Đầu tư cảng container gây thất thoát vốn Nhà nước của Công ty IPC

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:55
Dự án cảng container Trung tâm Sài Gòn tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC- DNNN) và đối tác nước ngoài là Công ty P&O Port góp vốn thành lập Công ty Liên doanh cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT) từ năm 2005.

Để thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư là 411,3 triệu USD với mục tiêu đạt công suất khai thác 950.000 container/năm, trong đó giai đoạn 1 mức vốn đầu tư của dự án là 261,3 triệu USD, vốn điều lệ của Công ty SPTC được các bên liên doanh ấn định ở mức 101,75 triệu USD và công ty IPC góp 20%, tương đương 20,35 triệu USD.

Đến nay, dù chỉ mới đầu tư xong giai đoạn 1, nhưng cảng này đã lỗ triền miên. Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, lỗ lũy kế của Công ty SPCT đến năm 2017 đã vượt qua mức vốn điều lệ của DN khi khoản lỗ đã lên tới hơn 139 triệu USD.

Dự án cảng container Trung tâm Sài Gòn do IPC góp vốn bị thua lỗ.

Cảng SPCT được hình thành trên khu đất có diện tích hơn 385.000m2 và 1.000m2 diện tích mặt nước tại KCN Hiệp Phước. Đây là phần đất nằm trong tổng diện tích hơn 2,2 triệu m2 đất xây dựng KCN Hiệp Phước được TP Hồ Chí Minh cho Công ty IPC thuê từ năm 1997 trong thời hạn 50 năm để đầu tư xây dựng KCN Hiệp Phước. Năm 2006 IPC đã ký hợp đồng cho Công ty SPCT thuê lại khu đất trên đến năm 2048 với đơn giá cho thuê là 33 USD/m2, tổng số tiền IPC thu về là hơn 12,7 triệu USD.

Theo đánh giá của Thanh tra thành phố, dù cảng SPCT đã được hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác từ tháng 10-2006, song hoạt động của cảng này từ khi đưa vào khai thác đến nay không hiệu quả. Cụ thể, theo báo cáo của IPC thì ngay từ năm 2010, cảng SPCT đã lỗ gần 60 triệu USD. Từ đó đến năm 2017, năm nào cảng SPCT cũng trong tình trạng thua lỗ, năm lỗ nhiều nhất là 2014, gần 19 triệu USD; năm thua lỗ ít nhất là 2017 hơn 6 triệu USD.

Trong khi tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 để làm cảng đã ở mức hơn 216 triệu USD, vốn điều lệ của Công ty SPCT chỉ có hơn 101 triệu USD nên ngay từ khi chưa hoạt động, Công ty SPCT đã phải đi vay ngân hàng 100 triệu USD để đầu tư, thế chấp bằng chính tài sản của Công ty SPCT, gồm toàn bộ hệ thống hạ tầng, cầu cảng. Đến nay khoản vay này công ty SPCT mới chỉ trả được phần gốc nhỏ khi vẫn còn nợ ngân hàng hơn 94 triệu USD nên cảng SPCT vẫn là tài sản thuộc ngân hàng. IPC còn phải gánh nợ tương ứng với phần vốn góp 20% trong Công ty SPCT tương đương mức 18,9 triệu USD.

Như vậy, ngoài số tiền góp vốn điều lệ là 20,3 triệu USD ban đầu và gánh khoản nợ vay ngân hàng trên, những năm qua IPC còn ngang nhiên rút quỹ để hỗ trợ Công ty SPCT dưới hình thức cho vay số tiền là 10,3 triệu USD ngay trong thời gian Công ty IPC phải nhiều lần đi vay ngân hàng và phải trả lãi số tiền hơn 8 tỉ đồng.

Thua lỗ triền miên, lẽ ra lãnh đạo Công ty IPC phải tìm cách cắt lỗ, rút khỏi Công ty SPCT, nhưng ngày 10-6-2014, đại diện DN này đã làm văn bản kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương, cho phép IPC hỗ trợ vốn cho Công ty SPCT dưới hình thức cho vay dài hạn, không lãi trong thời gian cảng SPCT thua lỗ với số tiền dự kiến cho vay là 12 triệu USD.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 16-7-2014 lãnh đạo Công ty IPC tiếp tục có văn bản kiến nghị UBND thành phố không thu hồi khoản tiền IPC đã hỗ trợ cho Công ty SPCT vay do DN này đang thua lỗ, tiếp tục phải tái cấu trúc tài chính. Đồng thời, đại diện IPC còn đề nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho IPC hỗ trợ vốn cho Công ty SPCT trong thời gian thua lỗ, dự kiến đến năm 2017 với tổng số tiền là 5,5 triệu USD và UBND thành phố có văn bản trình Chính phủ về việc này.

Tiếp đó, ngày 6-8-2014, IPC một lần nữa có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho IPC được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ góp vốn đối với khoản vay của Công ty SPCT để hỗ trợ vốn cho Công ty SPCT 5,5 triệu USD.

Chấp nhận đề nghị này, sau đó UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và ngày 21-5-2015, Văn phòng Chính phủ có ý kiến phản hồi. Trong đó, đối với khoản hỗ trợ vốn cho công ty SPCT, Chính phủ giao TP Hồ Chí Minh chỉ đạo công ty IPC thực hiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, khoản thua lỗ do IPC đầu tư vào công ty SPCT vẫn còn nguyên; nợ ngân hàng chưa thể trả nên tài sản của công ty SPCT hầu như chẳng còn gì khi đã bị đem toàn bộ thế chấp ngân hàng.

Đ.Thắng
.
.