Di dời cơ sở ô nhiễm: Sở, ngành 'hững hờ', doanh nghiệp 'ngơ ngác'

Thứ Hai, 28/09/2015, 08:54
Khi đoàn khảo sát của Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP Hà Nội làm việc, Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Nhà máy bia Đông Nam Á đều tỏ ra “ngơ ngác” về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội thành Hà Nội.

Cùng với nhiều sự thờ ơ của các ban ngành, việc di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn chậm chạp theo kiểu “nước chảy bèo trôi”. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành đề xuất tiêu chí, danh mục, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch tại 12 quận nội thành (theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại Thông báo số 204/TB-VP ngày 18/6/2015). 

Đồng thời các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ban Kinh tế và Ngân sách, tham mưu, đề xuất UBND TP chỉ đạo đẩy mạnh công tác di dời các cơ sở ô nhiễm trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu hoàn thành các nội dung trên, báo cáo UBND TP trong tháng 9/2015.

Trước đó, thực hiện Chương trình công tác năm 2015, Ban Kinh tế và Ngân sách, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức khảo sát tình hình, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

Ban Kinh tế và Ngân sách nhận thấy kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với yêu cầu. Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo xác định đối tượng di dời, lộ trình di dời hoàn thành xong trong năm 2015, tuy nhiên đến nay mới di dời được 41/134 cơ sở phải di dời ngay. Kết quả đạt được chủ yếu do sự chủ động thực hiện của các cơ sở sản xuất, vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. 

Việc xác định tiêu chí, phân loại, hướng dẫn tổng hợp lập danh mục, biện pháp di dời chưa thực sự rõ ràng, đồng bộ, chưa gắn với kế hoạch lộ trình cụ thể, nhất là cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp phải di dời ngay trong các quận nội thành. Trên cơ sở rà soát, tổng hợp năm 2009, các cơ quan chuyên môn chưa tham mưu để UBND TP phê duyệt chính thức làm căn cứ triển khai và kiểm điểm tiến độ. 

Qua khảo sát thực tế tại 2 đơn vị thuộc nhóm ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường nguy hại hoặc không phù hợp với quy hoạch, Đoàn khảo sát nhận định: Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng đã chủ động di dời một bộ phận sản xuất gây ô nhiễm sang địa phương khác, cơ bản chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, đã chủ động lập báo cáo tiền khả thi về phương án di dời cơ sở sản xuất tại 231 đường Nguyễn Trãi. 

Còn Nhà máy bia Đông Nam Á có địa điểm sản xuất nằm trong khu dân cư đông, quá trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường và bị xử phạt hành chính. UBND quận Hai Bà Trưng báo cáo với Đoàn khảo sát cử tri phường Minh Khai nhiều lần kiến nghị nhà máy cần khắc phục gây ô nhiễm hoặc dừng sản xuất, sớm di dời ra khỏi khu dân cư.

Kết thúc khảo sát, Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND TP) đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các ngành sớm tham mưu, tổng hợp báo cáo về tiêu chí, danh mục và thời hạn chót các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biện pháp di dời và lộ trình thực hiện theo quy định, phù hợp khả năng nguồn lực và đảm bảo khả thi. Chỉ đạo các sở, ngành của TP chủ động làm tốt hơn công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch, trong đó đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

Chi Linh
.
.