Hà Nội cần khai thác tối đa giá trị di sản kiến trúc cổ

Thứ Hai, 17/04/2017, 09:59
Để làm gì? Để thực thi một mục đích rất cơ bản của Hà Nội hôm nay là phục vụ du lịch. Vì Hà Nội là thành phố đích đáng để du lịch. Du lịch cho chính người Việt, trong nước và ở nước ngoài, về với Thủ đô của quốc gia minh, "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm". (Lời ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi).

Và tất nhiên, du lịch cho người nước ngoài, muốn đến tận Hà Nội để chiêm bái, chiêm nghiệm các di sản văn hóa đặc thù Hà Nội, thủ đô Việt Nam, đặc biệt là kiến trúc đô thị cổ.

Với tuổi đời ngàn năm lịch sử, Hà Nội đã lưu giữ trong lòng Thủ đô cả 2 loại di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, theo luật định của UNESCO. Cho nên, Hà Nội muốn thành Thủ đô du lịch của Việt Nam, thì cử chỉ văn hóa căn cơ nhất mà đích thân Hà Nội phải làm là: khai thác tối đa di sản văn hóa của quá khứ, mà trong đó, di sản văn hóa vật chất, được hiển thị trong kiến trúc cổ, tồn tại hàng ngàn năm lịch sử trong lòng Thủ đô.

Một trong những di sản nổi tiếng và đặc hữu nhất của Hà Nội là phố cổ.

Hồi nhớ cách đây hàng thập kỉ, tôi từng đối thoại với nhà sử học Dương Trung Quốc, TBT tạp chí Xưa và Nay, trên Báo Lao động, khi chính ông đang ở một ngôi nhà phố cổ Hàng Ngang, tiếp nối phố cổ Hàng Đào.

Và chính ông đã nêu nghi vấn: Liệu có hay không phố cổ Hà Nội? trong một bài viết của chính ông trên tạp chí Xưa và Nay, cùng hai tấm ảnh phố Hà Nội mà tôi đã đọc. Và câu trả lời của ông là: Không. Khi ấy, tôi ngỡ ông cực đoan và quyết định đối thoại với ông sau bài viết. Tôi hỏi: Bây giờ, ông còn nghĩ thế nữa không, thì Dương Trung Quốc đã trả lời thẳng thắn, trên tinh thần vẫn nghĩ như thế:

"Tôi từng dự hội thảo về chủ đề phố cổ Hà Nội do Viện Goethe tổ chức. Tôi thấy có một băn khoăn, trăn trở xuyên suốt hội thảo: đó là ai cũng muốn bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo phố cổ Hà Nội, nhưng có điều lại chưa biết hay không biết: Thế nào là phố cổ Hà Nội?

Thực ra, vấn đề phố cổ Hà Nội từ lâu đã được đề cập, nhưng sự thực là chúng ta bất lực trong việc bảo tồn. Những dự án giao thông trong nội thành Hà Nội, dự án đi bộ trong phố cổ Hà Nội, đều có vẻ rất mờ mịt về ý niệm phố cổ Hà Nội, như một di sản để giữ gìn và phát huy.

Muốn bảo tồn, gìn giữ phố cổ Hà Nội đúng như một giá trị di sản, thì phải biết rõ giá trị đó ở đâu và như thế nào, thì mới mong bảo tồn chứ? Vì thế, ngoài giải pháp công nghệ để bảo tồn giá trị văn hóa vật chất của phố cổ, ta cần phải xác định xem những đối tượng được bảo tồn ấy, sẽ mang lại một tác động xã hội như thế nào.

Vấn đề quan trọng nhất của Hà Nội hôm nay là xác định và biểu thị những giá trị văn hóa cổ truyền của Hà Nội nghìn năm văn hiến, nhất là giá trị kiến trúc cổ Hà Nội. Nếu chưa hiểu rõ giá trị của kiến trúc cổ Hà Nội mà đã vội vã đưa ra khái niệm phố cổ Hà Nội, thì tác động xã hội của việc làm đó sẽ rất ít, thậm chí nếu không thận trọng, sẽ có hiệu quả ngược về mặt xã hội.

Chính trong cuộc hội thảo trên, một vị quan chức đã đặt vấn đề: Có phố cổ Hà Nội không? Tất nhiên, tôi khẳng định, Hà Nội là một kinh thành cổ, đã có lịch sử nghìn năm. Nhưng Hà Nội có phố cổ hay không, lại là vấn đề khác. Mấy chục năm gần đây, do việc quản lý thành phố buông lỏng, cuộc sống đô thị ở Hà Nội bị xáo trộn về nhà ở, kiến trúc đô thị, Hà Nội đã không còn là một đô thị văn hiến, xét về mặt kiến trúc.

Nếu so sánh với đô thị cổ Hội An, thậm chí vài đường phố xinh nhỏ cổ kính của thành phố Nam Định, thì Hà Nội không có những phố cổ như thế. Phải chăng vì chính những lý do ấy, một đạo diễn phim truyện đã không thể tìm thấy bối cảnh phố cổ cho bộ phim của mình về Hà Nội. Điều này có gì vui?

Kiến trúc Hà Nội có niên đại thực sự là niên đại cổ, đã bị xuống cấp nghiêm trọng và ngày càng bị xuống cấp, thậm chí không thể còn vẻ đẹp cổ kính của kinh thành Hà Nội nghìn xưa. Có chăng, kiến trúc Hà Nội bây giờ phần lớn chỉ còn dấu ấn của vài chục năm gần đây, thậm chí không phải là dấu ấn có từ trước Cách mạng Tháng Tám. Tôi rất mong điều tôi đã khẳng định là không có phố cổ Hà Nội, chẳng qua chỉ là sự nhầm lẫn. Song, tôi lại thấy sự thật Hà Nội không có phố cổ là quá hiển nhiên. Có điều, có nhà quản lý Hà Nội lại không muốn nhìn nhận sự thực đó thôi”.

Cũng tất nhiên, là người đối thoại, tôi đồng thuận với những lý giải sắc sảo về phố cổ Hà Nội và kiến trúc cổ Hà Nội của nhà sử học Dương Trung Quốc. Và tôi lục vấn ông: Vậy theo ông, nên tôn tạo và phát triển kiến trúc cổ Hà Nội theo hướng nào?

Thì ông vẫn thẳng thắn trả lời:

"Muốn làm gì thì làm, cũng phải trước hết xác định xem đâu là giá trị đích thực của phố cổ Hà Nội. Có thể khoanh vùng, tôn tạo để khai thác, phục vụ hoạt động du lịch, kinh doanh, dịch vụ... không? Hay là phát triển theo những giá trị văn hóa thực sự của dân tộc, với ý thức về bản sắc dân tộc trong việc lưu giữ gía trị cổ truyền? Và giới thiệu những gì thực sự đặc sắc nhất của Hà Nội xưa và nay? Nếu chỉ tính đến hiệu quả du lịch không thôi thì Hà Nội sẽ được gì, mất gì? 

Sự thu hút du khách cho một Hà Nội hôm nay có thể chỉ là một đoạn rất ngắn, như một cảm giác thoáng qua, nếu so với lịch sử Hà Nội ngàn năm. Đó không phải là văn hóa hưởng thụ Hà Nội bền vững và lâu dài.

Có thể thấy một văn hóa hưởng thụ chốc lát của Hà Nội hôm nay đang rất lộn xộn về kiến trúc (đủ kiểu lai tạp) và một Hà Nội không được quản lý, quá tải về dân số. Như thế, liệu Hà Nội có nên là một thành phố cho du lịch không? 

Phải nhận rằng Hà Nội không còn nguyên vẹn trong vóc dáng truyền thống và Hà Nội chưa có một văn hóa đô thị nền nếp, một đời sống pháp luật đô thị đúng nghĩa. Vì vậy, tất yếu chúng ta cần tôn tạo, bảo vệ và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, nhất là phải có những biện pháp khả thi, nhằm tạo ra một tập quán pháp luật cho người dân Thủ đô mà hiện nay đang thiếu vắng".

Tôi lục vấn tiếp: Tôi nghĩ rằng đến đây, thì ông có thể đưa ra một định nghĩa của riêng ông về phố cổ Hà Nội. Và theo ông, vậy hiện nay Hà Nội có khu phố nào mang dấp phố cổ?

Vẫn ông trả lời theo cách rất Dương Trung Quốc: "Một khu phố được coi là cổ phải bao gồm 3 thành phần. Đó là một khu - vùng lãnh thổ; phố - đặc trưng kiến trúc và cấu trúc không gian, với chức năng chính là sinh sống và hoạt động dân cư; cổ - định lượng ở thời gian, để lại trong dấu ấn vật chất của kiến trúc, như hoa văn, kiểu dáng...

Hà Nội sẽ phát triển rất nhanh và rất khác, về kiến trúc đô thị. Ảnh: L.G.

Nếu theo đúng chuẩn như vậy thì Hà Nội hiện nay không có khu phố cổ, mặc dù người ta đã hoạch định hoàn toàn chính xác: Hà Nội là vùng đất cổ. Đã từng có và từng được biết một khu phố cổ nằm trong lòng đất Hà Nội, nhưng tiếc rằng, tất cả những yếu tố đó chưa đủ định lượng để nói lên rằng Hà Nội hôm nay có phố cổ...

Theo dự đoán của tôi, đương nhiên, Hà Nội sẽ phát triển rất nhanh và rất khác, về kiến trúc đô thị. Và đã là một thủ đô nghìn tuổi thì phải đặt sự phát triển hiện đại trên cơ sở khai thác tối đa những giá trị của quá khứ. Nếu Hà Nội cứ phát triển theo kiểu các đô thị hiện đại, nghĩa là hệt như một thành phố phương Tây, thì sẽ không còn sức hấp dẫn và những giá trị cổ truyền của Hà Nội sẽ không thực sự được gìn giữ và bảo tồn...

* * *

Rõ ràng, ý kiến và nhận định về phố cổ Hà Nội của nhà sử học Dương Trung Quốc, dù đã qua hàng thập kỉ, song, vẫn mang sức mạnh phản biện đáng lưu ý về sự phát triển hiện đại cuả Hà Nội hôm nay, đang khát khao thành một thành phố du lịch đặc sắc nhất Việt Nam.

Và, dù nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định không có phố cổ Hà Nội thì Hà Nội vẫn sử dụng khái niệm phố cổ một cách mặc nhiên và vẫn phải tiến hành công cuộc phục chế những ngôi nhà lâu đời của mình.

Năm 1995, Ban Quản lý các dự án thí điểm phố cổ, phố cũ, trực thuộc Sở Văn hóa thông tin Hà Nội đã được thành lập. Năm 1998, Ban này đổi tên thành Ban Quản lý phố cổ, do phó chủ tịch thành phố làm trưởng ban, chủ yếu giải quyết vấn đề phố cổ ở quận Hoàn Kiếm. Năm 1995, Ban này đã đưa ra con số 1.000 ngôi nhà cổ. Năm 2000, sau nhiều vật đổi sao dời, con số này sụt xuống, chỉ còn số trăm...

Đến tháng 10-1999, kiến trúc sư Tô Thị Toàn, Phó Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: mới chỉ có độc nhất ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây, con phố nằm xuôi theo chiều lượn của sông Hồng, là được tôn tạo với số tiền 330 triệu đồng, một số tiền lớn hồi bấy giờ.

Năm 2000, tháng 4, một nhà cổ khác, ngôi đình cổ thì đúng hơn, số 38 Hàng Đào, được tôn tạo với chi phí lên tới 600 triệu đồng. Hai ngôi nhà được tôn tạo với tiền tỉ này là do hảo tâm tài trợ của thành phố Toulouse, Pháp, cùng đóng góp sức người sức của Hà Nội... Thế là ở giữa phố Hàng Đào đã hiện diện một ngôi đình được phục chế nghiêm cẩn, có cổng giữa đàng hoàng, dưới mái cổng là hàng 5 chữ Hán, màu đen, nổi bật trên nền vôi vàng.

GS. Trần Quốc Vượng từng cho biết, 5 chữ này là Đồng lạc quyến yếm thị. Nơi đây ngày xa xưa, khi Hà Nội còn là Kẻ Chợ, có phường bán yếm lụa ăn nên làm ra, đã xây ngôi đình của chợ bán yếm lụa. Đây cũng là nơi bán các sản phẩm tơ tằm của phường dệt nhuộm, may tay áo-yếm-váy kiểu truyền thống cho đàn bà con gái Việt.

Theo GS. Trần, ngày xưa, bên kia phố Hàng Đào có hồ Thái Cực, thông với hồ Gươm bằng con lạch nhỏ, sau bị lấp lại, thành phố Cầu Gỗ. Ngày xưa ấy, hai phường Đồng Lạc và Thái Cực cùng chung phố bán hàng, vậy nên Hà Nội 36 phố phường, đã hiển thị tình trạng độc đáo: "một phố hai phường" và "một phường hai phố"...

Và phố Hàng Đào, không phải ngẫu nhiên, với vị thế địa văn hóa đặc biệt của nó, đã thành cơ sở gốc rễ cho việc bảo tồn và phát huy di tích Đông Kinh Nghĩa Thục ở các số nhà số 4 và số 10 của chính con phố buôn bán sầm uất và cổ xưa này...

Từ những trường hợp trên, có lẽ Hà Nội phải nghĩ suy kĩ lưỡng về việc khai thác sao cho tối đa những giá trị di sản của quá khứ, sao cho những ngôi đình đẹp đẽ, từng tốn nhiều tiền của tu bổ, tôn tạo như 38 Hàng Đào chẳng hạn, đã bị một số nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, rốt cuộc, đã không được phát huy di sản, mà "chỉ là nơi vào ra của một nhóm người trong Ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội".

Và liền kề phố Hàng Đào, Nhà lưu niệm 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, cũng rơi vào tình trạng vắng khách tham quan, du lịch (theo ý kiến của GS. Lê Văn Lan)...

Và gần đây nhất, việc dự kiến dựng tượng Rùa vàng và Kong, (phim "Kong - đảo Đầu lâu") ở không gian thiêng quanh hồ Gươm đã khiến dư luận xã hội xôn xao, không đồng thuận. Vì thế, phải chăng, những sự việc đó, vẫn khiến Hà Nội không ngừng suy tư về việc khai thác cho đích đáng những giá trị di sản kiến trúc đô thị cổ và phố cổ Hà Nội? Đây sẽ còn là vấn đề vướng vào sự lúng túng trong hoạch định phát triển Hà Nội, và như thế, vẫn còn đó, những câu hỏi đang để ngỏ, chờ được trả lời...

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.