Lập thân hèn nhất ấy văn chương

Thứ Hai, 20/11/2017, 08:31
Trên sân khấu tuồng, bao giờ cũng có thằng hề, thỉnh thoảng hắn “đế” đôi câu cho nhộn sàn diễn. Có thể câu “đế” ấy có chủ đích, đôi lúc tầm phào, lắm khi “thọc gậy bánh xe”, hoặc nhập vai ông to, bà lớn “cứ như thật” v.v… miễn sao khán giả cảm thấy sướng tai nên hào hứng, vỗ tay tán thưởng là được.



Trong tập sách Hề chèo (NXB Văn hóa - 1977), nhà nghiên cứu chèo Hà Văn Cầu cho biết hề chèo có 3 loại căn bản: Loại hề đi hầu (hề áo ngắn) có hề gậy, hề mồi; hề tính cách; hề văn minh và hề cải lương. “Con người trong hề chèo trước đây thường là con người hết lối thoát, cùng đường, chửi vung lên cho hả, chửi đến mức không đoái đến bản thân mình”.

Sống ở trên đời, đôi khi con người ta đang vào vai hề chèo nhưng lại không ý thức được điều đó. Lắm lúc lại quên béng thân phận của mình. Cứ tưởng mình là kẻ ăn trên ngồi trốc, có thế có quyền nhất cõi, do đó, mới xảy ra lắm ngộ nhận phì cười. Ảo tưởng đó thôi. Mà nghĩ cho cùng, ảo tưởng mới chính là chất men nồng nhiệt nhất của đời người, là chất liệu quý giá nhất của trần gian này.

Không phải niềm tin hay lý tưởng. Niềm tin rồi có lúc mỏi mệt, thấm mệt. Lý tưởng rồi có lúc nhận thức lại khác. Vui sống ở đời, hồn nhiên vô tư và cảm thấy đáng sống hào hứng, cuồng nhiệt nhất là lúc còn có ảo tưởng án ngự trong tâm hồn.

Với nhà văn, khi cầm bút có là một ảo tưởng?

Trong hành trình đơn độc, nhọc nhằn, có những lúc lẻ loi một mình. Một mình viết. Một mình khóc cười cùng bàn phím. Ai là người chia sẻ? Chẳng một ai, ngoài chính nhà văn. Anh ta viết và sống trong một thế giới khác. Thế giới của chữ nghĩa. Của từng mẫu tự. Của con chữ. Thế giới ấy thăm thẳm chân mây. Hun hút đường hầm. Thế giới của một hành trình mải mê, lầm lũi một mình đi qua sa mạc.

Rồi tập sách ra đời. Một hành trình vừa khép lại. Tác phẩm ấy, không thuộc về họ nữa. Thuộc về đám đông. Như con gái đã bước chân về nhà chồng. Ngày mai, ai còn nhớ? Liệu có còn ai nhớ hay nó đã lãng quên khi vừa ráo khô giọt mực in? Nào ai biết. Dù không biết, chẳng ảo tưởng gì, họ cứ tiếp tục công việc đã chọn.

Đọc Tạp chí Non Nước số Xuân 2016, thích câu Văn tế tổ ngành hát bộ tỉnh Quảng Nam: “Dĩ nhất nhân thân kiêm thế sự/ Trạo tam thốn triệt túc bình sinh” (Lấy thân mình gồm cả cuộc đời/ Uốn ba tấc lưỡi đủ cả cuộc sống). Đến với nghệ thuật, con người ta cũng xây dựng cho nó những quy tắc nhằm vươn tới giá trị tốt đẹp nhất nhưng rồi cuối cùng cũng ảo tưởng nốt.

Nói thì nói thế, vẫn ghi lại những câu thật hay về nghệ thuật, dù nói về sân khấu tuồng, một loại hình nghệ thuật cụ thể nhưng ngẫm lại nó có thể mang tính khái quát chung cho sự sáng tạo của những ai muốn trở thành kẻ chuyên nghiệp với nghề. Mà kẻ chuyên nghiệp ấy, nghĩ cho cùng chỉ chàng Don Quijote. Đáng kính trọng, ca ngợi mà cũng đáng thương hại thay.

Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương

Cụ Phan Bội Châu cũng thích câu thơ của Viên Mai và dịch:

Khuya sớm những mong ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy văn chương

Nghĩ rằng, sở dĩ như thế vì lúc cụ Phan cất tiếng khóc chào đời, chính cụ sau này có ghi trong Tự phán: “Mày sắp sửa làm người vong quốc". Thế thì văn chương chữ nghĩa chỉ nhai đi nhai lại những câu “chi chi, dã dã” đã cũ rích, đã lỗi thời!

Hỡi ôi! Mà có như thế mới không phạm trường quy, mới thi đậu rồi tiến thân bằng con đường làm quan như một cách “lập thân” thì hèn hạ lắm. Suy nghĩ ấy, thời nào cũng đúng. Nó hèn hạ vì "lập ngôn" nhưng lại không thật bụng, thật lòng, không nói đúng điều đã nghĩ. 

Nói một đường, viết một nẻo. Thứ văn chương ấy, liệu có ích gì? Phải hiểu như thế về câu thơ của Viên Mai. Với các cụ, văn chương là tấm lòng, là nói lên cái chí. Nó thiêng liêng lắm. Ngày xưa, các nhà nho Trung Quốc cho rằng, ở trên đời có “tam bất hủ”: Lập đức, lập thân, lập ngôn.

Lập ngôn thời buổi này, nó ra làm sao?

Mà thôi. Trời đang xanh, mây đang trắng, người đi mua sách vẫn náo nhiệt, hãy cứ ngồi yên mà ngắm nhìn nam thanh nữ tú có thích hơn không?

Nói thì nói thế, lại vẫn cắm mặt vào trang sách. Những ngày này, vẫn đọc lai rai. Do chú tâm đến chuyện ngữ nghĩa tiếng Việt, vì thế, đọc luôn cả loại sách hướng dẫn viết làm sao cho đúng chính tả.

Đọc xong mới rút ra kết luận: Rất khó viết đúng chính tả, dù các nhà ngôn ngữ học đã nhọc công, tận tình biên soạn, hướng dẫn viết đúng hỏi, ngã nhưng nói thật cũng cảm thấy rối như mớ bòng bong. Dù đã nắm được các quy luật nhưng than ôi cũng còn có ngoại lệ, chưa kể có những từ mà mỗi sách lại viết hỏi, ngã khác nhau.

Chẳng hạn, “duẫn” là tiếng Việt gốc Hán có nghĩa “Măng tre - Tre non - Cái cây ngang để treo chuông khánh”, cụ Đào Duy Anh giải thích trong Hán - Việt từ điển và viết dấu ngã. Thế nhưng vẫn có người sử dụng dấu hỏi, vậy “duẩn” nghĩa là gì?

Thêm một thí dụ khác, phãng/ phảng: “Công cụ có lưỡi bằng sắt to bản, được uốn cong ở phần cán, cán ngắn vừa tay cầm, dùng để phát cỏ ruộng” (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín). Nó viết dấu hỏi hay dấu ngã? Việt ngữ chánh tả tự vị (Lê Ngọc Trụ), Tự điển dấu hỏi, dấu ngã (Đào Văn Hội) viết dấu “ngã”, Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), Từ điển từ ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín) viết dấu “hỏi”; các ông nhà văn, nhà thơ Sơn Nam, Quách Tấn cho rằng dấu ngã; nhưng ông Nguyễn Hiến Lê lại có lúc thừa nhận nó dấu ngã nhưng lại “viết bậy” dấu hỏi v.v…

Thôi thì, để viết đúng chính tả có lẽ cách tốt nhất là cứ kè kè quyển từ điển bên hông, hễ cần là tra cứu. Ai chê dốt thì chịu, như thế, chắc ăn hơn.

Chà, còn nhiều dẫn chứng khác nữa. Chẳng hạn, trong tiếng Việt có những tiếng hai từ đi chung với nhau nhưng từ sau, ta không rõ nghĩa. Trong Việt ngữ nghiên cứu, nhà văn hóa Phan Khôi gọi “tiếng đệm”; nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ gọi “tiếng đôi”. 

Có những tiếng tồn tại đến nay, không phải ai cũng rõ nghĩa: heo cúi, chùa chiền, hạch hỏi, đường sá, làng mạc, vườn tược, làm lụng, chơi bời, đất đai, tre pheo, gà qué, tiền nong, làm lụng, người ngợm, hút xách, chó má, phu phen, bếp núc, áo xống v.v…

Những từ đó, cả ông Phan Khôi và Lê Ngọc Trụ đều cho rằng nó có nghĩa, hoặc nó được “đệm” thêm dẫn đến một nghĩa khác có sắc thái khác. Tuy nhiên, cũng từ đó, nhưng cách giải thích lại khác nhau. “Chim chuột”: Chim là ve vãn, mà đồng âm với chim là con chim. Đệm chữ "chuột" là con chuột vào để tỏ ý phiếm và cũng có ý hài hước. Chữ chuột này ở đây mất cái nghĩa là con chuột đi, chỉ là tiếng đệm (Phan Khôi); “Chim chuột”: Do câu “điểu thử cộng vi thư hùng” = chim chuột cùng làm trống mái với nhau; trai gái phải lòng nhau (Lê Ngọc Trụ).

“Chó má”:  Người Tầy gọi con chó là "tu ma", thành từ "chó má" của ta, tiếng "má" ấy có lẽ bởi tiếng "ma" của Tầy mà ra; có một số danh từ của Tầy giống của ta lắm” (Phan Khôi); nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy lại cho rằng: “má” gốc tiếng Thái cùng có nghĩa là chó” (dẫn theo Việt ngữ tinh hoa từ điển của Long Điền - NXB Hoa Tiên - 1952).

“Tre pheo”: Đại từ điển tiếng Việt giải thích “tre nói chung”; ông Phan Khôi cho rằng “pheo là một thứ tre xấu”; ông Lê Gia trong Tiếng nói nôm na: “Pheo, do chữ “phiêu” là nổi lênh đênh. Tre pheo: Bụi tre cao, gió thổi lắt lay”.

Chỉ mới vài từ thôi, đã thấy rắc rối. Y nghĩ, gọi “tiếng đệm/ tiếng đôi” gì đi nữa, chắc chắn cả 2 từ đó đều có nghĩa, cùng nghĩa, dần dà về sau, do cách nói gọn, người ta bỏ đi 1 cho gọn nên nhiều thế hệ sau cứ ngỡ là từ đó vô nghĩa. Nói thì nghe hay lắm, thử nêu vài thí dụ đi. Xin vâng,  chẳng tìm đâu xa, cứ lật Từ điển Việt-Bồ-La (1651) ắt rõ, chẳng hạn, mắng mỏ, mắng thì dễ hiểu rồi, mỏ là nổi giận; sợ sệt thì sệt là sự kinh khiếp; yêu dấu thì dấu là mơn trớn, vuốt ve; gớm ghiếc thì ghiếc là buồn nôn cùng nghĩa với gớm ghỉnh v.v…

Rõ ràng cả hai từ cùng một nghĩa đấy thôi. Rồi nữa, nóng sốt. Sốt là gì? Cũng là nóng, há chẳng từng nghe đến “câu sốt câu nguội” là chỉ sự trò chuyện hàn ôn/ hàn huyên rét ấm?

Thế thì, thử giải thích câu thành ngữ “Lo sốt vó” ra làm sao? Vó ở đây là nói tắt của vó câu/ vó ngựa. “Cạn lời thẳng ruổi vó câu/ Biết bao liễu oán, quê sầu nẻo xa” (Đại Nam quốc sử diễn ca). Vó là móng cứng bằng sắt đóng ở bàn chân ngựa, giúp cho nó chạy đường trường, bởi thế sự lợi hại nay được so sánh “Mồm chó vó ngựa”.

Lo sốt vó là lo lắng đứng ngồi không yên, chạy ngược chạy xuôi đến độ như ngựa chạy đến sốt vó/ nóng vó. Chạy đến nỗi vó nóng thì mới biết sự lo lắng ấy dồn dập, liên tục đến mức nào. Về sau, từ sốt ấy không còn mấy thông dụng, nếu còn chăng là trong “nóng sốt” - chỉ về sự rất nóng. Do đó, khi nói về sự lo lắng này, một khi từ “sốt” không còn được phổ biến với nghĩa vừa nêu, người ta dần dần nói trại thành “sút” cho dễ hiểu. Ai lại không hiểu sút là tụt ra, bung ra ? Vậy lo ở đây có hàm ý lo đến độ không khác gì ngựa chạy mãi, chạy miết, chạy ngày đêm đến nỗi sút cả vó. Lo đến thế, kinh khiếp thật.

Lại có những câu thành ngữ, tục ngữ đến nay mỗi người hiểu một phách là lẽ thường tình: Dùi đục chấm mắm cáy/ Bầu dục chấm mắm cáy; chân đăm đá chân chiêu/ chân nam đá chân chiêu; râu ông nọ cắm cằm bà kia/ dâu ông nọ chăn tằm bà kia; vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm/ vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm; cao chạy xa bay/ xa chạy cao bay; ra ngô ra khoai/ ra môn ra khoai; lo sốt vó/ lo sút vó; tai vách mạch dừng/ tai vách mạch rừng; ôm rơm rặm bụng/ ôm rơm nặng bụng v.v… Câu nào mới đúng và hiểu thế nào là đúng? Trước mắt cứ ghi ra thế. Sau này, có dịp thì tìm hiểu thêm, bằng không cũng là những gợi ý nho nhỏ cho ai khác thích thì tìm hiểu sâu hơn. Thì thế, cứ viết nhì nhằng cũng là một cách giết cho xong cái thời gian của chiều ngày chủ nhật vậy.

Ừ, tiện tay, ghi thêm một ai giải thích mới về từ ngữ có tính chất thời sự. Chẳng hạn, “học tại chức”. Có người giải thích: “Thời phong kiến người ta có trường hậu bổ. Tức là đào tạo xong mới về làm quan, còn nay cứ bổ nhiệm xong rồi chuẩn hóa. Nên tại chức là tại cái chức mà đi học thôi”. Nghe lọt tai quá. Hèn chi trước đây, có câu: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. “Tại cái chức mà đi học” chứ đâu phải vì động cơ nâng cao trình độ, rèn luyện chuyên môn, mở mang tri thức… Vậy, lòng dạ đâu mà tiếp thu kiến thức?

Lại nữa, trước kia có thành ngữ: Mua trấu bán tro; mua vôi củ, bán vôi bột; mua bò vẽ bóng; mua trâu bán chả v.v… có thể hiểu đại khái phê phán cách tính toán làm ăn, mua bán vụng về, kém cỏi, ngu ngốc nên bị thua đậm. Nay, có câu: “Mua ụ nổi, bán sắt vụn”, nếu nó phổ biến và tồn tại theo thời gian, vài đời sau nữa chắc gì ai đã nhớ là nó ra đời từ phi vụ “con tàu” Vinashin - Vinalines?

Vậy mới nghĩ rằng, các thành ngữ, tục ngữ đã hình thành từ xa xưa và tồn tại đến nay cũng vậy thôi, ta biết nghĩa đen, nghĩa bóng nhưng cụ thể nó ra đời trong hoàn cảnh cụ thể ra làm sao thì chịu.

Lê Minh Quốc
.
.