An yên giữa biển khơi

Thứ Tư, 21/03/2018, 14:20
“Ở đây không có chiến tranh. Từ khi tôi sinh ra chưa bao giờ có chiến tranh cả. Mỗi lần xem TV thấy chiến tranh ở Syria, tôi đều thắc mắc loài người sao phải làm thế?”

Joe Jaya mô tả về đất nước Fiji của ông, một quần đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương, nơi có hơn 300 hòn đảo nhỏ tắm mình trong ánh sáng trong veo của mặt trời và màu nước xanh rượi lạ lùng của thế giới này.

Joe chở tôi đến bãi biển “Cập bến đầu tiên” (First Landing) nằm trên bãi biển Nalamu, với một đảo nhân tạo hình bàn chân trái nổi tiếng – nơi hễ mỗi lần hỏi “người Fiji từ đâu tới?” – Họ đều kể về tổ tiên giong buồm ra khơi và chọn nán lại ở nơi này.

Vậy người đầu tiên đến đây là ai? Họ là người Java, người Ấn, hay người Polynesia và người Melanesia với nước da sậm màu và nụ cười luôn bừng tỏa? - Quá nhiều câu hỏi cho một hòn đảo xa mù khơi giữa biển, đang nhịp nhàng dấy lên điệu nhạc ca ngợi bất cứ khoảnh khắc đáng yêu nào trong ngày.

“Em đã chuẩn bị dậy sớm để đón bình minh chưa? Đừng quên đây là đất nước đầu tiên trên thế giới đón bình minh,” – người nhân viên sân bay cao to khổng lồ nhìn tôi. Mái tóc anh vàng nhạt, nhưng làn da lại sậm nắng – một nhận biết dễ thấy cho sắc dân Melanesia phổ biến ở xứ sở này. 

Tờ báo Fiji Times trên kệ đọc trong sân bay đi kèm với khẩu hiệu: “Tờ báo đầu tiên xuất bản trên thế giới mỗi ngày” – một tự hào bé nhỏ được ghi dấu trong nhiều cảm thán mà dân Fiji dành cho người lạ.

Bình minh ở Suva bừng tỉnh, tôi đã mất ngủ cả đêm khi chiếc máy bay hạ cánh giữa đêm khuya. Người lao công ở khách sạn chào: “Bula! Sao nhìn cô mệt mỏi vậy?”... “Hãy quay về phòng ngủ tiếp đi cưng, cô đang ở Fiji, hãy sống theo giờ Fiji! Tại sao phải vội vàng vậy?” – Bà cười hào sảng, tiếng cười bật thành thanh âm vang trong phòng ăn. Tôi vừa lạc vào thế giới của ánh mặt trời đầu tiên, và giờ đây còn biết thời gian ở đây (dường như) là định nghĩa khác.

Có vài lần tôi được học về thời gian. Ở giữa New York, không ai sẽ thèm gặp bạn vào sáng thứ Hai nếu bạn không phải người quan trọng và đem lại lợi ích gì đến trong cuộc gặp. Ai cũng bận. Từng phút là tiền. Người New York muốn đúng giờ từng khắc và kết thúc ngay khi hết giờ quy định. Không làng nhàng động thái thừa vô ý nghĩa.

Ở một đồng quê tại Myanmar, tôi hỏi giờ xe bus tới, “xe bus tới khi nào thì tới”, cậu bạn nhà báo trả lời tôi. Và mọi người kiên nhẫn đợi. Thời gian bị kéo giãn ra, cũng không ai màng tới, vì tất cả họ đều đang vận hành trong cõi thời gian bị giãn ra hệt như nhau.

Và sáng hôm ấy, tôi định thần để hiểu mình đang ở Fiji, sống trong giờ Fiji, vùng đất ở cõi Nam Đảo xa xôi cách biệt khỏi lục địa lô xô thường trực. Mọi thứ bé xíu. Giới hạn giăng ra quanh bờ kè biển khơi. Con người được định nghĩa khác ở nơi này. Chắc vì vậy mà thời gian bị căng phồng ra thành động tác chậm như người đi bơi giữa đại dương. Mọi cử động chậm lại vài giây vì sóng trào lên đánh ngược lại.

“Giờ Fiji” là những chiều muộn, những thổ dân Melanesia vỗ phách trống hừng hực và bắt đầu điệu múa lửa của người Samoa trong thị trấn. Xung quanh Fiji là những đảo quốc như Samoa, Tonga, Papua New Guinea...

Những điệu múa hoang dại từ thuở con người sống trong những lều cây và hát khúc ca của núi rừng. Chàng trai chỉ mặc đồ da với khố. Khối cầu lửa loang loáng vung lên cao, trào xuống, vỡ tung ra rồi lại tụ vào bàn tay trong chớp nhoáng. Một nhóm thổ dân Samoa múa bằng tất cả say mê ngay giữa không gian... siêu thị ngoài trời bên bờ biển.

Sau đó là điệu múa của những cô gái từ Tonga, có mũi tên, có biểu diễn động tác săn bắn. Cơ thể họ căng ra trên động tác, dẻo dai, tự nhiên như loài hoang dại đầy quyền lực. Người ở đảo quốc mê âm nhạc, mê nhảy múa, và mọi biểu diễn tự nhiên như chuyện trò, để những đứa bé giữa đô thị đầy phát triển của thành phố giàu có này vẫn nhịp chân theo, vẫn tròn mắt nhìn cầu lửa như gọi về ký ức của cha ông giữa rừng và biển xanh thẫm.

Fiji là một thành phố hiện đại. Công nghiệp mía đường tạo ra những đường ray bao quanh đảo để cánh đồng có xe chở mía về nhà máy. Những người Ấn Độ đã theo tàu của thực dân Anh đến đây, phơi mình trên cánh đồng vất vả, và rót vào hòn đảo hơi thở của nền văn hóa đầy những vị thần và đức tin rực rỡ.

Bằng cách nào đó, người Fiji sống bằng giờ Fiji, với niềm tin của Fiji, nơi nhà thờ Tin Lành là chốn trú thân cho linh hồn dân bản địa, ngay cạnh những đền thờ Hindu đâu đó trong thị trấn. Không có xung đột sắc tộc. Không có những đối thoại kiểu “dân Ấn thì thế này”, hay “người da trắng thế kia”...

Trong đối thoại bị khích bác bày tỏ, Joe, theo đạo Tin Lành từ thuở lọt lòng, nói: “Có gì khác nhau đâu. Chúng tôi đều là dân Fiji.” – Anh không ngạc nhiên về nghi lễ thờ cúng rắc rối trong những chùa của người Hoa, đền thờ Hindu... hay bất kỳ vị Thượng Đế nào không phải là Chúa lòng lành mà anh tin tưởng.

Ảnh trong bài: An Nguyên

“Ở đây không có chiến tranh. Từ khi tôi sinh ra chưa bao giờ có chiến tranh cả. Mỗi lần xem TV thấy chiến tranh ở Syria, tôi đều thắc mắc loài người sao phải làm thế?” – Điều tự hào đó của Joe được tóm lại thành hành động khi cô Radin ngắt cho tôi một đóa hoa và cài lên đầu.

“Cưng à, ở đây hãy đi mua nước Fiji uống, chúng tôi có mạch nước nguồn trong lành nhất thế giới. Nước Fiji có bán ở Mỹ đấy. Hãy đi ra bờ biển để ngắm biển Fiji, để thấy Thái Bình Dương vĩ đại mức nào”.

Ngôi làng Radin ở có một nhà cộng đồng đầu đường. Khi có người thân mất, cả làng đến chia buồn. Ở đây không có nhiều người tự tử (họ không cô đơn chăng?) hay như Radin diễn tả: “Trong tuyệt vọng, tôi sẽ tìm đến nhà nguyện, sẽ được mọi người an ủi trong buổi trò chuyện chung”.

Nghi thức của bộ lạc rầm rì trong lời kể chuyện, chia vui, an ủi khi buồn, dạy con trẻ lớn lên và chọn chiếc áo sơ mi Bula làm trang phục nghiêm cẩn nhất trong mọi lễ nghi hiện đại, dạy con trẻ điệu múa căng thẳng đầy kỹ thuật và rực rỡ ánh lửa khi cộng đồng mỉm cười chuyện trò bên màn biểu diễn xôn xao.

Fiji là nơi đón những nghệ sĩ Mỹ giàu có đến đây mua lại cả hòn đảo, xây bến du thuyền riêng, làm biệt thự thỏa mãn vị thế làm “chúa đảo” trên những món tiền kếch xù họ kiếm được giữa ngành công nghệ điện ảnh xa hoa. Fiji sẵn sàng bán.

Nơi này cũng nồng nhiệt phát triển. Nhưng để những công dân Fiji làm việc với thái độ chuyên nghiệp với thế giới phương Tây, và đồng thời để họ thư thái trong chọn lựa “sống trong giờ Fiji” và cài hoa lên mái tóc khi xuống xe hơi chờ người nhân viên đổ xăng, hẳn đó là một tâm lý và thiết kế xã hội kỳ lạ.

Có thể Joe mãi mãi không bao giờ hiểu vì sao con người lại mang máy bay và tàu chiến đi đánh nhau, như bản tin thời sự Syria đẫm máu mỗi ngày anh xem. Cũng như tôi sẽ mãi mãi đặt câu hỏi về hạnh phúc, về giờ Fiji, về màu xanh thẫm vĩ đại của Thái Bình Dương, về những cái ôm nguyện cầu có thể cứu ta không đơn côi và tuyệt vọng trong nhà nguyện ở làng...

Cần bao nhiêu cô độc giữa biển khơi để tạo ra an yên như vậy?

Khải Đơn
.
.