Chuyện phòng, chống dịch COVID-19 ở địa bàn quận có 42 chốt kiểm soát

Thứ Sáu, 06/08/2021, 08:00

Quán triệt chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tranh thủ 15 ngày "thời điểm vàng" để khống chế, kiểm soát dịch, chặn nguồn lây, những ngày qua, lực lượng Công an Thủ đô đã tỏa ra các chốt, phối hợp UBND các phường, lực lượng y tế, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, thanh niên tình nguyện... làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT, kiểm soát người và phương tiện.

Sau 10 ngày, tình trạng người dân ra đường khi không thực sự cần thiết đã giảm, góp phần ngăn dịch lây lan diện rộng...

Xử phạt hơn 1.000 trường hợp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng

chuyen-phong-chong-dich-1.jpg -0
 

Công an quận Đống Đa phối hợp các lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch ở chốt trước số nhà 36 Hoàng Cầu.

Tại trụ sở Công an quận Đống Đa sáng 2/8, Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận cho biết, ngay sau khi Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội được ban hành, căn cứ thực tế tình hình, Ban Chỉ huy Công an quận đã tham mưu UBND quận Đống Đa chỉ đạo các phường thành lập 42 chốt kiểm soát liên ngành để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

"Chúng tôi yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thực hiện quyết liệt; linh hoạt, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiểu, đồng tình, ủng hộ, chấp hành nghiêm quy định về giãn cách xã hội, đồng thời cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm", Trưởng Công an quận Đống Đa nhấn mạnh.

Cùng với đó, Công an quận Đống Đa thành lập các tổ tuần tra kiểm soát lưu động việc chấp hành giãn cách xã hội trên địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn nhằm ngăn chặn việc phát tán dịch bệnh COVID-19; kiểm tra việc chấp hành phòng, chống dịch và xử lý y tế (kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử trùng phương tiện khi cần thiết...). Các chốt lập barie, biển thông báo và được phép dừng các loại phương tiện tham gia giao thông ra, vào khu vực để kiểm tra; tập trung xử phạt các vi phạm đang diễn ra phổ biến như: không đảm bảo khoảng cách tối thiểu, không đeo khẩu trang, tập trung quá 2 người ngoài công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; ra đường trong các trường hợp không thực sự cần thiết...

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Đại tá Võ Hồng Phương và các đồng chí Phó trưởng Công an quận hằng ngày trực tiếp tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các phường và việc thực hiện nhiệm vụ của các chốt kiểm soát theo địa bàn được giao phụ trách. Đội trưởng các đội nghiệp vụ hằng ngày kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các phường và các chốt kiểm soát theo sự phân công, đôn đốc CBCS tham gia tổ công tác chủ động phối hợp Công an các phường thực hiện nghiêm nhiệm vụ. Đồng thời, Công an quận Đống Đa cũng duy trì nhóm Zalo gồm các cán bộ chủ chốt tham gia phòng, chống dịch, kết nối với các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của quận và các phường, Ban Chỉ đạo 197 (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND) các phường.

Nhờ vậy, sự chỉ đạo, điều hành được thông suốt, kịp thời, vướng chỗ nào được tháo gỡ ngay chỗ đó. Dù ở mỗi chốt đã bố trí 2 cán bộ Công an phường, phối hợp cán bộ UBND phường, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, cán bộ y tế, song thực tế công việc đòi hỏi chia ca để đảm bảo ứng trực 24/24h nên Công an quận Đống Đa đã quyết định tăng cường 84 CBCS từ các đội nghiệp vụ cho 42 chốt kể từ ngày 27/7. Do quyết liệt, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, từ ngày 24/7 đến 2/8, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với các đơn vị chức năng xử phạt hơn 1.000 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu các lỗi: ra đường không lý do 880 trường hợp, không đeo khẩu trang nơi công cộng 166 trường hợp...

Đặc biệt, Công an quận Đống Đa xử phạt một cửa hàng ở phường Phương Mai vẫn mở cửa kinh doanh bất chấp lệnh cấm 15 triệu đồng; xử phạt một cửa hàng không chấp hành quy định phòng, chống dịch ở phường Văn Miếu 5 triệu đồng; xử phạt một quán Internet 7,5 triệu đồng; xử phạt một người dân thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội Facebook 7,5 triệu đồng...

Nhiều người dân dùng "giấy đi đường" để đối phó

Theo chân Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, tôi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch trước số nhà 36 Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Lúc này, phương tiện qua lại khá đông nên tổ công tác làm nhiệm vụ liên tục ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.

Trung tá Nguyễn Phúc Hà, Phó trưởng Công an phường Ô Chợ Dừa thừa nhận, mấy ngày đầu lực lượng làm nhiệm vụ gặp khó khăn nhất định khi người dân chưa hiểu hết quy định của Chỉ thị 17, do đó các anh chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở. Sau đó người dân dần nắm rõ quy định, ý thức hơn.

chuyen-phong-chong-dich-2.jpg -0
 Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng Công an quận Đống Đa cùng tổ công tác kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

"Nhiều trường hợp ra đường với lý do không chính đáng nên chúng tôi tiến hành xác minh. Nếu qua xác minh thấy vi phạm thì xử lý theo quy định. Trong 10 ngày qua, phường Ô Chợ Dừa đã xử phạt 135 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng và không đeo khẩu trang. Qua tuần tra kiểm soát đã xử lý 100 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, đi xe kẹp ba, kẹp bốn", Trung tá Nguyễn Phúc Hà thông tin.

Trong khoảng nửa tiếng ghi nhận tại chốt, lực lượng chức năng ở đây cũng đã xử phạt 2 trường hợp ra đường khi không thực sự cần thiết. "Có người dân nhà ở Bắc Từ Liêm, công ty ở Cầu Giấy mà lại đi sang địa bàn quận Đống Đa, giấy tờ xuất trình lại theo mẫu cũ nên chúng tôi đã xử phạt 1 triệu đồng vì ra đường trong trường hợp không thật sự cần thiết", nữ cán bộ Công an phường Ô Chợ Dừa cho hay.

Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch trước nhà số 4 phố Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), Thiếu tá Đào Ngọc Trung, Trưởng Công an phường Trung Liệt đang cùng CBCS làm nhiệm vụ dừng xe kiểm tra những người dân lưu thông qua khu vực này. Mồ hôi đã ướt đẫm những bộ quân phục, lăn dài trên khuôn mặt bịt kín bởi khẩu trang và kính chống giọt bắn.

"Trong sáng 2/8, chúng tôi xử lý 6 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. Nhiều người lấy cớ đi thăm người ốm, mua đồ ăn... nhưng thực chất là đi việc khác, khi bị kiểm tra thì đối phó. Chẳng hạn, có người hộ khẩu ở quận Ba Đình nhưng đến quận Đống Đa đi chợ, hay đi chợ không theo thời gian ghi trên giấy", anh lấy ví dụ.

Theo Trung úy Nguyễn Duy Khiêm, cán bộ Tổ trật tự Công an phường Trung Liệt trực chốt chính ở đây, anh luôn ý thức bản thân phải chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND, giữ gìn tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. "Chúng tôi luôn xác định khi tiếp xúc với người dân phải bằng thái độ "mềm mỏng nhưng cương quyết", tránh gây bức xúc cho người dân, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động là chính, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp chống đối, cố tình vi phạm", anh dứt lời rồi tiếp tục làm nhiệm vụ dưới tiết trời về trưa càng nắng nóng gay gắt.

Trực tiếp kiểm tra, động viên CBCS làm nhiệm vụ ở các chốt, Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt cũng giải thích cho nhiều người dân hiểu lý do vì sao họ có "giấy đi đường" song vẫn bị xử phạt, bởi nhiều giấy tờ không đúng mẫu quy định của UBND TP Hà Nội; hoặc nhiều giám đốc doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu vẫn ký giấy cho nhân viên đi làm việc cả tuần; nhiều trường hợp không chứng minh được tính cấp thiết của việc phải ra đường...

"Công an quận Đống Đa đã quán triệt và hướng dẫn hết sức chi tiết với các lực lượng ở các chốt, trong quá trình làm nhiệm vụ phải nắm chắc quy trình để xử lý, tác phong, thái độ đúng mực. Chúng tôi rất mong người dân chia sẻ với lực lượng Công an ở các chốt, chỉ đi ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết để đảm bảo giãn cách xã hội và góp phần cùng Thủ đô phòng, chống dịch", Phó trưởng Công an quận Đống Đa bày tỏ.

Quỳnh Vinh
.
.