ra đại thi hào, nhà quân sự - tư tưởng lỗi lạc Nguyễn Trãi (hiệu Ức Trai, 1380 - 1442). 

Sự tình cờ của chuyến đi tới đất trăm nghề nảy ra một nhận định: Đất nào cũng có thể trồng hoa, trồng rau, nếu con người chịu cải tạo, vun xới. Trường Anh Quốc đông trẻ con dưới 2 tuổi, những đứa trẻ này ở lại trường với 2 cô. Còn 15 bé đi với 3 cô quản lý, dẫn dắt.

"Nếu không có mẹ, con trai chị sẽ không được tham gia, vì cháu chưa biết đi, không có cô bế". Xe chạy rồi, cô Oanh mới nói điều ấy, may không có gì phải "tiếc", vì tôi quyết tâm từ đầu là đi cùng các con.

Các bé mặc đồng phục áo phông vàng in hình Minion ngộ nghĩnh và tên trường, đeo thẻ (ghi tên số điện thoại, địa chỉ trường) ùa từ xe vào vườn su su. Chủ nhà mới làm du lịch, anh chồng phóng xe máy ra đón chúng tôi từ đầu làng, vợ đon đả cùng các cô bế lần lượt các bé với tay lên giàn su su bứt quả. 

Ở xã Tự Nhiên này, cũng chẳng còn mấy khoảng vườn, mảnh đất tự nhiên. Đô thị hóa và "nông thôn mới" phủ bê tông khắp, đất trồng trọt, canh tác ngày một hẹp. Càng ngày áp lực kinh tế thị trường và gánh nặng mưu sinh, tham vọng vật chất càng khiến người Việt Nam rời xa thiên nhiên.

Giàn su su chắc đã bị vài đoàn đến trước hái rồi, nên quả còn ít, nhiều quả nhỏ. Vài con ong bay, tiếng đập cánh nghe rõ trong buổi sáng nắng mật như mùa Hè sớm. Mấy con bướm đậu từ giàn mướp, đang trổ trái non, lượn qua phía con trai tôi đang ngủ ngon trong vòng tay mẹ, đốm nắng đu đưa trên mái tóc tơ nâu sáng. 

Con gái tôi mồ hôi nhễ nhại, cố sức nhổ bật được củ su hào còi sót lại trên mặt đất và hớn hở khi được bác chủ vườn bế lên hái su su được một túi đầy.

Rồi cả đoàn lại lên xe, chú tài chở ra ruộng cà rốt, đối diện là vườn nhãn đang rực hoa vàng xuộm. Tôi bế con trai ngủ, ngồi trong xe quan sát. Lũ trẻ hì hục dưới nắng nhổ được củ cà rốt nào là đưa cho cô giáo. 

Con gái tôi móng tay đầy đất, khoe với mẹ lúc trở lại ô tô: "Con đã nhổ được cà rốt nhà bác Gấu rồi, nhưng không gặp bạn Thỏ. Bạn Thỏ hay nhổ trộm cà rốt vườn nhà bác Gấu, đi đâu hả mẹ?". "À, hôm nay bạn Thỏ đi chơi vắng". 

Con tôi đang nói về nhân vật hoạt hình trong seriers phim Masha và chú Gấu xiếc được làm rất thông minh, hấp dẫn của của điện ảnh Nga. Vườn táo đã hái hết, bỏ qua hạng mục hái táo, cả đoàn trở về. 

Đi gần 30km/lượt để gần đất và cây trong chưa đầy một tiếng, các bé được học trực quan về cây cối, đất đai, biết sự nhọc mệt của lao động chân tay. Bài học ấy con người phải học cả đời chưa chắc đã đắc đạo. Gần với đất đai, lao động, chính là vun xới cho tâm hồn mình tìm kiếm sự khoan khoái, bình an lâu dài nhất. 

Tiếc thay, ở thời nay, nói đến đất, đa số người ta nghĩ đến giá trị của cải, tiền bạc, "tấc đất tấc vàng". Sự phấn đấu của người nông dân ngàn đời nay, lo bằng được "mảnh đất cắm dùi", tới vườn đồng thửa bãi đều là nhằm tích lũy tài sản, chứ hiếm khi vì tình yêu đất đai, trồng trọt. Đất dâng sự sống cho muôn loài, loài người khai thác đất dữ dội nhất và cũng tệ bạc, tàn phá đất bạo tàn nhất.

Đất sạch - nước sạch thì cuộc sống con người và vạn vật mới no lành. Chúng bổ sung, tác động tới nhau, cho nhau nhiều vẻ đẹp bình dị và lạ kỳ. Tôi nhiều lần nghe, thích và đang bồi hồi thả mình vào giao hưởng 

Trở về đất mẹ của Nguyễn Văn Thương (1919 - 2002) viết cho cello và piano. Đất Mẹ, đó không chỉ là nơi sinh ra, nuôi lớn ta, quê hương cội nguồn của ta, mà chính là Mẹ Đất của sự sống này. Người Mẹ cao cả, bao dung, vị tha, hy sinh và tận hiến muôn đời vẫn chưa muốn và hình như chẳng thể nào ngơi nghỉ. 

Con của Đất Mẹ - con người, loài khai thác bề mặt, đào sâu lòng đất bằng đủ loại dụng cụ, thiết bị từ thô sơ đến hiện đại, từ cuốc xẻng, xà beng, máy xúc, máy khoan đến những thiết bị thăm dò đóng xiết tận tim tủy đất, có khi nào nghĩ Đất Mẹ trĩu tâm hồn, đang đớn đau mọi mặt?

Con người không cho đất nghỉ? Cày, xới, vỡ hoang, canh tác hết chất màu thì đổ các loại đạm, phân bón xuống để xen canh, đa canh tìm mọi cách tăng năng suất cây trồng. 

Sống trên núi cao, người H'Mông lấy đá làm hàng rào, bắt đá phải nở hoa. Họ lấy đất (vốn ít ỏi) kiếm về, đổ vào các hốc đá, chắt chiu từng chút đất, hạt ngô cũng gieo nghiêng mà lớn, chỉ ngô, bí mới sống nổi trong các kẽ đá thiếu nước như thế. Đất khơi gợi và đem lại sức sống cho người và muôn loài trong tác động hữu cơ sinh tồn. Mùa này vụ khác, đất nuôi và tặng cho trần gian bao vụ ngũ cốc, hoa màu, cây, củ, quả. Và đất nhận lại gì?

Đất nhận vào lòng tỉ con người đã chết. Đất bị nhận xác động vật, gia súc gia cầm, ốm, bệnh, dịch, rác thải đủ loại chôn lấp. Tiếng kêu cứu, đòi hỏi khát khao về vẻ đẹp của Đất Sạch đang là một ước mơ xa xỉ đến không tưởng. 

Nhiều nơi vốn màu mỡ, mà giờ xơ xác, khô cháy, cỗi cằn vì thiếu nước và ô nhiễm nặng nề. Đất sạch tơi xốp, dâng xanh và bao mùa hoa trái, hương thơm, màu sắc cho cuộc sống, làm nên vẻ đẹp tuyệt vời của thế gian này. 

Vẻ đẹp ấy đang mất với tốc độ khốc liệt khi các nhà khoa học cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực và nước sạch báo động toàn cầu. Cư dân đô thị chật chội thèm có đất trồng cây, lại nghịch lý khi gia tăng nông dân không mê ruộng. 

Ở nông thôn, thường ngày toàn người già, trẻ con, lực lượng lao động sung sức lao về Thủ đô, các thành phố lớn làm thuê; họ chỉ về quê dịp cấy, gặt, hiếu hỷ hay giỗ Tết. Mà cấy, gặt thuê đang phổ biến. Không ít người làm ruộng, làm nông vì không có nghề, học vấn, kỹ năng để làm gì khác, chứ không phải bởi say mê trồng trọt, thương mến đất đai, yêu quý ruộng đồng.

Tối 22-3-2018, tôi xem phim tài liệu Cuộc chiến trong lòng đất mà kinh hoàng về những con số bom mìn trong lòng đất mẹ Việt Nam sau hai cuộc chiến tranh lớn ở thế kỷ 20.

Bé Thiên Đan nhổ cà rốt ở trang trại rau Tự Nhiên.

Ở thời bình, những người lính công binh vẫn lao động vất vả, đối mặt hiểm nguy và hy sinh khi rà phá bom mìn, làm sạch đất, cho đất hồi sinh. Quảng Trị, tỉnh có vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước (theo Hiệp định Genève 1954) bị dội nhiều loại bom nhất, tính trung bình 5 tấn bom/đầu người. 

Hiện thống kê còn 800 nghìn tấn bom trong lòng đất và cần 200 - 300 năm mới dọn sạch được hết bom. Ban Công binh của tỉnh cùng các tổ chức quốc tế hỗ trợ rà phá bom mìn (như Renew) đã giải phóng hàng nghìn hecta đất; tìm, tháo, hủy nổ bom trong đất. Còn bom rơi xuống sông, biển thì đang "ngủ". 

Chúng chết lặng hoặc nổ bất cứ lúc nào. 83% đất Quảng Trị bị ô nhiễm, cả đất trên đảo Cồn Cỏ (dấu mốc đường cơ sở vẽ đường lãnh hải Việt Nam) vẫn đầy bom, dù các tour du lịch đã và đang tấp nập khách ra - vào.

Người đông, đất chật từng ngày. Nhưng màu xanh - màu của sức sống, hy vọng, tương lai vẫn được nhen lên, bứt lên, dù nơi eo hẹp đất. Đựng trong ống bơ, bồn sứ, chậu, xô... dù nhỏ, đất vẫn nuôi sống cây, hoa. Nhà không có vườn, muốn trồng rau sạch, mua đất về đổ vào các thùng xốp, đặt ở balcon, sân thượng. 

Thực vật ẩn tàng sức sống mãnh liệt, khả năng sinh tồn đáng ngạc nhiên. Nấm, mộc nhĩ từ thân cây, khúc gỗ, nấm sinh sôi từ rơm. Cây phong lan bám vào thân cây, về thành phố chỉ sống nhờ giỏ hoa kết cấu xơ dừa giữ nước. Xơ dừa (vỏ quả dừa) và vỏ trấu xay, là đất nhân tạo mà nông dân Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) trồng vào các khay chia lỗ theo công nghệ mới. 

Ứng dụng công nghệ trồng các loại hoa, rau, cây cho củ, quả (cà chua, dâu tây...) bằng phương pháp thủy canh (sống nhờ nước) và các loại đất nhân tạo, khi đất tự nhiên sạch đang thiếu, vừa tận dụng công nghệ, cũng là "chạy chữa" khắc phục hoàn cảnh thực tế. 

Màu sự sống hành tinh này do hai màu căn bản: màu của đất và màu của cây. Nhiều đất thì đông cây, trồng cây để giữ đất, duy trì sự sống, phủ xanh Trái Đất không chỉ vì quang hợp oxy, vì bóng mát, thực phẩm và các chức năng thực dụng mà hãy thuần hậu bằng tình người, tình cây, vì chính hiện tại và tương lai của mình. 

Đâu chỉ có Tình cây và đất như lời hát của Tô Thanh Tùng: "Đất vắng cây đất ngừng, ngừng hơi thở/ Cây thiếu đất, cây sống sống với ai/ Chuyện trăm năm ân tình cây và đất/ Cây bám rễ sâu đất ôm chặt tận đáy lòng"

Sao chỉ cây và đất ôm lấy nhau, mà loài người hãy chung tay "ôm"  đất và cây bằng tình người, tình đời, lòng biết ơn và chia sẻ, sự chiêm ngắm, ngưỡng mộ, chăm chút, chở che khi đã nhận tình chan chứa ấy qua bao đời, kiếp, từ Đất Mẹ vĩ đại.

Trong sử thi nổi tiếng nhất Ấn Độ, Ramayana, nàng Sita sinh ra từ luống cày và trở về Đất Mẹ khi bị chồng ngờ vực; nỗi oan và lòng trong trắng chứng minh bằng sự ra di, ly biệt khi Sita trở lại nơi bắt đầu. Đấy cũng là quy luật của kiếp người.

Tháng Tư, muôn hoa nở rộ, hoa bừng sắc và hoa thụ quả, đều là quà của Mẹ Đất cho ta. Tưới nước, xới đất, trồng cây xanh mỗi khi có thể là bảo vệ môi trường xanh, không khí sạch, giữ gìn vẻ đẹp quý giá cho mình và các thế hệ sau. Tưới nước, tơi đất là tưới tắm vun xới tâm hồn chúng ta. 

Đã vô vàn tác phẩm viết về đất đai, nhắc đến, lấy cảm hứng, đề tài từ đất đai và đất cũng là chất liệu trong nghệ thuật tạo hình lẫn đồ gia dụng cho đời sống nhân loại. Từ bát, đĩa, lọ bình sản phẩm sành, sứ, gốm, tác phẩm điêu khắc - tranh gốm, đến cỗ tiểu sành ôm xương cốt người an nghỉ trong lòng đất. 

Đất đại lượng tha thứ cho biết bao sự  phản bội, bội bạc dối lừa, phản trắc. Đất rộng lòng bao dung vì Đất mang vẻ đẹp bất tử của sinh tồn và ước mơ, chờ đợi chúng ta giữ đất, nâng niu đất vì sự sống tương lai. Thời gian hối thúc trong chuỗi tiếng kêu tượng hình vết thương nhức tỏa của Đất Mẹ mỏi mòn...

Không phải vô biên, sự kiên nhẫn, đã quá ngưỡng. Hãy giữ sạch đất, là bảo vệ lòng tâm hồn của mỗi người, của dân tộc mình, của mỗi quốc gia và thế giới. Trồng cây xanh và trồng người, đều cần đất sạch. Đất đa nghĩa, đa cảm, chỉ duy nhất một thông điệp nối mạch máu các châu lục: Giữ Đất sạch là có những cây đời!

Vi Thùy Linh
.
.