Nắng mới trên bản Mông

Thứ Bảy, 10/02/2024, 12:09

Năm mới đến gần, miền đất rẻo cao Bắc Yên (Sơn La) như vùi mình trong giấc ngủ cùng giá lạnh, sương muối trải dài từ mặt cỏ, ôm lấy từng kẽ lá, tán cây. Những mái nhà pơ mu ẩn hiện trong làn sương sớm, mùi của đất, mùi của rừng, mùi của tán cây ngọn cỏ đang bật nẩy mầm quyện trong làn sương mờ ảo.

Thời tiết vùng cao dẫu lạnh nhưng khi bắt gặp sắc đào rừng tươi thắm trên núi cao hùng vĩ, ai cũng thấy ấm áp. Sắc đào như đốm lửa hồng xua tan buốt giá nơi miền đất này. Xuân đã về với bản, với mường…

Nơi “cơn bão” đi qua…

Năm mới còn nửa gang tay, chúng tôi có chuyến đi xa về với đồng bào Mông. Tờ mờ sáng, khi tất cả còn chìm trong giấc ngủ, chúng tôi lục đục cho chuyến đi, lần thứ hai trở lại xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La nhưng cảm xúc thì vẫn nguyên vẹn như 2 năm trước. Gần 4 tiếng đồng hồ từ TP Sơn La lắc lư trên xe để đến được với trung tâm xã, sương giăng dày lối, mây phủ kín đường. Con đường ướp mình trong sương lạnh đã vạn năm, người với người cách nhau một sải tay không nhìn thấy mặt, sương đêm quánh đặc, ngỡ như người cầm con dao cắt được thành từng khúc. Trên là trời, dưới là vực, những mái nhà pơ mu thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện trong sương. Lù mù dò đường đi, tới xã khi đồng hồ chỉ đã gần trưa, đón chúng tôi là cấp ủy, lãnh đạo xã cùng Thiếu tá Thào A Phóng, Phó trưởng Công an xã và đồng đội. Cái bắt tay thật chặt cùng những nụ cười hiền hậu dường như đã xua tan cái rét như thấu từng thớ thịt.

Chúng tôi ngỏ ý muốn đến bản Háng Đồng C, nơi mà các anh Công an xã kể về những người đã từng theo cái gọi là “Nhà nước Mông” nay đã tìm thấy ánh sáng, vươn lên thoát nghèo, làm lại cuộc đời. Đến Háng Đồng C, những tay lái không quen không ai dám đi ôtô vào bản. Cán bộ Công an xã dẫn chúng tôi đi bằng chiếc xe Wave đã cũ, có những đoạn xóc ngược lưng, có đoạn lại tuột dốc thăm thẳm. Đi tưởng hụt hơi thì tới bản người Mông này.

39-1.jpg -0
Cán bộ Công an huyện Bắc Yên (Sơn La) thường xuyên xuống địa bàn thăm hỏi bà con dân bản.

Nhớ lại những tháng ngày đen tối, dân bản nơi đây bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ đi theo cái gọi là “Nhà nước Mông”, không chỉ có vậy, một số đối tượng hoạt động với vai trò chủ mưu, cầm đầu, đã xuyên tạc sự thật, kích động và tổ chức đưa  người vượt biên sang Lào tham gia vào hoạt động này. Mùa A Dơ (sinh năm 1996, ở bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên) cũng là một trong số đó. Mùa A Dơ được trở về địa phương từ tháng 8/2023 sau một thời gian chấp hành án phạt tù tại Trại giam Nà Tấu.

Mùa A Dơ kể lại với chúng tôi, khi đó để thực hiện việc lôi kéo anh và một số người khác trong bản đi theo cái gọi là “Nhà nước Mông”, các đối tượng xấu đã đánh vào hiểu biết còn hạn chế của anh và dân bản, tung ra những thông tin mang tính chất hoang đường, lợi dụng việc mê tín dị đoan như “sắp có họa lớn”, “sắp đến ngày tận thế”... để lừa phỉnh, lôi kéo, làm cho anh và một số người khác hoang mang, lo sợ. “Do không hiểu biết nên tôi hy vọng vào sự xuất hiện của một vị cứu tinh nào đó để giúp đồng bào Mông trên khắp các bản làng thoát kiếp nghèo khó, nhưng không cần phải làm lụng vất vả” – Mùa A Dơ nói.

Tin lời chúng, Mùa A Dơ cùng một số người khác đã theo các đối tượng xấu vượt biên sang Lào để cùng tập hợp lực lượng, từng bước thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông”, tuy nhiên sang đến nơi, Mùa A Dơ cũng như bao đối tượng khác mới “vỡ mộng nơi xứ người”. “Ở đó cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sống chui sống lủi trong rừng sâu, tôi rơi vào thế tiến không được, lùi cũng không xong vì đã trót nghe lời nên phải đành nghe chúng đến cùng” – Mùa A Dơ nói.

Ngày hôm nay, khi đã chấp hành xong án phạt tù và được trở về với vợ, bố mẹ, Dơ đã nhận ra cái sai của mình. Dù mới về chưa đầy 4 tháng, tuy còn nhiều khó khăn, vất vả với cuộc sống đời thường, nhưng với sự quan tâm, động viên của bà con, chính quyền bản và lực lượng Công an, Dơ đã bắt đầu một cuộc sống mới trên chính quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên; bắt đầu quay trở lại việc lao động sản xuất để có tiền trang trải, nuôi con, nuôi gia đình.

Ở xã Phiêng Ban, Mùa A Kỷ cũng giống như Mùa A Dơ, cũng bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ bằng những lời mật ngọt bên tai… Nhớ lại vào thời điểm năm 2014-2015, khi đó gia đình quá nghèo, làm nương, làm rẫy cũng chẳng đủ ăn, nên chàng thanh niên Mùa A Kỷ cũng mang trong mình nhiều tâm tư. Điều anh muốn đó là có một cuộc sống sung túc, giàu sang, nhưng không cần phải lao động vất vả… điều đó thật trùng khớp với những lời lừa phỉnh của các đối tượng xấu. Kỷ cũng tin, cũng nghe và làm theo các đối tượng đó.

Mùa A Kỷ nhớ lại, các đối tượng đã vẽ ra một “bức tranh tiên cảnh” về một cuộc sống “không làm cũng có ăn”, “bông lúa to như đuôi trâu”… và rất nhiều thứ viển vông khác… để rồi anh nghe và đi theo chúng sang Lào rồi vỡ mộng khi phải sống chui lủi khổ sở trong rừng.

Ngày hôm nay, khi trở về quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, Mùa A Kỷ vui hơn bao giờ hết vì đã được làm lại cuộc đời, có một công việc mỗi ngày cũng thêm được thu nhập 200 đến 300 nghìn đồng; được chăm sóc mẹ già và con nhỏ, và anh cũng bắt đầu trồng cây thông để sau này bán lấy thân và nhựa, từ đó anh sẽ có tiền để chuyển nhà xuống thị trấn gần trung tâm hơn.

Điểm tựa bình yên cho bản làng

Trở lại bản làng người Mông trên địa bàn huyện Bắc Yên hôm nay, sắc đào đã bung nở báo hiệu một mùa xuân đến sớm, những tuyến đường bê tông chạy từ đầu bản đến cuối bản. Cuộc sống dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tình cảm đoàn kết của đồng bào bao đời nay đã tạo thành động lực vươn lên ở mỗi gia đình.

39-2.jpg -1
Đồng bào Mông vui Tết Nguyên đán, mừng một năm ấm no, hạnh phúc.

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước như: Chương trình 134, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ... Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều đề án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào, trong đó, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Mông...

Để đạt được những thay đổi nhanh chóng, theo ông Mùa A Tu, Trưởng bản, Bí thư Chi bộ bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên: Ngoài các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước được áp dụng và triển khai hiệu quả, đồng bào Mông trên địa bàn đã biết thay đổi từ trong tư duy sản xuất. Nếu như trước kia, tư tưởng của bà con chỉ là sản xuất tự cung, tự cấp, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước... Thì nay, người dân đã biết buôn bán, tuy nhỏ nhưng cũng đã hỗ trợ được phần nào cuộc sống của họ.

Thiếu tá Thào A Phóng, Phó trưởng Công an xã Háng Đồng nhận nhiệm vụ công tác tại xã từ năm 2020 đến nay, bản thân anh cũng là người con của đồng bào Mông, khi chứng kiến những sự đổi thay trên quê hương này, anh vô cùng tự hào và phấn khởi khi bà con đã biết làm giàu, vươn lên thoát nghèo, thoát khỏi cái lầm than lạc lối. Và đó cũng là tâm trạng của Thiếu tá Đinh Văn Quảng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Bắc Yên khi chia sẻ với PV: “Thời gian qua, lực lượng Công an đã thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của các mô hình, tổ An ninh nhân dân, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Gắn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào khác như “Xóa đói giảm nghèo”; Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”; “5 có 5 không”… góp phần đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn”.

Màn đêm dần buông. Chúng tôi chia tay bản làng người Mông khi thấp thoáng những ánh lửa bập bùng trong bếp mỗi gia đình… Đâu đó tiếng đàn môi rộn rã trong lời bài hát “Người Mèo ơn Đảng”: “Đây rừng núi lưng đèo người Mèo ca hát; Sao còn sáng trên trời người Mèo ơn Đảng; Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi; Từ đây dân Mèo sống chung; bản Mèo vui trong tiếng khèn; người Mèo ơn Đảng suốt đời…”.

Cao Thiên – Trung Hiếu
.
.