Đừng bỏ đói giấc mơ của chính mình!

Thứ Năm, 26/04/2018, 07:38
Cho đến tận bây giờ, giấc mơ vẫn là một lãnh địa đầy bí ẩn với con người.

Freud - nhà phân tâm học phương Tây đầu thế kỷ 20 đã nghiên cứu cả trăm ngàn giấc mơ từ những "bệnh nhân mơ mộng" rồi viết hẳn một cuốn Giải mộng mô tả những liên hệ giữa giấc mơ và đời thực. Ví dụ theo Freud, một cô gái đang mang thai bỗng nhiên mơ thấy mình đứng giữa mênh mông biển nước thì tất yếu cô gái ấy sắp sinh con.

Với nhiều cuốn sách khác sau này, Freud nói rằng giấc mơ là nơi sống dậy của một vùng vô thức vốn vẫn bị giấu kín khi chúng ta đang tỉnh. Trong vô thức ấy, Libido (sự rối loạn tính dục) - nếu có, sẽ cựa quậy và được thỏa mãn. 

Trong vô thức ấy - những khát khao không dám bày tỏ khi tỉnh sẽ bùng nổ. Do vậy đi vào giấc mơ và chịu khó nghiên cứu tập hợp những giấc mơ của chính mình sẽ giúp một cá thể hiểu được những góc khuất bí ẩn mà khi tỉnh chính mình cũng không bao giờ nghĩ đến.

Carl Jung - học trò của Freud đồng thời là người phản đối Freud cũng nghiên cứu cả ngàn giấc mơ và phát triển khái niệm "vô thức cá thể" của Freud thành "vô thức tập thể". 

Theo Jung, không chỉ những cá thể riêng lẻ, mà ngay cả một tập hợp các các thể - một cộng đồng người - một cộng đồng văn hóa cũng tồn tại một vùng vô thức nói chung. Cái vô thức tập thể ấy hiện hữu như những ký hiệu văn hóa, định dạng nên tính cách văn hóa của một cộng đồng. 

Dĩ nhiên, những ký hiệu văn hóa được xác lập qua các thế hệ khác nhau, và đôi khi sẽ được tái hiện mạnh mẽ trong những giấc mơ của từng người, từng thế hệ.

Ảnh: L.G.

Thực ra khi đọc Freud và Jung, tôi cũng đồng thời đọc những phê phán Freud và Jung của chính các nhà nghiên cứu phương Tây, nên không tuyệt đối hóa những lý luận về "Libido - sự dồn nén - giấc mơ - và vô thức" của hai nhà phân tâm học phương Tây này. 

(Đâu đó trên diễn đàn ở ta, tôi thấy một số nhà nghiên cứu luôn cực đoan hóa và tuyệt đối hóa những lý thuyết phương Tây, lấy nó làm khuôn vàng thước ngọc để phán xét tất tần tật mọi vấn đề liên quan trong xã hội Việt Nam. Thực lòng, tôi thấy sợ kiểu nghiên cứu - phán xét cực đoan đó). Cho nên có nhiều điểm ở cả Freud và Jung tôi chưa thỏa mãn. 

Ví dụ như Freud nghiên cứu các giấc mơ của những "người bệnh" rồi khái quát nó cho cả một cộng đồng người nói chung - một phương pháp nghiên cứu mà rõ ràng bây giờ nhìn lại chúng ta thấy có nhiều bất ổn, vì cơ chế tinh thần của "người bệnh" và người bình thường khác nhau nên đặc điểm giấc mơ cũng khác nhau. 

Nhưng nói gì thì nói, những nghiên cứu của Freud về giấc mơ vẫn rất đáng trân trọng vì nó đánh thức trong chúng ta một địa hạt mà có thể chúng ta đã bỏ quên trong dòng đời bộn bề, không ngừng trôi chảy.

Ở phương Đông, một trong những triết gia cổ điển nói về giấc mơ nhiều nhất có lẽ là Trang Tử. Trong Nam Hoa Kinh, từng có câu chuyện về một lần Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa thành con bướm, bay trên những cánh hoa. Khi tỉnh dậy thì ông tự đặt ra câu hỏi:

- Trang sinh mộng thấy bướm, hay bướm mộng thấy Trang sinh?

Vế đầu - "Trang sinh mộng thấy bướm" mô tả một logic vận động thông thường: từ cõi thực vào cõi mộng. Nhưng vế sau - "Bướm mộng thấy Trang sinh" lại mô tả một vận động phi logic: cõi mộng vào cõi thực. Vậy thì rốt cuộc đâu là thực, đâu là mộng? Trang sinh là thực hay chính những cánh bướm trong giấc mơ kia mới là thực và ngược lại?

Không biết có phải bị ảnh hưởng bởi cái vô thức tập thể phương Đông (theo lý luận của Jung) hay không mà hàng ngàn năm sau một thi sĩ phương Đông là Nguyễn Bính cũng từng vẽ trong thơ mình một cánh bướm, và cũng để cánh bướm ấy đi về giữa hai chiều thực - mộng:

“Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!”.

(Người hàng xóm)

Trong văn học, văn hóa phương Đông có cả một thế giới được tái xác lập trong những giấc mơ, mà gần gũi nhất với chúng ta là cuộc hội ngộ Thúy Kiều - Đạm Tiên, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cuộc hội ngộ ấy được mô tả tỉ mỉ từ cảnh đến tình:

“Hàn gia ở mé tây thiên,
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
Mấy lòng hạ cố đến nhau,
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
Vâng trình hội chủ xem tường,
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên.
Âu đành quả kiếp nhân duyên,
Cùng người một hội, một thuyền đâu xa!
Này mười bài mới mới ra,
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.
Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
Xem thơ nức nở khen thầm:
Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai.
Thềm hoa khách đã trở hài,
Nàng còn cầm lại một hai tự tình.
Gió đâu xịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao”.

Thế giới trong những giấc mơ của văn học phương Đông vừa mang tính ma mị với những ảnh hưởng nhất định từ những yếu tố tôn giáo lại vừa mang tính thực tiễn, theo đúng những quan niệm triết học phương Đông cổ điển.

Quan niệm mà ở đó thế giới không chỉ được tạo dựng bởi không gian và thời gian, mà còn được tạo dựng ở chiều thứ ba: Chiều tâm linh văn hóa.

Lướt qua tất cả những quan niệm Đông - Tây kim cổ, từ triết học đến văn hóa học là để thấy: Giấc mơ là một cái gì đó thật thú vị và ký bí. Khi cả những nhà khoa học lẫn những nhà khoa học vĩ đại nhất đều chưa thể (và không thể?) giải mã giấc mơ một cách chính xác thì tại sao mỗi chúng ta lại bỏ phí món quà lớn mà Thượng đế ban tặng này?

Cách đây hơn 10 năm, khi mới chân ướt chân ráo đi làm báo, tôi sống chết với nghề báo đúng nghĩa. Thời ấy, mỗi buổi sáng mở mắt, việc làm đầu tiên của tôi là tự hỏi hôm nay phải lấp đầy 2 trang báo như thế nào? Câu hỏi ấy khiến tôi vội vã quên sạch tất cả những gì vừa xảy ra với mình trong những giấc mơ.

Và sau đó, khi vội vàng nhảy xuống giường đánh răng - vội vã đến tòa soạn - vội vã thiết kế công việc viết lách trong một ngày thì tất cả những gì đã mơ thực sự như không tồn tại trong tôi nữa. 

Đến một ngày tôi nhận ra: Sao mình lại buồn tẻ và khô khan hóa cuộc sống của chính mình như thế nhỉ? Và kể từ đó, tôi chuyển qua một cách sống - một cách cảm nhận và tìm hiểu đời sống hoàn toàn mới. 

Ngủ dậy, việc đầu tiên của tôi không phải là lao xuống giường đánh răng, rồi đến tòa soạn thật nhanh nữa. Cũng không phải là nằm nguyên trên giường để suy nghĩ trong sợ hãi: hôm nay viết gì như trước nữa.

Việc đầu tiên của tôi là phải kiểm nghiệm xem mình thực sự vừa trải qua những điều gì trong giấc mơ đêm qua. Kiểm nghiệm lại, xâu chuỗi, logic lại hàng loạt những chi tiết, những hình ảnh, những tình huống lộn xộn trong giấc mơ thực sự là điều vô cùng thú vị. Lúc ấy tôi chợt nhận ra, giấc mơ mở cho mình một cánh cửa hấp dẫn vô cùng của đời sống. 

Giấc mơ giúp mình tìm lại quá khứ, khiến câu nói nổi tiếng của Heraclitus trở nên vô giá trị: "Người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông". 

Giấc mơ giúp ta được dự phóng, thậm chí như được chạm vào tương lai, khiến cho tương lai không hẳn là những chân trời vô tăm tích. Có rất nhiều lần, tôi gặp một người lạ, đứng trong một không gian lạ, ngồi lên một cái ghế lạ, thực hiện một công việc lạ - rất lạ so với mình. Nhưng tôi lại có cảm giác nó cứ quen quen, như thể mình đã từng gặp, từng làm, từng chứng kiến ở đâu đó. 

Cố vận dụng não phải, nhớ lại tất cả những gì có thể nhớ, tôi chợt nhận ra: À, mình đã gặp nó rồi, trong những giấc mơ đâu đó!

Ở Nhật Bản có một học viện tên là Shichida chuyên nghiên cứu não phải của những đứa trẻ. Nếu não trái thực hiện chức năng thông tin - ngôn ngữ thì não phải thực hiện chức năng hình ảnh, tưởng tượng. Cho đến bây giờ khoa học vẫn không thể giải mã hết sự bí ẩn của não phải. 

Chỉ biết rằng não phải có một mạch kết cấu đặc biệt, có thể chạm vào vùng sâu nhất của bộ não - vùng thân não (hay còn được gọi là não bò sát), và ở đó có một chức năng được khoa học định nghĩa là chức năng thần giao cách cảm.

Tất cả những ai biết cách luyện tập và sử dụng não phải một cách hiệu quả đều ít nhiều có khả năng thần giao cách cảm để có thể di chuyển ý nghĩ và những quyết sách của mình trong cả ba vùng không gian (cao - rộng - sâu) và thời gian (quá khứ - hiện tại - tương lai).

Cho đến tận lúc này tôi chưa đọc được một tài liệu khoa học nào nói về mối liên hệ giữa não phải và những giấc mơ nhưng tôi cảm nhận rất rõ rằng có sự tương thích kinh khủng giữa hai địa hạt này. 

Với não phải, chúng ta có thể tưởng tượng để đi xa hơn trong một hiện thực và thậm chí có thể tưởng tượng rồi đi xa hơn trong chính những giấc mơ của mình.

Vậy thì rõ ràng, bỏ qua những giấc mơ là bỏ qua một phần vô cùng lý thú của cuộc sống, là bỏ qua một món quà lớn mà Thượng đế đã ban tặng cho mình. Vẫn biết thời đại ngày càng hối hả và áp lực, nhưng mỗi buổi sáng tỉnh giấc, hãy bỏ ra chỉ vài phút thôi để cố kiểm nghiệm lại những gì mà giấc mơ đem đến. 

Có thể lúc đầu bạn sẽ không nhớ gì cả, nhưng một lần, hai lần, ba lần... rồi bạn sẽ thấy mình đã được chạm vào những điều kỳ diệu như thế nào.

Sự kỳ diệu ngay khi đang sống, chứ không phải khi đã tuyệt diệt phần thể xác để bay về thế giới bên kia.

Phan Đăng
.
.