Những cánh đồng hoa mùa nước nổi

Chủ Nhật, 23/09/2018, 13:33
Không gieo trồng hay chăm sóc, cũng chẳng quy hoạch hay sắp xếp, mỗi khi mùa nước nổi tràn về, nhiều cánh đồng hoang vu ở vùng biên giới Đồng Tháp Mười bỗng nhiên bừng nở thành những… đồng hoa (dân địa phương gọi là bông). 


Những đồng hoa như tấm thảm hoa rực rỡ được bàn tay của người mẹ thiên nhiên thêu dệt không chỉ tô đẹp miền biên viễn mà còn là sinh kế quan trọng cho cư dân nghèo…

Ngỡ ngàng trước cánh đồng hoa

Đi lang thang miền biên ải nhiều lần, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm giác miên man đến tận cùng khi ngước mắt là nhìn thấy những tấm biển phân định ranh giới quốc gia được ghi rõ bằng hai ngôn ngữ. May mà còn níu lại được lòng mình với những cánh đồng mênh mông hoa để tin rằng trời đất rộng lớn, để hiểu rằng cuộc sống luôn tự có những điểm xuyết cho riêng mình, theo cách của riêng mình. 

Có cảm giác rằng, những cánh đồng hoa biên giới cứ trải dài ra mãi, vượt qua cái giới hạn đường biên thông thường. Cứ chỗ nào có nước là có hoa. Bởi trời đất, hoa lá cỏ cây, suy cho cùng làm gì có ranh giới nào ngăn cản được chúng. Chỉ có con người, tự làm mình nhỏ bé đi, bằng những đường ranh giới mà thôi!

Ban đầu, tôi từng nghĩ rằng những cánh đồng hoa đó do người dân trồng nhưng không phải. Chỉ rất ít đồng hoa được trồng, hầu hết là ở các khu du lịch. Còn lại đều là sản phẩm của tự nhiên. Nhiều cánh đồng sen ở vùng Đồng Tháp Mười hiện nay tuy tự nhiên nhưng lại “có chủ” bởi đó là đồng đất của các hộ dân không canh tác, để sen mọc quanh năm. 

Họ cũng thường đắp bờ cao xung quanh, thả thêm cá lóc hay tôm càng, hoặc cua để nuôi cùng nhằm tăng thu nhập. Việc phân biệt những đồng hoa hoang dã và những đồng hoa có chủ khá đơn giản, chỉ cần chú ý những bờ đắp bao xung quanh. 

Còn những đồng hoa ven sông, giữa mênh mông nước hay mọc lan man, chỗ thì chi chít hoa, chỗ lưa thưa vài cái lá bè bè trên mặt nước thì chắc chắn là sản phẩm của bà mẹ thiên nhiên. Mà những loài hoa của mùa nước nổi cũng lạ lắm. 

Nó giống y chang nhịp con nước vậy. Nghĩa là, chừng một tháng trước, đó chỉ là những cánh đồng, thậm chí còn là đồng khô gốc rạ thì khi nước phía thượng nguồn tràn về, chục ngày sau người ta đã thấy lấm chấm những chiếc lá non tơ trồi lên mặt nước. 

Đồng hoa sen ở Tuyên Bình.

Rồi cũng chỉ chục ngày nữa, giữa những lá ấy là các búp nhỏ xíu, nhọn hoắt nhưng mềm mại, mới tinh tươm vươn thẳng lên. Rồi sáng hôm sau, rồi tuần sau và suốt hai - ba tháng ròng mùa nước nổi, hoa cứ theo nhau bung nở, mênh mông.

Mới đây thôi, tôi chạy xe từ thị trấn Vĩnh Hưng, thị trấn xa xôi nhất của vùng Đồng Tháp Mười. Chừng 5-6 năm trước, Vĩnh Hưng tuy là thị trấn nhưng chỉ nhộn nhịp vì tỉnh lộ bất ngờ gãy gập tạo thành một ngã ba với cây cầu sắt ọp ẹp chứ không có gì khác. Ngay cả bây giờ, năm 2018, thị trấn vẫn vắng vẻ, buổi tối tìm mỏi mắt không có lấy một... quán nhậu.

Đi thêm 15km nữa tìm đến cửa khẩu Khánh Hưng, trời biên giới mới sáng sớm đã mưa. Mưa buồn buồn êm ả khiến ly cà phê bên cây cầu sắt quen thuộc chạy về Tân Hưng, Hồng Ngự, nhòa đi theo hơi nước như khói như sương. Và tôi đội mưa đi tiếp về vùng xa xôi cửa khẩu ấy để men theo con đường đất nhỏ dọc kênh biên giới Cái Cỏ về Hưng Điền, Thông Bình.

Trong làn mưa lất phất, vài cặp vợ chồng người Miên từ bên kia cửa khẩu chạy xe ngược chiều lên thị trấn bán chuột đồng, bán chim le le, cúm núm càng như tô điểm cho không gian hoang vắng biên thùy. 

Đúng lúc ấy, tôi gặp một dải, có lẽ cả cây số dọc theo thượng nguồn sông Vàm Cỏ Tây toàn hoa là hoa. Hoa súng tím mọc lan man như xóa nhòa dòng sông và đồng đất. Hoa và nước trải ra, bất tận. Đứng trên cầu X6 dõi mắt nhìn ra xa xa, tôi cứ ngỡ đang lạc lối vào xứ phù hoa nào đó, hoàn toàn không có thật.

Sống cùng mùa hoa

Nếu hoa mang đến cho tôi những ngạc nhiên, thi vị về vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất này thì những con người nơi đây lại đem đến một  sự thật trần trụi và khắc nghiệt. Đó dường như là một thế giới tương phản mà trời đất thường mang đến cho con người theo một lẽ công bằng nào đó. 

Để lấy được một bó bông súng phải cần tới hai người, thường là người khỏe mạnh, có thể ngụp dưới nước. Hoa súng phải rút tận bùn, lấy hết đầu ngó (rễ) nhu nhú mới có giá. 

Mà lặn dưới nước, rút không khéo hoa đứt thì giá trị còn rất thấp. Ngó bán có giá hơn bởi nó khó lấy và để được lâu hơn. Còn hoa, để qua ngày hôm sau bán đã không được vì nó héo tàn héo tạ.

Tôi còn nhớ một buổi sáng, từ quốc lộ 62 ở ngã ba Tân Thạnh (Long An) khi rẽ vào đường tỉnh lộ ĐT 819 ngược lên Tân Hưng, Tân Hồng, đã gặp rất nhiều người bán bông mùa nước nổi. Đủ loại, bông sen, bông súng, ngó sen, hạt sen, bông điên điển, so đũa hai bên lề đường. 

“Ở đây bông (hoa) cũng như chim trời cá nước vậy. Cứ nước về là chúng nở khắp nơi. Bây giờ bông đang là đặc sản, bán rất có giá. Bông súng bán được mười bảy ngàn một ký lô buổi sáng nhưng buổi chiều, tôi bán còn đúng mười ba ngàn. Mà cả cây súng, chỗ nào cũng bán được. Ngoài bông thì ngó súng có giá còn cao hơn, là hai mươi bốn ngàn đồng. Nói thực với các chú, mấy đợt gần đây tôi mới bán theo ký, chứ trước dân ở đây toàn mua bán theo bó. 

Người thành phố họ thích chính xác nên cũng phải đáp ứng theo. Rau súng người ta mua về nấu canh, ăn lẩu, ăn kèm với rau rất mát. Giờ mới đầu mùa nước, giá bông nào cũng mắc chứ một hai tuần nữa, mưa nhiều thì chỉ đúng mười ngàn một ký”, bà Lê Thị Chi, 51 tuổi, một người dân ở xã Kiến Bình (Tân Thạnh, Long An) chia sẻ.

Nhịp sống yên bình bên những đồng hoa.

Không riêng bà Chi, đi dọc tỉnh lộ ĐT 819 này, chúng tôi bắt gặp hàng trăm các điểm bán bông mùa nước nổi như thế nữa. Điểm nào cũng hao hao nhau, đều nằm bên lề tuyến tỉnh lộ mà chạy về hướng Nam thì vào sâu vùng biên giới Đồng Tháp Mười còn ngược lên phía Tây Bắc thì tới quốc lộ 62, rồi về TP Hồ Chí Minh. 

Với những cư dân vùng châu thổ, các tuyến lộ này rất quan trọng vì nó gần như là xương sống giao thông bởi ngoài nó ra, những tuyến đường đất nhỏ chỉ giúp người dân sử dụng xe máy. Muốn đi xa hơn, buộc phải qua các tỉnh lộ, quốc lộ. 

Còn nhớ cách đây ba mùa mưa, khoảng năm 2015, khi tôi đi qua đây, tỉnh lộ đang được đổ nhựa, nâng cấp, làm mới các cây cầu nên đường khó đi vô cùng. Dọc đường, hàng chục cây số không có một bóng người bởi hiếm hoi mới có xe máy chạy ngang qua, ô tô thì chưa đi được. 

So với bây giờ, cuộc sống hai bên đường của cư dân có nhiều thay đổi, theo chiều hướng tích cực hơn, chủ yếu là nhờ sự giao lưu mà tuyến đường đem lại. Và thú vị nhất có lẽ chính là những sạp bán bông hai bên đường. Nó thường khiến tôi nghĩ rằng, đây là tuyến đường bông chạy thọc về biên giới.

Cung đường tâm tưởng

Đi qua nhiều vùng đất biên giới mùa nước nổi, tôi thấy rằng những cánh đồng hoa như thế là nguồn tài sản vô giá của cư dân nơi đây. Tuy nhiên, nếu so với các mùa nước nổi khoảng gần chục năm trở lại đây, có thể thấy rằng, những cánh đồng hoa thế này đã thưa đi, hiếm hoi hơn khá nhiều. 

Nếu không phải là người địa phương, hoặc cần mẫn len lỏi khắp các ngóc ngách đồng đất hay rong ruổi trên những chiếc vỏ lãi thì thật khó khăn để chiêm ngưỡng được những đồng hoa hiện nay. 

Điều đáng buồn hơn, tôi đã thấy những cọc bê-tông, những mái tôn, những cần cẩu xây dựng xuất hiện ngày một nhiều ở dải đất xa xôi này. Nó, bằng cách này hay cách khác chắc chắn sẽ không chỉ trực tiếp chiếm lĩnh không gian đồng đất của những vạt hoa mỏng mảnh kia mà còn khiến chúng bị lụi tàn dần dần, theo những hiệu ứng khoa học gì đó.

Rất nhiều người trong chúng ta hẳn vẫn nhớ những bức ảnh được các nhiếp ảnh gia ghi lại những cánh đồng sen nở rực rỡ có mấy cô gái mặc áo dài trắng tha thướt đi qua, dăm đứa trẻ đạp xe bên những bó hoa súng cả cây dài tới mấy mét hay hình ảnh mấy cô thiếu nữ đội khăn rằn đứng trên ghe bầu hái bông điên điển. 

Tôi không phủ nhận đó đều là hình ảnh đẹp nhưng thực tế, nó khá xa lạ với cư dân đồng bằng. Người châu thổ ít ai như thế bởi đó là sản phẩm được các nghệ sỹ nghiếp ảnh sắp đặt, rồi sử dụng công nghệ chỉnh sửa trên máy tính, mờ mờ ảo ảo. Nó là hình ảnh “ăn gian” so với thực tế. 

Với tôi, những cánh đồng hoa của châu thổ phải gắn với những phận người ngụp lặn, tay sũng nước, đầu tóc ướt rượt ngoi lên từ đám lá tròn như cái nón mới là đẹp đẽ nhất. Nó đẹp đẽ bởi nó chân thật. Hoa của đồng bằng chỉ là chính nó khi gắn bó với những phận người nghèo khó, những nhịp sống quen thuộc đất trời nơi đây mà thôi.

Năm nay, vì nước nổi tràn về sớm nên lục bình vẫn chưa tàn dù những đồng hoa khác đã bung nở. Và có lẽ, đó cũng là lý do, năm nào hễ nghe tin mùa nước nổi tràn về là tôi lại ráo riết đi. Đi trên những cung đường biên giới thân thuộc để kiếm tìm những cánh đồng hoa, rồi ngất ngư đắm chìm vào đó.

Đoàn Đại Trí
.
.