Người liên lạc khẩn cấp

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:46
Để có thể sử dụng phòng tập ở một nơi, cô nhân viên đề nghị tôi điền vào tờ phiếu có tên họ và số điện thoại của người liên lạc khẩn cấp.

Tôi suy nghĩ rất lâu và hỏi liệu có thể không cần điền không. Và cô đáp, đó là quy định. Tôi điền tên mẹ tôi và số điện thoại vào, khi ý nghĩ bay vèo lên cao và nhủ chắc bà cũng chẳng thể làm gì nếu có chuyện gì đó “khẩn cấp” xảy ra ở đây. Tôi ở cách xa mẹ đến 9.000 dặm bay.

Ta thường không nghĩ về người sẽ làm cái gì đó “khẩn cấp” nếu cuộc đời chẳng may dồn ta vào một đường cùng. Nội dung đó thường để trống, thờ ơ, hoặc vứt ra ngoài các ý niệm. 

Khẩn cấp hẳn sẽ chẳng bao giờ xảy ra với mình. Khẩn cấp hẳn phải xảy ra ở nơi nào đó ngoài tít mù những hiểm nguy, giữa mặt trận đầy súng đạn, hoặc nơi người ta chà đạp vào nhau bằng vô vàn sinh mạng không chút giá trị nào. Khẩn cấp chắc không dành cho ta.

Khi tôi đi cùng bạn vào phòng tập, bạn nói: “Tôi biết cậu chỉ điền đại cái tên đó vào thôi và tôi còn ngờ là số điện thoại đó không phải là thật, nhưng cậu biết đó, người cuối cùng ta nghĩ đến trong ý nghĩ nhàm chán nhất, thực ra chính xác là người ta cần lúc khẩn cấp”. Tôi đáp: “Cũng không giải quyết được bất cứ gì, đúng không? Nếu thành phố này bị đánh bom, hay tôi bị gãy cổ trong phòng tập này?”.

“Nhưng vấn đề không phải là bom - vấn đề là ở đây!”, bạn chỉ vào thái dương.

Vấn đề là ở đây, ngay trong tâm trí của mình.

Tôi lập tức nhớ lại chỉ chừng hơn một năm trước, khi tôi cố gắng giải thích vì sao mình bất an đến vậy. Công việc tốt. Những người bạn rất mực đàng hoàng. Một vài đồng nghiệp để đi uống mỗi cuối tuần. Vài bạn đạp xe chung. Tôi khỏe mạnh và đầy tự hào. Nhưng tôi luôn hoảng sợ lao đi đâu đó trong một chuỗi dài những sự rối loạn. Mọi thứ đều lộn xộn.

Tôi luôn ở đâu đó trong cơn khắc khoải của sự giận dữ, buồn bực và không thể tin nổi mình đã làm gì với cảm xúc của mình. Có kẻ cho họ cái đặc quyền được làm tổn thương tôi mà tôi không thể tự chữa lành vết thương. Hay chính tôi không muốn chữa lành vết thương đó mà cứ ồn ào giận dữ sôi sục?

Khi ấy, tôi chưa bao giờ nghĩ về “người liên lạc khẩn cấp”. Tôi chưa bao giờ nhận ra mình luôn có người thân thiết sẵn sàng xuất hiện chỉ để an ủi mình. Tôi không gọi ai là “khẩn cấp”, hoặc chẳng bao giờ hạ mình để xin họ hãy dành thời gian cứu lấy tôi.

Nhưng một người bạn đổi chuyến bay để đi uống cùng, vì nghĩ tôi buồn. Vài người bạn đợi tôi về, cho tôi một bữa tối, và lo lắng hỏi vì sao tôi không ngủ sớm. Người bạn qua tận nhà nấu ăn cho, và gửi tôi món ăn nhỏ gói trong hộp giấy.

Những người thân yêu ở yên bên cạnh, họ không lên tiếng lao xao và hừng hực như kẻ làm tim mình đau. Họ làm điều gì đó vẩn vơ, chậm rãi và yên ủi. Trớ trêu thay, bao hành động đó không nói được thành lời, cũng không thể tung hê như ngày vũ hội hay tràn chiếm ồn ào như kẻ hành hạ.

Tình yêu đôi khi chỉ là sự yên lặng cần thiết và một hơi thở ngay bên cạnh, báo hiệu rằng tớ ở đây, tớ sẽ là người nhận “liên lạc khẩn cấp”. Số điện thoại đó không phải tổng đài mua hàng trên mạng, luôn có ai đó trả lời lịch thiệp và dịu dàng. 

Người “khẩn cấp” có thể chẳng bao giờ đến được bên mình nếu điều tồi tệ nhất xảy ra. Nhưng họ ở đó, rất sâu và tĩnh lặng, cuối con đường tăm tối mà tâm trí mình dựng lên. Họ hét to trong đường hầm sâu hút: “Cứ đi đi, tôi ở đây, và luôn sẵn sàng”.

Thực ra thì tôi chẳng cần một số liên lạc khẩn cấp.

Tôi luôn có họ ở bên cạnh, dù xa tận chân trời.

An Nguyên
.
.