Sương núi rồi sẽ tan...

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:16
Có người thích cảnh mái tranh ềm ệp trong sương mù nơi sườn núi vắng, xa xa, tiếng vó ngựa gõ vào mây thậm thịch. 

Có người bảo, ông dã man vừa thôi, bà con đang mơ làm đường ô tô vào bản, làm nhà cao cửa rộng, sắm tivi và mua iPhone X, ông lại chỉ nhăm nhăm bắt người ta sống lẩn lút gianh tre nghèo khó trong rừng già, đường sá chả có ngoài lối mòn chuột chạy và ngựa đi. 

Những người đủ bình tĩnh và ưu thời thì dò dẫm nghĩ: có cách nào để núi rừng vẫn mơ màng thắp lửa yêu thương trong bao nhiêu điệu hồn, như từ thượng cổ vẫn thế, mà bà con ta vẫn cơm no áo ấm, được học hành đâu ra đấy không? 

Vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa như mạch ngầm rần rật trong huyết quản mỗi chúng ta, nếu bảo bọc được chúng, khi ấy thì cơm áo và con chữ mới thật sự là thứ đem đến một hạnh phúc đích thực.

Có lần vào Đà Lạt, anh bạn nhạc sỹ bảo tôi: cứ cho "nó" đẵn bớt rừng thông đi cũng được ông ạ. Vì mây núi sẽ tan dần. Tôi cần mây lan man đủ rô-măng-tic, chứ không cần nó đặc quánh khó chịu thế này. Ông ở trong mây một vài ngày thì sướng, chứ ở cả đời giữa bất tận rừng thông ngó lên Langbiang rồi Thung lũng vàng như tôi thì ngán lắm. 

Lại nhớ những ngày chìm trong mây ở Ô Quy Hồ, ở Si Ma Cai hay Pha Đin, Khau Phạ, những con đèo khét tiếng nhất Việt Nam, mây dày đến mức xe đi bằng tốc độ người đi bộ mà tài xế vẫn không thể nhìn thấy tí đường nào. Tôi phải đi trước, dùng tấm áo khoác quét mây đặc như sữa ra để "vén mây trông tỏ mặt giời". Sức người được mấy so với núi non bất tận kia. 

Cuối cùng, chỉ còn cách nằm chờ những chiếc xe lu làm đường hay xe tải lớn họ đi trước, quét mây mù và chúng tôi dùi dũi theo sau. Bây giờ, rừng Tây Bắc bị trọc như cái cằm vênh váo của những ông vừa đi thợ cúp tóc cạo râu về. 

Nhiều nơi họ phá rừng theo cách để vài cây ven đường nhựa cho "quan trên trông xuống người ta trông vào" khỏi bị ngứa mắt, còn lại phía trong chặt trụi đốt trắng. 

Cho nên sương mù ít dần. Núi đồi và các khóm cây tái sinh cứ trơ khấc như cô diễn viên thiếu son phấn và ánh đèn sân khấu. Chả còn tí ảo diệu lung linh nào.

Người vùng cao đi chợ tình đeo theo băng cát-sét, khắp nơi, người ta cạo trọc núi lấy lan rừng, móc trụi đủ loại dược liệu bán hết sang Trung Quốc. Nhà lợp mái gỗ pơ mu hay mái rạ trùm xoà rơm cỏ đồng loạt thay bằng óng ánh tôn và xám ngoét các tấm phibroximang, bất chấp cả thế giới nói về điều rùng rợn của amiang gây ung thư ra sao. 

Chính quyền địa phương xóa đói giảm nghèo bằng cách tặng tấm lợp phibroximang cho tất cả các gia đình, sau đó nghe giới khoa học cảnh báo quá đúng và quá sợ hãi, họ bèn tài trợ thêm ít tiền, đồng loạt mua nilon bọc các viên ngói amiang lại để mái nhà vẫn hứng nước mưa dùng được mà vẫn không quá tác yêu tác quái. 

Cuối cùng là cả vương quốc mây mù và rừng rậm, cùng những mái nhà tròn xoe như nấm của người Hà Nhì ở Y Tý cũng bị lột ra lợp tôn, lợp phibroximang lấp lánh. Xin đừng đánh tráo khái niệm, đừng nghĩ ai đó tiếc vẻ đẹp núi rừng tức là họ muốn kìm chân bà con vùng cao mãi trong đói nghèo rơm rạ. 

Hãy hiểu, các sắc thái quyến rũ muôn đời của thiên nhiên và văn hóa tộc người, là thứ góp phần đắc lực làm nên nhân cách người bản xứ cũng như các khách lãng du khác.

Ở bản Hà Nhì vùng Y Tý, tỉnh Lào Cai hay vùng Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, bà con mình lưu giữ được những vẻ đẹp tuyệt kỹ, trỉa lấy được tinh hoa từ các sáng tạo nghìn năm của chính tổ tiên họ, cũng như từ sự ưu ái đến nao lòng của thiên nhiên xứ sở. Họ vẫn có thể thụ hưởng các giá trị vật chất như và hơn người Hà Nội, mà vẫn không phai mờ bản sắc. 

Sương mơ màng, đùm túm bay lên từ thung lũng vàng sắc lúa chín, tôi ngủ trong đồn biên phòng Y Tý, cứ thi thoảng lại nghe tiếng gì lật bật nhè nhẹ, như tiếng đập cánh của chú vành khuyên ngực óng mịn và rắn rỏi... 

Không gian tĩnh lặng tuyệt đối, tưởng như nghe được cả tiếng mây cuốn thành túm thành đống ngoài bìa rừng, như ai đó cuộn một cái chăn bông khi vừa qua vụ rét mướt. Vừa thao thức vừa theo dõi tiếng gì đó rơi, khua hay chao lượn khẽ khàng, lật phật, thi thoảng lại một tiếng, như có lại như không. 

Gì vậy nhỉ? Hay tôi tưởng tượng ra một tiếng gọi mơ hồ, như là tiếng rền của núi? Mãi sau này mới biết, sương đọng trên mái nhà lợp gỗ pơmu, nửa tiếng thì nó thành được một giọt và câm lặng buông mình trong vắt xuống lá cây khoai nước trước hiên nhà. 

Những mái nhà lợp gianh, cỏ, dày đến gần một mét. Chúng tròn xoe như các cây nấm, chim hoang cõng hạt rừng về, cây xanh có khi to bằng bắp tay cư ngụ trên mái nhà. Rêu xanh thành từng tấm như thảm êm, trải mướt mát từ nóc nhà nọ sang nóc nhà kia. 

Người Hà Nhì vùng biên tái ở giữa rừng trải rêu xanh trên mái nhà tròn xếp hàng như rừng nấm rơm nấm trứng. Tường chình của bà con Hà Nhì đen dày đến 80cm, hồi chiến tranh biên giới, súng AK bắn ba bốn tầm chưa thủng. Từ đỉnh núi trông sang, xóm Hà Nhì dưới chân dãy Nhìu Cù San biên giới Lào Cai cứ như các túp lều du mục lúc ẩn lúc hiện trong mây.

Hồi đó chưa có dân "phượt" với không ít người thiếu ý thức làm náo loạn và xả rác bừa như bây giờ. Hồi đó bọn tôi đi bộ hơn 10 ngày mới vào đến bản Hà Nhì ngã ba biên giới Mường Nhé, bên này trông sang Lào, bên kia chào các bạn Trung Quốc. Khách cứ đến bản Mường Nhé, thì cán bộ đã nghe tin dân thôn thông báo, và trưởng phó bản đã tắp lự có mặt, hỉ hả mời vào nhà rồi. 

Mặc định nhà của các vị trưởng phó bản trở thành nhà khách của người có việc hoặc chỉ đơn giản là kẻ "du nhàn qua bản thôn". Giáo viên cắm bản, công an, biên phòng, các đơn vị công tác hoặc nhà báo, cứ đến bản là vào "nhà nghỉ khách sạn" đó. 

Không nghi ngờ ai, cũng chẳng thớ lợ với ai, khách đến nhà nào, treo cái áo ở ghế, đặt ba lô góc nhà rồi ra suối tắm ngủng ngoẳng như vịt. Mó nước xếp bằng đá, quây cao ngang ngực người trưởng thành, nước suối bốn mùa tỏa khói mù mịt vì nó là suối khoáng ấm nóng. Chị em tắm một bên, nam giới tắm một bên.

Những bờ rào đá nhẵn thín, lúc nào cũng trơn ướt nhóng nhánh do hơi nước tiên cảnh. Nếu đi trên bờ núi cao, có thể thấy các tòa thiên nhiên nần nẫn tắm ngẩn tò te mỗi chiều, nhưng thường thì người ta không làm thế.

Đêm biên ải lạnh căm căm, uống chén rượu còn nóng bên bếp hồng đắp đất to như cái ụ chiến đấu, ông Pao ý tứ bảo cô con gái có hàm răng trắng xinh như ngô nếp non và tên là Nếp của mình vào gian buồng và xếp gối, trải chăn, cô gái trẻ còn phải nằm trước ủ ấm cho chăn đệm rồi mới trở về phòng của mình, để cho khách xa vào ngủ. Ngủ hoặc là thao thức tơ vương một mùi hương con gái. 

Chuyện nghe cứ như tiếu lâm dâm và nhảm, nhưng đó là phong tục thắm tình có thật. Nó trong sáng chứ không như suy nghĩ của bất cứ cái đầu vẩn đục nào. Nếp bảo, phụ nữ Hà Nhì khổ lắm, nhưng họ có sự lãng mạn cứu giúp. Họ nấu rượu ngon nhiều hơn nấu cơm, hết nồi nọ đến nồi kia để phục vụ chồng con "ấm bụng". Họ đội nón tu lờ rộng vành và đôi khi ăn từng tảng đất trong lòng núi như ăn kẹo để đủ dưỡng chất. 

Dần dà, điều đó hiện diện như một thói quen truyền đời kỳ lạ, được giới khoa học tốn bao giấy bút bàn tán. Người Hà Nhì có biệt tài đội đồ rất nặng trên trán. Tức là sọt của họ cực nặng, không đeo vào vai như người ta đeo ba lô, mà đeo một cái quai duy nhất của sọt nặng vào trước trán. Họ lầm lũi bước đi trong rừng, lối mòn thấp thểnh chênh vênh, ngựa cũng chả đi nổi. 

Cái sọt nặng kéo toàn bộ cơ thể phụ nữ Hà Nhì kia về phía sau, họ gồng lên, cứng đơ cổ để lui cui đi về phía trước. Gùi mãi thành quen, họ gùi cả dăm chục cân thịt bò, cả sọt măng cao vổng lên quá đầu. Họ cứ đi. 

Vừa đi vừa ăn. Đi nương rất xa, đi và về đã mất vài tiếng đồng hồ, nên phụ nữ Hà Nhì, Y Tý có "hủ tục" vừa đi vừa ăn cho kịp bữa và để tiết kiệm thời gian. Phụ nữ nào cũng thế và ngày nào cũng thế. Bốn giờ sáng lo cơm nước cho cả nhà xong, gói ít cơm, xôi, măng, muối vào lòng bàn tay, là họ đi, đi đến 6 giờ mới đến nương. 

Và họ dùng thời gian đó để ăn dọc đường. Họ phải gùi đồ lên trán, có lẽ họ làm thế, là để cho hai tay còn rảnh mà cầm dụng cụ, đồng thời,… vẫn nhóp nhép cấu xôi chấm muối mà ăn được!

Tết Hà Nhì được gọi là Co nhẹ chà, sớm hơn Nguyên đán của người Kinh độ một tháng. Người Hà Nhì yêu cái Tết của mình lắm. Trước dăm tháng, họ đã chuẩn bị, đã dịu dàng mời khách xa. Họ dùng tiếng Quan hỏa nhiều, nên Nho nhe lắm. 

"Hữu bằng tự viễn phương lai, bất lạc diệc hồ". Bạn từ xa đến, thì phải vui chứ. Thế là khi hoa cúc quỳ nở vàng hàng trăm cây số đường rừng, hoa trạng nguyên thắm rực trang hoàng như tam cung lục viện cho suối Mo Pí, rồi dòng nước lớn Păng Pơi chảy xuyên qua mênh mông diệp lục rừng già ngã ba biên giới nồng nã tràn về… 

Khi ấy, khách tri âm tri kỉ đến uống rượu, đốt lửa, lí lơi hát và cuồng say các điệu dân vũ nao lòng.

Người Hà Nhì có máu nghệ sỹ từ núi rừng của họ chảy ra, từ tổ tiên của họ gọi dồn về. Họ cầm dao, vào rừng, đẵn một cây gỗ gạo và bắt đầu tạo tác. Họ hồn nhiên như người Tây Nguyên tạc tượng chim công, voi hay người ở trần truồng quan hệ tình dục trước mỗi khu nhà mồ vậy. 

Cuộc sống hoang sơ, những khát vọng nguyên thủy và sự hồn nhiên như cây cỏ, đã khiến người Hà Nhì làm lễ cấm bản với các quan niệm và giá trị thẩm mỹ ngoài mọi sự tưởng tượng của con người. Họ đẵn cây gỗ gạo nhiều gai, hai cây lớn cắm làm hai cọc ở đầu bản, bất kỳ ai vào phải chui qua cái cổng đó. Trên cổng treo đủ thứ đáng sợ để trừ tà ma. Cây gạo gai nhọn lởm chởm. 

Bên cạnh là đầu chó, đầu lợn, đầu dê còn be bét máu, lông lá lờm xờm, răng nhe mắt trợn. Rồi lựu đạn, súng ống, cát tút hoen gỉ lấy từ chiến tranh biên giới. Lại thêm dao, súng, cung, nỏ, lựu đạn…, khiên giáp, tất tật đẽo bằng gỗ, được treo lan man khắp phom cổng. Họ bảo, súng đạn, đầu thú máu me, đến con người còn sợ nữa là ma quỷ. 

Treo lên để tránh ma quỷ xâm nhập vào bản làm hại lương dân và cũng là để tổ tiên người Hà Nhì khi đang mải hiến hưởng trong các bữa tiệc núi, tiệc bày ra lá rừng không bị "thế lực đen tối" nào quấy rầy. Lễ cấm bản ra đời. Họ cấm không cho mở cái cổng "hăm dọa” kia ra, bởi họ nghĩ rất hồn nhiên: hé một cái là quỷ ma nó ập vào. Ai vi phạm thì phải làm "lý" (bắt vạ). 

Cúng trừ tà ma, cứ 3 con lợn mỗi con 20kg để cả bản hơn chục nóc nhà đánh chén, quỳ lạy tổ tiên và thần sông suối, thế là xong. Phải ba con và phải mỗi con hai chục ký. Vì sao như thế thì đi mà hỏi tổ tiên người Hà Nhì. 

Còn chuyện này thì hiểu được, ấy là các tác phẩm nghệ thuật ngẫu hứng do đàn ông Hà Nhì đẽo trong lễ cấm bản. Họ nặn vô số người đàn ông đàn bà bằng đất. Người nào cũng có bộ phận sinh dục hoặc liên quan đến dục tính thân xác rất to. To đến lạ lùng. Gương mặt các "ông bà tượng" đất thơ ngây, họ như tự hào, như khoan khoái, như hài hước với sinh thực khí "oai oách" và chẳng giống ai của mình. 

Có khi dương vật đẽo bằng gỗ to bằng điếu cày, gỗ thây lẩy, trắng muốt, cắm phập vào "thân thể" nặn bằng bùn ướt bé xíu của bức tượng. Đầu "của quý" có một cọng cỏ dài, một cái lạt dài bay lơ phơ, phụt ra diễn tả dòng tinh khí. "Bà tổ" thì ngồi dạng háng, có vẻ như đang cười ha hả…

Những vẻ đẹp ấy đang mất dần từng giây từng phút. Phải làm sao để sương núi không dần tan?

Đỗ Doãn Hoàng
.
.