Chuyện như hoang đường

Thứ Sáu, 03/08/2018, 13:25
Cái chuyện khoa cử ở nước mình bao giờ cũng nặng nề nhưng đầy ắp hy vọng, trong sách vở chép lại thì những phần có nội dung về trường thi bao giờ cũng thú vị hơn cả. 

Ngay cả chuyện khoa bảng là do thiên định hay những bài văn hay được dâng cho thiên giới thưởng ngoạn đầy không khí liêu trai cũng không phải là hiếm gặp trong điển tích.

Người ta mê chữ mê tri thức đến độ tin rằng thi thơ thánh thơ là tinh tú hạ phàm còn những bậc siêu quần về kiến thức thì ắt hẳn là thần tiên giáng thế. Những mỹ từ được sinh ra ắt hẳn để dành tán tụng nhan sắc của giai nhân và học vấn của trang nam tử.

1. Mấy lâu trước Ngô có đọc một bài phỏng vấn một bậc giáo sư khả kính, bậc giáo sư ấy Ngô có được hầu chuyện, rất ngưỡng mộ về kiến văn cũng như lập luận. 

Đại ý vị giáo sư nói tinh thần hiếu học và cần cù của người Việt mình chỉ là huyền thoại, như mọi khi, vị giáo sư đưa ra rất nhiều dẫn chứng nghe rất có lý. Mỗi người một quan điểm, Ngô càng lúc càng lười thêm thói quen không bao giờ tranh luận về quan điểm cá nhân.

Người Việt mình có cần cù hay không, cái này hên xui lắm. Cơ bản thì nền văn minh lúa nước cho phép dân cư thoải mái nhiều hơn một xíu, cũng không phải vất vả lắm mới có cái ăn. Nên tựu trung thích uống trà uống rượu chém gió, không thì chân guốc dạo quanh chơi tam cúc đánh tổ tôm. Sao cũng sống được mà sao cũng phong lưu được. 

Phong lưu có nhiều dạng, yến tiệc xa hoa cũng là phong lưu mà lều gianh uống say thẳng chân ngủ cũng là phong lưu, cốt sảng khoái là được. Trong những giai đoạn chừng mực, người Việt có cần cù, nhất là khi đoàn kết chống xâm lược, đại loại sơn hà nguy biến.

Nhưng người Việt là một dân tộc luôn đề cao học vấn và hiếu học. Ông Mạc Đĩnh Chi chăn trâu học lỏm, rồi làm đèn đom đóm chuyên tâm học hành mà thành Lưỡng quốc Trạng Nguyên. 

Ông Lê Văn Hưu mồ côi cha từ lúc trong bụng mẹ, vẫn lập chí học hành, mười bảy tuổi đã làm quan, sau được phong hầu, là thầy dạy của Thượng tướng Trần Quang Khải. Ông Đào Duy Từ cũng chăn trâu đọc sách tầm thầy rồi tìm chúa để thờ mà dựng lên Lũy Trường Dục và Lũy Thầy. 

Ông Nguyễn Trường Tộ vì sự say mê ham học hỏi mà xuất dương học tập ngay trong bối cảnh đèn dầu lạc còn phải thay sợi bấc… Ngay thời đại này sự hiếu học cũng đâu hề phai nhạt, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký còn đó, những cậu bé cô bé có gia cảnh khốn khó vẫn là học sinh giỏi học sinh xuất sắc còn đó, những cô bé cậu bé nửa buổi kiếm sống nửa buổi đến trường còn đó… 

Điển tích của xứ Tàu có hàng tá chuyện hiếu học đến độ quỳ trước cổng nhà bái sư, biết thầy đang ngủ không dám gọi nên cứ quỳ vậy chờ thầy. Đen cái hôm đó mùa đông, tuyết bay đầy trời, lạnh cắt da cũng không dám bỏ về. Mục đích là bày tỏ lòng kính trọng và sự chân thành ham học hỏi. Thầy tỉnh dậy nhìn ra thì thấy tuyết đã rơi ngập người trò rồi, cảm cái tình mà nhận làm đệ tử truyền học vấn cho.

Minh họa: Lê Phương.

Ngô có cậu bạn học lúc thiếu niên, nhà khó đến độ chỉ có duy nhất một cái áo trắng đi học. Mà muốn đến trường phải vượt quãng đường xa lắm, bụi mù ngày nắng, nhão nhoét hôm mưa. 

Mặc, vẫn học. Tốt nghiệp phổ thông, bạn học tiếp đại học, vừa làm vừa học. Rồi ra trường đi làm, làm thời gian thôi việc mở công ty, bây giờ cơ ngơi đã thành, có cả trăm nhân viên.

Ngồi với nhau lại vẫn hay nói, xưa mẹ mình dạy phải học mới thoát khỏi cảnh nghèo. Chứ nhà lúc đó nghèo quá, lắm hôm ngày ăn có hai bữa, mà thức ăn toàn rau hái quanh nhà. Em út lại nheo nhóc, nếu không cố gắng học thì làm cách nào lo cho cha mẹ với em sau này.

Thiệt ra, Ngô nghĩ trong bất cứ ai cũng sẽ biết một câu chuyện về cậu bạn hay cô bạn tương tự như người bạn của Ngô. Hoàn toàn là chuyện thật chứ không phải chuyện cố nghĩ ra để làm quà cho nhau. 

Ngô biết một bác sĩ chuyên về da, giàu lắm rồi. Xuất phát điểm của bác sĩ này trong một gia đình không thể nghèo hơn được nữa, nhịn đói đi học, nhịn đói đi làm bồi bàn, đi bộ từ ký túc xá đến giảng đường để tiết kiệm…

Người ta hay tự vấn, học để làm gì? Đương nhiên, học để thoát khỏi sự mê muội. Nhưng điều này mãi về sau mới nhận ra, chứ đầu tiên đi học là nhằm có một việc làm để đảm bảo cho tương lai. 

Không đi học vẫn có thể tìm một nghề nhằm lo được cho bản thân và gia đình mà không cần phải phụ thuộc vào bất kỳ ai, không đi học có nghĩa là đã có quãng thời gian đến trường, cũng có bằng trung học, bằng phổ thông, chứ không đi học trong ngữ cảnh này không phải là không biết chữ.

Cuộc đời dạy cho người ta nhiều điều, nhưng trường học cũng dạy cho người ta nhiều không kém. Lắm người hay bảo, quan trọng là ra đời có hơn ai không, có đủ khôn ngoan với thiên hạ không. Nhưng thật ra thì, ngọc bất trác bất thành khí nhân bất học bất tri lý, nhà trường dạy cho người ta những kiến thức để giữ gìn sự thiện tâm của chính mình. 

Không cần đến một nghiên cứu xã hội nghiêm túc, thì chắc chắn tỷ lệ người không học đến nơi đến chốn phạm vào các hành vi như cướp giật, ẩu đả, đâm chém… vẫn nhiều hơn là người được học hành đàng hoàng. Nhà trường cảm hóa bản năng tự nhiên của con người bằng tri thức để từ đó cá nhân được học hành kìm chế được sự buông lơi hung tính của mình hơn.

2. Năm tháng trôi qua, đời sống đổi khác. Sự học bắt đầu được so đo bằng những giá trị trước mắt, lại quay ngược về cái thời nhất định phải học để đỗ đạt làm quan. Một số ít làm quan là để phụng sự cho quốc gia, phụng sự cho nhân dân. Phần nhiều làm quan để phụng sự cho chính bản thân mình, cho gia tộc mình.

Nườm nượp tiến sĩ phó giáo sư rồi giáo sư hiện hữu, thạc sĩ đông hơn quân nguyên, còn cử nhân thì xem như vừa tốt nghiệp bậc tiểu học thôi, không đáng bàn đến nữa.

Những quan chức đầu tỉnh phút chốc thành tiến sĩ tây học, gọi là tây học nhưng học ở Việt Nam bằng tiếng Việt. Rồi những đề tài bảo vệ luận án xuất hiện với những nghiệm thu đánh giá kỳ lạ cho các đề tài kỳ lạ không kém. 

Rồi ngay cả phong học hàm học vị danh giá nhất nước là Giáo sư và Phó giáo sư cũng đủ chuyện ra. Rồi nay có ông giáo sư bị tố đạo văn, mốt lại có ông Phó Giáo sư bị tố đạo công trình nghiên cứu… Một mớ bòng bong rối hơn cả tơ vò, mà ai vò, là tự chúng ta vò cả.

Ban chiều Ngô đọc trên báo thấy có tin nước mình vừa có thêm một tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đầu tiên tại Việt Nam về các phương pháp ứng dụng thực hành của bộ môn thể thao này với công trình nghiên cứu ứng dụng một số phương tiện bổ trợ chuyên môn cho sinh viên chuyên sâu ngành quần vợt. 

Công trình này chắc cũng hay, cũng cần thiết cho đời sống, cho môn thể thao quần vợt nên mới nghiên cứu sinh, nên công trình nghiên cứu mới bảo vệ thành công. Điều mà đa phần người ta không hiểu không hẳn là điều vô dụng, nhưng thú thật Ngô đọc xong bản tin này toàn nghĩ về trận quần vợt có nhân vật Xuân tóc đỏ của tiên sinh Vũ Trọng Phụng ngày trước mà thôi. Mong bạn đọc đại xá cho, Ngô nhà quê nên tư duy nhiều khi vô cùng thiển cận.

Người ta thích học hàm học vị, bất chấp vạn sự không quản gian lao để áo gấm bằng đỏ. Và chính từ học hàm học vị bất chấp vạn sự không quản gian lao này người ta mới nghiệm ra rằng với một số vị trí thì bằng cấp chính là chìa khóa để mở ra mọi cánh cửa nhằm quan lộ thênh thang. 

Là bằng cấp mở qua quan lộ thênh thang chứ không phải bằng khả năng, bằng năng lực. Tếu táo thì, bằng gì cũng không quan trọng hơn bằng lòng.

Người lớn thành công, người lớn muốn con cháu của mình cũng thành công theo con đường mà mình từng đi. Người lớn bắt đầu ấn con cháu của mình vào, người lớn ở đây phải hiểu rõ là người lớn có quyền lực. Nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả.

Và rồi vụ sửa điểm thi ở Hà Giang xảy ra, đây là chuyện tất yếu phải xảy ra. Ngô nói điều này khiến nhiều người phật ý thì đành chắp tay tạ tội chứ biết là làm sao.

Có quá nhiều giá trị đạo đức đang bị xáo trộn trong thời gian này, khi mà suốt một quãng thời gian dài, mặt trận giáo dục luôn thất trận. 

Khi mà những phụ huynh phải xếp hàng từ đêm để chờ sáng đăng ký cho con vào trường công, khi mà đăng ký cho con học phổ thông phải đặt cọc trước một khoản tiền để khi không được xét tuyển thì mất trắng khoản tiền đặt cọc đó, khi mà những giọt nước mắt lăn dài của những ông bố bà mẹ chịu thua trong việc đăng ký học cho con vẫn còn hiện hữu, thì chuyện gì lại không thể xảy ra.

Nhu cầu được đến trường là nhu cầu tối thiểu nhất của một công dân đang sinh sống trong một quốc gia độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng có kỳ nhập học nào mà Ngô cũng như quý bạn đọc không chứng kiến những cảnh không tài nào hiểu nổi trước cổng trường rồi cả những mặc cả chung chi để con mình có một suất học.

Vụ sửa điểm thi ở Hà Giang là kết quả của một chuỗi vận động vô phương hướng và không mục đích ở một lĩnh vực mà lâu nay ai cũng biết là rường cột của quốc gia, là tương lai của đất nước.

Sẽ không có một tốt đẹp nếu như không có những đổi thay tận tâm và kiên trì cho giáo dục, mà việc này là quá sức nếu để mặc các nhà quản lý giáo dục loay hoay.

Ngô buồn nhiều lắm mà biết là làm sao ngoài phung phí những tiếng thở dài!

Ngô Nguyệt Hữu
.
.