Giấc tầm xuân

Thứ Sáu, 24/01/2020, 10:56
Vì lẽ gì mà tôi nhớ loài hoa ấy đến thế: vẻ đẹp, mùi hương, sức sống... Cơn nhớ thành thảng thốt khi Xuân đang lướt gần, hoa nhiều thêm. Mà vượt qua giới hạn một cái tên, tôi vẫn tìm loài hoa ấy - Tầm Xuân suốt mùa Đông, Thu, Hạ.

Tiết trời, nắng, gió, nước, độ ẩm, ánh sáng Xuân chuẩn mực rất thuận cho nảy nở, sinh sôi, phát triển. Thế mà có hẳn loài hoa Tầm Xuân đấy! Nó "tầm Xuân" quanh năm, mùa nào cũng xanh tốt, kết nụ trổ hoa, không đòi hỏi tưới tỉa công phu mà vẫn hiến dâng sắc hồng dịu dàng và đưa hương đằm thắm. 

Còn được gọi là hồng gai, hồng dại, hồng leo, giống hồng này hay trồng ở hàng rào vì lắm gai - vừa khoe sắc cho khung cảnh đẹp hơn, vừa bảo vệ cho gia chủ. Không dễ hái cành lẫn chui rào Tầm Xuân, những kẻ "ngứa tay" hay lũ trẻ hiếu động đều chờn gai cào xước đau chảy máu. 

Một ngạn ngữ phổ biến toàn cầu: "Hồng đẹp thì phải có gai", chấp nhận chịu gai cào, đâm nếu muốn cầm hoa đẹp. Mọi thứ đều có giá của nó. Giá trị đẳng cấp, cái quý của đóa hồng đẹp không chỉ ở hình thế màu sắc cánh, cành, mà còn ở... gai.

Gai cào đau sẽ nhớ hơn, thú vị hơn, thấm thía hơn. Thử tưởng tượng hoa đẹp mà không có một cái gai, cầm dễ dàng, thấy... kém duyên. Dĩ nhiên nhiều giống hồng Đà Lạt đã không gai từ lâu. Song, nó cũng như ai chiếm lĩnh thành công dễ dàng trên con đường trải sẵn thảm đỏ êm chân, lối hoa chào đón, không thể có sự kiêu hãnh của người chiến thắng, thắng nỗi e sợ của chính mình và đám đông khi dám dấn bước vào chông gai. (Cả nghĩa đen lẫn bóng)

Tầm Xuân, rõ ràng không phải công chúa, dẫu thuộc "phả hệ" Hồng - được coi là nữ hoàng, nữ chúa - loài hoa của tình yêu đôi lứa, dùng biểu cảm, tỏ tình. Tầm Xuân, chắc chắn không phải thứ hoa mà chàng họa sĩ si tình trong tình khúc Nga Triệu bông hồng dám bán cả nhà, cả máu (bán tranh không đủ, thời ấy chắc tranh không có giá như sau này), để mua triệu đóa hồng dâng tặng, tỏ tình với nàng ca sĩ xinh đẹp, nổi tiếng, kiêu sa.

Nhưng là hậu duệ của loài hoa đẹp hàng đầu Trái đất, Tầm Xuân cứ... trổ gai, thậm chí nhiều, dày, chi chít tự tôn về vẻ đẹp dù phơi gió dầm sương giãi nắng nơi hàng rào, ven tường, mọc thành bụi ở ven chân đê, vườn ruộng. 

Không dễ tìm hoa nào hợp với mọi bối cảnh như Tầm Xuân, giống hoa vừa thôn dã vừa thị thành, dễ sống, sống dẻo dai này, lại chứa ẩn nét kiêu sa kiên định của nhan sắc thách thức đọa đày của khí hậu, thời tiết, đẹp mọi hoàn cảnh, dù ít được tôn vinh, ít khi được cắt vào cắm bình nơi phòng khách. Vẻ đẹp hoang dã, tươi mởn, luân hoàn không ngưng nghỉ ấy, đối nghịch với nỗi buồn trong ca dao. 

Bài ca dao mượn Tầm Xuân để cô gái trách móc chàng trai làm lỡ duyên tình đôi lứa, nỗi thở than buông tay cam phận: "Nụ Tầm Xuân nở ra xanh biếc/ Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay”.

Xanh ấy là màu nụ non chưa hé. Chứ hoa Tầm Xuân thường chỉ có ba sắc độ: trắng phớt hồng, hồng nhạt và hồng sẫm. Mọc khỏe, lan nhanh, dễ thành bụi, thành lũy. Lũy hoa cho hơi thở thơm vương vấn, cho ta được bước chậm hơn ở thời khó mà sống chậm.

Nụ Tầm Xuân nở nhưng không tàn, vì liên tục sinh sôi mãi ngân xanh biếc với sức Xuân trong sức sống bốn mùa trẻ trung.

Hồi nhỏ, tôi hay gọi là "hồng leo", cánh mỏng, nhánh mềm cánh nhạt màu, chắc vì phơi mở giữa đất trời, nơi "phên giậu". Tầm Xuân tìm Xuân, còn tôi tìm hoa trong những con ngõ, đường quen. 30 năm trước, hầu hết các căn hộ chưa xây tường rào, chỉ là hàng rào cây, nhà đẹp nhất là nhà bác Ngô Thúy Hằng. 

Vốn là diễn viên múa dân gian, khi lớn tuổi, bác Hằng chuyển sang mở hiệu trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới, ở mặt đường lối vào khu tôi. Bác Hằng giờ đã giờ 80 tuổi, vẫn đẹp. Nhà bác hồi ấy hàng rào toàn hồng leo. Bác trai là Trịnh Kính (1931 - 1995) - chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam (chuyển sang làm Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ trước khi nghỉ hưu) khó tính, song chỉ "đằng hắng" dọa khi lũ trẻ chúng tôi ngắt hoa. 

Hồi ấy, nhà hai bác còn có mảnh vườn trước sân, cũng đầy hoa, và hồng cứ leo lên mảng tường trước nhà, nom như "nhà - cây" - "nhà - hoa" mà sau này tôi đã không thể lướt qua ngay mỗi khi gặp trên đất Pháp. Về sau, tấc đất, tấc vàng, nhà  nhà xây tường bao, lấn ra ngõ chung, lấn tối đa khả năng có thể. Có tí đất, vườn thì lại xây lên để nhà thành hai, thành ba, làm phòng cho thuê.

May thay, dẫu phải đi gần một km qua trường cấp 2 Dịch Vọng nơi tôi từng học, ra phía hồ đào Nghĩa Tân, đối diện hồ và hàng cây xanh tốt là được ngắm rạng Tầm Xuân. Hồng leo mọc tươi tốt quấn quít các chấn song sắt dọc mặt trước tòa nhà, hơn trăm mét um tùm nụ nảy hoa thơm, ong lượn bướm về, những ngọn cây vươn cao quá đầu người, tự do hiên ngang sức sống rất mạnh mẽ và tươi trẻ.

Tôi đi tìm Tầm Xuân trước mùa Xuân không chỉ là tìm một giống hồng có tên rất thơ, rất gợi bằng trực quan hiện thực mà tìm lại những không gian thiên nhiên hoa cỏ mùa Xuân mởn biếc trong mắt biếc thuở nào.

Tìm Tầm Xuân, là tìm những con đường hoa có thực. Trước Tết, ở trung tâm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị, luôn rực rỡ các vườn hoa, đường hoa nhân tạo, chăm chút cầu kỳ, xếp hình, xếp chữ cùng ánh sáng kết con số, hình khối, biểu tượng.

Triệu loài hoa dù được nhìn thấy, triệu tập, trưng dụng vào các khung cảnh trang trí hay thầm lặng nở ở nơi không ai chú ý, thì dàn nhạc hoa khổng lồ đều làm một sứ mệnh vĩ đại, không chỉ tỏa hương khoe sắc bằng bản năng sinh tồn, bổn phận tạo hóa, mà tiếp sức, khơi gợi và nâng cánh cho cảm xúc, cảm hứng cho nhân loại.

Đường hoa cận cảnh từ búp tay thơm hồng của các con tôi, vẫy chào bầy nụ - hoa con thấy. Trái tim đa cảm khiến mắt rớm sương. Cây đời của tôi là đây. Nước mắt nhòa nước dâng - ký ức nguyên khiến hiện ra, không đơn thuần là thủ pháp điện ảnh, mà là phép bảo lưu màu nhiệm bởi xúc cảm  chân thật và lãng mạn.

Xuân này, tôi muốn cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về làng Chùa quê ông, một ngôi làng thơ ca đã nổi tiếng ra thế giới bởi một người con của làng là tác giả viết về làng mình hay và cảm động nhất nền văn chương đương đại. Tôi biết, không cần nhắc, ông cũng để ô tô màu mận lại sân nhà. Làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ) ven sông Đáy, dòng sông dào dạt nước trong thời ông trẻ trai, nay có đoạn trơ đáy cạn, ông sợ sông bị bức tử vì chất thải và rác. Làng đối diện dãy núi đá vôi. 

Tôi đã đi xe máy thật chậm dọc chân đê, tìm Tầm Xuân từ 10 năm trước. Chỉ còn rất ít, bên cạnh những bụi dứa dại, duối, găng tím. Mấy năm gần đây, tôi không tìm nữa. Tìm làm gì cho buồn. Không còn cây Tầm Xuân nào ven đê. 20 năm trước, khi xây tường bao quanh nhà, tôi đã đánh mấy cây Tầm Xuân về trồng dọc bờ tường. Chúng mọc khỏe, lan nhanh. Trước đó, hàng rào là duối, cúc tần, tre trúc, tương ứng sân đất, sân xi măng, lát gạch. Nhà - vườn nơi anh em chúng tôi sinh ra, lớn lên còn nguyên. Vườn có cây cau, ổi, mít, bưởi, bòng và cây ngâu khổng lồ, mỗi lần hoa nở, tôi lại nhớ bố mẹ da diết. Các cụ thích trà hoa ngâu.

Về chiếc Honda cũ gắn bó mười mấy năm, Nguyễn Quang Thiều nói: "Ngày trước, làm gì có tiền mua xe đập hộp Cub 70 ấy là xe Honda bãi, màu su hào, hay còn gọi là màu nước cống". 

Chiếc xe nay không còn trong nhà, không biết nó được dùng nữa hay đã kết thúc sứ mệnh? Dù lười tập thể dục, đi bộ kém, tôi vẫn coi việc thả bộ dọc đê sông Đáy bên một thi sĩ lớn, là quà đặc biệt của mùa Xuân. Có thể không bao giờ thấy Tầm Xuân nữa, vẫn còn Tầm Xuân trong vườn nhà thơ ấu của người đã viết truyện ngắn, đúng hơn là một bút ký, hồi tưởng vô cùng xúc động về loài hoa này. 

Tôi đọc Người ở với hoa Tầm Xuân trong một tập truyện của Nguyễn Quang Thiều đúng 3 mùa xuân trước. Ngày cuối năm, trò chuyện với thi sĩ về tặng phẩm này, hóa ra ông viết từ 1991, thời sáng tác tập thơ Sự mất ngủ của lửa gây dư chấn đến hôm nay. 

Người ấy, là nhân vật thật, trong câu chuyện hoàn toàn thật của gia đình cô ruột nhà văn. Quê ông và một số nơi có lệ gọi chị ruột của bố là "cô". Bà cô ở đây thực chất là bác ruột thi sĩ, cụ Nguyễn Thị Dự. Cụ chỉ sinh được một người con duy nhất, Lê Xuân Nghiệp, anh họ Nguyễn Quang Thiều. 18 tuổi, anh Nghiệp đi bộ đội và hy sinh năm 23 tuổi tại chiến trường Quảng Trị năm 1969. 

Ít lâu sau, cha của liệt sĩ Nghiệp qua đời, góa phụ ở với cháu chồng. Dân làng quen gọi các bậc cha mẹ bằng tên con, thành ra nỗi đau mất con của cụ Dự không lúc nào nguôi được.

 Không tin Nghiệp không về, người mẹ ấy vẫn ngóng con trai theo hướng con đê đổ về làng. Lúc ngóng chân đê, lúc tìm dọc con đê tưởng như tít tắp. Mẹ nhớ quá hóa mộng du, mộng mị, hay sống trong giấc mơ kí ức mà cứ đến xuân là cắp nón ra chân đê hái đầy nón hoa, nụ Tầm Xuân. Lúc nhỏ tới trước ngày nhập ngũ, anh Nghiệp vẫn ra đê hái hoa về cho mẹ. 

Tầm Xuân phơi khô, sao vàng để ướp trà, pha trong ấm tích. Uống hơi chát, song rất thơm, từng ngụm ngọt đẫm hương Xuân trong đó. Thỉnh thoảng, họ lại thả hoa vào xô, chậu tắm, hồi ấy không có xà phòng. Mấy năm cuối đời, cụ Dự được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Vietnam Airlines phụng dưỡng đến khi tạ thế. Gần 30 năm, cụ Dự đã sống trong mong chờ thương nhớ con, mỗi độ Xuân, lại ra hái Tầm Xuân!

Sau khi chị gái mất vài năm, thân phụ nhà thơ Nguyễn Gia Thâu qua đời năm 1997 và thân mẫu mất cùng năm. Tất cả đại gia đình thi sĩ Nguyễn Quang Thiều đều thích Tầm Xuân và nhớ tiếc giống hồng leo ấy không còn phổ sắc triền đê sông Đáy.

Ngôi nhà của người ở với hoa Tầm Xuân vẫn còn, chỉ triền hoa nở mãi miền dĩ vãng. Liệu ai sẽ trồng lại Tầm Xuân ven đê nhỉ? Tôi hỏi, cũng là ao ước nhỏ, biết đâu ở ngôi làng nhiều người yêu thơ, làm thơ, sẽ có người sống thơ mà trồng lại Tầm Xuân đúng Xuân này. 

Cuộc sống bộn bề âu lo, toan tính, dự cảm, ước mơ, cũng cần lắm chất thơ, sự nên thơ. Cần lắm, những giấc tầm xuân mơ mộng, thuần khiết và đắm tình người với hoa như thế!

Vi Thùy Linh
.
.