Cơn say trong thành phố tội lỗi

Thứ Tư, 10/01/2018, 07:08
Đây là thành phố tội lỗi, nhuốm một cơn say mà tôi không bao giờ muốn tỉnh. Không bao giờ.

“Nhìn em thật dễ thương. Em đeo cặp kính nhìn hay lắm!”.

Andrew nhìn tôi, tấm bảng tên của anh ghi vậy. Và anh nhìn sang bạn tôi, hỏi: “Sao? Tối nay thế nào? Anh có muốn tôi giới thiệu cho anh một em gái thật nóng bỏng không? Một em gái cho anh - và một em gái thật đẹp cho cô ấy?” - và anh nháy mắt, một gợi ý đầy nhục cảm và hấp dẫn.

Tôi cười và bước vào quầy rượu. Bạn tôi nói: “Chào mừng cậu đến với thành phố tội lỗi? Người Mỹ đến đây để tận hưởng mọi thứ, say sưa, bia rượu, ma túy, tình dục, từ bây giờ, thâu đêm, suốt sáng!” - Và tôi biết mình đã ở trong khu French Quarter, thành phố New Orleans ở miền Nam nước Mỹ. 

Những cặp đôi ngả vào nhau, hôn riết lấy nhau cuồng nhiệt, bấu lấy thân thể nhau. Một chàng trai xiết chặt hông và kéo váy cô gái của anh lên, ngay trong góc quán hơi tối gần đó. Đắm say. Nóng bỏng. Rạo rực.

Tôi hớp một ngụm bia. Một thân người ngã vào tôi, mềm oặt, kéo xộc vai áo tôi xuống. Cô gái say mèm. Tóc màu trắng óng ả trong ánh đèn sầm sẫm của quán bar. Bạn đỡ cô ấy dậy. Một chàng trai vội vàng choàng vai cô, xin lỗi chúng tôi và đưa cô ra khỏi quán. Tôi ngửi thấy mùi cần sa, mùi thuốc lá, mùi rượu, mùi mồ hôi, nước hoa của những người san sát bên cạnh mình.

Ban nhạc trên sân khấu vừa ngừng một khúc trống ồn ã. Cô ca sĩ nói: “Như mọi đêm, chúng tôi ở đây, bạn ở đây, tiệc không bao giờ tàn. Tôi sẽ hát đến khát khô và thèm một ly bia. Jan sẽ hát đến lúc anh ta cởi đồ trên sân khấu” - 

Đám đông rú lên đầy phấn khích. Tiếng đàn piano phía sau nổi lên, tay trống tiếp nhịp, bẩy giọng hát của cô gái da đen lên đến tận trần cao của quán, như muốn phá bung bức trần bức bí, như khuôn ngực cô đang bị gò dưới lần nịt ngực chặt thít người và muốn bung ra như một khối bầu hừng hực say sưa. 

Tiếng kèn saxophone líu ríu tụ lại, bay bổng chút đỉnh quấn theo giọng cô, rồi chìm xuống khi bị nhấn chìm trong giọng hát dày đặc đầy nội lực và ứ tràn dồn nén của cô.

Cốc bia cạn. Tôi bước ra phố khi gần chín giờ tối. Ngoài cửa quán bar, cô gái xỉn ban nãy vẫn đang ngồi bệt gật gà ngủ. Chàng trai đỡ cô khi nãy đang đứng cạnh cô bên bức tường. Có một dãy những kẻ say mèm khác đang bấu lấy bức tường, cố tìm một điểm tựa tỉnh táo cho đêm dài hội hè chưa kịp bắt đầu.

- Cô ấy không sao chứ? - Không, hơi say một chút. Nhưng tôi sẽ chăm sóc cô ấy. Tụi tôi chơi cả đêm mà.

Anh ta rít vào hơi thuốc, thả khói trong không khí, ánh mắt đờ đẫn nhìn đèn đường màu cam. Tôi ngẩng đầu nhìn trên phố. Hàng trăm cô gái trẻ ăn mặc gợi cảm đang cầm trên tay cốc rượu, bên cạnh những người bạn trai của họ, đùa giỡn lớn tiếng, âu yếm nhau, cười lất ngất khi ngửa cổ tu thứ thức uống nóng lạnh bỏng người. 

Các thùng rác ở góc đường đã đầy ắp. Vỏ chai rượu. Vỏ lon bia. Cốc giấy đựng cocktail, rượu. Cứ như một cuộc sát phạt tới cùng mà ai cũng sẵn sàng gục trên đường vì cơn vui không thể kết thúc.

Tôi đi qua một con đường tối. Một anh chàng người địa phương trong tiệm tạp hóa nói: “Hãy để những thứ có giá trị trong túi. Tôi đã nghe rất nhiều phụ nữ hét lên khi ở những đoạn tối họ bị cướp. Sau quá nhiều cơn bão, chẳng ai còn biết trước điều gì nữa.” - Anh nhún vai, trả tiền một lốc bia sáu chai và bước ra khỏi cửa hàng. 

Dấu vết của bão Katrina 11 năm trước vẫn còn trong những ngôi nhà rục ruỗng, vỡ tan mái không ai đủ tiền sửa, và đâu đó trong những hoang mang trên bản tin bão Harvey chạm vào thành phố, và bão Nate làm đổ mưa, gió lớn trong vùng. Những căn nhà xinh đẹp bằng gỗ nhăn nheo nếp buồn của thiên tai và những bất an thường trực khi đói nghèo sau bão ập tới.

Mọi cửa hàng tạp hóa đều có hai bảo vệ xăm trổ đứng trong và ngoài quầy. Có những cửa hàng không nhận trả tiền bằng thẻ. Họ muốn tiền mặt. Hoặc thẻ và phải có thẻ căn cước đi kèm có trùng tên. 

Chủ tiệm chậm chạp kiểm tra từng tờ 100 đô nhận được với ánh mắt dè chừng đầy ái ngại. Hai người bảo vệ khoanh tay tiến lại gần một cậu trai bắt đầu phàn nàn khi tờ 100 USD của cậu bị nghi ngờ.

Bên ngoài quầy tạp hóa, một đám đông tụ tập nhau bên góc đường gần nhà thờ. Có một người hướng dẫn viên đang kể chuyện ngôi nhà có ma gần đó, và bóng ma oan ức đã đi dạo, ẩn mình và bước đi ra sao trên ban công từng nhà ở French Quarter. 

Ở quãng này, xây những ngôi nhà như đã xây từ rất lâu ở Châu Âu, theo kiểu nhà creole, có ban công nan sắt, sân trong, tường dày, và những cửa sổ kiểu Pháp và Tây Ban Nha thời trước. 

Khi tôi đang lang thang thế này, hẳn là có một con ma đang đi bộ trên ban công kia, lăm lăm nhìn xuống, cố gắng tạo âm thanh cồm cộp nhằm báo hiệu sự tồn tại. 

Tôi bật cười kín đáo về cú tưởng tượng đó trong giọng kể anh hướng dẫn viên già. Nhưng một du khách rú lên đầy thích thú. Đường phố tối om. Ánh đèn như xa cả dặm dài. 

New Orleans nổi tiếng về những tour kể chuyện phố xưa, tour chuyện ma trong phố cổ, và hình như mọi người hướng dẫn viên đều muốn phóng chiếu cái thế giới đầy truyền thuyết, kỳ ảo và quái đản đó vào từng du khách họ đang diễn thuyết cho nghe.

Chỉ một góc đường, tôi sa vào một cuộc nhậu quyết không tàn với hàng trăm kẻ say sưa quấn quýt lấy nhau, rơi vào cơn tĩnh lặng gườm gườm trong cửa hàng tạp hóa vấy mùi tội phạm và đói khổ, và sau đó nghe tiếng thét vang của bóng tối trong một câu chuyện ma. New Orleans còn gì để rùng mình nữa?

Trời bắt đầu lạnh và đổ mưa. Một anh chàng ăn mày đeo mái tóc giả màu xanh, đứng ở góc đường, cầm tờ giấy: “Muốn rú lên vì sung sướng? $1” - Vài cô gái Châu Á tụ lại gần anh, anh ta cố gắng biểu diễn gì đó, để lấy một đô la. Có một cô rú lên cười sau khi nghe anh ta thì thầm vào tai. Một đô! Anh chìa tay và nhận tờ bạc màu xám, mái tóc giả vụng về màu xanh lá cây đong đưa. 

Chỉ hai mươi phút nữa, khi tôi quay lại quầy bar góc đường này, anh ta đã hòa mình vào những kẻ xập xình dưới sàn nhảy trong tiếng nhạc rock đầy bức bách, hung hãn và quyết ăn tươi nuốt sống cả đêm tàn bất diệt. Anh ta đong đưa, tay cầm ly cocktail rẻ tiền giá 7 đô la. Anh đã làm cho bảy cô gái rú lên vì sung sướng trong hai mươi phút vừa qua chăng?

Một vài du khách già nua được các tour du lịch trao vào tay mấy sợi dây chuyền nhựa. Trên những ban công và cửa sổ kiểu Tây Ban Nha từ cuối thế kỷ 18, họ ném những sợi dây chuyền có hạt châu lấp lánh xuống đám phụ nữ đang khiêu vũ ngay ngoài đường khi một đám cưới nhỏ ngẫu hứng từ một nhà hàng đổ ra và chơi nhạc. Những sợi dây chuyền khiến người biết chuyện cười phá lên. 

Bạn tôi la lớn: “Dây chuyền chỉ dành cho ngực trần, ngực trần tuyệt đẹp đâu?” 

Cô dâu chú rể trong nhóm nhạc rú lên đầy phấn khích cùng bạn bè. New Orleans nổi tiếng vì lễ hội Mardi Gras hàng năm, nơi người ta có thể chứng kiến những cô gái hóa trang rực rỡ trong cuộc diễu hành, mở tung bộ ngực trần nóng bỏng để giành lấy những sợi dây chuyền tán thưởng của vô số khán giả từ trên ban công cao. Cô nào có bộ ngực tuyệt đẹp hẳn sẽ nhiều dây chuyền lấp lánh. 

Đêm đó ở New Orleans, chưa ai cuồng nhiệt tới độ phanh ngực để nhận món quà tán thưởng, nhưng cặp đôi cô dâu chú rể đã quá phấn khích. Cô dâu mặt đỏ bừng, đòi ban nhạc phải đi qua khắp các con phố, lôi kéo theo hàng đoàn người đi theo, khiêu vũ kín một quãng đường.

Hai giờ sáng. Tôi nghe trong một quán bar có tiếng đàn accordion leo reo dắt tiếng violin lên cao. Nhịp dồn dập. Tiếng nhạc như tiếng nước suối sôi sục chảy giữa linh hồn của người khách say mèm. 

Nhạc Cajun, thứ nhạc mà người Louisiana nghe trên radio mỗi sáng tinh tươm ánh trời, khi gió nổi phớt qua cánh đồng mía, khi chiều muộn giăng mắc dòng sông Mississippi và khi nắng rẽ hàng cây ngập nước trong đầm lầy Atchafalaya để soi tỏ những sinh vật đang nảy nở đầy sức sống ở nơi này.

Đây là New Orleans. Đây là Mississippi, nơi Mark Twain từng viết trong quyển “Cuộc đời trên dòng Mississippi”: “Một ý nghĩ trang nghiêm và tuyệt đẹp làm sao, khi nghĩ rằng những kẻ tiên phong sớm nhất của nền văn minh, những người dẫn dắt văn minh, lại không bao giờ là tàu hơi nước, chẳng bao giờ là đường sắt, không bao giờ là báo chí, không bao giờ là trường dòng Sabbath, không phải nhà truyền giáo - mà lại luôn luôn là rượu whiskey! Thật đúng là như vậy. Hãy nhìn xuyên suốt lịch sử, bạn sẽ thấy. Nhà truyền giáo đến sau rượu whiskey - ý tôi là ông ta đến sau khi rượu whiskey đã tới; rồi sau đó tới những dân nhập cư nghèo, với rìu, cuốc và súng ống; tiếp theo, tới thương nhân, tiếp đó, đến cuộc đổ xô lộn xộn; sau đó, là tay cờ bạc, kẻ liều mạng, kẻ cướp đường, và mang theo tất cả tội lỗi đi kèm với họ ở cả hai giới tính; và tiếp theo, một tay bán dạo thông minh đã tích cóp được một khoản tiền cũ có thể mua tất cả đất đai; thế là kéo theo đám luật sư tới, cơ quan quản lý mang đến những kẻ thừa hành. Tất cả những lợi ích đó mang lại tờ báo; tờ báo khởi nguồn cho chính trị và đường sắt, tất cả chung tay xây dựng một nhà thờ và một nhà tù…”.

Đây là nước sông Mississippi ngập tràn hơi thở, réo rắt tiếng nhạc Cajun trong điệu khiêu vũ thuần thành, nóng bỏng, nồng nhiệt và đầy tiếng cười của người Louisiana.

Đây là thành phố tội lỗi, nhuốm một cơn say mà tôi không bao giờ muốn tỉnh. Không bao giờ.

Khải Đơn
.
.