Đẩy mạnh đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam

Thứ Tư, 01/05/2024, 07:36

Theo các tổ chức nhận định, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dự báo tiếp tục tăng trưởng trong quý 2/2024. Đi cùng với sự tăng trưởng thì vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành TMĐT là một trong những yếu tố then chốt để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của TMĐT và kinh tế số (KTS).

Cầm tay chỉ việc

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tăng trưởng TMĐT của Bắc Giang bình quân đạt 17,6%; đến nay 100% các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh đã có mặt trên các sàn TMĐT và các nền tảng mạng xã hội. Năm 2023, vải thiều được tiêu thụ trên các trang TMĐT tăng gấp 1.000 lần so với vụ trước (đạt trên 8.000 tấn, trong đó có hơn 8 tấn vải thiều được xuất sang các nước châu Âu qua sàn TMĐT), đồng thời tiếp cận được nhiều khách hàng trên thế giới.

Để có những kết quả tích cực trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản qua sàn TMĐT, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã triển khai đồng bộ các biện pháp. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai phối hợp với các sàn TMĐT tổ chức tập huấn cho một số hợp tác xã, nông dân trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn theo phương thức "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ năng livestream bán hàng trực tiếp, cách tiếp nhận đơn hàng, chốt đơn, đóng gói, giao nhận và thanh toán…

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam -0
Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, Bắc Giang đã lựa chọn, hỗ trợ cho 15 DN, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của tỉnh như sàn: Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, San24h.vn, Shopee.vn, Lazada.vn; hỗ trợ 1 doanh nghiệp (DN) của tỉnh tham gia trên sàn TMĐT quốc tế Alibaba.com. Kết quả bước đầu đã có những khách hàng tại Anh, Pháp, Australia, Hà Lan, Đức ghé thăm và tìm hiểu… Tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến và kết nối, hỗ trợ tham gia sàn TMĐT cho các học viên là đại diện các DN, hợp tác xã, các hộ gia đình, thanh niên khởi nghiệp tích cực làm kinh tế mới trên địa bàn huyện, một số DN, hợp tác xã tại địa phương. Hiện Bắc Giang đã có gần 115.000 DN, hợp tác xã, hộ gia đình được khởi tạo tài khoản và thực hiện giao dịch trên các sàn TMĐT.

Tuy nhiên, bà Vũ Thanh Loan, đại diện Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Lào Cai cho biết, hiện nay, Lào Cai có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu nhưng đầu ra cho các sản phẩm địa phương vẫn chủ yếu thông qua các hội chợ xúc tiến thương mại, các nhà phân phối nhỏ lẻ, một số đã bắt đầu bán qua các trang mạng xã hội, sàn TMĐT, song không nhiều. Đa số các hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ chưa hiểu các quy trình, quy định để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Do đó, việc đào tạo, hỗ trợ các DN bán hàng trên các sàn TMĐT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đầu ra cho sản phẩm địa phương, giúp DN tăng doanh thu và hướng tới phát triển kinh doanh bền vững.

Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS) - Bộ Công Thương), để khai thác tốt hơn lợi thế của mỗi vùng, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, thì vấn đề liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển TMĐT rất quan trọng. Hiện, nguồn nhân lực TMĐT ở Việt Nam khá trẻ và có khả năng tiếp nhận công nghệ mới nhanh nhạy, có thể khởi nghiệp trên môi trường số... Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động đào tạo nhân lực TMĐT ở Việt Nam.

Để phát triển TMĐT bền vững, thời gian qua, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT năm 2024 trên địa bàn; trong đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về TMĐT là một trong những nội dung quan trọng, được địa phương ưu tiên hàng đầu. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2024.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2024, TP Hà Nội đặt mục tiêu 2.000 tổ chức, cá nhân, DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT; mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng… qua các kênh TMĐT; đẩy mạnh giao dịch TMĐT xuyên biên giới giúp các DN thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cập nhật những chính sách mới về TMĐT cũng như hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, năm 2024, Trung tâm Phát triển TMĐT (EcomViet- Cục TMĐT &KTS) phối hợp với các Sở, các sàn TMĐT xuyên biên giới như Amazon, Alibaba và các sàn TMĐT trong nước tổ chức triển khai hàng loạt chương trình kết nối TMĐT kết hợp đào tạo, tập huấn TMĐT tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước...

Lưu Hiệp
.
.