Nhận thức nhờ học vấn, trí thức phải độc lập
- Khi tranh luận không dựa trên tri thức
- Một xã hội không chuộng trí thức là một xã hội gặp nguy hiểm20
- Tri thức phải là nền tảng căn bản
Người thiếu hiểu biết hoặc không được đào tạo và từ đó không có học vấn thì thường hay nghi ngờ, nhút nhát, sợ sệt và tầm nhìn trong việc đưa ra nhận định những vấn đề lớn sẽ rất hạn chế.
Tuy nhiên, học vấn không phải là cứ đọc nhiều sách hay sở hữu nhiều bằng cấp mà có được, mà phải thông qua quá trình giáo dục thực hành bài bản, có đầu óc tư duy độc lập và biết đặt ra sự hoài nghi đối với mọi vấn đề mình tiếp nhận. Chân lý cũng không nằm ngoài việc không ngừng đặt câu hỏi và nghi ngờ trước tiên mà ra. Học vấn xuất phát từ việc người ta được đào tạo qua trường lớp, lao động và thực hành, tất nhiên là không thể thiếu việc trau dồi kiến thức, thông tin qua sách báo, tài liệu, những người bạn hoặc đồng môn, cộng sự khác.
Vậy những người có học vấn thì giúp ích gì cho xã hội?
Người có học vấn là người có hiểu biết, có tư duy và trí tuệ, nên có thể đưa ra những phát kiến hoặc tạo nên giá trị mới cho xã hội. Thế thì học vấn quả thực là quan trọng.
Nhưng khi nào học vấn phát huy tác dụng đối với một quốc gia?
Đó là khi những người có học vấn nhận ra trách nhiệm của mình là cải tạo xã hội và truyền đạt những kiến thức đúng đắn cho người khác để người khác lĩnh hội, cùng biết mà hành động hoặc làm theo. Từ đó tạo nên những chuẩn mực chung cho xã hội.
Nhưng trong mọi trường hợp đều đòi hỏi những người có học vấn phải độc lập và không bị chi phối bởi bất kỳ yếu tố nào khác thì mới phát huy được trí tuệ nhờ sự khách quan của mình.
Minh họa: Lê Phương. |
Chẳng hạn, nếu đua nhau chui vào trong bộ máy nhà nước làm việc, trở thành viên chức chính phủ hay có lợi ích liên quan, thì riêng việc được hưởng bổng lộc từ chính phủ để an thân đã làm họ mất đi sự độc lập và làm nhụt chí của họ đi rồi. Mà trở thành viên chức của chính quyền chắc chắn ít nhiều sẽ bị chi phối bởi cả mệnh lệnh của quyền lực, phải tuân theo các loại quy chế, nguyên tắc của tổ chức ràng buộc, vừa bị ảnh hưởng bởi việc hưởng bổng lộc từ ngân khố, thế thì lấy đâu ra tinh thần độc lập để mà làm việc cải tạo xã hội nữa.
Vậy nên, việc có học vấn đã là việc quan trọng, nhưng vấn đề tiếp theo không thể thiếu đó là giữ được tinh thần độc lập và khí chất của một người trí thức thực sự.
Chính phủ cũng có người tài, cũng có người có trí tuệ và phẩm chất. Thế nhưng nếu ai ai cũng vào nhà nước cả thì lấy ai để mà sản xuất và làm việc, đặc biệt là sáng tạo khoa học và truyền dạy kiến thức đúng đắn cho những phần còn lại của quốc gia?
Nên để cân bằng lại việc thừa thãi lực lượng trí thức trong chính phủ, mà số này sẽ bị lệ thuộc vào chính phủ, thì xã hội cần có lực lượng trí thức độc lập, có tinh thần quả cảm và không ngại đứng mũi chịu sào trong việc chỉ ra cái sai, những bất cập của xã hội, của đất nước.
Đây là điều vô cùng cần thiết cho một quốc gia, vì nếu không có tai mắt của những người có đủ trình độ, tri thức để theo dõi chính phủ thì chính phủ có lạc đường hay làm sai thì lấy ai ra để chỉ cho họ thấy mà sửa đổi được đây.
Nên việc có học vấn mà phải độc lập quan trọng là như vậy.
Nếu người có học vấn vào nhà nước hết cả thì có phải sẽ sinh ra tâm lý là chính phủ sẽ nhủ thầm với nhau và cho rằng "đám dân ngu ngoài kia xứng đáng bị cai trị và chỉ được hưởng những quyền lợi như vậy" thôi không. Và số người dân thiếu hiểu biết còn lại ngoài chính phủ thì suốt ngày chỉ biết bực bội, phàn nàn rồi sinh ra chửi bới, phản đối mọi chính sách của chính quyền mà bất kể lý lẽ mỗi khi chỉ cần trái ý muốn của mình, là điều không cần phải dự đoán và bàn cãi gì ở đây cả.
Xét cho cùng thì mọi hành động như vậy chỉ gây ra sự phản cảm và hậu quả tiêu cực khi mà chính phủ cũng chẳng biết họ sai gì, cần sửa gì và sửa thế nào trước những người dân chỉ biết rầy la và kêu gào kia.
Vậy nên học vấn có giá trị lớn cho việc đấu tranh và cải tạo xã hội. Tất nhiên là chúng ta đấu tranh bằng lý lẽ, bằng sự hiểu biết của mình, thông qua luật pháp và trong hòa bình. Đòi quyền lợi chính đáng thì cũng phải bằng pháp luật, vì qua luật pháp thì ta mới có thể hiểu được quyền của mình, trình tự và thủ tục mà khiếu nại, kiện tụng chứ. Bằng thái độ nghiêm túc, sự kiên trì và trên cở sở lý lẽ khách quan thì chắc chắn là không một chính phủ nào sẽ thờ ơ và quay lưng lại với người dân của mình đâu. Tất cả đều là người dân trong một đất nước, dù là người dân trong xã hội hay chính phủ.
Tất nhiên, việc đấu tranh cũng như đòi hỏi quyền lợi và những mưu cầu về sự bình đẳng, tiến bộ là công cuộc dài lâu, không thể nóng vội, ngày một ngày hai là được. Vì vậy, phải giữ bình tĩnh và hết sức kiên trì, nếu không sẽ dẫn đến nững hành động ngoài ý muốn, mà rồi sẽ gây hậu họa cho mình, cho người khác và tạo ra tâm lý đối kháng từ chính quyền.
Điều này thực sự nguy hiểm và dễ dẫn tới những biện pháp trấn áp tiêu cực không đáng có và nguy cơ các cuộc bạo loạn Mà càng bạo loạn thì đất nước càng suy yếu đi, thế thì lợi dụng cơ hội này ngoại bang nhòm ngó và tấn công thì đất nước sẽ tan hoang và trở thành trận địa của chính người Việt chúng ta mà thôi.
Thế nên, dù có khác ý thức hệ, dù có được sinh ra bởi một phe thắng và một bên thua trong cuộc nội chiến từ lịch sử đi nữa thì chúng ta vẫn phải đề cao sự toàn vẹn và thiêng liêng của Tổ quốc, của dân tộc lên hàng đầu.
Đừng vì xung đột quan điểm, mâu thuẫn thế hệ mà trở nên hận thù sâu sắc và tìm cách để phá hoại đất nước. Những hành vi như vậy chỉ tiếp tay cho những quốc gia khác gây chia rẽ và nô lệ dân tộc ta thôi. Và người bị thiệt hại rồi sẽ chính là chúng ta cả, trong đó có thế hệ tương lai con cái của chúng ta, vậy chúng ta có nỡ lòng nào mà làm bậy chỉ để thỏa mãn và đạt được mong muốn chính trị của mình hay không?
Dân có yên thì chính phủ mới yên. Dân có giàu thì chính phủ mới mạnh. Dân có tin thì chính phủ mới được ủng hộ và có thể duy trì được lâu dài.
Gánh nặng quốc gia là gánh nặng chung của mọi người dân. Trong đó người có học vấn là người phải có trách nhiệm đi đầu trong công cuộc khai sáng và cải tạo xã hội, gìn giữ chuẩn mực và luật lệ quốc gia cùng chính phủ, nhưng không phụ thuộc hay dính dáng gì đến chính quyền ở đây.
Giới trí thức của ta đang dần mai một chí khí và lòng quả cảm. Một phần nhiều trong số họ dường như chỉ nghĩ đến bản thân mình, không lo gì mấy đến việc phụng sự quốc gia. Nhiều khi vì nể nang hoặc để a dua nhằm hưởng bổng lộc nên họ cứ im lặng hoặc là nói bừa, có ít chữ là cứ múa may để lòe bịp thiên hạ.
Học cho lắm, đọc cho nhiều để rồi đi buôn chữ chứ chẳng dạy ai ra hồn. Học thì không đến nơi đến chốn, cái gì cũng nửa vời, tưởng mình biết nhiều mà rồi ngay cái việc đơn giản nhất là nói lên chính kiến của mình cũng không làm được. Thế thì có phải là loại hèn nhát và bằng cấp chỉ để lòe bịp những người dân thiếu hiểu biết hay không.
Rồi trong cái số có học vấn này cũng không thể không kể đến những kẻ mà cái gì cũng có thể nói được, không biết cũng nói là biết, không hiểu cũng nói là thấm nhuần, chẳng có cũng quả quyết là nó sờ sờ ra đấy hay nó lù lù trước mắt thì lại bảo chẳng thấy gì, cốt chỉ để làm hài lòng cấp trên hay đám quan chức cạy quyền lộng thế mà thôi.
Mà số này thì ở xã hội ta nhiều, và với trách nhiệm đáng ra là người dẫn dắt xã hội đi lên thì chính họ lại làm cho xã hội ngày càng thụt lùi đi. Họ đáng ra phải là người giữ được khí chất cùng lòng quả cảm và có trách nhiệm khơi dậy cho người dân của mình, thì họ, chính họ lại là những kẻ hay thay đổi lập trường nhất, gió chiều nào theo chiều ấy, cốt để đạt được lợi ích cho bản thân và leo cao lên mà vênh váo, mà dọa nạt người khác và hưởng an nhàn cho bản thân.
Những đám buôn chữ như vậy thì có đáng để được tôn trọng và có giá trị gì cho xã hội hay không. Không. Mà chính là họ còn phá hoại đất nước và kỷ cương, luật pháp khủng khiếp hơn là những người dân ít học hoặc thiếu hiểu biết trong xã hội.
Và nếu chính phủ mà cứ dung dưỡng và duy trì những đám quen thói a dua, xu nịnh như trên thì cũng thật là đang rước hại vào mình khi tin tưởng vào những lời nói dối không chớp mắt, những bản báo cáo bằng những thông tin sai lệch,... dẫn đến chính phủ hoạch định chính sách sai lầm vì không nắm rõ được tình hình xã hội và những biến động thực tế của đời sống hay không.
Thế nên, những đám con buôn chữ nghĩa kiểu đó còn tồn tại thì còn tạo ra sự chia cắt xã hội và mâu thuẫn giữa người dân và chính phủ sẽ ngày càng thêm trầm trọng chứ còn phải tìm nguyên nhân đâu xa.
Và việc học vấn liên quan đến vấn đề đào tạo, giáo dục, mà rất cần những phản biện từ những người có học vấn độc lập với chính quyền. Một trong các giải pháp là cứ để các trường tư thục đảm nhận việc này, nếu chính phủ muốn tạo nên những thế hệ có trí tuệ, có khí tiết tự cường và lòng dũng cảm, với trách nhiệm của một người quốc dân để phụng sự cho quốc gia mình.
Vậy nên phải cương quyết loại bỏ những kiểu người mang danh trí thức như ở trên để mà vực dậy được khí chất của dân tộc, của quốc gia, nếu muốn con người và đất nước cường thịnh và văn minh.
Vì khí chất dân tộc có cường thì đất nước mới mạnh. Dân chúng có đồng lòng thì quốc gia mới thịnh.