Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho thị trường Tết?

Thứ Tư, 03/11/2021, 08:24

Việc chuẩn bị cho mùa tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán là điều mà bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng cần làm. Thế nhưng, mùa Tết 2022 sắp đến lại là mùa Tết hoàn toàn khác biệt so với những mùa Tết trước đây, nên nhiều đơn vị kinh doanh cũng đang loay hoay để “đuổi” theo xu hướng mới của người tiêu dùng (NTD).

Nhìn về triển vọng thị trường mua sắm trong mùa Tết Nguyên đán sắp tới, ông Trần Thanh Huy, chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết vẫn chưa định hướng được rõ ràng xu hướng mua sắm của NTD trong mùa Tết sắp đến. Lý giải nguyên nhân, ông Huy cho biết, mọi năm các loại thực phẩm của cơ sở sản xuất chủ yếu đưa đi tiêu thụ tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Nhưng đợt dịch COVID -19 vừa qua, nhiều người mất việc hoặc giảm đáng kể nguồn thu nhập, dẫn đến NTD cũng tiết kiệm chi tiêu, chỉ mua sắm những mặt hàng thật sự cần thiết chứ không mua đa dạng như trước đây. Mặt khác, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa mở cửa trở lại. Những điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh mà đơn vị đã đặt ra.

2.jpg -0
Các doanh nghiệp trưng bày hàng hóa để thăm dò nhu cầu của khách hàng.

Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tiêu dùng và bán lẻ, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TMĐT Gro 24/7 Vietnam, Giám đốc phát triển khách hàng Unilever Global cho rằng, việc chuẩn bị cho tiêu thụ dịp Tết là điều mà bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào cũng làm. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của thị trường Tết năm 2022 hoàn toàn khác so với Tết những năm trước.

Nếu như trước đây thời gian mua sắm Tết của NTD khoảng 6 tuần trước Tết, thì nay chỉ còn khoảng 2-3 tuần (là thời điểm vàng mua sắm Tết). Vì vậy, câu chuyện dự báo trong mùa Tết 2022 càng trở nên quan trọng hơn, không chỉ dự báo nhu cầu tiêu dùng, mà quan trọng nhất là… điểm rơi. Ngoài ra, NTD hiện nay cũng thay đổi thói quen, không dự trữ hàng Tết như trước, nên DN cung ứng cũng cần phải cân nhắc kỹ trong việc dự trữ hàng hóa.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, việc “sống chung với COVID -19” như hiện nay, dự báo cho nhu cầu tiêu dùng Tết cũng rất khó. Vậy nếu khả năng dự báo không tốt, thì phương án linh động được xem là cực kỳ quan trọng đối với DN. Theo đó, DN phải chuẩn bị tốt nguồn hàng, chuẩn bị tốt khâu logistic, để khi nhu cầu của khách hàng tới đâu thì DN đáp ứng theo tới đó. “Đây cũng được xem là một phương án tốt, nếu DN không có khả năng dự báo tốt. Bởi có rất nhiều thứ nằm ngoài dự đoán, chính vì vậy việc linh động và chuẩn bị nhiều tình huống, bám sát thị trường để tình huống nào mình cũng theo được”, ông Sơn nói.

Ở vị trí Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cho biết, thông thường trước đây khi chưa có dịch COVID-19, chỉ cần nhìn vào data (dữ liệu) và qua các năm thì có thể dự đoán xu hướng thị trường Tết năm tới sẽ như thế nào. Nhưng riêng thị trường Tết năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID -19 đã dẫn đến việc thay đổi hành vi, mua sắm Tết của NTD. Cụ thể, mọi hoạt động của NTD đều số hóa, nghĩa là mọi hoạt động của NTD hiện nay đều liên quan đến kỹ thuật số nhiều hơn, từ chuyện ăn chơi, đi lại, kết nối với mọi người, giải trí, quà cáp... đến việc mua sắm Tết.

Đặc biệt, thị trường quà Tết cũng sẽ có sự thay đổi lớn. Nếu như mọi năm, giỏ quà Tết được mua tặng trực tiếp cho khách hàng, đối tác... thì năm nay qua khảo sát cho thấy, 40% NTD ở TP lớn họ sẽ đặt giỏ quà Tết online rồi shipper sẽ giao tận nhà cho người được tặng chứ họ không gặp trực tiếp để tặng. Ngoài ra, một số người cũng cho biết, họ không có ý định mua quà Tết để làm quà tặng mà thay bằng việc gửi tiền, chuyển khoản cho người thân để làm quà tặng.

“Khảo sát của chúng tôi cách đây vài tuần cho thấy, 40% NTD được khảo sát nói, Tết mọi năm họ lên kế hoạch để đi về quê, đi du lịch, nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch COVID -19 nên giảm; 7% NTD cho biết sẽ đi du lịch trong dịp Tết 2022 (năm 2021 là 15%); 40% NTD nói sẽ về quê (Tết năm trước là 50 -70%), bối cảnh này cũng đã ảnh hưởng đến thị trường quà tặng khá lớn. Ngoài ra, NTD cũng sẽ tiết kiệm hơn trong việc chi tiêu, nên họ chỉ chọn mua những sản phẩm đúng với giá trị thật. Vì vậy, DN cần biết để chuẩn bị hàng cung ứng cho thị trường Tết”, bà Nga nói.

Ảnh hưởng dịch COVID -19 dẫn đến thói quen mua sắm của NTD trong mùa Tết sắp đến sẽ có nhiều thay đổi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: “Có lẽ chưa có khi nào người kinh doanh đứng trước những khó khăn như lúc này”. Bên cạnh việc dự đoán thị trường, chuẩn bị nguồn hàng, chuẩn bị logistic, thì việc bám sát suốt quá trình từ lúc bán hàng đến chăm sóc sau bán hàng DN cũng cần phải quan tâm. Bởi, nếu khách hàng không ưng ý sản phẩm đưa lên mạng thì sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì vậy, bà Hạnh cũng lưu ý các đơn vị kinh doanh không nên buông lỏng ở bất cứ khâu nào và cũng không quá tin vào một khâu nào, mà cần phải theo suốt một hành trình.

Thúy Hà
.
.