Lụa thần tiên

Thứ Hai, 23/10/2017, 08:07
Ai cũng có lý do để yêu mùa mình được sinh ra, mùa mình thích hoặc có kỷ niệm, ký ức gắn liền. Và chắc số đông sẽ đồng cảm với định đề: Mùa Thu là thời gian của mơ màng, dịu lắng và nhung nhớ. 

Khi những mong đợi từ lâu được hiện hình, khiến ta bất ngờ, choáng ngợp, đó là phép màu của thời gian. Thu 2017 vẫn đang cho chúng ta món quà tuyệt diệu đó.

Với nghệ thuật, mùa nào đều sản sinh tác phẩm, tạo cảm hứng cho nghệ sĩ. Người chuyên viết mùa Xuân hoặc đạt đỉnh cao khi viết mùa này, người lại viết rất tốt khi trời lạnh, kẻ lại phấn khích sáng tác lúc Hè nóng nực, người khác có tác phẩm xuất sắc bốn mùa, nhưng không ai làm nghệ thuật dễ dàng vô cảm trước mùa Thu. Mà ngay cả người thường hời hợt, không biết, không còn rung động gì trước khoảnh khắc giao mùa thì đáng buồn cho một đời sống nhạt (chưa nói đến những vẻ đẹp khác).

Mùa nào cũng có vẻ đẹp, cái hay riêng, Thu cộng cảm đông đảo nhân quần hơn cả. Ai thống kê nổi số tác phẩm của các loại hình nghệ thuật viết từ/ dành cho mỗi mùa, dẫu tồn tại khác biệt về quan niệm, tâm thế, Xuân - Hạ - Thu - Đông đều có những hằng số xúc cảm toàn cầu. Mùa nào cũng có hoa, trái. Mùa Xuân nảy chồi, đơm hoa, mùa Hạ có quả, mùa Đông là quả để dành từ mùa trước, mùa Thu kết trái chín từ hoa thụ phấn cuối Xuân, đầu Hè.

Hương nhắc mùa, nhắc thời gian. Thu là mùa thơm ám ảnh. Năm nay nhuận hai tháng Sáu, Thu đến chậm hơn. May vẫn còn tín hiệu Thu, còn người biết xốn xang trước heo may, trước Rằm tháng Tám. "Mất mùa" nông nghiệp không sợ bằng "mất mùa" thiên nhiên.

Chẳng phải chỉ có Giọt mưa thu thánh thót của nhạc sĩ mãi thanh xuân Đặng Thế Phong, không đủ nếu chỉ thốt lên Thu quyến rũ như Đoàn Chuẩn. Thu với sắc vàng quyền biến vẫn gợi cho tôi về hình ảnh tấm lụa thần kỳ của tạo hóa. Lụa tằm ăn lá dâu mà nhả tơ rút ruột đến nhịp thở cuối cùng, là chất liệu mềm mại, sang quý, thành biểu tượng của mịn mát, óng ả, gợi cảm muôn đời. 

Theo nghĩa thực ban đầu, lụa là chất liệu để may mặc kết dệt từ khung cửi. Ví von "thời gian thấm thoắt thoi đưa" nói về sự nhanh, "đông như mắc cửi" để nói về sự nhiều, với lớp trẻ hôm nay và sau này, cần hình dung lý giải. 

Bởi ngày nay, ngoài một số bản vùng cao dệt thủ công, thêu tay, Công ty thêu XQ Đà Lạt thợ vừa làm sản phẩm vừa biểu diễn cho khách du lịch xem, thì ngay tại các làng lụa nổi tiếng cũng chỉ còn cực ít khung dệt truyền thống, chủ yếu bày làm kỷ niệm.

Sợi tơ vàng, quả thị vàng đã vắng trong những Thu vàng Hà Nội thập niên thứ 2 của thế kỷ 21. Màu của thứ kim loại quý dát vào lá một biệt ly diệp lục chia lìa, dát vào hồi ức nhịp nhịp Trung thu tuổi nhỏ. Nhịp Trung thu lúc dập dồn tiếng trống gọi tụ rước đèn, bềnh bồng trăng chị Hằng chú Cuội hiện trên xanh trong vầng sáng đẹp nhất năm, vầng sáng cho mọi mắt ngước nhìn và "đi theo" từng cô, cậu bé. 

"Gió thổi vàng áo phố/ Mỏng giấc Mơ heo may", câu thơ của tôi gần 20 năm trước khi lướt chậm vỉa hè 3 hàng cây đường Phan Đình Phùng đẹp nhất Thủ đô, nay vẫn còn, dù những thân cổ thụ sấu, xà cừ đang phải chống chọi bằng số đếm bất an khi đồng loại chúng bị cưa xẻ, bật gốc, quật đổ ở những trục phố dù chúng đã bám rễ trăm năm vào đất Sài Gòn, Hà Nội... nhường chỗ cho bê tông, sắt thép, cho đường sá nắng vã mặt đời. Mặt đời mặt người muôn mặt, đâu như lá hai phía chỉ muốn xanh!

Lụa Thu cho thiên thanh đua xanh hồ biếc. Hồ ngày một ít, hẹp dần, những tấm gương hồ ít người soi, chỉ bóng tòa nhà chen nhau ngả. Một nước 95 triệu dân, 10% dân tuổi từ 60 trở lên, đã vào ngưỡng "dân số già" vẫn đủ quyền lạc quan còn trẻ, đông lực lượng trẻ. 

Nào cần chờ Xuân sang sum họp, Trung thu là Tết của trẻ con, Tết đoàn viên của mọi nhà. Tết là vui. Tết không riêng cho trẻ nhỏ, mà của những ai muốn trở về thơ ấu. Vì Thu là mùa trăng đẹp nhất. Cỗ Trung thu hoa quả thức đúng mùa: cốm, bưởi, na, hồng, bánh nướng, bánh dẻo... vị cổ truyền rằm rạng rỡ hương lan thấm mọi giác quan, vượt không gian thời gian. 

Mỗi đoạn phim 3D, 4D và nhiều góc độ, cỡ cảnh cho mỗi chúng ta để mỗi cái Tết, loại Tết có nghĩa, là mật mã, thần chú chỉ một từ: "Nhớ"! Nỗi nhớ tích chuỗi kỉ niệm theo trình tự hay không đều có hương, vị, sắc, ánh sáng, âm thanh để mỗi cái Tết hiện thời còn cho ta được mong, được đợi, được tiếc và nuôi giữ vào tầng kí ức. 

Chuẩn bị cho các con, cháu, cho trẻ nhỏ đón, vui Tết Trung thu cũng là được sống lần nữa dư âm ấu thơ. May vài năm gần đây, phong vị, bản sắc Rằm Trung thu truyền thống được tái hiện nhiều hơn ở các nhà hàng, khách sạn, trường học, sân chơi. 

“Thu vọng nguyệt” là tên ba đêm diễn ra từ 17h đến 22h các ngày 29-9, 30-9 và 1-10  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - sắp đặt kết hợp của mỹ thuật - âm nhạc - ẩm thực, với sự tham gia của 500 văn nghệ sĩ, nghệ nhân từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, đem đến cho khán giả và du khách những cảm xúc khó quên về mùa Trung thu đậm đà bản sắc dân tộc, trong ý tưởng của đạo diễn Phạm Hoàng Nam muốn trở về Hà Nội quê hương để gợi lại miền ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Các dịp Tết được chờ đợi, đến một lần - qua mau, đâu cần thấy thoi đưa phải tìm người dệt xưa mới hiểu tốc độ giờ. Độ chênh lệch của thời lượng đêm ngắn ngày dài hoán đổi theo chu kỳ vận hành của Mặt trăng - Mặt trời (đầy biến động vì các hiểm họa khí thải Trái Đất), trở nên sắc nét ở một số thành phố may mắn như đêm trắng ở cố đô Nga Saint Petersburg. Mặt trời trải rộng khắp nước Nga rộng lớn. Chỉ có một mặt trăng, một Mặt trời cho loài người, nhưng sức đẹp, độ sáng của hệ Nhật - Nguyệt do cảnh quan, tâm trạng thậm chí tâm thế quốc gia thứ không phải ấu trĩ như con mắt hẹp "Trăng Trung Quốc sáng hơn trăng nước Mỹ".

Trăng nước Mỹ - siêu cường số 1 lâu năm của thế giới, nơi hội tụ vô số tinh hoa nhân loại tưởng như sự hiện đại, tối tân phủ khắp đời sống công nghiệp, công nghệ, vẫn dành sự trân trọng tối đa cho những giá trị kinh điển, cổ điển vẻ đẹp truyền thống. 

Người Mỹ và du khách khắp nơi đổ về thủ đô Washington ngắm anh đào Nhật Bản nở tháng Tư và tới San Francisco thưởng ngoạn tranh lụa Việt Nam lần đầu trưng bày trên xứ sở Hoa Kỳ. 

Sonate Ánh trăng của L.v.Beethoven đã lênh loang phiên cảm từ Đức, qua khắp châu Âu, châu Á, muôn nơi, nhưng hình như khi vang lên trong tòa nhà Trung tâm Văn hóa châu Á Oakland (Oakland Asian Cultural Center) tại San Francisco - thủ phủ bang California, bỗng tạo nên một "song tấu" đỉnh cao với 40 bức lụa của 29 họa sĩ các thế hệ sinh trong thế kỷ XX của Việt Nam. 

Nhạc cảm vang ngân không lệ nốt, nệ đàn, nó là ngôn ngữ phi lời mà quyền năng vô biên từ ngôn ngữ biểu hiện của lụa Việt. Không chỉ sơn mài là chất liệu độc đáo của mỹ thuật Việt Nam, tranh lụa Việt Nam (mà bậc thầy là danh họa Nguyễn Phan Chánh, 1892 - 1984) đã gây chú ý với năm châu. 

Sự dịu dàng, tinh tế của tranh lụa từ những năm 30 thế kỷ trước, bởi sự kiệm màu vẫn đa sắc, tơ óng mịn nhuộm màu nhuần nhị từ tâm hồn Việt. Nghệ thuật vẽ tranh lụa qua các giai đoạn có sự thay đổi về nội dung, kỹ thuật biểu hiện không chỉ có sự thanh khiết, êm dịu mà có gam màu rực rỡ, đối chọi, đường nét mạnh... 

Dù ít họa sĩ theo bởi độ khó khi thể hiện, tranh lụa Việt Nam vẫn nổi bật bởi tính độc đáo Á Đông, tiếp nối thế hệ từ 2X đến 9X. Điều kỳ diệu của mùa Thu 2017 là ông nội tôi đã "sang Mỹ" cùng tranh của mình. 

Họa sĩ Vi Kiến Minh (1926 - 1981) - cánh chim đầu đàn của Mỹ thuật Việt Bắc, đoản mệnh ra đi 36 năm, nhưng tranh lụa của ông còn thức, mang chứa kí ức vùng cao của ông, cùng tâm hồn tôi vượt Thái Bình Dương qua nửa vòng Trái Đất. 

Sinh thời, ông nội tôi từng đến Mỹ. Tôi tin, khi chết đi, con người có linh hồn, tới một cảnh giới khác, đời sống khác. Ông nội tôi qua Mỹ cùng tranh ông và những người bạn ông Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Thụ, Lê Thị Kim Bạch...

Ông tôi mang theo nỗi nhớ ước mơ của cha tôi, con trai trưởng của ông và tôi, đứa cháu đầu tiên - duy nhất được thấy ông, chịu mồ côi ông từ khi tuổi rưỡi. Bên cạnh tranh lụa là những chiếc áo dài đặc sắc của họa sĩ phục trang phim truyện, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà (tiến sĩ, giảng viên Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) và các sản phẩm lụa của làng dệt lụa lâu đời Vạn Phúc (Hà Đông), Tấn Châu (An Giang). Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức kỷ niệm 72 năm Quốc khánh Việt Nam và 20 năm thành lập Tổng sự quán Việt Nam tại San Francisco. 

Vừa xong triển lãm tranh lụa, ông tôi lại "về" Cao Bằng: lễ hội thác Bản Giốc, liên hoan hát Then Tày ngày 7, 8-10 tại quê hương Trùng Khánh. Giới trẻ quay cuồng hip hop, Kpop... mấy người biết đến hát Then? Ông đã dạy cha tôi hát Then, Giá Hai (thanh xướng kịch Tày) và tôi vẫn tập hát Then trong ý nghĩ, mỗi khi nhớ quê, trữ tình hùng vĩ.

Tranh lụa "Chuyển hàng lên vùng cao" của họa sĩ Vi Kiến Minh vừa triển lãm tháng 9-2017 tại San Francisco. Ảnh: Trần Kim Thoa.

Ý nghĩ mảnh hơn sợi tơ. Lại có áo, khăn làm tự tơ sen. Mềm mại, mỏng manh, lụa vẫn là mạch nguồn bền bỉ, kết nối người sáng tạo và thưởng thức vượt không gian, thời gian. Cách nhau nửa ngày (12 tiếng), khi trăng lên ở Việt Nam thì Cali có trăng chiều.

Hà Nội mưa  trước, trong và sau Trung Thu. Trung thu thứ ba của con gái tôi, Trung thu đầu tiên của con trai tôi năm 2017 vắng trăng buổi tối. Con gái tôi ngắm trăng chiều khi mẹ đón, sau khi phá cỗ từ trường mầm non. Hai mẹ con cùng ngắm trăng màu sữa giữa vòm hoàng hôn tháng Mười.

Có hai tình khúc viết về trăng thu cùng khung cảnh Hồ Tây, sống trong người yêu nhạc. Đó là Trăng chiều (1986, thơ Phan Đan) của Đặng Hữu Phúc viết tặng danh ca - giai nhân Ái Vân bằng xúc cảm mối tình mà nhạc sĩ yêu người bạn đồng môn tuổi 15 hồi học Nhạc viện Hà Nội (trích - lấy trên mạng): "Lướt qua nụ cười, bóng mây cuộc đời, chiều thêm nhớ mênh mang/ Bóng em ngời sáng đóa hoa màu trắng, khi trăng chiều lên/ Đến đây thầm kín, giấc mơ màu tím, bước chân hoàng hôn..."

Hồ ngân lụa đẫm trăng, âm hưởng ca từ cất lên liêu trai mà ảo chịu về vùng Trúc Bạch - làng lụa trắng bên Tây Hồ: "Mênh mông hồ, sương Thu tan trong gió/ Bát ngát trăng buông.../ Nhớ dọc thơ thuở nào/ Vẫn đây bóng dương hồn thu thảo/ Đây Nghi Tàm, kia Trúc Bạch/ Hồn se trong vuông lụa xưa đó". 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ, ông viết Một thoáng Tây Hồ năm 1985, cho Đoàn ca múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa Thăng Long). Vùng thiêng Hồ Tây trầm tích văn hóa kinh kỳ. "Tôi gửi hồn mình vào vuông lụa cổ Trúc Bạch, hồn Thăng Long ngàn năm cũng se trong lụa ấy". Mặt hồ đẫm sữa trăng là vuông lụa khổng lồ. Thế gian này không gì là bất biến, vĩnh cửu. 

Giữa thời mà nhiều thứ có thể định lượng, tính toán, xác định đong đếm bằng vật phẩm công nghệ thông minh, thì tâm hồn, tình cảm của con người vẫn không gì thay thế. Tôi tin câu của Andersen: "Không cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện mà cuộc sống viết nên".

Ngay sau Trung thu, tôi ươm một ngày đầy dương cầm F.Chopin. Chopin chỉ viết cho piano. Nhạc của ông luôn là diết da, đắm đuối, cô đơn buồn lẻ loi mà thánh khiết vô cùng. 

Chiều 16-8, trăng mờ trên biển mây màu sữa, ôm con trai bú mẹ, cảm giác sữa -  tinh túy của trần gian lan chảy nối mẹ và con. Đôi mắt nâu sáng của con, đồng tử cười lấp lánh khiến lá thu hóa biếc thẳm xanh. Trăng buông sữa lụa thần tiên vào thơ, vào họa, vào mơ... Một bình yên từ Nguồn - Sáng - Con, che chở.

Vi Thùy Linh
.
.