Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phản ánh bức tranh kinh tế tươi sáng

Thứ Tư, 06/05/2020, 07:00
Ngày 5-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 dựa trên khảo sát gần 12.500 doanh nghiệp. Theo đó, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh tươi sáng hơn.


Theo báo cáo được công bố, Quảng Ninh là tỉnh năm thứ ba liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng với 72,4 điểm, tăng 3 điểm so với PCI 2019. Kế đến là Đồng Tháp 72,1 điểm, Vĩnh Long 71,3 điểm và Bắc Ninh 70,79 điểm. Tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu này là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng.

Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Báo cáo PCI 2019 cũng cho thấy, tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng đã nâng tầm chất lượng điều hành và khoảng cách giữa các tỉnh đầu và cuối dần thu hẹp khi điểm số của tỉnh Lai Châu đứng cuối bảng xếp hạng là 59,95.

Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019.

Trên Lai Châu là Đắk Nông có 60,50 điểm. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, PCI 2019 là biểu hiện của niềm tin vào những mùa vàng. Kết quả điều tra PCI 2019 cho thấy bức tranh khá sáng sủa về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương duy trì xu hướng tích cực. Điểm số PCI trung vị đạt mức cao kỷ lục.

Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Nói về các ghi nhận quan trọng trong PCI, Chủ tịch VCCI dùng hình ảnh “Như 7 sắc cầu vồng trên bầu trời thể chế: Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có nhiều tiến bộ; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; tính minh bạch được cải thiện; cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; chi phí không chính thức tiếp tục giảm; cải cách hành chính được đẩy mạnh…

Trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đó là những con số của niềm tin”.

Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi các địa phương ở nhóm thấp vượt lên, thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, các "ngôi sao cải cách" mấy năm qua vẫn chưa bứt phá đáng kể. Ở điểm này, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét, đang có hiện tượng "đụng trần" thể chế khi luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.

Bên cạnh đó, hành trình cải cách dường như mới chỉ dừng lại ở những việc làm còn tương đối dễ dàng. Một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% doanh nghiệp gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư...

Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Một điểm đáng chú ý là năm nay, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động với lao động, việc làm…          

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để luôn theo sát, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, Quảng Ninh không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm, chủ động thiết lập nhiều kênh, nhiều cách thức khác nhau để lắng nghe, tạo không gian mở và thân thiện, gần gũi giữa chính quyền các cấp, sở, ban ngành với nhà đầu tư, doanh nghiệp; đồng thời, thực hiện hiệu quả “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, “đồng hành cùng doanh nghiệp” với nhiều giải pháp thiết thực.

Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, năm 2019 đạt 12,01% (là mức tăng trưởng cao, hai con số trong 4 năm liên tiếp trở lại đây); tổng thu ngân sách 46.641 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 34.625 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 6.135 USD/người/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,52%. (V. Huy)

Hà An
.
.