Ở Sài Gòn, ăn phở Bắc, uống rượu hồng đào

Thứ Tư, 17/01/2018, 16:35
Đã viết bao nhiêu tựa, bạt cho bạn bè bồ tèo đồng nghiệp? Khó có thể nhớ hết. Hôm kia Phan Hoàng điện thoại bảo viết cái gì đó cho tập sách sắp in. Nhận lời ngay. Y thích chơi với những ai chịu khó làm việc. Cứ viết. Cứ in báo. Cứ ra sách.

Nhận sách mới của bạn bè, đôi lúc giật mình tự nhủ: “Ủa, còn mình thì sao?”. Hôm nọ, có người bảo: “Chơi với X chán như con gián, hắn ta kiêu căng lắm”, y trả lời: “Kệ, hắn ta có tài, chịu khó làm việc”. Chỉ cần thế là đủ, còn hơn những ai khác dù khiêm tốn nhưng chẳng viết gì nên hồn, chỉ “chém gió” là giỏi. Hạng người đó mới đáng chán.

Chán vì chơi với họ mình chẳng bắt chước thêm được gì hay ho, bất quá cũng chỉ là những buổi thù tạc “buôn dưa lê” lảm nhảm. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bạn bè văn nghệ, một khi với người ham thích viết, chịu khó viết, dù không nói ra nhưng cũng là một cách để tự mình noi gương theo.

Viết gì cho Phan Hoàng? Viết rằng: “Phan Hoàng, nhà thơ? Tất nhiên. Phan Hoàng, nhà báo? Tất nhiên. Phan Hoàng, người viết biên khảo? Tất nhiên. Phan Hoàng, người phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam nhiều nhất làng báo? Tất nhiên.

Trong cái sự tất nhiên ấy, hoàn toàn không có gì ngẫu nhiên. Nghĩ cho cùng, làm nên các trang văn của Phan Hoàng qua từng năm tháng vẫn là đi, đọc, quan sát, nhận xét và cuối cùng là viết. Miệt mài viết. Nghề văn, hạnh phúc nhất, hài lòng nhất là gì? Viết. Không có một từ nào có thể hoán đổi và so sánh với niềm vui kỳ diệu ấy.

Tôi quen biết Phan Hoàng từ những năm anh còn là sinh viên. Trong số các nhà báo tương lai ngày ấy, khi cộng tác với trang Nữ sinh viên của báo Phụ Nữ TP .HCM do tôi phụ trách, nay, hầu như chẳng mấy ai theo nghề. Cả thảy hầu hết bỏ cuộc, Phan Hoàng vẫn tiếp tục bền bỉ.

Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra là tập sách mới nhất của Phan Hoàng. Cũng phải thôi, những người tứ xứ đến lập nghiệp, như Phan Hoàng chẳng hạn, đã đến lúc viết cái gì đó về vùng đất này. Một địa danh của tình cảm gắn bó. Một không gian sống để thành danh như hôm nay.

Âu cũng là tình là nghĩa của một nhà thơ đã tự nhủ: “Với Sài Gòn - vùng đất không phân biệt gốc tích xuất thân, nếu chịu khó làm việc, sống nghĩa tình với nhau thì ai cũng có thể làm tốt công việc mà mình yêu thích. Và tôi, một trong số những người đó. Không chỉ là quê hương thứ hai cưu mang, nâng cánh cho mình mà tôi yêu thành phố này còn vì những con người tài năng, hào hiệp, nghĩa tình mà thế hệ nào cũng nổi lên những hình ảnh đáng trân trọng”.

Bên cạnh đó, Phan Hoàng còn viết về “cổ tích” của Sài Gòn qua các giá trị văn hóa, những đổi thay thăng trầm năm tháng. Thật ra vấn đề này nhiều người đã viết, và sẽ còn tiếp tục viết nữa nhưng ở đây Phan Hoàng đã chọn cho mình một cảm hứng là thổi vào đó cảm xúc của thơ, của cái nhìn nhà thơ. Nhờ đó, cũng vấn đề đó nhưng qua cái nhìn của anh, nó đã có một sắc thái mới và đậm dấu ấn cá nhân.

Khi hay tin Phan Hoàng ra sách mới (và cũng như các bạn văn khác), tự lòng tôi bao giờ cũng có tiếng reo vui. Tiếng reo ấy là đã bắt gặp đồng điệu của những con người lao động miệt mài cùng con chữ. Những người say mê làm việc và luôn có sách mới, tự họ cũng là một sự thôi thúc cho chính mình vậy”.

Viết về bạn cũng là viết về mình. Sự đồng điệu còn là chỗ đó.

Mới đây, về ẩm thực nước nhà, món phở một lần nữa được tôn vinh. Báo Tuổi Trẻ khởi xướng Ngày của phở Việt Nam, chọn 12-12. Vì sao chọn ngày này? Cứ như theo trả lời của Ban biên tập tờ báo này “là ngày dễ nhớ”. Trong khi đó, từ năm 2016, Người Nhật đã chọn 4-4 là Ngày phở Việt Nam tại Nhật Bản. Không rõ vì sao xứ Hoa Anh Đào lại chọn ngày này? Quái, chỉ thoạt nhắc đến phở, liên tưởng đến tái, nạm, gầu, sụn, lá xách, gầu giòn… là đã thèm thuồng.

Trong lúc ăn phở, có nhấm nháp thêm chút rượu thì tuyệt chăng? Có thể lắm, ví như rượu Hồng Đào chẳng hạn. Vấn đề này, chính y là người đã khơi dậy chừng mươi năm trước. Nay, không ngờ báo Công an Đà Nẵng ngày 14-2-2017 có bài viết Quanh chuyện "cô gái Hồng Đào" của Thái Mỹ, nhắc lại lần nữa.

nhờ internet, nếu không làm sao có thể biết? Bài báo viết rằng: “Có lẽ đến bây giờ việc tranh luận rượu Hồng Đào có thật hay không có thật vẫn chưa đến hồi kết.

Báo Thanh niên điện tử ngày 11-3-2006 đăng bài Rượu Hồng Đào hoàn toàn không có thật của nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc, tiếp đó, ngày 18-3-2006, đăng tiếp bài tranh luận Rượu Hồng Đào cớ sao lại không có thật? của nhà báo Nguyễn Trung Dân. Chưa nói về nội dung, chỉ riêng hai cái tít bài thôi cũng cho chúng ta thấy mỗi người có một khẳng định trái ngược nhau.

Rồi ngày 3-11-2007, báo Bình Định online có bài Tìm quê cho rượu Hồng Đào của hai tác giả Vĩnh Hảo - Thạch Trung có cái kết rất khác với nhiều người là rượu Hồng Đào được ngâm từ rượu... Bàu Đá của Bình Định, ủ với trái đào tiên màu hồng tươi rất đẹp? Trái đào tiên có nhiều ở các vùng núi phía tây tỉnh Bình Định.

Còn tại sao gốc tích rượu Hồng Đào ở Bình Định mà lại gắn bó với hai câu ca dao: "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say" thì hai tác giả cho rằng năm 1471, vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam thứ 13 của Đại Việt. Khi ấy phần đất từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra đèo Hải Vân mang tên huyện Điện Bàn, thuộc trấn Thuận Hóa. 

Đến năm 1604, Nguyễn Hoàng tách vùng đất này nhập vào trấn Quảng Nam. Vùng đất Quảng hồi đó rất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên bây giờ.

Ngày 14-12-2007, Báo Quảng Nam online đăng bài Rượu Hồng Đào có gốc tích từ làng Bảo An của tác giả Phó Đức Vượng đã khẳng định như tên bài báo. Tiếp đến ngày 29-9-2013, Báo Quảng Nam đăng bài Xứ nào là xứ rượu Hồng Đào? của tác giả Lê Nguyên Đại lại kết luận rượu Hồng Đào là thứ rượu huyền thoại, không có thật...

Theo cuốn sách Bảo An đất và người (nhiều tác giả, NXB Đà Nẵng, 1999) cho biết, làng Bảo An có bến Đường, tức là bến sông từ Bảo An ra sông Thu Bồn để chở đường của làng Bảo An đi bán khắp nơi trong nước. Do có nhiều đường, mật, người Bảo An sớm biết dùng để làm nguyên liệu nấu rượu. Rượu được cất bằng gạo tẻ hoặc nếp và mật hoặc đường. Men rượu được chế biến bằng thuốc bắc và dùng những dụng cụ bằng gốm tốt, vì vậy rượu Bảo An thơm ngon, nức tiếng từ lâu đời.

Còn theo truyền thuyết dân gian thì tại làng Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam ngày xưa có một gia đình nông dân họ Nguyễn chỉ có hai cha con. Người cha làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, gieo lúa và nấu rượu. Cô con gái mười tám, đôi mươi hàng ngày theo cha chăn tằm, dệt lụa. Cô gái tên là Hồng Đào, rất xinh đẹp, lại hiền thục, đoan trang nhất làng, được bà con gần xa thương yêu, quý mến.

Vào mỗi chiều hàng ngày khi xong việc đồng áng, chăn tằm, dệt lụa, Hồng Đào còn phụ giúp cha bán rượu cho dân làng. Cha nàng nấu rượu bằng gạo lúa mới, ướp hương thơm từ những quả đào chín mọng rồi ủ trong chum sành, chôn sâu dưới đất nên rất thơm ngon…

Cũng theo các cụ cao niên vùng đất Gò Nổi thì rượu Hồng Đào là có thật. Ngày trước bà con nông dân nơi đây làm rượu theo lối thủ công với nguyên liệu chính là nếp hồng Bà Rén, một loại nếp đặc sản của Điện Bàn.

Trong quá trình ủ men, người làm cho thêm trái bồ quân để tạo vị thơm ngọt và có màu hồng rất đặc trưng. Ngày trước lúa gạo ít, bà con nông dân thường để lúa ăn đợi giáp hạt nên chỉ đến mùa gặt mới dành chút gạo nấu rượu. Gạo nấu phải là lúa mới, không quá 100 ngày, được xay bằng cối tre, hạt gạo còn nguyên, xanh ngà, hạt cơm không nở to.

Sau khi cơm nguội trộn với một ít men, ủ trong chum sành khoảng một tuần mới đem chưng cất rồi đổ rượu vào chum chôn dưới đất sau 100 ngày mới lấy lên dùng”.

Chà, vấn đề về rượu Hồng Đào đến nay gốc gác của nó ra làm sao, vẫn chưa thể có kết luận cuối cùng. Mà món phở cũng vậy chăng? Y đã viết nhiều bài về phở nhưng rồi cũng không thể tìm ra nguồn gốc phở. Chỉ có thể khảo sát từ sự ghi nhận của từ điển mà phát đoán năm ra đời. Chẳng hạn, Tự điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre Rhodes, Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) cũng chưa có từ phở.

Cần lưu ý Tự điển Việt - Pháp của Genibrel (1898) đã có ghi nhận từ phở. Phở lỡ, làm phở, nói phở được hiểu theo nghĩa ồn ào, ầm ĩ, náo nhiệt, sôi nổi. Phở lại tương đồng với phớ như phớ lớ, la phớ lớ, mừng phớ lớ hiểu theo nghĩa vui mừng, hoan hỉ…

Mãi đến năm 1931 với Việt Nam tự điển do Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo thì từ phở mới chính thức trình làng và được ghi rõ: "…Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò" và liệt kê ra phở xào, phở tái. Thật lạ, chẳng rõ vì lý do gì các từ phở/ phở lỡ lại không còn được ghi nhận, nó lại “nhảy” qua thành phớn/ phớn phở là “trỏ bộ vui mừng hí hửng”, nay Đại từ điển tiếng Việt (1999) xếp đồng nghĩa với “hớn hở”.

Vậy thì, các từ phở lỡ/ phớ lớ ấy mất đi chăng? Không hề, trong khi từ điển miền Bắc không ghi nhận nữa thì từ điển trong Nam lại còn. Bằng chứng là mãi đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ vẫn còn: “Phở: Vỡ, tiếng vang inh ỏi; phở trận: vỡ trận, to chuyện, la lối, đập phá v.v… Xét ra vẫn không khác gì hàm nghĩa mà Genibrel đã giải thích.

Tóm lại đi thôi, đang bàn về món ăn khoái khẩu lại nhảy vèo qua chữ với nghĩa, có nên chăng?

Ừ, tóm lại năm tháng ra đời của phở chỉ có thể đầu thế kỷ XX, khoảng từ thập niên 1910-1920 chăng? Thử hỏi đến nay đã có cả thảy bao nhiêu loại phở? Tha hồ ngồi bấm ngón tay mà tính cho vui cái sự đời. À, việc gì phải nhọc công đến thế, cứ xem các nhà ngôn ngữ học đã lần lượt đưa nó vào từ điển là xong. Các sự liệt kê dù đầy đủ nhưng xem ra nhẹ hều, chẳng thể nào hấp dẫn bằng đôi thơ của Tú Mỡ.

Thơ rằng: “Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi/ Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ/ Này bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ/ Ngọn rau thơm, hành củ thái trên/ Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm/ Khói nghi ngút đưa lên thơm ngát mũi”.

Đọc ngâm nga tới chừng đó, đã muốn tắt máy vi tính, xuống phố thưởng thức bát phở ngon. Rồi ngâm nga câu thơ đã viết lúc ra Hà Nội: “Phở ạ! Sao mà trân trọng vậy/ Thưởng thức quán nào cũng thấy ngon/ Nước trong. Khói biếc. Tương cay đậm/ Tuyệt lắm. Trời ơi! Tái nạm giòn/ Thêm một chút tiêu. Thêm chút ớt/ Cong cớn môi hồng cứ xuýt xoa/ Yêu em có lẽ vì… mê phở/ Vị ngọt trên môi cũng đậm đà”.

Em nào vậy hả Q? Nghe hỏi thế, y bèn cười.

Lê Minh Quốc
.
.