Biết là làm sao

Thứ Tư, 15/08/2018, 06:40
Thật buồn là sau Hà Giang, liên tiếp những địa phương khác bị phát hiện có sửa điểm thi, nghĩa là có sự tiếp tay thông đồng để thay đổi kết quả của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Gian dối trong bằng cấp, gian dối trong đào tạo, gian dối trong học hàm học vị… không còn là chuyện mới trong giáo dục. Tuy nhiên, gian dối như một bệnh dịch như thế này thì rõ ràng đã không còn giới hạn của liêm sỉ nữa rồi.

1. Tư lệnh ngành giáo dục là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra những vụ bê bối sửa điểm thi thời gian qua. Nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ nhận trách nhiệm thôi, nhận chứ không xin lỗi. 

Người tiền nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng nói: “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”, đó là khi Bộ GD&ĐT dưới thời của ông Phạm Vũ Luận xung phong cải cách.

Ông Phạm Vũ Luận về hưu, cái ghế Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được ông Phùng Xuân Nhạ tiếp quản. 

Ngay lập tức, ông Nhạ đưa ra tuyên ngôn về triết lý giáo dục của mình: “Tôi quan niệm giáo dục không phải là một trận đánh, giáo dục là con người. Đó là một công trình lớn được xây dựng liên tục trong nhiều năm. Nếu làm như chiến dịch thì làm xong rồi thôi luôn. Con người đâu phải chiến dịch, con người đâu phải thắng thua. Tôi quan niệm không có chuyện thắng hay thua. Nhiệm vụ của tôi là tạo được niềm tin trong nhân dân, trong xã hội. Chỉ khi xã hội có niềm tin vào giáo dục thì mới thắng lợi. Còn khi chưa có niềm tin vào giáo dục thì vẫn thất bại”.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô tôi rất đồng tình với triết lý giáo dục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tiếc thay, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng thừa nhận: “Con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là một điển hình.

Tính từ tháng 4-2016 cho đến nay, gần tròn 30 tháng, ngành giáo dục dưới sự lèo lái của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên tiếp lâm vào nhiều câu chuyện đáng buồn. 

Tính từ “buồn” là cách nói nhẹ đi của những scandal, những vụ lùm xùm, những câu chuyện đau lòng… mà tôi tin rằng nếu những chuyện này xảy ra ở các nước khác, chúng ta vẫn thường đọc được thông tin người đứng đầu ngành, lĩnh vực ấy sẽ tự nguyện nộp đơn xin từ chức.

Sòng phẳng mà thừa nhận, 30 tháng không phải là quãng thời gian dài để Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể tạo nên một kỳ tích cho giáo dục. Nhưng 30 tháng chắc chắn đủ để xuất hiện các quyết sách, giải pháp hợp lý nhằm mở rộng cửa cho một tương lai hy vọng. 

Tiếc rằng, không có. Thay vào đó, giáo viên phải làm nhiệm vụ rót bia cho đại biểu dự hội nghị, thầy giáo bị bắt quả tang dạy thêm không khác gì buôn hàng quốc cấm, giáo viên đổi tình lấy biên chế, tiêu cực trong phong hàm giáo sư… và bây giờ là sửa điểm thi tốt nghiệp. Toàn những chuyện khác xa triết lý giáo dục nhấn vào yếu tố con người mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nêu ra.

Làm sao có một con người khi mà vừa chớm lớn đã phải tham gia vào đường dây (hay băng nhóm) hỗ trợ cho cái sai, làm sao có một con người khi mà vừa thôi bậc trung học phổ thông đã nhờ vào tiền hay quyền của bố mẹ để giành suất vào đại học với người khác, làm sao có một con người khi mà nền tảng để thụ hưởng tri thức bắt nguồn từ dối trá. Đó là một việc hết sức nghiêm trọng.

Khi mà việc hết sức nghiêm trọng chưa có cách trị, chưa ngã ngũ, chưa thu vén cho hợp lý thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại xuất hiện trên truyền thông khi đi dự khánh thành một trường dân lập ở Đắk Lắk, mặc cho, những Hòa Bình, Sơn La… cần sự thị sát của ông hơn.

Bộ trưởng dự khánh thành một công trình tư nhân thì cũng không có gì quá lạ lùng. Nhưng trong bối cảnh này, Bộ trưởng hạ cố đến dự lễ khánh thành một trường tư thì trông hơi kỳ kỳ. 

Mặc dù, báo giới nói nhân chuyến công tác tại Đắk Lắk nên Bộ trưởng tiện đường đến dự. Vì sao có chuyện tiện lợi ngẫu nhiên ấy, chuyện này ai cũng biết rồi nên có lẽ không cần phải lạm bàn.

2. Ngô có dịp hầu chuyện với nhiều lãnh đạo, không phải lãnh đạo nào thì cũng là người có ảnh hưởng. Ngô biết các câu chuyện người kế nhiệm phải vá các lỗ hổng mà người tiền nhiệm để lại khó khăn như thế nào. 

Không cần nhìn đâu xa, nhìn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp nhận rồi vực dậy Bộ Công thương sẽ hiểu tàn tích mà người tiền nhiệm là ông Vũ Huy Hoàng để lại kinh khủng ra sao. Hoặc nếu nhìn cuộc chiến chống tham nhũng cán bộ thoái hóa biến chất, sẽ thấy hậu quả của một giai đoạn để lại khốc hại như thế nào.

Viết ra điều ấy là để quý bạn đọc có cái nhìn rộng hơn toàn bộ câu chuyện, thế nhưng chính vì lẽ đó nên những tư lệnh ngành cần phải tập trung hơn, cần phải cố gắng hơn để vừa khôi phục lại vừa phát triển ở lĩnh vực mà mình được Chính phủ tin tưởng giao phó, Quốc hội phê chuẩn. 

Chứ đâu thể nào nói: “Cái đấy nát lắm rồi, tôi làm cũng không được gì, mặc đến đâu thì đến vậy”. Nếu như vậy thì cần tư lệnh ngành làm gì, nếu như vậy thì cần lãnh đạo kế nhiệm làm gì, nếu như vậy thì cần đề bạt bổ nhiệm làm gì?

Lẽ ra, trong khó khăn lại càng gắng sức, trong gian nan lại càng cố gắng chứng tỏ mình, thành là đây mà bại cũng là đây, cơ hội được tán tụng cũng là đây mà cơ hội tạo sự thất vọng cũng là đây. 

Cá nhân Ngô nghĩ, là do sự lựa chọn thôi. Ngô không tin vào câu chuyện không thể làm được khi mình là cấp trưởng, là tư lệnh ngành. Nhất là khi giáo dục luôn được Chính phủ ưu tiên về đầu tư cũng như toàn xã hội ủng hộ, chỉ cần đi đúng hướng và giữ được cái đạo của nghiệp trồng người.

Đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”. Rộng ra, giáo dục cũng vậy, y tế cũng vậy, giao thông cũng vậy…

Nhắc đến giao thông, có lẽ phải ghi nhận sự cố gắng của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Sau những lùm xùm BOT đặt sai vị trí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang có những cố gắng để khôi phục niềm tin cho lĩnh vực mà ông đang phụ trách. 

Điểm nóng về tai nạn giao thông nghiêm trọng vừa xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ngay lập tức có mặt để nắm tình hình, thăm hỏi người thân của các nạn nhân không may và cả những nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện. 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi về dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án giao thông khác trên địa bàn, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể giao Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông – Vận tải Quảng Nam nghiên cứu, đề xuất mở rộng tuyến tránh vừa xảy ra tai nạn làm 13 người chết ở Quảng Nam. 

Trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu: “Tôi thật sự nếu mà có tiền, những tuyến tránh tôi cho làm 4 làn xe hết, dĩ nhiên là khó nhưng mà mình phải xem những cái nào thật sự cần thiết, thật sự nguy hiểm, thật sự có vấn đề thì chúng ta phải đề xuất chứ không phải mình nói cả nước như thế”.

Ngô lan man chuyện tiền một chút, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ước mơ có tiền để làm những tuyến tránh rộng để tránh các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Quốc gia của mình có tiền không, chắc chắn là có. 

Nhưng rồi, những khoản thua lỗ nghìn tỷ, vạn tỷ, những dự án đắp chiếu, những khoản vay nợ thật sự vô cùng phi lý của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước… đã hỏa thiêu quá nhiều tiền của ngân sách trong một quãng thời gian dài. Bây giờ thì quốc gia khó nhiều rồi, chỉ thương cho Chính phủ không ngừng nỗ lực kiến tạo.

Trở lại chuyện của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đã hai lần Bộ trưởng nhận trách nhiệm. Lần đầu tiên là vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Quốc hội khi bị truy về tình trạng giáo viên bạo hành các bé mầm non.

Lần thứ hai là vào tháng 8 này, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về bê bối điểm thi. 

Và cả hai lần nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn chưa đưa ra được một giải pháp hay câu trả lời nào nhằm chứng minh rằng sau nhận trách nhiệm sẽ là hành động để không còn xảy ra những hạn chế, yếu kém nữa. Và nữa, nhận trách nhiệm suông hay sao?

3. Giáo dục là rường cột của quốc gia, quốc gia có phát triển bền vững hay không, có kịp đoàn tàu công nghệ 4.0 hay không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giáo dục. Xã hội có văn minh hay không, có nhân văn hay không, người với người có yêu thương nhau hay không cũng bắt nguồn từ nền tảng giáo dục.

Mà giáo dục cứ như thế này thì biết là làm sao?

Ngô Nguyệt Hữu
.
.