Những người thầy xưa, những câu hỏi nay

Thứ Hai, 11/12/2017, 07:26
Có một người mà hầu hết chúng ta ai cũng mang ơn và nhớ suốt đời. Đó là những thầy cô giáo.

Thế hệ học sinh như chúng tôi luôn coi những người thầy, người cô như cha mẹ mình. Bây giờ, đọc và nghe những câu chuyện về tình thầy trò trong nhiều trường học tôi cứ bàng hoàng, đau đớn.

Và một câu hỏi vang lên trong tôi: Chuyện gì đang xảy ra trong nền giáo dục của chúng ta?

Những vẻ đẹp và thiêng liêng giữa tình thầy trò trong truyền thống văn hóa, trong đạo làm người của xã hội chúng ta đang một ngày bị chà đạp, đang một ngày lặng lẽ ra đi. Tôi tin rằng có những người nhìn những vẻ đẹp ấy ra đi và đã khóc. Và những lúc lòng buồn bã và đau đớn như thế, tôi lại nhớ về những người thầy ở trường Suối Hai thuở trước.

Hồi tôi học ở trường Cảnh sát Suối Hai, trò thì đói rét, thầy thì nghèo. Đời sống của thầy như bữa ăn nước uống, nơi ở, đi lại và cả những giờ đứng trên bục giảng không hơn gì trò. 

Sinh hoạt hằng ngày thầy trò gần gũi nhau như anh em. Thầy không những chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người cho học viên. Thầy tâm huyết, trò học thực sự, học với lòng tự trọng và với khát vọng thay đổi cuộc đời mình. 

Học viên khi thiếu đói có thể lên mượn thầy, xin thầy thứ này thứ kia. Nhưng có một điều mà các học sinh thời đó là không một ai xin thầy điểm. Từ ngày nhập trường đến ngày tốt nghiệp ra trường học viên chúng tôi chưa bao giờ phải đóng tiền dù chỉ một xu cho việc học, việc thi.

Và bây giờ một câu hỏi lại vang lên trong tôi: Vì sao bây giờ lại có những người thầy ở các trường đại học, cao đẳng và cả phổ thông trung học lấy điểm để đổi lấy tiền và những dục vọng đớn hèn khác như báo chí đã từng đưa? Cái gì đã giết chết những vẻ đẹp của những người thầy ấy?

Ngày nay, có một sự thật chúng ta đều phải cay đắng thừa nhận rằng thanh thiếu niên càng ngày càng phạm tội nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội ác của con người là do giáo dục. Có không ít thầy đến lớp chỉ để dạy xong những gì đã qui định trong giáo trình soạn sẵn mà thôi. Thầy đến lớp nói và làm vô cảm như một chiếc máy phát và trò đón nhận những gì từ người thầy cũng vô cảm như một chiếc máy thu. 

Mối quan hệ thầy trò ngày nay càng ngày càng thấy rõ là mối quan hệ mà xã hội vẫn gọi là mối quan hệ "kinh tế thị trường". Những tình cảm đẹp đẽ giữa thầy và trò thuở tôi đi học nhiều lúc được kể lại như một câu chuyện cổ tích.

Bây giờ, mỗi khi đến ngày 20 tháng 11, thấy các bậc cha mẹ rối rít và cả rối trí chuẩn bị quà cho các thầy cô của con cháu mình, tôi lại nhớ về những ngày 20 tháng 11 thuở xưa. 

Những ngày ấy,  học trò chúng tôi chẳng có hoa, chẳng có quà tặng thầy ngoài lòng kính trọng. Ngày 20 tháng 11 các thầy vất vả hơn, mệt hơn vì phải đun nhiều nước hơn, phải mượn thêm ấm chén, tốn thêm tiền mua chè mời nước học trò. Có lẽ vì đời sống của các thầy khó khăn quá mà những học viên giỏi, nhất là những học viên khối A đều sợ phải ở lại trường làm thầy. 

Ngày thầy về hưu, đa phần các thầy đều nghèo hơn học trò cũ. Nhưng người thầy của chúng tôi ai cũng có một tài sản vô giá mà nhiều người thầy bây giờ không có được đó là sự kính trọng, lòng biết ơn mãi mãi của những người học trò cũ. 

Những năm tháng ấy, hình ảnh những người thầy là hình ảnh của những gì đẹp đẽ và niềm tin đối với toàn xã hội. Cha mẹ chúng tôi gửi chúng tôi tới trường lúc nào cũng với một niềm tin nơi ấy sẽ dạy dỗ con mình thành người. 

Sinh viên hóa D3 chúng tôi qua những lần hội khóa, hội trường tất cả mọi người đều nhận ra một điều: không phải chỉ có mình mà tất cả mọi người đều yêu trường, yêu thầy ngày một nhiều hơn. Điều này không chỉ là những học viên ở trường công an mà là truyền thống của cả nền giáo dục. Có những người thầy mà đã năm năm, mười năm, hai mươi năm và thậm chí đến bây giờ là 35 năm với nhiều lý do mà chúng tôi chưa một lần đến thăm thầy, chưa một lần gặp lại thầy nhưng hầu hết trong lòng chúng tôi vẫn có các thầy. 

Ngoài thầy hiệu trưởng Trần Đức Trường, thầy phó hiệu trưởng Đặng Cân thì người thầy được tất cả học viên khóa D3 nhắc đến nhiều nhất, muốn gặp lại nhất trong ngày hội trường hội khóa là thầy Nguyễn Duy Úy.

Trong trường lúc bấy giờ học viên chúng tôi có câu: "Nhất Úy, nhì Du, tam Thu, tứ Đãi". Sự nhất nhì, tam tứ ở đây là xếp hạng về sự nghiêm minh trong rèn luyện, chấp hành kỷ luật đối với học viên.

Thầy Đãi tên đầy đủ là Trịnh Văn Đãi. Thầy là Phó trưởng phòng giáo vụ. Thầy rèn cho học viên về lòng trung thực và sự công bằng. Thầy đã kiên nhẫn truyền cho học viên khóa D3 chúng tôi lòng tự trọng không quay cóp, không hỏi bài nhau trong thi cử. Ngày nay khi đã về hưu, suy ngẫm về lòng trung thực cho tôi nhiều điều sâu sắc. Tôi tin lòng trung thực làm cho con người ta tử tế, sự trung thực giúp người ta đi qua được nhiều thứ trong đó có cả những hiểm nguy. 

Đi theo con đường của lòng trung thực, sự chân thành có thể phải đi xa hơn, mất nhiều thời gian hơn và cả sự thiệt thòi nhiều hơn nhưng chắc chắn không bị lạc đường và sẽ đến được nơi ta cần đến. Chắc chắn mọi người tin và chia sẻ với ta nhiều hơn.

Và bây giờ một câu hỏi lại vang lên trong tôi: Vì sao lúc này, trong một đời sống mà điều kiện vật chất đã được cải thiện gấp trăm lần so với thời chúng tôi đang đi học thì con người lại đánh mất lòng trung thực? Vì sao sự giả dối lại lây lan như một đại dịch? Vì sao con người nhìn bề ngoài sang trọng đấy, giàu có đấy, uy lực đấy mà lại chứa bên trong một đầm lầy của sự giả dối?

Không ít thầy cô ngày nay đã trực tiếp hoặc gián tiếp gieo vào lòng học sinh những cái "hạt đen" của sự không trung thực. Họ nhận tiền, nhận quà để thay đổi kết quả học tập của học sinh. Không ít những học sinh nghe thầy nói trên lớp về những điều to tát nhưng lại sống một cuộc sống khác bên ngoài ngôi trường.

Thầy Úy rèn giũa chúng tôi như một người cha nghiêm khắc. Trong lần hội khóa đầu tiền của học viên khóa D3, sau những nghi lễ ở hội trường, thầy Úy tâm sự với những học trò cũ của mình: "Giờ nhìn thấy các cậu trưởng thành cũng bõ công thầy trò vất vả những năm tháng ở Suối Hai". 

Anh Nguyễn Văn Thông nói với thầy: "Chúng em được như ngày nay có công rất lớn của thầy" . Sau câu nói của anh Thông, mọi người xúm vào tung thầy Úy lên nhiều lần như những cầu thủ bóng đá trước khi nhận cúp vô địch tung hô người huấn luyện viên đã dẫn dắt mình đi tới chiến thắng.

Thầy Nguyễn Duy Úy sinh năm 1926, người huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Khi còn tại ngũ trong quân đội, thầy mang quân hàm Đại úy, Đại đội trưởng. Thầy Úy chuyển sang công tác ở Bộ Công an từ năm 1958. Năm 1969 thầy Úy về trường cảnh sát khi trường còn ở Tri Phú, huyện Ba Vì. 

Ngày khóa D3 nhập trường thầy đã 51 tuổi đeo quân hàm Trung tá, Trưởng phòng quản lý học viên. Không biết do trời phú hay do thầy rèn luyện mà thầy có một dáng vóc của những sĩ quan trong đoàn nghi lễ. Ngày ở trường mọi thứ đều thiếu nhưng quần áo thầy Úy mặc lúc nào cũng phẳng phiu, thẳng ly. Đôi giày da đen của thầy lúc nào cũng bóng nhoáng; mọi người bảo kiến mà bò lên giày của thầy Úy sẽ bị trượt ngã. 

Thầy Úy đi đến đâu thì ở đấy học viên trật tự hơn, mọi thứ gọn gàng hơn, mọi chỗ sạch sẽ hơn. Khi thầy Úy cất lời dù nơi đó đang ồn ào sẽ trở nên im lặng ngay. Nhiều sinh viên vì sự tự ti hoặc vì những suy nghĩ tiêu cực tự viết đơn xin thôi học về nhà, khi gặp thầy Úy, nghe những lời thầy Úy nói họ lại về cất đơn đi và trong họ có thêm nguồn năng lượng để họ đi qua được 5 năm học. 

Sinh viên khóa D3 tìm gặp thầy Úy trong ngày hội khóa để bày tỏ lòng biết ơn thầy. Ngày tổ chức tang lễ thầy Nguyễn Duy Úy mất năm 2001, cũng như lễ tang thầy Đặng Cân - Phó hiệu trưởng mất năm 2016 đều được tổ chức ở nhà tang lễ bệnh viện 198 Bộ Công an. Đây là hai lễ tang có nhiều thế hệ học viên nhất, có nhiều tướng lĩnh nhất vốn là học trò cũ từ mọi nơi về viếng thầy.

Với cá nhân tôi, ngoài thầy Đặng Cân, thầy Nguyễn Duy Úy, thầy Trịnh Văn Đãi thì thầy Phùng Quang Bỉnh và thầy Nguyễn Viết Thế là hai người thầy đã dành riêng cho tôi tình cảm sự giúp đỡ như anh em ruột thịt. 

Thầy Bỉnh quê ở Thái Bình, dạy môn toán cao cấp ở trường. Những bữa ăn tươi, những buổi liên hoan của nhà trường dành cho giáo viên bao giờ thầy cũng mang một bát cơm được nèn chặt cùng với thức ăn. Thầy nói với mọi người trong bữa ăn đó là chỉ ăn một nửa còn một nửa thầy mang về khi đói thì ăn. 

Nhưng khi mang về thầy lại nhắn tôi lên. Lần thì có mình tôi lần thì có thêm cả anh Dương Xuân Thường cùng quê Thái Bình với thầy. Bát cơm, những miếng cá, miếng thịt do thầy Bỉnh mang về, ngoài sự sung sướng khi mình được no hơn, được thưởng thức hương vị của thịt cá trong những năm đói rét thì bát cơm của thầy, những miếng thức ăn của thầy được bớt lại từ khẩu phần ăn của thầy đã một phần nuôi dưỡng tình yêu thương, sự chia sẻ của con người mà lòng biết ơn đến tận ngày hôm nay.

Và bây giờ một câu hỏi lại vang lên trong tôi: Tại sao bây giờ chúng ta thường xuyên phải chứng kiến những hành động vô cảm, vô tâm và thậm chí độc ác của một số thầy, cô đối với học trò của mình? Có thầy cô còn ăn bớt suất ăn của các cháu nhỏ. Cái gì đang giết chết những vẻ đẹp nhân tính trong tâm hồn những thầy, cô như vậy?

Một năm gần Tết, thầy bảo tôi thầy đã nói với chị Bình vợ thầy khi về nghỉ tết thì tôi đến cơ quan của chị Bình, chị sẽ giúp tôi mua củi, mùn cưa về đun tết. Ngày ấy chỉ có cán bộ nhà nước, người dân thành thị thì mới có tiêu chuẩn mua chất đốt bằng dầu hỏa hoặc củi hoặc than cám. 

Theo lời của thầy Thế, tôi đến xí nghiệp chất đốt nơi chị Bình làm kế toán. Khi gặp chị, tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của chị. Tôi chưa thấy vợ ai đẹp như vợ thầy Thế. Tuy chỉ mới gặp tôi lần đầu, nhưng chị thân thiện với tôi như người nhà. 

Chị bảo, anh Thế dặn chị chọn cho tôi những thanh bắp, thanh bìa dày nhất để có thể tận dụng đóng trạn, đóng chuồng gà và đóng ghế ngồi. Chị đã nhờ anh em chọn cho tôi cả bìa, bắp và mùn cưa. Rồi chị nhờ xe chở tất cả về nhà cho tôi. Ba tạ củi và một tạ rưỡi mùn cưa ngoài việc về đóng trạn đựng bát, đóng chuồng nuôi gà, chị em tôi đun hơn một năm mới hết. 

Mỗi lần từ trường về nhà ngồi thổi cơm đun nước uống bằng những thanh củi những nắm mùn cưa tiêu chuẩn tết của vợ thầy Thế dành cho tôi, ngọn lửa bếp như truyền cho tôi một thứ ánh sáng của lòng biết ơn đối với vợ chồng thầy Thế trong những năm tháng đói nghèo. 

Chị Bình mất lúc còn rất trẻ. Lòng tôi luôn tiếc nuối vì ngày chị mất tôi không biết, không được đến thắp nén nhang của lòng biết ơn chị. Thi thoảng tôi lại hỏi, vì sao một người đẹp như chị, nhân hậu như chị lại phải ra đi sớm như vậy?". Thầy Thế là người thầy duy nhất dạy học viên các khóa D ở trường sĩ quan cảnh sát trên Suối Hai trước khi về hưu mang quân hàm cấp tướng.

Và bây giờ một câu hỏi lại vang lên trong tôi: Chúng ta sẽ tìm được bao nhiêu thầy, cô trong hàng vạn thầy cô bây giờ có tình thương yêu học trò như thầy Thế và các thầy khác?

Có lẽ chẳng bao giờ, nói chính xác hơn là đến bao giờ chúng ta mới lại có được những con người như các thầy ở Trường Cảnh sát Suối Hai như trước nữa. Những gì đã và đang diễn ra trong không ít các trường học ở Việt Nam làm chúng ta buồn, chúng ta thất vọng và lo sợ. 

Biết bao các thầy cô xưa đã dạy cho các thế hệ trẻ cách làm người, đã mang cho những học trò như tôi niềm tin về con người và cuộc sống; còn ngày nay, không ít những thầy cô mang đến cho tôi sự hoang mang với những câu hỏi buồn.

(Trích từ bản thảo cuốn sách TRÊN NHỮNG NGẢ ĐƯỜNG ĐỜI, hồi ức của Thượng tá Trịnh Hữu Sỹ, nguyên Phó phòng CSGT Hà Nội).

Trịnh Hữu Sỹ
.
.