Kuala Lumpur khổ vì "đường cong mềm mại"
- Thế giới ngầm ở Malaysia: Gái “ăn đêm” ở Kuala Lumpur
- Không khóc ở Kuala Lumpur
- Hơn 200 CĐV Việt Nam đã tới sân Selayang thủ đô Kuala Lumpur cổ vũ đội nhà
Chuẩn bị sang theo dõi SEA Games 29 tại Malaysia là phải có kế hoạch tỷ mỉ. Kế hoạch quan trọng nhất là di chuyển tới các đấu trường. Với các nước phát triển thì xa gần không tính bằng kilômet mà tính bằng phút hay giờ ôtô. Bắt đầu bằng cách dùng công nghệ đo đường của Gú Gồ (Google).
Từ quận ga tàu điện Cheras tới đấu trường gần nhất dưới chân tháp Petronas là bao xa? Đường chim bay là 5km. Vậy chắc đường thực tế chênh không xa. Tìm đường thực tế bằng tàu điện ngầm hoặc ôtô. Ông Gú Gồ báo là đi hết 23 phút. Chắc Gú Gồ cũng có lúc lú lẫn. Nhưng không có cách nào khác là sang tới nơi rồi hỏi dân nơi ấy. Thiếu gì đường tắt. Đi bộ 5km cũng đáng là bao.
Khi đến Mã Lai, hỏi ngay dân sở tại thì họ lắc đầu rằng không có đường đi bộ hay xe đạp. Đường “chim đi bộ” chỉ có 8km thôi nhưng đều phải đi bằng ôtô hoặc tàu điện. Loại tàu này lúc ngoi trên đất lúc ngầm dưới hầm, họ gọi là Light rail transit (LRT). Nên tận dụng triệt để tàu này vì ban tổ chức miễn phí toàn bộ vé tàu cho nhà báo theo dõi SEA Games.
Nhìn bản đồ tuyến tàu cũng hoa cả mắt nhưng tạm đếm thì có 7 màu: Cam, đỏ cờ, nõn chuối, lá mạ, tím, xanh dương, nâu... tức là ít nhất có 7 tuyến chính. Nhìn vào màu là biết tàu đi về khu nào.
Tàu LRT tuy tốc độ khá nhanh nhưng luôn phải cua đường vòng và đỗ tất các ga. Có chỗ phải chuyển tàu đi bộ khá lâu nên khoảng cách chỉ có 8km đi vẫn tốn cỡ trên 30 phút.
Những “đường cong mềm mại” đặc trưng của Kuala Lumpur. |
Tính ra trung bình tàu cũng chỉ chạy với tốc độ xấp xỉ 24km/h. Đấu trường MITEC, xa chưa bằng từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài, không có tuyến LRT mà phải đi ôtô chỉ cỡ 25km, nhưng cũng phải tốn tới hơn nửa tiếng do đường vòng quanh co. Đường đẹp nhưng ôtô cũng chỉ chạy được khoảng 50km/h.
Té ra cái lỗi kéo dài thời gian là do "đường cong mềm mại". Khác với những thành phố vuông bàn cờ tuyệt đối như New York chỉ cần ngó cái bản đồ là hình dung được.
Tại New York, ngắm một dãy phố kề công viên trung tâm dài thẳng tuyệt đối hút về chân trời dài tới hơn 11km. Đường của Kuala Lumpur cong hoàn toàn. Chừng ấy ngày phát ớn với những xa lộ đẹp như mơ và luôn “xoắn quẩy”. Chỗ thẳng nhất cũng chỉ duy trì khoảng 300 – 500m là lượn vòng, chúi xuống, nhoi lên, chui xuống hầm rồi lại ngoặt. Thuê xe mà tự lái cũng hơi mệt vì khó mà đi thích nghi nhanh với kiểu đi “tráng trứng” thế này.
Nhìn từ bản đồ của Gú Gồ mới thấy đường đi của thủ đô Mã cuốn vào nhau như một búi lươn. Thôi nói một cách lịch sự là đĩa mỳ spaghetti. Có thể do địa hình ở đây toàn đồi núi, các địa danh có chữ Bukit khá nhiều. Bukit nghĩa là đồi. Ngay cái chữ Lumpur trong tên thành phố có nghĩa là lầy bùn cũng nói lên cái dấu vết khó khăn về giao thông.
Sau trận mưa lớn 2004, thành phố này đã tiến hành xây 1 đường hầm giao thông và điều tiết lũ thông minh gọi là hầm Smart dài 4,7km (cả đường dẫn). Smart dành 2 tầng cho giao thông, 1 tầng cho thoát nước. Lưu lượng 30.000 xe/ngày, tốc độ cho phép khoảng 60km/h. Toàn bộ hầm được điều khiển từ trung tâm thông qua 220 camera và 72 màn hình.
Hãy quên nhanh giấc mơ đi bộ vì đường ở đây chỉ dành cho ôtô. Lác đác có xe máy. Thỉnh thoảng có vỉa hè nhỏ nhưng không có bóng đi bộ nào. Hơn 2 tuần ở đó mới thấy 1 anh chàng đi bộ. Tài xế taxi tên là Mali chỉ cho tôi và phá lên cười. Anh chàng này thất thểu dưới lòng đường, bộ dạng xác xơ giống như bị tâm thần.
Mali cười liến thoắng: Kuala Lumpur là nơi cong nhất thế giới. Hà Nội không thế à? Hà Nội tuyệt quá. Hà Nội nhiều xe máy nhất thế giới à? Hà Nội không phải đội mũ bảo hiểm à? Ở đây không đội mũ bảo hiểm là phạt nặng đấy. 150 Ringit (khoảng hơn 750 nghìn đồng tiền Việt).
Mũ bảo hiểm của Mã Lai che đủ cả hai má và cằm. Đó mới là mũ bảo hiểm thực sự. Mũ chỉ che từ trên tai như ở ta thực ra chỉ là bảo hiểm “chiếu lệ”. Khi xảy chuyện là vô tác dụng.
Ở trung tâm KLCC nơi có tháp đôi Petronas thần thánh thì mới thấy người đi bộ nườm nượp. Họ trồi lên từ gác cửa tàu điện ngầm và có thể đi thông vào các trung tâm mua sắm. Tàu điện có thể thấy ngay khi đặt chân xuống sân bay. Nó được sử dụng cả trong việc chuyển khách trong nội bộ sân bay Kuala Lumpur vì các cổng lên máy bay cách nhau quá xa.
Thủ đô Mã Lai có mấy chục kilômet dùng tàu điện không người lái. Monorail là tuyến có người lái chỉ chạy trên một ray trên cao. Có thời gian đi suốt cả chiều dài tuyến Monorail sẽ thấy được hầu hết cảnh đẹp của thủ đô Kuala Lumpur.
Người ta có thể ngắm phố Tàu của người Hoa, những ngôi đền Hồi giáo và các khu mua sắm lớn như Sungei Wang, Bukit Bintang (đồi ngôi sao) có thể ví như hồ Hoàn Kiếm của ta. Tuyến Monorail tuy không dài nhưng lại kết nối các trung tâm quan trọng nhất thành phố. Nhìn cái tàu một ray đẹp như một cái kẹo lớn.
Xe bus cũng khá tiện. Có những bến rất lạ. Bến cho các xe bus đưa khách đi Singapore ở sát khách sạn lớn Berjaya Times Square. Gọi là bến chứ thực ra chỉ là chỗ tấp vào vỉa hè. Khách chờ đúng giờ sẽ có xe tới đón chuẩn theo số vé.
Có lẽ đây là cách chống ùn tắc. Thủ đô Mã Lai được coi là thảm họa tắc đường. Đi ôtô chậm hơn đi bộ. Nhóm phóng viên đã từng phải bỏ taxi trong đám “loạn quân” ở gần ga Bukit Bintang để thoát thân đi bộ cho nhanh.
Thực ra thì họ đi không ẩu. Phố đêm ẩm thực đông nghịt thực khách mà ôtô vẫn đi qua không bị ai thò ghế ra chơi khó ôtô. Đoàn xe nhích với tốc độ ốc sên có thể kéo dài vài giờ. Họ đã quen. Mỗi khi nhắc đến, các tài xế chỉ nhún vai, coi đó như chuyện mặc định.
Người Mã đi ôtô khá ngăn nắp, không có xe đỗ bừa bãi, không có xe máy chen ngang ngửa, nhưng tắc là cái không thể chống đỡ. Hà Nội chắc cũng không nên nghĩ tắc đường là do xe máy.
Cảnh sát giao thông Kuala Lumpur. |
Đi xe bus ở Kuala Lumpur rẻ hơn xe bus Hà Nội. Phương tiện thiếu tin cậy nhất ở đây là taxi truyền thống. Hầu hết họ không dùng đồng hồ tính tiền nên phải mặc cả rồi hãy đi. Nhưng nói chung tài xế taxi không bặm trợn, chèo kéo khách như đồn đại.
Nhóm này mới bị thất thế do taxi công nghệ lấn lướt. Malaysia chính là quê hương của Grab taxi. Trên các ga tàu trung tâm, các hình ảnh quảng cáo cho Grab che phủ khắp nơi màu xanh cây. Việc quảng cáo trên phương tiện công cộng khá phong phú. Có lần, tôi đi trong một toa tàu được trang trí toàn hình ảnh đỏ rực của Vietjet Air.
Grab cũng tài trợ một phần cho Sea Games. Phóng viên được giảm giá Grab đáng kể khi có thẻ tác nghiệp của Ban tổ chức. Ăn chẳng đáng bao nhiêu nhưng đi lại bằng ôtô là cái nhanh cạn ví nhất.
Chủ của Grab taxi, Anthony Tan từng là sinh viên Đại học Harvard. Anh từ chối nối nghiệp bố mẹ nổi tiếng trong lĩnh vực dầu khí ở Mã Lai. Ý tưởng thực hiện taxi công nghệ thời smart phone vẫn bị người thân đánh giá là điên rồ và vặt vãnh. Ai mà tin được chứ.
Hồi nhỏ Tan còn bị coi là một dạng thiểu năng. Bố mẹ thường đưa Tan đến chữa tại trung tâm của một bác sĩ giỏi và họ nói rằng Tan bị chứng trì độn. 6 tuổi anh mới biết nói từ đầu tiên. Nhưng khi nói được thì Tan nói nhiều không “phanh” được”.
Ý tưởng Grab bị từ chối và giễu cợt, Anthony Tan cay mũi nhưng lại nhớ câu: “Mỗi câu từ chối mà bạn nhận được có nghĩa là bạn đã dần đi đến thành công rồi đó”. Sau thời gian ngắn, ứng dụng đã có trên 12 triệu lượt tải và vài trăm nghìn tài xế hoạt động trên 6 quốc gia.
Grab taxi đã và đang trở thành đối trọng của khủng long Uber. Từ khi đặt Grab tới khi có xe đón thường trong vòng 5 phút. Giá rẻ hơn ở Việt Nam. Lý do giá rẻ có thể một phần họ sử dụng gas thay xăng. Xứ Mã không thấy xe ôm Grab bike như ở ta.
Ở các khu chung cư nghèo luôn có bãi đỗ ôtô nên không thể đậu bừa. Các xe đều đỗ chính xác trong vạch kẻ chữ nhật. Ôtô của họ chủ yếu là xe cũ từ thập kỷ 80 và trước nữa. Họ cũng chẳng cố tút tát cái vỏ cho mượt mà bóng bẩy.
Có mấy cậu “đánh” một chiếc xe phồng rộp nứt toác sơn đi ra khỏi khu chợ đêm thì được phóng viên chụp ảnh. Chiếc xe liền dừng lại ít lâu. Một cậu thò ra hỏi đã chụp được chưa? Sau đó cả đội ra hiệu tỏ vẻ “ngầu chưa?” rồi mới bò ra đường. Ở chung cư hiện đại hơn đều thiết kế dành từ tầng 1 đến tầng 5 làm garage ôtô.
Có lần gặp khá nhiều cảnh sát giao thông đỗ xe tập trung gần tháp đôi Petronas. Một vài anh khá thân thiện chủ động chào và nói chuyện với khách nước ngoài. Quân phục của họ sáng sủa, áo trắng, quần đen ôm gọn chân. Phương tiện hỗ trợ đeo đầy người. Cảnh sát giao thông đi cả xe máy phân khối lớn và cả dạng xe máy nhỏ như dạng scuter.
Khi biết là người Việt Nam, có anh vui mồm tâng bốc đội bóng đá nam của Việt Nam lên tận mây xanh. Vừa khen xong thì hôm sau đội ta thua Thái Lan, xách vali lên và đi. Cay thế.
Có lần khi ra sân bay gặp cậu Grab taxi vui tính Musa có sở thích tốc độ. Đường này khá thoáng. Đoạn đường hạn chế tốc độ 60 km/h thì cậu này cứ vừa phóng xấp xỉ 90km/h vừa hát. Hỏi sao không sợ cảnh sát phạt? Musa bảo sợ gì. Cảnh sát “phục kích” ở đâu, tôi biết hết. Thế là cứ mát ga. Ngồi trên chiếc xe chạy quá tốc độ có cảm giác vừa lo lắng vừa là kẻ đồng lõa với anh chàng này.
Ông quyền trưởng thanh tra cảnh sát Malaysia cách đây mấy năm từng tuyên bố thay đổi cách theo dõi tốc độ phương tiện. Theo ông, cảnh sát sẽ không còn các hoạt động “phục kích” liên quan đến “bẫy tốc độ”.
Thay vào đó, sẽ có dấu hiệu chỉ dẫn về việc theo dõi vi phạm về tốc độ để cảnh báo trước cho các lái xe. Ông nói trong buổi đối thoại với công chúng trong sự kiện “Một ngày với cảnh sát” tổ chức tại trụ sở của cảnh sát bang Selangor.
Có thể vì điều này mà tài xế lại được dịp “thả phanh”. Trong số đó có Musa. Xem cái cách mà cậu ta cùng một số tài xế khác phóng bạt tử như xổ lồng, lại thoáng hoài nghi về chủ trương không "phục kích" của cảnh sát thành phố này.
Kuala Lumpur rất phát triển và rất hiện đại nhưng cũng làm cho khách quan ngại rồi đấy. Nghĩ lại thấy Hà Nội mình thật sung sướng nghìn lần.