Lời thì thào của mỗi tàng cây

Thứ Tư, 10/01/2018, 16:48
Càng ở trần gian lâu, tôi càng thấm thía sự chát đắng của con người ta, khi mà sự ngu dốt làm cho các cái cây bị triệt hạ tàn nhẫn.

Con người ta sẽ tàn độc hơn, khi mà trong mắt mình thiếu vắng màu xanh diệp lục, nhất là màu thương nhớ của những cái cây từng đậm trong ký ức người đời…

Chưa kể đến những tàng cây từng chứng kiến bao thăng trầm của cha anh tôi, chỉ đơn giản là những dáng cây gầy, ngự ở những cái nơi chúng ta vẫn hằng để vương ánh nhìn thương mến của mình vào trong những lần đi qua, khi nó bị chặt, đã là tiếc nuối lắm rồi. Bất bình lắm rồi. 

Cánh đồng làng tôi, mỗi lần leo lên đỉnh gò Áng Độ nhìn xuống, tôi thấy đủ các thế hệ cha ông đã khuất của mình nằm dưới đó, rồi cha tôi và cả tôi nữa cũng sẽ nằm dưới đó. 

Cánh đồng là một căn nhà mà những con người cùng huyết thống, cùng làng, từ cả nghìn năm tiếp tục sống với nhau. Ở đó có những cái cây. Nó thiêng liêng vô cùng. Thế mà dù Nhà nước đầu tư cả trăm tỷ đồng vào làng cổ (di tích quốc gia), người ta vẫn đẵn cây đi.

Không ai bỏ tù người chặt một cái cây, khi mà ở góc độ quan chức của người ta, cái cây ấy không bị chi phối bởi một "chế tài" bỏ tù nào, nhưng lòng nhân ái sẽ bỏ tù những kẻ chặt cây. Bỏ tù cả chính tôi và cha tôi nữa. Và sẽ còn tiếp tục tù ngục trong nỗi tiếc nuối những cái cây lẽ ra chưa bị biến mất.

Các cụ trong làng khóc, họ đem những cái bát nhang sứ rẻ tiền vẽ "lưỡng long chầu nguyệt" ra hốc cây cổ thụ của nghĩa địa làng, thành kính đặt vào đó. Rồi nhang khói. Đó là cách đối phó cuối cùng để giữ những cái cây từng gắn bó với nhiều đời người làng Đoài.

Đôi khi các nhà quy hoạch chợn rợn trước những bát nhang, họ giữ lại những cái cây và sự thực lộ ra: không nhất thiết phải phá những cái cây giữa đồng như thế. Đôi khi, cũng chẳng giữ được, vì không dám đẵn "cây thần", người ta cho máy ủi dũi cái cây đi, thần thánh báng bổ thì máy móc chịu. 

Tôi không nói về việc chống đối lại dự án giải tỏa, hay mê tín dị đoan. Cái sự thật tôi muốn nói là: những cái cây làng tôi kia đã bị những kẻ có tâm hồn bị bê tông hóa phá đi một cách không cần thiết.

Kiểm lâm và tác giả bài viết với một cây nghiến cổ thụ được bảo vệ an toàn ở Tuyên Quang.

Nhân thế lại nhớ đến Ba Vì, nơi tôi sinh ra. Ở đó có cái cây mít to tới mức, hốc của nó, một bà cụ mở quán bán hàng rinh rượp được. Địa danh "Gốc Mít", là nơi mà nhắc tên ai cũng biết ở khắp hàng tỉnh. 

Nguyên nhân là do một cây mít cổ thụ. Làng tôi có những bụi tre, mà các đôi yêu nhau khắc tên mình lên hình các cánh bồ câu lòa xòa của vỏ cây từ hàng chục năm trước, vẫn còn. Làng giờ bị phá không còn bụi tre nào, do nhà nước đầu tư gần 200 tỷ và các quan chức cần phải giải ngân hết số tiền đó để trục lợi; nhưng, bụi tre bị phá đã 10 năm kia, tôi, giờ nhắm mắt lại vẫn nhớ từng gióng tre, từng tay tre, và bảo tôi nhắm mắt trèo lên lưng chừng bụi tre dày đặc đó, chân tôi vẫn dẵm đúng từng tay tre óng già. 

Như là bàn chân tôi và nhiều người làng tôi đã tự dưng có mắt để lần tìm, leo lên các đốt tre của ký ức đó. Một thi sỹ bảo, mỗi đồ vật cũ từng gắn bó với ta, nó ngậm năng lượng của ta trong thân thể nó, khi ta ốm đau mệt mỏi, nhìn thấy nó, sờ vào nó, cái năng lượng cũ của ta sẽ truyền từ kỷ niệm kia sang, tưới tắm cho ta tốt tươi trở lại. Tôi thấy, điều này cũng đúng với những cái cây.

Nhưng còn điều nữa, nếu bạn đã từng đi hết xứ sở nhiệt đới Việt Nam, rừng già rậm rịt (hoặc đã từng rậm rịt) của chúng ta, thì bạn sẽ thấy giá trị thiêng liêng đích thực của rừng. Tôi nói chữ đích thực. 

Bởi, nhiều khi người ta chuộng quá cái thứ rừng sạch sẽ, cái lá cây rụng cũng sạch như chăn chiếu cho các đôi uyên ương uống mật từ nhau, tôi cứ thấy rừng kiểu "hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng" ấy nó giả giả như phim ảnh thế nào. 

Cái rừng thật, nó đẹp kỳ ảo, kèm theo vẻ quyến rũ của rừng nguyên thủy là nỗi sợ hãi rắn độc và hổ dữ nữa. Sợ một cái gì mang tầm vóc vũ trụ nữa. Cây đứng trong rừng u tịch, rừng biết nói. Rừng bảo, trong các loài lớn lên từ tay nôi của bà Mẹ Rừng, chỉ có loài người là quay lại phá rừng. Độc như rắn, ác như hổ nó cũng không làm việc kinh thiên ấy. Lúc ấy, bạn mới thật sự thấy giá trị của những cái cây.

Cây đa Tân Trào lịch sử (Tuyên Quang), cây đa Báo Nhân dân 71 Hàng Trống (Hà Nội). Rồi cây đa có 30 nhánh thân ở Hải Phòng, một cây sung từ vài trăm năm nay vẫn ngự giữa cái chợ ở vùng Lục Khu, Cao Bằng (riêng bóng của cây sung đã trùm kín cả cái chợ);

một cây Dã hương nghìn tuổi (Bắc Giang), từng được người Pháp ghi vào sách kỷ lục ở toàn cõi Đông Dương, gần đây mỗi lần cây bị hạn, bị ốm, bị gãy cành ứng với "các sự kiện lịch sử" (như nhiều người vẫn tin)… là Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT lại phải có trách nhiệm đôn đáo ra tay chữa trị. Những cái cây ấy, là di sản quốc gia, là thứ mà quốc dân đồng bào có trách nhiệm giữ gìn.

Cây sấu, cây trò ngàn tuổi ở Cúc Phương đã được thế giới biết tên, được ghi trong nhiều sách du lịch. Trước cái cây đó, thân xác con người nhỏ bé như cánh chim chấp chới trong thung lũng rộng mênh mang. 

Dọc các lườn rễ cây dựng như tường thành rộng, có những cái lỗ tròn xoe, ở đó ghi dấu phong tục lạ của đồng bào Mường vùng Nho Quan, họ quan niệm, phải khoét nhẹ nhàng vào rễ cây lớn, xin với thần rừng cho "chúng con" xin một cái mâm cao cỗ đầy. Rồi họ khắc gọt khéo léo, nhấc ra khỏi bức tường thành rễ cây lớn một cái mâm gỗ tròn xoe. 

Để lại ở bộ rễ cây những cái lỗ tròn xoe, thời gian làm rêu tảo phủ kín, những cái lỗ mượt mà mướt xanh, như ô cửa cổ kính để ta hiểu thêm những trầm tích cộng đồng người bản địa. 

Thế nên, các dân tộc La Chí, Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì… ở miền Bắc Việt Nam đều có chung một phong tục đẹp: lễ cúng rừng. Lời thề giữ rừng, lời thề vang lên hùng thiêng bên các tán rừng cổ thụ. Những cái cây vài trăm năm tuổi, những cái cây biết nói.

Có cái cây thật nhỏ bé, ở chốn thật ồn ào, đang náo nức làm tới 8 làn xe chạy, ấy là cây trên đường Láng Hòa Lạc. Cái nhà nhỏ, lợp ngói âm dương để người Phủ Quốc Oai đi làm đồng ngồi tránh mưa nắng. 

Cạnh đó có một cái cây, dáng cây sàng sê đẹp mê hồn. Không là di tích, cây cũng chỉ bé bằng bắp đùi người lớn. Nhưng tôi đã xem hàng trăm bức ảnh, đi mấy cái triển lãm tranh, tôi sững người nhận ra quá nhiều họa sĩ từng vẽ cái cây ấy đứng dịu dàng bên cái "chùa miếu" ngói âm dương đó. 

Rồi tất cả chúng tôi ngồi với nhau như cố nhân (nhờ cái cây), cùng bàn về cái cây mà không ai biết nó là cây gì, ở di tích gì, và tại sao người ta lại hứng chí đẵn nó đi ấy. Ai đã chặt cây, chặt để làm gì, họ có biết hàng trăm hàng nghìn nghệ sĩ đã đắm say với cái cây mà họ chặt dăm nhát dao đã biến thành khúc củi nhỏ kia không?

Một cây nghiến to như cột chống trời bị cưa hạ và xẻ thịt đau lòng.

Cái cây kia làm tôi nhớ đến những cái cây huyền thoại với nhiều cộng đồng người mà tôi đã đi qua. Ở Yên Bái, có cái cây vua ngự xứ Mù Căng Chải, cây thông nọ to đến mức 12 người trưởng thành vòng tay ôm cũng chưa kín gốc. Các bản đồ quân sự, các tài liệu bí mật nhất, và các cuộc hẹn hò hoan hỉ nhất, đều gọi đó là "cây vua". Cái cây rất to là ông vua của rừng núi cả vùng rét sương Mù Căng Chải. 

Từ bên Sơn La nhìn sang, ngày quang mây, người đi rừng vẫn nhớ cái cây như cột chống trời ấy mà cắt rừng về Mù Căng Chải. Người sống hơn 100 tuổi ở Mồ Dề bảo, tôi biết nhìn cái cây, cái cây đã lớn thế rồi. 

Họ thờ cúng cây. Họ thấy sét đánh mấy chục bận mà cái cây không chết, họ càng tin, cái cây là hiện thân của Giàng. Họ kỳ lạ thấy xung quanh cây là đá thạch anh đỏ rực, xanh lè, trắng toát, đẹp mê hồn. 

Cách đây chưa lâu, cây bị đẵn. Một cựu lãnh đạo huyện nghe tin, đã tá hỏa về xã, gọi toàn bộ lãnh đạo lên nói cho một trận mất mặt. Tất cả cùng mất mặt và cái cây cũng không thoát khỏi cảnh… biến mất.

Tôi lang thang ở các cung đường dài, có những di tích như cây đa đôi ở Thái Nguyên. Cây đa có hai thân choãi ra trùm kín đường tỉnh lộ. Ô tô lớn, cả những người dắt trâu bò cũng chui qua bụng cây mà đi. 

Những cái cây ở đường Bà Triệu Hà Nội, khu vực gần Đại sứ quán Pháp, mấy chục năm nay, đôi con sóc nâu vẫn sống trên đó mà không dám trốn đi đâu, bởi đường sá lúc nào cũng ồn ã.

Sự ồn ã xui vợ chồng con cái nhà sóc rằng: ở trên cây mới an toàn. Có khi một tán cây nhỏ bé giữa cánh đồng, cũng làm ta thương nhớ, nhớ đến mức vừa đi vừa hồi hộp vói mắt tìm. Năm lại năm, cái cây vẫn xiên xiên trên đỉnh núi. Vẫn uốn tán như một cái ngai vàng, mà các bà đồng cốt cứ bảo, đó là ghế của nhà Thánh(!). 

Đôi khi, các nhà quân sự cấm ai được chặt những cái cây có trên bản đồ đó. Bà con bản xứ thì gọi đó là những cây "cô" (cô độc). Họ tin, những cái cây đứng một mình ở cánh đồng, ở đỉnh núi, bao giờ tán cũng đẹp và cũng có các thiên thần, các linh hồn, ma quỷ trú ngụ. Tán cây đẹp là dễ hiểu, bởi cây đứng một mình, gió bão vuốt các tán cây, bao giờ cũng tròn và gợi cảm. 

Còn cây thiêng, là bởi tâm thức bà con luôn tin: "Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề…", cây gì hoặc đứng cô độc hoặc cổ thụ, cũng có sự trú ngụ linh thiêng. Có người già bảo tôi, mình sống chưa được trăm năm, mà đã "thành tinh" thế này, cây nghìn tuổi, kiểu gì chả thiêng. 

Tôi nhớ mang máng, trong Tam Quốc diễn nghĩa, có chuyện Tào Tháo bị chết vì chặt cây lê cổ thụ để "cất nóc" cho cái cung điện vênh vang của mình. Không ai dám chặt cái cây đó, Tào Tháo bảo ta đây bình định cả thiên hạ, sao lại sợ tà ma vớ vẩn, rồi ngài vác gươm lên chém cây già to vút như cột chống trời. Mỗi nhát gươm bổ vào làm một tiếng khóc vang lên, rồi tiếng chửi; rồi máu đỏ ứa ra từ thân cây. 

Tháo về, đêm nằm, có người mặc áo xanh cầm gươm đến bên giường chửi "thằng Tào A Man (tên của Tào Tháo) sao mày chém tao", ít lâu sau "ngài Tào Tháo" tịch.

Mỗi lần nghĩ đến những cái cây thiêng, cái cây biết làm tốt tươi cho cuộc sống của người, cái cây to như một pho sử của đất trời và phận người kia, tôi lại ao ước, giá mà chúng ta hiểu được ngôn ngữ của các tàng cây. Giá mà những cái cây biết nói. Loài người cần những cái cây biết bao. Và họ cũng độc địa với việc giết chết những cái cây xiết bao. Dẫu họ biết, màu diệp lục là sứ giả của tình nhân ái. 

Có lẽ vì thế, mỗi lần nhìn cái dáng cây chết, những đống gỗ khổng lồ bị làm thịt, tôi đều buột miệng gọi theo lối của người cổ, đó là sự "thiên nan vấn" (khó hỏi trời).

Đỗ Doãn Hoàng
.
.