Mỗi ngày đọc sách
- Nhà nữ khoa học có nhiều duyên nợ với truyện Kiều
- Truyện Kiều lên sân khấu kịch
- “Truyện Kiều”: Bài học 200 năm vẫn chưa hết tính thời sự
Rồi lại lầm lũi với công việc của mỗi ngày. Mỗi ngày, chẳng có gì khác lại ngoài gõ bàn phím viết vặt vài bài báo, đọc quyển sách nọ kia. Chỉ có thế, vòng quay của 24 giờ trong một ngày đã trôi qua như nháy mắt.
Chiều nay, như mọi chiều, lại đọc Truyện Kiều. Đọc chỉ để mà đọc. Thế thôi. Lật hú họa, gặp trang nào đọc trang đó. Có những quyển sách cực hay, hay đến độ, dù đọc bất kỳ trang nào cũng bị cuốn hút như đọc trang đầu tiên.
Đọc lần thứ nhất. Phụ nữ cũng thế, có nhan sắc đã khiến ta mê mẩn tâm thần, quên đi mọi sự khôn ngoan, mê muội mộng du, tiêu diệt sự tỉnh táo để tận hưởng thịt da ấy như lần thứ nhất. Và bao giờ cũng là cảm giác dịu vợi mê đắm của lần thứ nhất. Truyện Kiều là một nhan sắc. Vô tiền khoáng hậu. Làm nên hấp dẫn của kiệt tác này, còn là các câu đối thoại giữa Kiều với các nhân vật khác trong nhiều tình huống.
Một trong những tình huống hay nhất là lúc Kiều cả tin, theo Sở Khanh chạy trốn khỏi lầu xanh. Sau, Tú Bà bắt lại. Nàng phải hứng lấy trận đòn: “Uốn lưng thịt đổ, máu sa dập đầu”. Cô Mã Kiều thương bạn mà an ủi nàng và bật mí: Sở Khanh đã sử dụng chiêu/mẹo lừa này với nhiều cô gái khác rồi. Và đây cũng là lối thông đồng giữa tay lưu manh với Tú Bà: “Đà đao một chước sẵn dùng/ Lạ gì một cốt một đồng xưa nay”. Thế nào là “đà đao”? Có thể hiểu là mẹo giả vờ thua chạy, người ta tưởng bở đuổi theo, bất thình lình quay dùng đao chém. Đố đỡ nổi. Đo ván là cái chắc.
Thông thường một khi đã làm xấu với ai việc gì, con người ta mắc cỡ, xấu hổ mà lánh mặt, không dám gặp lần nữa. Sở Khanh thì không. Trong lúc hai chị em đồng cảnh ngộ đang tâm sự, Sở Khanh lại vác mặt tới. Thế mới biết, cụ Nguyễn Du đã đẩy tính cách nhân vật đi đến tận cùng, không nửa vời. Ngay lúc đó, Sở Khanh liền mắng phủ đầu rằng, nghe đồn có con nào ở đây phao tin ta rủ rê, quyến rũ trốn đi theo? Đừng có nõ mồm, nói nhảm. “Phao cho quyến gió, rủ mây/ Hãy xem có biết mặt này là ai?”.
Nhìn kỹ lại cái mặt này đi chứ? Chớ có hồ đồ, ăn nói điêu toa. Cách nói ấy xem ra cứng cựa lắm. Cứ như thể hoàn toàn không dính líu gì đến tội vạ của Kiều do chính hắn gây ra.
Kiều trả lời ra làm sao?
“Nàng rằng: “Thôi thế thì thôi/ Rằng không thì cũng vâng lời rằng không”. Nhịp đi của câu thơ với 2 từ “rằng không” lặp lại đến 2 lần, tưởng nhẹ nhàng, nhưng thật ra đó là cách trả lời đay nghiến, ngọt nhạt, rành rọt, phủ định hoàn toàn thách thức của Sở Khanh. Bên trong lời lẽ mềm mỏng, nhún mình ấy lại ngầm sắc lẹm như dao. Không dễ đầu hàng. Không dễ bắt nạt. Sở Khanh nào biết thế, ngốc dại lấn tới bước nữa vì nghĩ đang thắng thế. “Sở Khanh quát mắng đùng đùng/ Bước vào, vừa rắp thị hùng ra tay”.
Những muốn ăn tươi nuốt sống ngay tắp lự. Kiều né ngay bằng cách kêu trời: “Trời nhẽ có hay”. Ai cũng thế thôi, lúc ngặt nhất, phút 89 nguy ngập bao giờ người ta cũng réo trời, dù trời xa thăm thẳm: “Nàng rằng: Trời nhẽ có hay/ Quyến oanh, rủ yến sự này tại ai?/ Đem người đẩy xuống giếng khơi/ Nói lời rồi lại ăn lời được ngay”.
Những từ “ăn lời/ nuốt lời”, khó có thể thay thể bằng từ nào đắc địa hơn, nhằm chỉ sự thất hứa/ hứa lèo.
Chưa hết. Không để cho Sở Khanh mở miệng phân trần, cãi cọ, nàng liền lật bài ngửa: “Còn tiên Tích Việt ở tay/ Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai!”. Chứng tích còn đây rành rành. Dám cãi không?
Hãy chú ý, ban đầu, Sở Khanh mạnh miệng: “Hãy xem có biết mặt này là ai?”. Sau đối đáp, Kiều đã ném vào mặt rành rọt từng chữ một: “Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai?”. Ăn miếng trả miếng. Đâu vào đó. Không còn dám cự cãi gì nữa cả, Sở Khanh đuối lý. Hơn nữa, Kiều lại: “Lời ngay đông mặt trong ngoài/ Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương”, khiến tên lưu manh hạng bét đành cút xéo.
Tại sao chiều nay lại lật đúng vào trang có những câu thơ này? Thử liên hệ với thời sự đang xảy ra, có liên hệ gì chăng?
Bàn về Truyện Kiều xưa nay đã nhiều. Tuy nhiên vẫn chưa nhiều lắm những khảo cứu, tìm hiểu về các tác phẩm của các nhà văn Nam bộ lấy cảm hứng từ kiệt tác này.
Vừa rồi, cũng do cái thú lang thang trên mạng, vào thư viện nọ của người Pháp, tình cờ phát hiện ra tập sách Hoạn Thư bắt Túy Kiều vịnh tích in năm 1921 của nhà văn Lê Hoằng Mưu (1879-1941). Không rõ vì sao người miền Nam thuở ấy gọi Túy Kiều, chứ không là Thúy Kiều?
Ông Mưu còn là người viết tác phẩm Hà Hương phong nguyệt truyện, đình đám trên văn đàn miền Nam đầu thế kỷ XX. Không ngờ, tình huống Thúy Kiều sa vào tay Hoạn Thư, ông kể lại tuyệt khéo, cực hay. Chỉ trích lấy những dòng mà ông đã thêm thắt, qua đó, nhân vật có tính cách gần gũi hơn với người Nam.
Theo Truyện Kiều, về mối quan hệ dăng díu trăng gió với Thúc Sinh, Kiều thận trọng dò hỏi chàng về chuyện đã có vợ, ý của ông bố ra làm sao v.v… Thúc Sinh ưỡn ngực: “Đường xa chớ ngại Ngô Lào/ Trăm điều hãy cứ trông vào một ta”.
Đừng có sợ gì cả. Mọi việc nàng đang nghi ngờ, e ngại, một tay ta thu xếp là xong. Có đáng tin cậy không? Ấy là chuyện về sau. Mà này, có phải đây là tính cách lửa rơm chung của bọn đàn ông khi tán gái đó không?
Đọc Truyện Kiều, quái lạ, hầu hết các đấng mày râu khi gặp nàng đều thốt ra toàn những lời “có cánh”. Một tấc đến trời. Vỗ ngực xưng tên. Sau đó, chẳng ra làm sao cả, ngoại trừ Từ Hải. Vậy nên, đàn bà con gái khi đọc 3.254 câu lục bát dịu vợi ngàn trùng, ngọc không tì vết, vang động ngàn đời thì xin lưu ý giúp điều này, cứ lấy từ kinh nghiệm của Thúy Kiều mà cảnh giác vậy.
Ở đoạn trao đổi với Kiều, Thúc Sinh mạnh miệng: “Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều”. Oách quá đi chứ? Thử hỏi, nghe câu hoành tráng ấy người phụ nữ nào lại không xúc động đầm đìa, rưng rưng tâm cảm?
Qua cách kể của Lê Hoằng Mưu, Thúc Sinh không chỉ hứa hẹn mà còn: “Trước lo dọn cho nàng căn phố/ Sau sắm cho đủ bộ nữ trang/ Chuỗi đeo tay, neo đặt chiềng vàng/ Cà rá nhậm kim cang ba hột/ Hàng cách-sơ-mia Bon-nê thiệt tốt/ Sắm cho nàng ra tột bực sang/ Mua ô-tô hứng cảnh thừa nhàn/ Xe ca-lết dạo chơi hóng mát”. Rõ ràng, Thúc Sinh rất ư “anh Hai Nam bộ”. Chơi đẹp lắm. Không hề ki bo, bủn xỉn, tính toán gì cả. Làm rõ thêm cái ý “Trăm nghìn đổ một trận cười như không”.
Sực nghĩ rằng, câu nói trên nếu đặt vào miệng bất kỳ người đàn ông nào đang si tình, lụy gái thì cũng đúng chóc. Giây phút tương ngộ giai nhân, hỡi ôi, sự thông minh tỉnh táo, lý trí tót vời đã rủ nhau trốn biệt, chỉ còn là nhịp đập của trái tim. Cảm xúc dạt dào. Ồn ào sóng biển. Họ đang say. Say một thứ rượu có nồng độ cực kỳ, không một thứ men nào có thể sánh nổi. Rượu tình ái. Rượu của hương thơm da thịt nồng nàn lửa bén.
Ông thi sĩ tài hoa Cao Bá Quát chỉ mới thưởng thức vài be rượu, có thể rượu làng Vân, Cây Lý, Ba Xi đế, Phú Lễ… đã thế này: “Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ/ Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ/ Mảnh hình hài không có, có không/ Lọ là thiên tứ, vạn chung”, chứ huống gì va phải rượu tình.
Vì lẽ đó, xin thưa quý ngài, chớ có cười Thúc Sinh dại gái.
Mà này, có phải nhờ những câu Lê Hoằng Mưu đặt vào miệng Thúc Sinh, ta mới biết thêm lối sống của hạng người giàu sang ở phương Nam đầu thế kỷ trước? Đúng lắm. Đọc sách xưa, qua miêu tả của nhà văn, căn cứ vào đó mà người đời sau có thể biết được trang phục, lời ăn tiếng nói… của một thời. Dấu ấn này, ở phía Nam có thể thấy rõ nét trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh và những nhà văn cùng thời.
Chẳng nhẽ, đọc xong mấy câu thơ miêu tả thêm tính cách “quen thói bốc trời” của Thúc Sinh, ta lại lảng qua chuyện khác? Không. Vậy, xin hỏi: “Chuỗi đeo tay, neo đặt chiềng vàng”, “chiềng” là gì?
Tra nhiều từ điển rồi cũng bí rị, may quá, trong tập sách Phương ngữ Nam bộ, ở từ “chiêng chiêng”, ông Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích: “loại cà rá có hoa văn chạm nổi; chiêng chiêng cà rá: từ chỉ chung loại trang sức nhỏ đeo vào ngón tay”. Suy luận ra,”chiềng” là cách nói gọn của “chiêng chiêng” đấy thôi. Căn cứ vào mạch nối theo của câu thứ hai càng rõ cái ý ấy: “Cà rá nhậm kim cang ba hột”. “Nhậm” là khảm, chạm, cẩn, nhận.
Câu tiếp: “Hàng cách-sơ-mia Bon-nê thiệt tốt”, ông Nam Chi cũng cho biết: “Cách-sơ-mia/ Cachemire - hàng len đẹp dệt bằng lông cừu dê ở xứ Cachemir ( Ấn Độ). “Ô-tô” thì dễ hiểu rồi, còn “xe ca-lết” là loại xe ra làm sao? Chịu chết. Không thể trả lời.
Ngoài ra, phụ nữ thời ấy, còn phục trang gì nữa không? Đọc lại quyển Bùi Kiệm dặm của Nguyễn Văn Tròn, in tại Sài Gòn đầu thế kỷ XX xem sao. Ông Tròn là ai?
Chẳng thể biết rõ tông tích. Lấy cảm hứng từ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, ông viết thêm lúc Bùi Kiệm tán cô Kiều Nguyệt Nga, quyết lấy làm vợ cho bằng được. Kiệm đã nhìn thấy nàng: “lỗ tai đeo đôi bông nhẫn hột, cổ đeo cây kiềng vàng, bận cái áo lưỡng đoạn, đội cái khăn lục soạn, bận cái quần lãnh, lưng rút, khiến tâm bào anh Kiệm chết tê”.
Chết là phải đạo. Phụ nữ đã đẹp, sắc nước hương trời lại ăn vận sang trọng, quý phái, điệu đàng thì có ngủm củ tỏi cũng xứng mặt đàn ông, đúng không? Ngay lập tức Kiệm nổi máu dê, ca rằng: “Hèn chi tôi ở trên kinh, tôi nóng nảy bực bội, tôi lội tôi về hay là ông Tơ bà Nguyệt xe má phấn dựa kề môi son?”
Hãy khoan theo dõi đối đáp của cô Kiều Nguyệt Nga, ta hãy dừng lại một chút và hỏi rằng, nàng mặc “áo lưỡng đoạn” là loại áo thế nào, hình thù ra làm sao? Dù đã cố gắng mọt sách mày mò, tầm chương trích cú nhưng rồi cuối cùng đành chịu thua. Cô còn đội khăn lục soạn. Ca dao có câu: “Cái ô lục soạn cầm tay/ Cái khăn xếp nếp, cái dây lưng điều”. Lục soạn là thứ vải lụa, mỏng, trơn.
Sực nhớ, ngày trước, ông Tú Xương cực bợm, đã từng cô đầu đàn ca hát xướng, phong lưu tài tử, đĩnh đạc dân chơi. Có lúc đến đàn ca sáo trúc tại nhà cô đầu: “Năm canh to nhỏ tình dơi chuột/ Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây”.
Lúc tỉnh dậy, ông mới hay mất cái ô: “Đêm qua anh đến chơi đây/ Giày chân anh dận, ô tay anh cầm/ Rạng ngày sang trống canh năm/ Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ/ Hỏi ô, ô mất bao giờ/ Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa/ Chỉn e rầy gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về trưa với tình?”.
Dám cá cược rằng, ông Tú Xương bị mất cái ô, đúng rồi, nhưng phải là ô lục soạn, tiếc lắm. Nếu cái ô tầm xoàng thì tiếc cái nỗi gì. Không tiếc cái nỗi gì, làm sao có thể bật ra thơ?
Rồi cô Kiều Nguyệt Nga còn đeo kiềng vàng. Đọc câu ca dao này, tự dưng thấy thương thương, cảm động: “Kiềng vàng em chẳng muốn đeo/ Em đeo kiềng bạc đỡ nghèo mẹ cha”. Còn “quần lãnh” là may bằng loại vải đắt tiền, mặt trơn, bóng láng.
Cứ như theo nhà nghiên cứu Nam Chi, có các loại lãnh như lãnh Bắc (dệt ở ngoài Bắc), lãnh Tàu, lãnh Tây: “Theo cách dệt chúng ta có: lãnh bông - loại lãnh dệt chữ Hán, hoa lá cành trên mặt vải; lãnh bông chanh/ lãnh hoa dâu - loại lãnh dệt có bông nhỏ lấm tấm như bông chanh; lãnh chữ kiết: loại lãnh dệt có nổi chữ kiết/ cát (tốt lành); lãnh Mỹ A - loại lãnh đen bóng, mịn, mặc thấy mát rượi, thường dùng để may quần phụ nữ; lãng trơn - lãnh không bông hoa”.
Vậy đó, mỗi ngày đọc thoáng vài trang sách. Cũng vui vui. Ghi chép đôi dòng. Cũng vui vui nốt. Tự lấy làm hài lòng. Noi theo ông Tú Xương cho nhẹ nhàng cái sự đời: “Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện/ Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng”. Chẳng việc gì phải nhăng nhăng nhố nhố, hếnh hoáng “gồng mình” lên nọ nọ kia kia cho nhọc xác, đúng không?
Dạ, đúng ạ.