Không ở miền quên lãng

Thứ Hai, 22/01/2018, 08:39
Có lẽ trên đời này, không gì đem đến cho con người những tác động, hiệu ứng tinh thần ở các thái cực điều khiển mọi thang bậc cảm xúc, tâm trạng như nhớ. 

Ở thời đại công nghệ ưu việt chưa từng có, loài người cần đề cao thế mạnh, sức nhớ tự nhiên chất chứa nhiều sắc thái của cái đẹp, chống lại sự lãng quên.

Bản thân Nhớ, Nỗi Nhớ, Trí Nhớ đã hàm chứa cái Đẹp của tinh thần. Cái đẹp ấy, thành nhiên liệu, năng lượng cho tâm hồn, sinh ra vô số nét đẹp, vẻ đẹp khác. Như dòng sông chảy theo đời người, trong mỗi con người, Trí Nhớ nhiều nhánh, chi lưu đa dạng bất ngờ như cái Đẹp bao la, biến ảo tỏa phái sinh theo biên độ rộng hẹp, nông sâu, sức nghĩ và tưởng tượng, độ màu mỡ của tinh thần.

Thời nay, Trí nhớ tự nhiên của con người không được xem trọng. Loài người khám phá, nghiên cứu, phát minh ra những ứng dụng công nghệ ngày càng lắm tính năng, nâng cấp tiện ích, ưu thế từng năm, từng “đời” sản phẩm và rồi thích thú, “nghiện”, lệ thuộc vào chúng.

Từ việc chủ động lựa chọn, tận dụng, tận hưởng công năng, tiện ích tuyệt vời, lý thú mà công nghệ cao, hiện đại đem đến, con người cũng thụ động hơn, giảm dần sự tự chủ, chủ động, đánh mất nhiều thói quen, nếp sống dung hợp và sản sinh nhiều nét đẹp của xúc cảm mà qua thời gian, qua bao thế kỷ, thành tập quán sinh hoạt, lề thói, nếp sống, văn hóa của mỗi cá nhân, vùng miền, tỉnh thành, quốc gia, châu lục.

Thời công nghệ 4.0 với sự đột khởi của số hóa, sinh học... thay đổi thế giới từ cái nhỏ nhất. Thế giới phẳng và kỷ nguyên số đã tác động, thay đổi xã hội toàn cầu này đến cả vùng xa xôi, hẻo lánh. Tốc độ, sự tiện lợi của công nghệ làm mất dần (kiểu domino) chuỗi vẻ đẹp cảm xúc truyền thống, kinh điển. Hình như trí nhớ không được nuôi dưỡng, tôn trọng để phát triển tự nhiên khiến con người khô cứng, đơn điệu hơn, biến mình thành “mắt xích” của đời sống công nghiệp lập trình.

Mỗi ngày, trung bình trái tim đập 100.000 lần/ngày.

Trí nhớ siêu phàm thuộc về bộ óc siêu việt, trí tuệ với kiến thức, sự am hiểu uyên bác phi thường, bộ não lớn của nhiều chất xám, nếp nhăn với sức nghĩ, sáng tạo, tư duy vượt trội. Trí nhớ hay đãng trí đều có tương đồng căn nguyên: di truyền, lối sống, hoàn cảnh và công việc, khả năng rèn luyện. Tuy nhiên, sự nhớ và quên xét theo yếu tố tự nhiên, không hoàn toàn theo chủ ý của chúng ta. Nhiều điều cần nhớ thì lại quên, những thứ đáng quên thì lại nhớ.

Hiện tượng này thường xuyên xảy ra trong đời sống hàng ngày từ nhỏ nhặt thường nhật đến những thứ hệ trọng lớn lao. Nhịp sống và áp lực của cuộc sống thời hiện đại đã gây ra một hiệu ứng, phản xạ, tập quán chung của công dân toàn cầu: đó là “buông” trí nhớ và cho phép mình quên nhiều. 

Ảnh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Sự quên này dần dà làm người ta thực dụng hơn, bớt lãng mạn và đầu tư cho tình cảm một cách chu đáo, tinh tế. Người ta dễ dàng cho phép mình thờ ơ với hôm qua, thời trước hoặc quá khứ; nhỏ thì của bản thân, gia đình, dòng tộc, lớn hơn là của đất nước, thế giới.

Cần gì phải cố nhớ nhiều khi dễ dàng tra Google. Không ít “cư dân mạng” coi Google là “Bách khoa toàn thư biết tuốt”, trong khi vô vàn kết quả tra cứu hiện lên không chỉ có thông tin tin cậy mà còn gom tập đủ loại “rác” hoặc dữ liệu không xác đáng, không ai chịu trách nhiệm.

Ở thời mà chữ “siêu” dễ dùng gắn trước các danh từ, động từ, tính từ và tính năng thông minh gắn với nhiều sản phẩm: điện thoại, tủ lạnh, bình nước, gương, va li... ngôi nhà đến thành phố thông minh (với sự quản trị bằng công nghệ và nhiều trạm wifi miễn phí), chính phủ điện tử, quốc gia thông minh, thì chính con người, trong cảm giác ngợp tự tin, lại tự hỏi: Sự thông minh và trí tuệ của con người cần dùng lúc nào, cần động não căng thẳng tính suy nữa không, khi mà mọi thứ xung quanh đều cài sẵn, máy làm hộ?

Con người tạo ra công nghệ ấy để tự tin làm chủ nó, rồi lại bị nó lôi kéo, dắt đi, cứ như lạc vào “mê lộ”, “mê hồn trận” rồi hoang mang... Sự phổ cập tin học, vi tính hóa.., “cướp mất” thói quen viết tay, viết thư...

Đấy chỉ là ví dụ rất nhỏ. Thay đổi vận động là tất yếu, không ai chống lại được tốc độ, cường độ vũ bão của công nghệ số bằng hoài cổ dĩ vãng, song các nước tiến bộ luôn tìm cách  bảo vệ, gìn giữ giá trị truyền thống, cổ điển - di sản văn hóa, tinh thần của mỗi quốc gia, có hẳn chiến lược và sự đầu tư bài bản để triển khai sự trân trọng, nâng niu được hiệu quả.

Trong vài thập niên tới, người với người sẽ ít bớt giao tiếp, giao lưu hơn, mà sẽ gia tăng, tiến tới phổ biến hoặc người máy thay thế. Thế thì sự giao cảm, cộng cảm, hòa cảm sẽ chảy theo hướng nào, về đâu, mà ta còn lo lắng Nhớ - Quên?

Lại nữa, trí tuệ nhân tạo đang được cải tiến, nâng cấp khiến loạt quy hoạch, kiến thiết mọi lĩnh vực thượng tầng, hạ tầng của toàn thế giới phải giật mình điều chỉnh lại. Tôi  ái ngại, tủi thân cho tình yêu, sự trân trọng hệ giá trị cổ điển, kinh điển và xót cho nghịch cảnh éo le của phạm trù Nhớ - Quên như bị rối loạn trong “bất lực” của triết học biện chứng.

Nhưng không ai, không gì thay thế phủ nhận, được con người, trí tuệ tình cảm, linh cảm và tất nhiên rồi, cả Trí Nhớ, Nỗi Nhớ. Bộ nhớ của điện thoại, máy tính, ipad hiện đại mấy, các loại hình điện tử phát triển từ thư viện, ngân hàng, hàng không..., mua bán online, phục vụ tự động, thì không gì bác bỏ được/nổi trí nhớ, cảm giác, linh cảm tự nhiên của con người.

Cuộc sống bộn bề lắm cám dỗ, bận rộn, áp lực khiến bộ não bộ nhớ quá tải tình trạng stress (căng thẳng thần kinh) ngày một tăng, khiến người ta phải định liệu, sắp đặt lại dự định cuộc sống có khi trái ngược, khác mong muốn bản thân.

Như đa số thanh niên Nhật Bản sợ kết hôn (có người cưới búp bê, lấy robot làm người tình, làm vợ) do cường độ làm việc quá căng, mức sống đắt đỏ, lo không kham nổi gánh vác gia đình... Thần kinh thép đâu thể minh mẫn, ôn hòa mãi, khi áp lực liên tục, nên cần được thư giãn, bồi bổ.

Các loại thuốc bổ não, đa dạng, bán ngày một chạy: nào hoạt huyết dưỡng não, tăng cường máu lên não, chống/giảm tai biến, bổ thần kinh, tăng cải thiện trí nhớ. Nhân loại đang phổ biến bệnh giảm trí nhớ, ngoài nguyên nhân do dựa dẫm, cậy nhờ công nghệ, còn do cuộc sống cạnh tranh, bon chen, chưa kể phải đấu đá, mưu toan, đối phó.

“Lụt” bận, áp lực, tuổi tác điều khiển trí nhớ giảm. Đáng trách nếu người ta cố tình quên những gì đáng nhớ. Cần phải biết quên, tập quên những gì không đáng lưu trong đầu, biết dọn, thanh tẩy mình vệ sinh não cả bằng việc biết tự giải tỏa, giải quyết, giải phóng tinh thần.

Đầy chặt dữ liệu hay nhàm nhạt quẩn quanh, thì vùng nhớ luôn cần cho bất cứ ai. Khả năng Nhớ là biểu hiện sức khỏe sinh học lẫn tâm hồn. Mất hay phục hồi trí nhớ luôn được coi là dấu hiệu đánh giá tình trạng, tiến triển bệnh, cải thiện phục hồi trí nhớ chính là phục hồi sức khỏe.

Càng lớn tuổi, con người càng dễ mắc chứng quên, lẫn, đãng trí. Thật đáng thương và đáng sợ nếu ai đó bị bệnh mất hẳn trí nhớ hoặc sau tai nạn, chấn thương, hôn mê tỉnh lại, không nhớ mình là ai, không nhớ được bất cứ chuyện gì về mình.

Trí nhớ được khơi gợi, sẽ nhớ ra, nhờ người quanh ta hoặc bất chợt xuất hiện, gặp lại, họ cùng chung với ta kỷ niệm, ký ức nào đó. Nỗi nhớ hiển hiện, dâng lên khi ta nhìn thấy, bắt gặp, tìm được kỷ vật, đồ đạc, bút tích nào đó. Trí nhớ chuyển động trong bộ não như mây, chồng lớp đan xen, lúc “trống rỗng”, khi hoang vắng chằng chịt, chồng chéo, ngồn ngộn.

Dù làm nghề gì, số phận thế nào, ai sở hữu bộ nhớ tốt, đồng thời có tâm hồn không nghèo nàn, sơ giản. Trí nhớ dồi dào, hình ảnh kí ức sum suê, là biểu hiện của nội tâm phong phú. “Chúc ngủ ngon”, không chỉ là câu cửa miệng quen tai vào buổi tối. Đêm buông xuống, đâu phải ai cũng được ngủ và ngủ ngon.

Để ngủ được, lắm người phải dùng thuốc, phải đếm đến hàng ngàn; người khác phải dùng trà, cà phê để tỉnh ngủ do phải làm việc đêm hay trông người ốm, bệnh. Nhớ gần nhớ xa trước lúc ngủ, hay vì nhớ, nghĩ đến ai lúc thức mà tái hiện, gặp lại trong mơ, đều là sức sống của trí nhớ. Kẻ vô tình, phản bội, phụ bạc, vô ơn là tự cưỡng chế mình không muốn nhớ, không thèm nhớ, nhắc đến, gặp thì giả vờ không thấy, không quen, để cái cây Nhớ bị cắt rễ từng phần.

Sống thủy chung, trước sau, đầy đặn nghĩa tình bao giờ cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá, nhận diện người tử tế phúc hậu. Đâu chỉ nhớ trong phạm vi mình, gia đình, dòng tộc mình. Trí nhớ còn cần được nuôi vun, bổ sung, kết nối, truyền thụ, trao gửi qua thế hệ, với những gì tốt đẹp của kí ức và lịch sử của mỗi người, của xứ sở.

Trên đời, không hẳn mọi sự đều nhất nhất theo quy luật “Chính nghĩa - Hay - Đẹp sẽ chiến thắng, ngự trị”, chuẩn theo câu khẳng định bất hủ của O.Berggoltz: “Không ai, không điều gì bị mất đi hoặc quên lãng”.

Nhiều giá trị có được bằng máu, nước mắt, mạng sống triệu người, vẫn bị che phủ, lờ lánh, quay lưng. Có những sự kiện, sự việc đáng giá, công phu, quý hiếm mới có, vẫn bị xem nhẹ, thờ ơ, bác bỏ. 

Song vượt lên tất thảy, trí thức là vốn quý của mỗi người, trí nhớ bền bỉ, phong nhiêu, sẽ cho người ta một tài sản vô giá để hưởng thụ lâu dài lúc sống và cả khi qua đời, khi trao lại cho con, cháu mình bằng lời, bằng chữ, bằng cách sống. Đông công dân trí nhớ tốt thì quốc gia ấy sẽ thịnh vượng cả vật chất lẫn tinh thần, bởi trí nhớ là nhận thức, trí tuệ.

Những kẻ hay quên, chóng quên, dễ dàng quên ai tốt, giúp mình, quên cả cha mẹ, ông bà, tổ tiên, quên những điều đẹp xung quanh, làm ngơ - vô tâm vô cảm với đồng loại, thiên nhiên... thì kẻ đó sống không bằng cầm thú. Ký ức là báu vật mà nhờ thế, loài người vượt trội và thống trị mọi sự vật trên Trái Đất, làm chủ hành tinh này.

Vẻ đẹp của nỗi nhớ là vẻ đẹp của thời gian của mỗi đời người, của chúng ta và sự sống quanh ta. Đừng để sự quên lan rộng bằng hờ hững thản nhiên để một ngày sực tỉnh, muộn màng, ân hận cũng vô nghĩa.

Đừng quên bẵng để một ngày, các mạch chảy cạn kiệt cùng kỷ niệm héo tàn, quắt khô như bầy cá như trong bài Cá mòi bàng hoàng này của đạo diễn Đào Trọng Khánh viết 40 năm trước: “Những dòng sông đi qua lòng tôi/ Lúc nào tôi chẳng biết/ Những dòng sông ồn ào/ Thiết tha cô độc/ Xưa tôi trôi như một cánh buồm/ Giờ tôi đã là bến cũ/ Xưa quăng lưới theo đàn cá lạ/ Nay đã phơi rồi lưới rách te tua/ Nào hãy bơi đi đàn cá mòi khô/ Ta sẽ thả các người xuống nước/ Hãy tìm lại cho ta những ngày đã mất/ Nơi đáy sông im lặng đời đời”.

Vi Thùy Linh
.
.