Tạ ơn cánh đồng làng

Chủ Nhật, 03/09/2017, 08:21
Năm nào cũng vậy, từ thượng cổ và mãi nghìn năm sau có lẽ người làng tôi vẫn cứ giữ đúng lệ như vậy.

Dịp giáp Tết Nguyên đán và những ngày lễ trọng, nhất định mỗi gia đình phải có vàng nhang, voi giấy, ngựa giấy, bánh chưng và khẩu thịt (miếng thịt khoảng 5 lạng cắt hình vuông) đem bày ra trước các phần mộ người thân, bày ra ngoài ruộng, ngoài gò để làm Lễ tạ ơn cánh đồng. 

Cánh đồng bao dung cho mùa màng. Cánh đồng ôm chứa bao nhiêu mồ mả ông bà, để cho tất cả được bình yên. Cánh đồng cũng là nơi để con cháu được những nén tâm nhang mở ra thế giới, hòa trộn ùa ập để mà gặp ông bà ông vải, gặp cha mẹ, gặp tất cả những người quá cố, gặp cả ông Lý trưởng cai quản mùa màng và sự bình yên cho mỗi "mái nhà ở cõi xa xanh". 

Và, người làng tôi tin rằng, mỗi con dân xứ mình, dù làm ông to bà lớn, hay kẻ mõ sãi, ăn mày, hát xẩm thì cũng đều bình đẳng trước cánh đồng làng. Hạnh phúc suốt đời của họ là đi hết cõi dương gian của kiếp phận mình rồi quy tụ lại ở cánh đồng làng. Họ ở lại vĩnh viễn với tổ tiên mình, với đất lề quê thói của mình. Ở đó, với lúa ngô, khoai đỗ, với mộ mới và mộ cũ, cũng rặt chỉ những người làng mình.

Khi tôi đã đủ tuổi trời cho để không chú ý thì cũng phải thấy những sợi tóc bạc trên đầu mình. Đó cũng là lúc bố nói với tôi về cái đích thực của cánh đồng làng. Ông bảo, "đất trăm người ở, ruộng trăm người cày". Thời gian như vặt lông vịt, chuyện đời lớp sau đè lớp trước. Mỗi tấc đất, mỗi luống cày ở châu thổ xứ Bắc bốn nghìn năm lịch sử này, đã có biết bao kiếp người đến canh tác, sinh sống rồi nằm lại vĩnh quyết? Bố mua đất sinh phần, tính chuyện ông và mẹ tôi sẽ nằm ở góc nào trên cánh đồng làng. Bố đưa tôi đi, đây là mộ tổ, đây là cụ Tổng lãnh binh tỉnh Sơn Tây, đây là ông quan Đốc học được ghi trên bia đá bảng vàng, đây là cụ nhà mình đi lính cho Pháp từ cái thuở còn hoang mang chưa biết đâu là bến bờ giải phóng dân tộc. Tất cả các cụ đều là ông bà tổ tiên, là ngọn nguồn của mạch máu đã sinh ra các con.

Bấy giờ tôi len lén khóc, có lẽ tôi đã và sẽ dễ dàng bật khóc bất cứ khi nào, kể từ điểm mốc cuộc đời ngộ ra thế nào là một cánh đồng làng đích thực hôm ấy. Rằng tôi đã phải nghĩ đến cái việc: một ngày nào đó tôi sẽ vĩnh viễn không còn nhìn thấy cha mẹ mình trên cuộc đời nữa. 

Chỉ có thể ra cánh đồng trò chuyện với bố mẹ mà thôi. Và tôi cũng sẽ phải ra cánh đồng làng để nằm nghìn nghìn triệu triệu năm với cha mẹ tổ tiên mình, trong một ngày đẹp trời hoặc không đẹp trời nào đó. Và tôi sẽ phải nói với những đứa con của mình câu chuyện về cánh đồng làng là điểm hẹn vĩnh cửu cho muôn năm đất lề quê thói xứ mình. 

Tôi đã chia tay, đã hò hẹn những người bạn chí thân, rằng dòng đời đẩy ta ra xa nhau, ra nhiều hướng mà càng đi ta lại càng xa nhau, đành hẹn nhau ở cánh đồng làng ở cái độ sau này nằm xuống.

Hình như đến cái tuổi nào đó thì ai cũng thấm thía điều không hẹn mà đến kia, nên người làng cổ chúng tôi đã kỳ công lắm. Đầu làng, các cụ có xây một cái quán rêu phong, lợp ngói âm dương nâu trầm nhiều năm tuổi. Đó là nơi mà bất kỳ ai, dù tạ thế ở phương trời nào, bằng cái cách u buồn nhất hay vui sướng nhất, họ cũng đều được đưa về làng. "Ma" không đi qua cổng làng, không diễu qua cửa thánh, đình làng. Mà quán đó chính là hồn làng. 

Từ quán đó, phần xác của người con làng cổ sẽ được đưa thẳng ra cánh đồng. Cánh đồng bao dung đẻ ra ngô lúa sắn khoai, đẻ ra cả cội nguồn của năng lượng sự sống, đẻ ra lao động và cống hiến để mỗi người trở thành chính mình; cánh đồng lại giang tay ôm tất cả chúng tôi khi lá rụng về cội, khi cóc chết ba năm quay đầu về núi.

Và ngày 20 tháng Chạp hàng năm, bất kỳ người dân nào còn có thể lên xe xuống ngựa, hoặc lê lết xe lăn cáng thương về làng được, thì họ đều phải về. Tết Nguyên Đán có thể không về, nhưng 20 Tháng Chạp thì họ phải về làng. Đó là ngày họp mặt các dòng họ, ngày Tảo mộ. Cánh đồng làng hôm đó nô nức, xe cộ láng coóng, áo quần sặc sỡ, "vàng thoi bạc nén" bằng giấy gieo tưng bừng các bờ cỏ lối đê. Mỗi dòng họ, người ta xếp hàng, cầm cuốc xẻng, dao phát, lễ vật đi thành một hàng dài. 

Dòng họ đa đinh, có khi người cuối hàng chưa chui qua cổng làng thì nhóm đầu đoàn "hành quân" đã ra đến ngôi mộ đầu tiên. Họ đi chân đất, lội ruộng và dọn dẹp các phần mộ. Đó là ngày mà người sống và người đã khuất hội ngộ trong nhang khói. Có thể không ai khóc cả, nhưng người biết nghĩ thì bao giờ cũng thổn thức không thôi trong lòng.

Tôi luôn thấy những người đã mất hiện về, họ mỉm cười tất thảy. Dù người khổ như bà ngoại tôi, cả đời không có tí ti chuyện cổ tích, toàn tật bệnh và đói khát với những thở than "đời như bụi rậm", những bữa cơm "ăn cho qua ngày đoạn tháng". 

Nhưng sau 81 năm làm người và 14 năm nằm dưới mộ, bây giờ bà cũng mỉm cười mãn nguyện. Cánh đồng làng tưới tắm cho bà, cho bà hiểu cái giá trị đích thực của cõi sống và cõi chết chăng? 

Từng ngôi mộ được dọn dẹp, quét vôi hoặc đắp điếm, hoặc nhổ cỏ, hoặc chỉ là thắp thêm một nén tâm nhang. Người ta đứng vòng quanh mộ, để già kể với trẻ về người đã nằm xuống. Người ta chăm sóc ngôi mộ như chăm sóc khu giường bệnh của một người đang sống. 

Cụ là ai, cụ đã sống, đã theo phe nào và làm những gì, dù xã hội nhìn thế nào, thì cụ vẫn là cụ của các con, các cháu. Ông cụ này làm đến phẩm hàm tứ trụ trong triều đình. Nhưng cụ về làng vẫn hạ mã (xuống ngựa) từ tít bìa đê sông Hồng, cụ đi guốc mộc bước qua cổng đình, gặp người làng cụ luôn khiêm cung kính cẩn. 

Và cụ bất tử trong lòng dân. Cụ được đối xử bình đẳng như những ông già cô đơn cô quả suốt đời sống ở "xó đình góc điếm" khác. Cánh đồng làng làm cho tất cả được bình đẳng, như trước Chúa, trước Phật, trước tình yêu và cái chết, trước hạnh phúc và khổ đau kiếp người.

Cảnh làm lễ tạ ơn cánh đồng

Sau lễ Tảo mộ, chiều 30 Tết là lễ Tạ ơn cánh đồng. Người làng tôi tin rằng, mỗi xứ (vùng) đồng đều có một ông Lý trưởng riêng, các ông này hầu hết đều thích cưỡi voi, cưỡi ngựa, uống rượu và ăn thịt theo từng khẩu. Ông công tâm và lành lẽ. 

Cánh đồng và bản thân ông Lý trưởng cùng cai quản những ngôi mộ trên xứ đồng ấy. Mỗi năm, mỗi gia đình có ruộng, có mộ trên xứ đồng nào thì làm lễ tạ ơn xứ đồng đó, với ông Lý trưởng đó. Ông ấy tên là gì, tính tình ra sao, từ thượng cổ, cha mẹ ông bà truyền rồi con cháu nối, người làng ai cũng biết. 

Đây là xứ đồng Lăng, rồi đồng Gậy, đồng Ón, đồng Áng, đồng Cang…, tùy từng xứ mà biện theo từng lễ. Nhưng lễ nào thì cũng nhất thiết phải có voi giấy, ngựa giấy, khẩu thịt, đĩa xôi hoặc chiếc bánh chưng, vài thếp vàng mã, rồi nhang khói. 

Nhà nào thấy có gì bất ổn, thì tùy theo gia cảnh hoặc hỏi các cụ đồ nho "bấm quẻ thiên can địa chi" để sắm ngựa giấy voi giấy màu gì. Ngựa màu đỏ là phổ biến, nhưng khi có "vấn đề mồ mả", có khi phải sắm ngựa đen, voi đen với cặp ngà nhọn hoắt, thậm chí cả những hình nhân thế mạng.

Lời cảm ơn cánh đồng rì rầm, dài lê thê và có cái gì siêu nhiên kỳ lạ. Cánh đồng là bà mẹ vĩ đại, cánh đồng gọi mưa xuống, đuổi gió bão thất thiệt mùa màng đi, cánh đồng ngăn tai họa và gieo gặt điều may mắn. Mồ yên mả đẹp, tổ tiên được chăm sóc, được bao dung với cháu con, cũng là nhờ cánh đồng. Cụ thể là nhờ cả ông Lý trưởng thích cưỡi ngựa cưỡi voi nữa. 

Mẹ bảo, "trần sao âm vậy", cả năm ông ấy coi sóc mùa màng, coi sóc phần mộ tổ tiên để mẹ ra đây gặp bố gặp mẹ của mẹ, gặp ông bà tổ tiên, gặp cả những đứa cháu tội nghiệp vĩnh viễn chưa đầy chục tuổi đầu ở trong họ hàng nhà ta… thì Tết đến mình cũng phải có lời cảm ơn ông ấy chứ. Nó cũng như lời cảm ơn với đồng chí trưởng thôn tử tế ở trong làng mình vậy, con ạ.

Tôi không so sánh như mẹ. Tôi chỉ thấy lành lẽ và cổ sơ. Hồn nhiên và tử tế. Cánh đồng làng và sự trở về của mỗi phận người ở dưới đất ấm quê mình là cái gì thật thổn thức. Nó làm người ta sống tử tế, dám kiêu hùng và dám khoáng đạt hơn. 

Người ta thấy cuộc đời vừa dài vừa ngắn, vừa có cái gì sương khói lại vừa giản dị như túm mạ cắm xuống và cho mùa vàng mẩy hạt. Nó khiến người ta nói về lời hẹn dưới đất đen giữa đồng làng có ông Lý trưởng thích ngồi voi phi ngựa và ăn cả khẩu thịt kia… cũng thật lạc quan!

Đỗ Doãn Hoàng
.
.