Đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Sáu, 17/04/2020, 08:59
Chiều 16-4, lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch COVID-19.

Đặt vấn đề với lãnh đạo TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, BRG kinh doanh đa ngành chịu ảnh hưởng nặng nề sơ bộ 1.000 tỷ đồng. Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Chủ tịch BRG đề nghị thành phố (TP) cử Công an các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì hiện nay người dân đến rất đông cũng như hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân gold nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang).

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Bà Nga cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giảm thuế cho doanh nghiệp đến 50% và áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng...

Tại Hội nghị, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ngay từ khi bùng phát dịch, đơn vị đã tích cực tham gia phòng chống, là đơn vị liên quan trực tiếp theo các chương trình của Đảng, Nhà nước và Hà Nội. Sau hai tuần giãn cách xã hội, lượng khai thác của các hãng hàng không ở Việt Nam chỉ còn khoảng 2 - 5% năng lực. Vietnam Airlines được giao bay nhiều nhất cũng chỉ có 3 đường bay nối Hà Nội - Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh. Còn một số đường bay quốc tế chủ yếu là chở hàng y tế, xuất nhập khẩu, đưa công dân nước ngoài hồi hương, đón công dân Việt Nam về nước.

Liên quan đến tác động của dịch bệnh, ông Thành cho biết, vận tải và du lịch đương nhiên chịu tác động đầu tiên. Việc ngừng hoạt động bay cũng là tham gia vào công tác phòng chống dịch. "Ảnh hưởng rất lớn và ngay lập tức. Đến thời điểm hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam dừng máy bay trên 90%. Nếu ở góc độ toàn cầu, cả thế giới có 21 nghìn máy bay thì dừng 19 nghìn. Trong 100 năm phát triển của ngành hàng không chưa từng có tình trạng này. Tất cả nền kinh tế lớn toàn cầu đều đóng băng để chống dịch. Cái này là một khó khăn không có tiền lệ", ông Thành nói.

"Đến thời điểm này thì chúng tôi cũng không đặt vấn đề lỗ lãi nữa. Quan trọng nhất là giải pháp hành chính, đặt ra vấn đề phục hồi thế nào mới là quan trọng", ông Thành nói. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, với quy mô 100 máy bay, ảnh hưởng đến thời điểm hiện tại, nếu sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, có các cơ chế đảm bảo, phải tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.

"Cho nên với mọi doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà phải đặt vấn đề là trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Có ngành thì ảnh hưởng 1, 2 năm, có ngành thì 5 năm", ông Thành nói.

Đại diện FLC cho rằng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng COVID-19 đang kéo dài, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5-6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp. Đại diện FLC mong kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.

Kiến nghị về thủ tục hành chính, bà Thái Hương, đại diện Tập đoàn TH True Milk mong muốn TP chỉ đạo UBND Đông Anh chấp nhận bàn giao GPMB đã đền bù xong khoảng 2/3 để kịp tiến độ dự án mà tập đoàn đang triển khai. Đồng thời, kiến nghị TP nên tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để chỉnh trang đô thị, cải tạo vỉa hè, cải tạo công viên...

Đại diện Tập đoàn Vingroup nêu khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ôtô, xe máy... Về du lịch, dịch làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này, lỗ khoảng 3.000 tỷ. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Tập đoàn Vingroup đề xuất giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, về các biện pháp giãn, hoãn, giảm trong lĩnh vực thuế, VCCI sẽ tiếp thu, nhưng cũng cho rằng ngân sách Nhà nước hiện rất hạn hẹp. Vì thế ngân sách cần phải thực hiện có hiệu quả, đúng địa chỉ. Bên cạnh nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương, phải nêu cao trách nhiệm của các hiệp hội doanh nghiệp để kết nối và giám sát quá trình thực thi.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho rằng, hiện thế giới cũng chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Quý 1, Việt Nam dù tăng trưởng cao so với thế giới, nhưng cũng chỉ được một nửa so với năm ngoái. Quý 2 dự kiến còn khó khăn hơn.

“TP xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân để có tăng trưởng. Những gì vượt qua thẩm quyền của TP, thì chúng tôi sẽ trình Thủ tướng và Quốc hội để sửa đổi. Chúng ta tìm công thức win - win, TP tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp hiến kế cho TP vượt qua khó khăn này, duy trì đà tăng trưởng", đồng chí Vương Đình Huệ cho biết.

Theo Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ, TP sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn TP được kích hoạt, thông suốt.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội phúc đáp các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung cam kết TP hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đồng ý phương án cho doanh nghiệp vận chuyển vật tư từ kho vào thẳng công trường, gồm cả cột, dầm bê tông, máy móc… vì đường vắng; nhưng phải đáp ứng việc phun khử khuẩn, kiểm dịch… Về thủ tục hành chính, Chủ tịch Hà Nội cũng cam kết sẽ có cải thiện, dù việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến “có ảnh hưởng một chút vì vụ Nhật Cường”.

Ngọc Yến
.
.