Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thành công trên thương mại điện tử

Thứ Bảy, 23/12/2023, 06:37

Trước sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận nhanh phương thức bán hàng này, ngày 21 và 22/12, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với một số sàn TMĐT như: Amazon, Alibaba, Tiki... tổ chức chuỗi hội thảo, cung cấp những thông tin cần thiết giúp DN nắm bắt cơ hội tăng trưởng toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trong năm 2022, 2023 rất cao, hơn 20%/năm, đứng thứ 5 nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại hàng đầu thế giới. TP Hồ Chí Minh là thị trường lớn, nhưng TMĐT là kênh bán hàng tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ (DNVVN) các đơn vị sản xuất địa phương còn hạn chế trong tiếp cận, cũng như nắm bắt cơ hội để tăng trưởng doanh thu cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu (XK) thông qua TMĐT.

tmdt.jpg -0
Sản phẩm bán rất thành công trên TMĐT.

Nhiều DN cho rằng, nếu DN tự phát triển kênh TMĐT riêng sẽ mất rất nhiều thời gian, kinh phí nhưng cũng chưa hẳn đã tiếp cận được khách hàng mục tiêu. Trong khi đó, Việt Nam có đến hơn 90% DNNVV, thậm chí siêu nhỏ với công nghệ máy móc lạc hậu. Chính vì vậy, các DN đã chọn các sàn TMĐT toàn cầu Amazon và Alibaba để XK và đã có không ít DN thành công khi XK qua sàn TMĐT. Bà Phạm Trang Đài - Quản lý Tài khoản cấp cao, Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, trong năm 2023, giá trị XK của DN Việt Nam qua Amazon tăng hơn 50%. Số lượng đối tác bán hàng từ Việt Nam tăng 40%. Đồng thời, top ngành hàng dẫn đầu của Việt Nam trên Amazon có thể kể đến là sản phẩm nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc, làm đẹp... Có hàng ngàn nhà bán hàng Việt Nam đang kinh doanh trên Amazon, với 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam đã được bán ra trên Amazon trong năm 2023.

Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki thông tin,  năm 2022 cả nước có 362 siêu thị, đại siêu thị và 6.720 cửa hàng tiện lợi, siêu thị cỡ nhỏ. Nhưng riêng doanh thu TMĐT đạt 16,4 tỷ USD, đây là con số khổng lồ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có doanh thu TMĐT khoảng 6,2 tỷ USD. Điều đó cho thấy, kênh bán hàng TMĐT rất quan trọng đối với DN, đặc biệt là DNVVN khó có cơ hội chen chân vào hệ thống siêu thị, đại siêu thị.

Hiện, trên sàn Tiki đã có hơn 1.600 sản phẩm OCOP của các địa phương trong cả nước và rất nhiều sản phẩm bán rất thành công như gạo Tiền Giang, nước mắm Bình Thuận, miến dong Cao Bằng, kẹo dừa Bến Tre...

Thông qua kết nối cung - cầu, có khá nhiều DNVVN có thương mại thành công nhất định, tuy nhiên tỷ lệ DNVVN thành công còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10-20%. Những lý do chính dẫn đến việc các DNVVN chưa khai thác thác hiệu quả các kênh phân phối này là thiếu kiến thức về thị hiếu, về ngành hàng và không biết đối thủ cuả mình là ai. DN thiếu đội ngũ nghiên cứu, phát triển sản phẩm và vận hành; thiếu kết nối với chuyên gia với nhà cung ứng và kết nối thị trường… Vì vậy, các DN cần khắc phục ngay những điểm yếu này để đạt được hiệu quả kinh doanh trên sàn TMĐT.

Thúy Hà
.
.