Tại sao cây cỏ cũng đau như người?

Thứ Hai, 10/09/2018, 10:58
Tại sao cái cây cũng biết đau? Tại vì có thể nó chứa đựng một đời sống mà chúng ta bây giờ vẫn chưa thể giải mã cho tường tận.

Những năm cuối đời, Tào Tháo - nhân vật gian hùng bậc nhất mà cũng anh hùng bậc nhất trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung sai lính chặt một cây lê khổng lồ để lấy gỗ làm điện Kiến Thuỷ. Khi lính về báo tin, cây lê ấy có thần linh ngự trị nên cưa không đứt, búa bổ không vào thì Tào Tháo nhất định không tin.

Tào Tháo liền dẫn vài trăm kỵ binh đến xem tận mắt cái cây đặc biệt ấy rồi nói: "Ta bình sinh trải khắp dưới gầm trời hơn bốn mươi năm nay, trên từ thiên tử, dưới đến thứ dân ai cũng phải sợ, yêu thần nào dám trái ý ta?" (Tam Quốc diễn nghĩa, tập 3, NXB Thời Đại 2010). 

Thế rồi Tào Tháo rút kiếm chém vào thân cây. Không ngờ máu từ thân cây túa ra, bắn vào mặt Tào Tháo, và kể từ đấy Tào Tháo mắc bệnh đau đầu không sao chữa nổi. Không lâu sau, Tào Tháo chết. Câu chuyện đậm chất văn học này nói với chúng ta về mối quan hệ nhân quả giữa con người và cây cối.

Quyền lực như Tào Tháo, ngạo nghễ tung hoành thiên hạ như Tào Tháo nhưng một khi dám "đụng" vào hồn cây thì cái giá phải trả cũng vô cùng khốc liệt. Đọc Tam Quốc rồi xem phim Tam Quốc, nhớ lại chi tiết "3 thực 7 hư" này, đôi khi chúng ta lại tự hỏi chính mình: Vậy thì rốt cuộc cây cối có linh hồn thật không?

Có một điều khá đặc biệt là cuộc đời các vị giáo chủ của các tôn giáo lớn trên thế giới đều gắn bó với một hoặc một số loại cây. Trong tôn giáo, kể cả tôn giáo dân gian bản địa lẫn tôn giáo chính thống, cái cây vì thế luôn có ý nghĩa cực kỳ thiêng liêng. 

Theo phong tục của xã hội Ấn Độ cổ đại xa xưa, khi hoàng hậu Mada trên đường về nhà cha mẹ đẻ để sinh đứa con đầu lòng thì bà đột nhiên trở dạ tại vườn Lâm Tì Ni. Và hoàng hậu đã vịn vào cành cây rồi sinh ra thái tử Tất Đạt Đa, người trở thành Đức Phật Thích Ca Mầu Ni sau này. Văn hoá Phật giáo thống nhất chắc chắn rằng hoàng hậu đã vịn vào cành cây, nhưng tranh cãi quyết liệt xem đó là cây gì. 

Một số văn bản cổ của Ấn Độ nói rằng đấy là cây sala, có hoa màu trắng, nhưng nhiều văn bản cổ khác lại bảo đấy là cây vô ưu, có hoa màu vàng đỏ. Nếu như cái cây trong ngày Đức Phật đản sinh vẫn còn gây tranh cãi thì cái cây trong ngày đắc đạo của ngài được thống nhất tuyệt đối: cây bồ đề. 

Hình tượng Đức Thích Ca khoanh chân, im lặng quán tưởng về thế giới dưới gốc bồ đề đã trở thành hình tượng bất hủ của Phật giáo. Bây giờ, rất nhiều người tới thăm Bồ Đề Đạo Tràng - nơi mà 2.500 năm trước một trong những người thầy lớn của nhân loại đốn ngộ chân lý rồi chờ đợi những chiếc lá bồ đề nhẹ nhàng rơi xuống. 

Có người từng kể, họ đã nhặt chiếc lá bồ đề xanh tươi đặt lên trái tim mình rồi nhắm mắt lại. Và trong một sát na quán tưởng nào đó, từ chiếc lá bồ đề chạm vào con tim, họ chợt như bỗng thấy sự hiện diện kỳ diệu của Đức Thế Tôn. 

Nếu những chiếc lá bồ đề ngày xưa chứng kiến khoảnh khắc Đức Phật tìm ra chân lý thì chiếc lá bồ đề hôm nay lại như những vị sứ giả giúp các Phật tử chân chính như được trở về với nguồn cội thẳm xưa nhất của mình, trong cái nơi thăm thẳm vi diệu nhất của lòng mình.

Bên cạnh cây vô ưu và cây bồ đề lần lượt gắn liền với ngày đản sinh và ngày đốn ngộ chân lý của Đức Phật thì cây sala - đích thực là cây sala với những cánh hoa trắng mộng mị nở tung lại chứng kiến khoảnh khắc Đức Phật nhập niết bàn. 

"Khi Phật và các vị khất sĩ tới được rừng sala thì trời đã xế chiều. Phật bảo thầy Ananda soạn chỗ nằm giữa hai cây sala, rồi Phật nằm xuống..., đưa mắt nhìn rừng cây và nói: Bây giờ đâu phải mùa hoa, mà những cây sala này đang nở hoa trắng xoá" - thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết những dòng như thế trong cuốn Đường xưa mây trắng. 

Kinh Đại bát Niết bàn thì viết, trong khoảnh khắc Đức Phật nhắm mắt, chính thức nhập Niết bàn, những cánh hoa sala trắng như bạch hạc tất thảy đều rơi xuống. Những bông hoa trắng rơi khắp khu rừng để cúng dường người thầy lớn của nhân gian lần cuối? 

Và những bông hoa trắng đang rơi phải chăng cũng để vô ngôn diễn ý tư tưởng lớn mà người thầy vĩ đại đã phát hiện ra: chư hành vô thường - vạn pháp vô ngã? Rõ ràng những cây vô ưu, cây bồ đề, cây sala đã lần lượt gắn bó với 3 dấu mốc lớn trong cuộc đời đức Phật, và có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh Phật giáo.

Nhưng cây cỏ với những đời sống riêng thầm, khó đoán biết của nó không chỉ hiện hữu trong những trang sách văn học hay tôn giáo, mà còn hiện hữu ngay trong chính cuộc đời thực của chúng ta. 

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, một trong những chuyên gia nghiên cứu văn hoá dân gian uy tín kể rằng ông từng nhiều lần vào rừng với người Ê Đê. Lúc ấy, trong khi ông sợ hãi ngó trước ngó sau thì người dân tộc lại rất bình thản, vì họ đồng nhất mình với đại ngàn.

Ông từng chứng kiến cảnh khi vào rừng chặt cây làm quan tài cho người thân vừa qua đời thì người Ê Đê đã ngồi hàng giờ để tâm sự, giãi bày với cây: "Mày có biết gia đình tao có người mới chết không? Tao rất buồn, nên tao phải chặt mày để chôn...". 

Theo ông Thịnh, những đối thoại như thế với họ là rất bình thường. Còn với người Kinh, từng có phong tục một người chết đi thì phải thắt khăn tang cho tất cả những cái cây mà người ấy từng trồng, từng chăm bẵm. Bằng không, người ta sợ cái cây vì thương tiếc gia chủ mà khô héo và dần chết theo.

Trong văn chương, trong tôn giáo và trong một phần nào đó của đời sống, việc xem cây cối như một người bạn tâm tình, rõ ràng đã và vẫn tồn tại hàng thế kỷ. Còn trong khoa học thì sao?

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, từng có một thí nghiệm nổi tiếng của nhà khoa học Cleve Backster - tác giả của chiếc máy phát hiện nói dối. Một lần Cleve Backster cắm hai đầu dây của điện kế vào một chiếc lá. Khi ông tưới nước vào gốc cây, nước ngấm dần lên thân, lên lá, chiếc điện kế đứng im. Nhưng khi ông mới chỉ có ý định đốt chiếc lá thì kim điện kế liền đập. 

Đến khi ông quyết định bật que diêm, đốt thật, thì kim điện kế không chỉ đập, mà đập liên hồi. Tất cả nói rằng: À, hoá ra cũng giống như con người, cây cỏ cũng biết sợ hãi, cũng biết lo âu. 

Sau khi thực hiện thí nghiệm này với khoảng trên dưới 30 loại cây khác nhau, Cleve Backster kết luận, mặc dù cây cối không có não, không có hệ thần kinh nhưng chúng có một khả năng mà các nhà khoa học đặt tên là: trực giác tâm linh. 

Với một trực giác tâm linh như thế, ắt hẳn cái cây cũng biết vui, cũng biết buồn, cũng biết lo lắng như con người vậy. Năm 1998, nhà khoa học Ingo Swann đã kể lại chi tiết những nghiên cứu để đời của Cleve Backster trong một cuốn sách có tên Chuyện có thật, và khẳng định: "Những cây cỏ xung quanh bạn biết bạn đang nghĩ gì".

Đến năm 2015, các nhà nghiên cứu của Đại học Missouri đã thực hiện một thí nghiệm đáng chú ý khác khi cho một con sâu ăn lá cây rồi quan sát và ghi lại những phản ứng của chiếc lá. Kết quả là những chiếc lá cây khi đó đều tiết ra một lượng tinh dầu mà ngôn ngữ khoa học gọi là "mustard oil - dầu mù tạt" nhiều hơn hẳn so với bình thường. 

Và loại dầu này được đánh giá là những chất độc hoá học để chống lại sự tấn công của những con sâu. Hẳn nhiên, các thí nghiệm trên một nhóm cố định các loại cây của Clever Backster lẫn nhóm nghiên cứu của Đại học Missouri có thể chưa mang tính đại diện cho hàng ngàn, hàng vạn những loại cây khác, nhưng ở một góc độ nào đó nó cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về một đời sống nào đó bên cạnh đời sống vật chất thuần tuý của cây cối.

Xã hội phong kiến với những cuộc tranh giành lãnh thổ và sự lên ngôi của thế quyền từng sản sinh ra một định đề nói lên mối liên hệ giữa con người và cây cỏ, đó là "coi mạng người như cỏ rác". 

Định đề ấy chứng tỏ, trong thế giới quan phong kiến, cây cỏ là đối tượng mà con người có quyền ngang nhiên giẫm bỏ. Đến xã hội hiện đại, một quan điểm như thế hẳn nhiên không tồn tại, nhưng con người hiện đại đã thực sự đồng cảm và thấu cảm với những rung động của tất thảy những loài cây cỏ xung quanh mình hay chưa, đấy là điều mà mỗi con người hiện đại nên đặt ra cho chính mình.

Tại sao cái cây cũng biết đau? Tại vì có thể nó chứa đựng một đời sống mà chúng ta bây giờ vẫn chưa thể giải mã cho tường tận.

Phan Mỹ Chí
.
.